Suy niệm về

ÐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

 

Bài XI

 

KHIÊM TỐN (1)

 

"Ðừng đi quá mức khi đánh giá mình"

(Rm 12,3)

 

Ở vùng biển, người đi mò ngọc trai lặn xuống nước để tìm ngọc quý, có một kinh nghiệm đặc biệt. Anh cố lặn sâu xuống, nhưng nước lại đẩy anh lên. Chúng ta biết định luật Archimède về sức đẩy của nước từ dưới lên.Vật thể càng nặng, khối càng to, thì lượng nước tách ra càng lớn. Vì vậy, sức đẩy lên trên càng mạnh, như thể muốn đưa anh ta lên lại mặt nước. Nhưng anh vẫn cố lặn xuống vì sinh kế. Quả là vất vả. Nhưng anh sẽ vui mừng biết bao khi nhìn thấy hạt ngọc trong vỏ trai dưới đáy biển.

 

Việc tìm kiếm sự khiêm tốn cũng giống như việc tìm kiếm của người mò ngọc trai. Phải lặn xuống dưới, xuống mãi tới đáy, tới chỗ mà sự thật về con người của chúng ta nằm ở đó. Và cũng có một sức mạnh, mạnh hơn sức nước biển, sức mạnh của kiêu căng, tìm cách đẩy chúng ta trồi lên, đưa chúng ta lên trên chính mình và trên người khác. Thế nhưng hạt ngọc ở dưới đáy, nằm trong vỏ trai của tâm hồn ta, lại quá quý giá, khiến ta không bỏ cuộc, nếu không muốn thất bại.

 

Phải vượt qua khu vực ảo tưởng cho mình là lớn, để đi tới hữu thể đích thực của ta, con người thật của ta. Vì, như thánh Phanxicô Assisi nói, "con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy, không hơn"

 

Con người có hai cuộc đời, một cuộc đời thật, một cuộc đời tưởng tượng. Cuộc đời tưởng tượng xây dựng bằng ý kiến của mình hay dư luận của người khác. Chúng ta thường cố làm đẹp và gìn giữ con người tưởng tượng của ta, và làm ngơ với con người thật. Có được một nhân đức hay một công trạng nào, thì tìm hết cách này cách khác làm cho người ta biết đến, càng sớm càng tốt, để được ca ngợi, để trở thành có giá trước mặt người khác. Chúng ta dùng nhân đức hay công trạng đó để làm phong phú cho con người tưởng tượng của ta.

 

Thế nên, tìm kiếm sự khiêm tốn là tìm kiếm cho chính hữu thể, tìm kiếm sự trung thực. Ðây là điều liên hệ đến con người nói chung, chứ không riêng gì cho người kitô hữu. Khiêm tốn là điều có tính cách nhân vi. Những từ la tinh để chỉ về con người (homo) và khiêm tốn (humilitas) phát xuất từ một gốc có nghĩa là đất (humus). Con người được tạo dựng bởi đất, phải biết hạ mình xuống đất. Phải biết khiêm tốn.

 

Triết gia Nietzsche, người Ðức, hăng hái đả kích luân lý kitô giáo, vì luân lý này rao giảng sự khiêm tốn. Ông đã đụng chạm đến một trong những ân huệ đẹp nhất mà luân lý kitô giáo đem đến cho thế giới.

 

Phần chúng ta, hãy tin tưởng vào người hướng dẫn bảo đảm nhất là lời Chúa. Nhờ quyền năng của Thần Khí, lời Chúa giúp ta trở thành những người mò ngọc trai. Chúng ta không thể và không muốn điều gì khác hơn là tìm viên ngọc quý trong vỏ trai.

1. Thế nào là khiêm tốn?

 

* Lời của Phaolô khuyên chúng ta sống bác ái không giả hình xen giữa hai lời khuyên vắn về sự khiêm tốn. Hai lời khuyên này như sau: "Ðừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tuỳ theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho. Ðừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan" (Rm 12,3.16).

 

Ðây không phải là những lời khuyên về sự chừng mực, vừa phải. Phaolô muốn mở ra một chân trời rộng lớn về sự khiêm tốn. Ngài đã công nhận bác ái có một giá trị nền tảng hàng đầu. Ngài cũng công nhận khiêm tốn có một giá trị nền tảng, ít nhất cũng đứng liền sau bác ái. Ðây là hướng thứ hai mà chúng ta phải thực hành, để canh tân đời sống trong Thần Khí.

 

Muốn thực hành điều này, phải dựa vào lời Chúa, phải đọc lời Chúa. Ðọc, có thể đọc điều trước dựa vào điều sau, đọc hình bóng dựa vào thực tại, đọc Cựu ước dựa vào Tân ước, hoặc đọc theo tiến trình ngược lại. Cách đọc đó gọi là cách đọc dựa trên sự liên tục của Kinh Thánh (diachronique). Lại cũng có thể đọc mỗi phần dựa vào toàn bộ, đọc mỗi lời hay mỗi đoạn trong tương quan với các lời khác của Kinh Thánh về cùng một đề tài, vì biết rằng Thần Khí linh hứng lời này cũng linh hứng lời kia. Cách này gọi là đọc dựa trên sự duy nhất của Kinh Thánh, trên tổng thể của Kinh Thánh (synchronique). Cũng như người sành nghe nhạc nhận thấy ngay những dấu nhạc nào hài hoà với nhau, cũng vậy, đối với người quen đọc Kinh Thánh, mỗi một lời đều nhắc nhớ những lời khác bổ túc cho lời này, hoặc cùng với lời này tạo nên một sự duy nhất. Như vậy, từng lời Chúa rất cô đọng. Ðọc theo cách này thì không có phương pháp nào bảo đảm và hữu hiệu hơn bằng cách đọc chính bản văn Kinh Thánh.

 

Ðối với những câu trong thư Rôma nêu trên, chúng ta có thể liên tưởng đến những đoạn hài hoà khác trong cả Cựu ước lẫn Tân ước. Trong Cựu ước chẳng hạn, có đoạn văn trong sách Huấn ca: "Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Ðức Chúa. Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Ðừng tìm những gì khó quá đối với con. Những điều vượt sức con, con đừng xét tới" (Hc 3,17-21). Còn trong Tân ước, bản văn Rôma chắc chắn làm ta nhớ đến dụ ngôn và lời Chúa khuyên các môn đệ đừng chọn chỗ nhất trong bữa tiệc, nhưng chọn chỗ cuối, để kết thúc bằng lời quen thuộc: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14,11). Ðời sống cộng đồng kitô giáo nói trong thư Rôma chính là bữa tiệc của dụ ngôn. Chính trong bữa tiệc này mà các tín hữu được mời gọi thực hành lời Chúa dạy: đừng tìm chỗ trên hay địa vị trổi vượt, nhưng nếu có thể, thì chọn chỗ dưới.

 

Như vậy, Phaolô áp dụng cho cộng đồng Rôma lời giáo huấn truyền thống của Kinh Thánh về sự khiêm tốn, là giáo huấn luôn được diễn tả bằng những kiểu nói: tôn mình lên, hạ mình xuống, hướng lên cao, hướng xuống thấp. Người ta có thể khát vọng những điều quá cao bằng trí khôn, nhưng lại không biết rằng trí khôn có hạn, và không lưu ý tới lời vị Tông Ðồ giảng dạy. Người ta cũng có thể khát vọng những điều quá cao bằng ý muốn, với tham vọng có được quyền cao chức trọng. Phaolô nhìn đến cả hai hình thức trên đây. Lời của ngài bao trùm cả hai: cáo giác sự tự phụ của trí khôn và tham vọng của ý muốn.

 

* Khi lặp lại giáo huấn của Kinh Thánh về sự khiêm tốn, Phaolô nêu lên một phần lý do mới mẻ và độc đáo của nhân đức này, làm cho giáo lý của Kinh Thánh về sự khiêm tốn tiến thêm một bước.

 

Theo Cựu ước, lý do biện minh cho sự khiêm tốn là từ phía Thiên Chúa. Ðây là lý do thần học. Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm tốn (Kn 3,34; G 22,29). Tuy nhiên, Kinh Thánh không cho biết tại sao Thiên Chúa làm như thế, tại sao Ngài lại tôn người khiêm tốn và hạ kẻ kiêu căng. Các dân tộc khác đã đưa ra những cách giải thích khác nhau, chẳng hạn Thiên Chúa làm thế là vì ghen tương, hoặc cho rằng đó thuần tuý chỉ là do ý của Thiên Chúa muốn phạt sự kiêu căng của con người.

 

Riêng Phaolô đưa ra khái niệm về sự thật. Ngoài lý do thần học, ngài thêm một lý do khác từ phía con người, tạm gọi là lý do nhân học. Thiên Chúa yêu người khiêm tốn, vì họ ở trong sự thật. Ðó là một con người thật. Ngài phạt kẻ kiêu căng vì kiêu căng là dối trá. Tất cả những gì nơi con người không phải là khiêm tốn, đều là dối trá.

 

Vì không biết như thế nên các triết gia hy lạp, dù ca ngợi hầu như mọi nhân đức, lại không biết đến đức khiêm tốn. Theo họ, khiêm tốn luôn có một nghĩa tiêu cực chỉ sự thấp hèn, ti tiện, nhát đảm. Có hai ý tưởng giúp cho người ta liên kết khiêm tốn với sự thật, thì họ lại không được biết. Ðó là ý tưởng về tạo dựng và ý tưởng về tội lỗi. Theo ý tưởng về tạo dựng, tất cả những gì tốt đẹp nơi con người đều từ Thiên Chúa. Còn theo ý tưởng của Kinh Thánh về tội, tất cả những gì sai lầm và xấu xa về phương diện luân lý nơi con người đều từ con người, từ sự tự do của con người. Cả do điều tốt lẫn do điều xấu được nhận ra nơi mình, mà con người Kinh Thánh được thúc đẩy đi tới chỗ khiêm tốn.

 

Sự thật là một yếu tố mới, được Phaolô nêu ra, liên hệ đến sự khiêm tốn. Tuy mối liên hệ giữa khiêm tốn và sự thật chưa thấy có trong bản văn Cựu ước, kỳ thực nó đã được sống rồi. Ðan cử một ví dụ. Chính ý thức "khiêm tốn là sự thật" đã gợi hứng cho tác giả Thánh vịnh nói lên: "Con biết tội mình đã phạm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan" (Tv 50/51).

 

* Theo Phaolô, người nào hiểu khiêm tốn là sự thật, người đó là người khôn ngoan, biết chừng mực. Phaolô cũng khuyên các tín hữu đừng có một ý tưởng sai lầm và phóng đại về mình, phải biết đánh giá đúng về mình. Kiểu nói "hãy đánh giá mình cho đúng mức" cũng tương đương với kiểu nói "ham thích những gì hèn mọn". Qua đó, Phaolô muốn nói: người ta khôn khi khiêm tốn, và người ta khiêm tốn khi khôn. Biết hạ mình là tiến đến gần sự thật.

 

Tuy vậy, lý do gọi là nhân học cũng đồng thời là một lý do thần học, vì không chỉ liên hệ đến con người, mà cả đến Thiên Chúa nữa. Gioan nói: "Thiên Chúa là ánh sáng" (Ga 1,5). Là ánh sáng cũng là sự thật, và chỉ gặp gỡ con người trong sự thật. Thiên Chúa ban ơn cho người khiêm tốn, vì chỉ người khiêm tốn mới có thể biết và nhận ân sủng của Ngài.

 

Thánh nữ Têrêxa Giêsu viết: "Một ngày nọ, tôi đã tự hỏi vì sao Chúa yêu thích sự khiêm tốn đến thế. Bất chợt, không cần suy nghĩ, tôi có ý tưởng này: đó là vì Ngài là Chân lý tối cao và vì sự khiêm tốn là chân lý". Vậy là thánh nữ cũng đi đến kết luận như Phaolô. Thiên Chúa đã thông truyền cho thánh nữ chân lý lời Ngài không bằng con đường chú giải suy luận, nhưng bằng con đường minh chiếu bên trong.

 

2. Sự hư vô của ta

 

* Chúng ta đã bắt đầu lặn xuống đáy, đi tới chỗ có hạt ngọc quý. Phaolô không để ta vất vưởng đâu. Một số câu ngắn của ngài, tuy viết trong các thư khác, nhưng cùng nằm trong dòng tư tưởng này, còn giúp ta khám phá thêm chân lý.

 

Một trong những câu đó là: "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh" (1Cr 4,7). Có một điều trừ. Một điều duy nhất chúng ta không nhận lãnh từ Thiên Chúa, một điều hoàn toàn là của ta. Ðó là tội. Tôi biết và cảm thấy rằng tội là từ tôi, có nguồn gốc nơi tôi, hoặc ít nhất nơi con người và thế giới, chứ không phải nơi Thiên Chúa. Còn tất cả những cái khác, kể cả việc tôi biết tội là do tôi, tôi đều nhận lãnh từ Thiên Chúa.

 

Phaolô còn viết một câu khác: "Ai tưởng mình là gì, mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình" (Gl 6,3). Phaolô muốn nói: muốn đánh giá đúng về mình, phải thừa nhận sự hư vô của mình. Người khiêm tốn là người biết thừa nhận như vậy. Hạt ngọc quý là xác tín rằng mình chẳng là gì, chẳng thể nghĩ gì, chẳng làm được gì. Ðức Giêsu đã nói: "Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được" (Ga 15,5). Phaolô thêm: "Không phải vì tự chúng tôi, chúng tôi có khả năng, để nghĩ rằng mình làm được gì." (2Cr 3,5). Khi nào có dịp, có thể dùng một trong hai câu trên đây như lưỡi gươm của Thần Khí, để cắt đứt một cám dỗ về sự khiêm tốn. Vì quả thực, người ta cảm nghiệm được hiệu năng của lời Chúa, khi áp dụng lời Chúa cho mình hơn là cho người khác.

 

Sao Phaolô lại cho rằng con người không là gì cả, trong khi Kinh Thánh ca ngợi con người "chẳng thua kém thần minh là mấy", được "ban vinh quang danh dự", và Thiên Chúa "đặt muôn loài muôn sự dưới chân" con người? (Tv 8). Trên bình diện tạo dựng thì như vậy, còn trên bình diện cứu độ thì chính Phaolô cũng quả quyết là chúng ta "đã trở nên phong phú về mọi phương diện", "không thiếu một ân huệ nào" (1Cr 1,5-7). Chúng ta là con cái Thiên Chúa, "đồng thừa kế với Ðức Kitô" (Rm 8,17). Phải chăng Phaolô mâu thuẫn với Kinh Thánh và với chính mình? Không mâu thuẫn đâu. Chính những cái có trên đây càng đòi ta khiêm tốn. Con người không có gì cho mình, không có gì để vênh vang, vì tất cả đều do Chúa, tất cả đều là của Chúa, tất cả đều là ân sủng. Sự khiêm tốn loại trừ thái độ vênh vang của con người, chứ không loại trừ ý thức của con người về những gì đã lãnh nhận, cũng như sự biết ơn của con người về những điều đó.

 

* Bằng cách này, chúng ta đi dần tới chỗ khám phá ra bản chất đích thực của sự hư vô của mình. Lời Chúa muốn nói với chúng ta điều gì? Muốn ta thừa nhận rằng ta thật sự không có gì mà lại kiêu căng, không là gì cả mà lại tưởng mình to lắm. Chúng ta lãnh nhận mọi sự từ Chúa, nhưng lại tự phụ, hoặc bị cám dỗ tự phụ, là không lãnh nhận từ Chúa một điều gì đó.

 

Ðây không phải là trường hợp của một số người, nhưng là chung cho mọi người. Chính Phaolô, khi thăm dò tận đáy lòng mình, đã tự thú: "Tôi thấy một luật khác. luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi. Tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?" (Rm 7,14-25). Luật nào vậy? Tội nào vậy? Với Phaolô, luật khác này, tội lỗi này tiên vàn là sự vênh vang, kiêu căng, khoe khoang, tự phụ.

 

Bởi vậy, chúng ta khám phá thấy gì nơi mình khi xuống tới đáy vực? Khiêm tốn không thấy, mà chỉ thấy sự kiêu ngạo, kiêu ngạo do lỗi của ta. Tuy nhiên, biết khám phá như thế đã là khiêm tốn, vì biết nhận ra sự thật. Rồi dựa vào lời Chúa và ơn Chúa, chúng ta thấy lại và xác tín về con người thật của mình: mình không là gì hết, nhưng lại kiêu căng. Biết như vậy rồi, chúng ta sẽ không còn nhìn đến khuyết điểm và lỗi lầm của người khác nữa, và có thể nhờ ơn Chúa cũng như sự cố gắng của mình mà thực hiện điều Phaolô nói, là "coi người khác hơn mình" (Pl 2,3), hoặc ít ra hiểu được tại sao các thánh lại có thể thực hiện được điều trên đây.

 

Ðược như vậy là chúng ta đã chiến thắng một trong những điếu xấu mà ngay cả khoa tâm lý hiện đại cũng coi là độc hại cho con người. Ðiều xấu này là mê mình quá đáng (narcissisme).

 

* Một tâm hồn khiêm tốn còn là nơi Thiên Chúa viếng thăm, và hẳn là nơi Ngài rất thích, vì nơi đó toả ánh sáng chân lý.

 

Thuở tạo dựng, lúc tổ tông chưa phạm tội kiêu ngạo, Sách Thánh nói là Ngài thích đến và đi dạo trong vườn Ðịa đàng. Tâm hồn nào khiêm tốn, Ngài cũng thích đến và đi dạo trong đó. Trong Isaia (66,1tt), chúng ta được nghe một bài độc thoại của Thiên Chúa. Ngài nhìn trời và nói: trời là ngai của Ta. Rồi nhìn đất: đất là bệ dưới chân Ta. Nhưng rồi Ngài tiếp: các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi? Thì chính Ngài trả lời: những vật ấy, chính tay Ta làm, kẻ được Ta đoái nhìn, đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ." Người có tâm hồn tan nát chính là người khiêm tốn. Người đó không những được Thiên Chúa đoái nhìn, nhưng còn là chỗ Ngài đến nghỉ ngơi. Trong Isaia còn có lời khác của Thiên Chúa: "Ta vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung" (Is 57,15). Lại cũng chính người khiêm tốn được Thiên Chúa thương hỗ trợ.

 

Mọi sự trong vũ trụ đều thuộc về Chúa. Không một điều gì, ở bất cứ nơi nào, là mới mẻ đối với Ngài. Mọi sự đã được tay toàn năng Chúa tác tạo. Thế nhưng có một cái mà sự toàn năng này không thể làm hoặc không muốn làm, đó là một tâm hồn khiêm tốn nhận biết tội lỗi và khuyết điểm của mình. Ðể làm được như thế, cần có sự cộng tác của con người, một con người có tự do. Ðối với Chúa, mỗi một tâm hồn khiêm tốn đều là một sự mới mẻ, một sự lạ lùng, làm cho Ngài vui sướng. "Một tấm lòng tan nát dầy vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê", Thánh vịnh (50/51,13) nói như vậy. Ngược lại, Ngài còn mạc khải những bí mật của mình cho họ (Hc 3,19). Thật đúng như sau này Ðức Giêsu nói là Thiên Chúa giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn (Mt 11,25). Người khiêm tốn thuộc vào số bé mọn này. Và bí mật lớn nhất mà Thiên Chúa mạc khải cho họ, chính là Ðức Giêsu.

 

3. Sự khiêm tốn của Ðức Maria

 

* Phúc âm cho thấy một mẫu gương tuyệt vời về sự khiêm tốn: Ðức Maria. Trong lời kinh Magnificat, Ðức Maria ca ngợi Thiên Chúa đã nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn. Khi nói về sự hèn mọn của mình, Người không có ý nói về sự khiêm nhường của mình đâu, nhưng là nói đến thân phận thực sự hèn mọn của mình, thuộc vào số những người hèn mọn nghèo khó trong Kinh Thánh. Việc Người minh nhiên nhắc đến bài ca của bà Anna, mẹ Samuel (1Sm 1,11), cho thấy điều đó (Ðức Maria sử dụng cùng một từ có nghĩa là lầm than, son sẻ, thân phận thấp hèn). Chứ ở đây không phải Người ý thức về sự khiêm tốn của mình . Làm sao Người dám ca ngợi sự khiêm tốn của mình? Tự cho mình là khiêm tốn thì còn khiêm tốn nỗi gì? Ðó là kiêu ngạo. Và làm sao ta dám nghĩ Người coi việc Thiên Chúa tuyển chọn mình là do mình khiêm tốn? Việc tuyển chọn hoàn toàn là do ý Thiên Chúa, là ơn nhưng không của Thiên Chúa, chứ đâu phải vì Mẹ khiêm tốn. Hơn nữa, nghĩ như thế là không hiểu được cả cuộc đời của Mẹ.

 

Thế mà có người vẫn thiếu thận trọng, cho rằng ở chỗ này, Mẹ không ca ngợi nhân đức nào hơn là đức khiêm nhường của mình, như thể nói thế là làm cho Mẹ được vinh dự. Ngược lại thì có. Ðã không vinh dự, còn tác hại lớn cho nhân đức này. Ðức khiêm nhường có một quy chế rất đặc biệt: người ta có nó khi không tưởng rằng mình có nó, người ta không có nó khi tưởng rằng mình có nó. Chỉ mình Ðức Giêsu mới có thể nói mình "có lòng khiêm nhượng" (Mt 11,29), và thực sự Ngài là thế. Ðó là đặc tính duy nhất, vô song của sự khiêm nhường nơi Ngài..

 

* Như vậy, Ðức Maria không có sự khiêm nhường sao? Chắc chắn có, vượt bực là khác. Nhưng điều này, chỉ mình Thiên Chúa biết. Hương thơm của nó chỉ mình Thiên Chúa nhận ra, chứ người toả hương thơm ấy cũng không nhận ra. Theo Kinh Thánh, chữ "khiêm tốn" có hai nghĩa cơ bản. Một nghĩa khách quan, chỉ sự hèn mọn hoặc lầm than thực tế. Một nghĩa chủ quan, chỉ ý thức về sự hèn mọn. Ðức Maria đã nói lên lời khiêm tốn khách quan (mình hèn mọn thực). Thiên Chúa lắng nghe lời ấy theo nghĩa chủ quan (biết Ðức Maria khiêm tốn). Mầu nhiệm cao cả của sự khiêm tốn là ở đó. Dĩ nhiên ở đây, Ðức Maria cũng có "công trạng" chứ, công trạng ở chỗ biết mình chẳng có công trạng gì.

 

Chúng ta cũng có thể thấy sự khiêm tốn kiểu trên trong cuộc đời của nhiều vị thánh. Một hôm, có một người bạn hỏi Phanxicô Assisi xem làm sao mà mọi người đều chạy theo ngài, và muốn thấy ngài như vậy. Phanxicô trả lời: đó là vì Thiên Chúa không thấy ai xấu xa hơn ngài, không ai tội lỗi hơn ngài. Ðấng thánh nghĩ rằng người ta tò mò muốn xem một tội nhân, nhưng dân chúng lại tò mò muốn xem một thánh nhân. Thánh Bênađô thì nói đơn sơ như sau: "Người thực sự khiêm tốn luôn muốn được coi là xấu xa, chứ không muốn được tuyên dương là khiêm tốn".

 

Ðức Maria khiêm tốn trong cả cuộc đời, cho dù gặp bao nhiêu khó khăn thử thách. Ta có thể nhận ra điều này trong cách Người theo dõi con mình: yên lặng, xa xa vậy. Thậm chí không muốn đứng ở hàng đầu để nghe Ðức Giêsu giảng cho dân, mà còn đứng ở ngoài nữa, đến nỗi phải nhờ người khác xin với Chúa để được gặp (Mt 12,46tt).

 

Dù là Mẹ Chúa, Ðức Maria không coi việc ở gần Chúa như ở gần một kho tàng dành riêng cho mình. Người từ bỏ mình, nhận thân phận một nữ tỳ, giống mọi phụ nữ khác. Lời khuyên của Phaolô được áp dụng cách hoàn hảo nơi Mẹ. Mẹ không ước vọng những điều cao sang, chỉ hài lòng với những gì hèn mọn.

 

4. Khiêm tốn và những điều tủi hổ

 

Ðức Maria khiêm tốn, nhưng không phải không chịu những tủi hổ. Còn chúng ta thì sao? Có thể nói, chúng ta mới biết ít nhiều giáo huấn về sự khiêm tốn, chứ chưa có sự khiêm tốn. Ta có thể biết mình khiêm tốn tới mức nào, khi không phải chính ta nhìn nhận những sai lỗi và khuyết điểm của ta, nhưng là người khác nhìn nhận ta có những sai lỗi khuyết điểm. Ta biết mình khiêm tốn tới mức nào khi không những chính ta nhận xét về con người thật của ta, mà còn vui lòng để người khác cho ta biết về con người thật của ta. Nói cách khác, khiêm tốn là khi để cho người khác nhận xét, sửa chữa, phê bình lầm lỗi của ta, khi người khác làm cho ta tủi hổ.

 

Ai tự phụ có thể dùng phương tiện riêng để dẹp bỏ kiêu căng, mà không có người khác can thiệp bên ngoài, người đó giống như người dùng tay của mình mà đánh mình. Sức mấy mà tự làm cho mình đau! Hoặc giống như người lấy cây kim tự tay khêu cái dằm đâm vào ngón tay. Ðộng một chút là thấy nhói, là rụt. Mầy mò mãi, cái dằm vẫn còn đó. Phải nhờ người khác. Nhiều người có thể tự thú mọi lỗi lầm của mình, lỗi thật cũng có, lỗi tưởng tượng cũng có, rất chân thành là khác, chẳng hạn trong toà giải tội hay khi cầu nguyện, nhưng vừa có ai đụng đến lỗi của họ, có khi chỉ một phần lỗi đó thôi, là họ có thể nổi tam bành lên, hoặc oán hận ấm ức, buồn phiền dai dẳng.

 

Cho nên, còn phải vượt qua nhiều đoạn đường mới có thể đi tới chỗ khiêm tốn thật sự.

 

Cũng có thể điều tủi hổ không do người khác gây ra, mà do chính ta vô ý gây ra cho mình. Chẳng hạn, khi nói chuyện hay tranh luận với ai, ta lỡ mồm lỡ miệng nói ra một điều gì đó, bây giờ nghĩ lại thấy chẳng hay ho gì, đã không làm cho ta vinh dự, lại còn cho thấy sự xấu xa bên trong của ta. Chúng ta muốn giả như đừng bao giờ nói như thế. Nếu hối tiếc vì lời đó gây gương xấu hoặc xúc phạm đến người khác, thì hối tiếc là điều tốt, và có thể là cơ hội giúp ta sửa mình. Nhưng hối tiếc chỉ vì sợ mất tiếng tốt của ta, lại là chuyện khác. Tức là chúng ta hối tiếc vì mình đã tỏ ra xấu, chứ không phải vì mình thực sự là người xấu. Chúng ta chưa khiêm tốn đủ, vì không thích sự thật, mà chỉ thích tiếng tốt. Cứ vui lòng chấp nhận điều đã xẩy ra, dù điều này có làm cho ta tủi hổ. Như thế tránh được ảo tưởng mình là con người tốt, con người thập toàn.

 

* Cũng có khi không phải những điều làm ta tủi hổ, nhưng chính những lời tán dương tâng bốc cho ta thấy mình khiêm tốn hay không. Bình thường, được khen thì ai cũng thích. Ðó là phản ứng tự nhiên, tình cảm tự nhiên. Nhưng phổng mũi lên, tỏ ra dương dương tự đắc, lại có thể là dấu kiêu ngạo. Phải biết lắm khi đó chỉ là những lời khen ngoại giao, có một khen mười. Cứ dựa vào đó rồi tưởng mình được y như lời khen. Có mà chết!

 

Nhưng nguy hiểm hơn, chính là tìm cách để được khen, nói hay làm một điều gì đó cho người khác để được tiếng khen. Như vậy là tìm vinh quang cho mình. Dù có được vinh quang này đi nữa, cũng chỉ là vinh dự hão huyền, là hư danh. Thế nhưng hậu quả của nó có thể đáng sợ. Người tìm kiếm vinh danh riêng cho mình thậm chí đi đến chỗ không thể có lòng tin. Ðức Giêsu nói với người biệt phái: "Các ông tôn vinh lẫn nhau, và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?" (Ga 5,44). Khi còn bám víu vào những ý nghĩ và ước muốn vinh quang của con người, hãy nhớ lời Chúa nói: "Tôi không tìm vinh quang cho mình" (Ga 8,50). Hãy lặp lại lời đó cho mình. Nó có thể giúp ta xua tan những ý nghĩ và ước muốn như thế.

 

Ngoài ra, không tìm vinh quang cho mình, không tìm tiếng khen, vẫn chưa đủ đâu. Còn phải chấp nhận sẵn sàng sống mà không có vinh quang. Cứ xem gương Ðức Giêsu. Không những Ngài không tìm vinh quang cho mình, mà còn chấp nhận để người ta phá huỷ vinh quang của Ngài, chấp nhận để người ta "khinh khi ruồng rẫy" (Is 53,3). Ngài "chẳng nề chi ô nhục" (Dt 12,2). Ðể được thế, ta phải tập quen với ý tưởng sống mà không được ai lưu ý, không được ai coi trọng, không được ai ca tụng.

 

* Chiến đấu để sống khiêm tốn là một cuộc chiến đấu suốt cả đời người, trong mọi khía cạnh của cuộc đời. Sự kiêu căng có thể tiềm tàng dướí mọi hình thức. Không giống với những nết xấu khác, không phải điều xấu cho bằng chính điều tốt lại là chỗ thuận lợi cho loại vi khuẩn kiêu căng phát triển.

 

Pascal viết: "Sự kiêu ngạo cắm sâu trong lòng con người, đến nỗi một người lính, một tên đểu cáng, một người làm bếp, một phu khuân vác cũng kiêu ngạo, muốn có người thán phục mình, ngay cả các triết gia cũng muốn điều đó."

 

Hư danh có thể biến cố gắng khiêm tốn của ta thành một hành vi kiêu ngạo. Nhưng dựa vào ơn Chúa, ta có thể thắng trong cuộc chiến đấu này. Nếu con người cũ của ta biến hành vi khiêm tốn thành hành vi kiêu ngạo thì, nhờ ơn Chúa, nhở ơn thông hiểu của Thánh Thần, ta hãy biến hành vi kiêu ngạo thành hành vi khiêm tốn, bằng cách thừa nhận rằng đó là hành vi kiêu ngạo, thừa nhận rằng ta chẳng là gì mà lại kiêu căng.

 

Trong cuộc chiến đấu này, Thiên Chúa thường giúp ta bằng một phương tiện đặc biệt và hữu hiệu. Ngài để một cái dằm nằm trong thân xác ta, như Ngài đã để một cái dằm đâm vào thân xác Phaolô (2Cr 12,7). Ta không biết cái dằm trong thân xác Phaolô là cái gì, nhưng cái dằm nơi ta, ta có thể biết rõ. Ðó là những tình huống tủi hổ mà ta phải chịu, có thể là một khuyết điểm, một bệnh tật, một sự yếu đuối bất lực mang trong mình, dù ta đã có lần van xin Chúa cất nó đi. Cái dằm đó nhắc nhở ta phải "tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Chúa" (1Pr 5,6).

 

Có một Thánh vịnh (Tv 130/131) rất phù hợp với ý tưởng của những câu thư Rôma vừa khai triển. Tôi xin mượn nó, và cũng mời gọi anh chị em đọc nó, để kết thúc bài suy niệm hôm nay.

 

Lòng con chẳng dám tự cao

Mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi

Ðường cao vọng chẳng đới nào bước

Việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu

Hồn con con vẫn trước sau

Giữ cho thinh lặng giữ sao an bình

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ

Trông con hồn lặng lẽ an vui

Cậy vào Chúa Israel ơi

Từ nay đến mãi muôn đời muôn năm

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà