Suy niệm về

ÐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

 

 

Chương XII

 

KHIÊM TỐN (2)

 

 

"Hãy ham thích những sự hèn mọn"(Rm 12,16)

 

Khi khuyên chúng ta sống khiêm tốn, Phaolô đã cho thấy mối liên hệ đặc biệt giữa khiêm tốn và bác ái. Có thể nói: nếu bản văn trình bầy sự khiêm tốn như một sự thật, một chân lý, thì mạch văn lại trình bầy nó như là bác ái, phục vụ.

 

Muốn hiểu sự khiêm tốn kitô giáo cho đầy đủ, không thể không lưu ý đến khía cạnh thứ hai này. Bác ái chính là bộ mặt của khiêm tốn. Nó biến khiêm tốn thành một nhân đức hướng tới cộng đồng, hướng tới người khác, thay vì chỉ là một nhân đức cá nhân, riêng mình hưởng mà thôi.

 

Tất cả những lời khuyến thiện của thư Rôma đều nhắm tới cộng đồng kitô giáo, nhắm tới Giáo Hội. Phaolô nói: "Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy, tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Ðức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban" (Rm 12,4-6).

 

Cả khiêm tốn lẫn bác ái đều là những phương tiện duy trì sự hiệp nhất của các ân huệ và đoàn sủng khác nhau. Cả khiêm tốn lẫn bác ái đều là những điều kiện để các ân huệ và đoàn sủng này góp phần xây dựng một thân thể duy nhất, một cộng đồng hiệp nhất. Vì vậy, Phaolô còn khuyên: "Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình. Ðừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan" (Rm 12,10.16).

 

Như đã đề cập trong bài trước, để hiểu cho hết tư tưởng của Phaolô, thấy rõ tầm quan trọng của nó, phải nại tới các bản văn khác hài hoà với bản văn đang bàn. Có một bản văn khác của chính Phaolô mà, dưới nhiều khía cạnh, có thể được coi như song song với bản văn thư Rôma trên đây. Bản văn đó ở trong thư Philipphê. Phaolô viết: "Anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Ðừng làm chỉ vì ganh tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu" (Pl 2,2-5).

 

Ngoài nhiều chỗ giống với bản văn thư Rôma, bản văn này còn có những yếu tố mới. Những yếu tố này rất có liên hệ với ta, và giúp ta hiểu biết sâu sắc hơn về sự khiêm tốn theo Kinh Thánh.

 

1. Khiêm tốn theo gương Ðức Kitô

 

* Trong những yếu tố mới này, ta chỉ đề cập một yếu tố mà thôi: động lực của sự khiêm tốn hoặc nền tảng của sự khiêm tốn. Nói cách khác: Tại sao ta lại khiêm tốn. Theo thư Rôma, ta phải khiêm tốn, vì khiêm tốn là sự thật (Con người thật của ta đòi ta phải khiêm tốn). Ðộng lực này vẫn có giá trị của nó. Nhưng theo bản văn Philipphê vừa nghe, ta thấy còn có thêm một động lực khác nữa, hoàn toàn mới, đó là noi gương Ðức Kitô, bắt chước Ðức Kitô: "Anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu. Người đã hạ mình" (Pl 2,5.8).

 

Ðộng lực chính của khiêm tốn không còn phải là một ý tưởng, nhưng là một con người; không còn phải là một nguyên tắc trừu tượng, nhưng là một biến cố, một đời sống. Con người đó, biến cố đó, chính là Ðức Kitô đã hạ mình.

 

Ở đây, chúng ta được chứng kiến hiện tượng kitô hoá các nhân đức. Các nhân đức được hướng dẫn không do lý trí cho bằng do một con người cụ thể là Ðức Kitô. Nền tảng của các nhân đức không ở trong triết học, nhưng ở trong lịch sử, không ở trong sự khôn ngoan của con người, nhưng ở trong việc loan báo sơ khởi Tin Mừng. Chính như thế mà Lề luật trở thành Tin Mừng, việc làm trở thành ân sủng. Khiêm tốn trước đây là việc làm của con người, thì từ nay là việc của Thiên Chúa mà chúng ta phải bắt chước.

 

Ðể biết cung cách hành động của Thiên Chúa đối với ta, ta hãy lấy một hình ảnh này: Một người cha muốn dạy con một việc gì đó, dạy con đánh đàn chẳng hạn. Ông mua đàn về, mua cả sách nhạc. Ông đưa ra những chỉ dẫn này khác, về cách ngồi, cách đặt tay trên bàn phím, rồi bảo con thử. Ðứa con thử nhiều lần liên tiếp không xong. Bấy giờ người cha mới ngồi vào đàn, đánh làm mẫu cho con, rồi bảo con đánh lại.

Thiên Chúa cũng làm như vậy với ta. Trước tiên, trong Lề luật, Ngài đã chỉ cho ta sự khiêm tốn như một điều phải thực hiện. Sau đó, trong Tin Mừng, Ngài ban cho ta sự khiêm tốn như một điều phải bắt chước. Thiên Chúa không còn nói với con người như đã nói trong chế độ Lề luật: "Hãy đi giữ lấy chỗ chót", nhưng nói: "Hãy đến giữ lấy chỗ chót". Ði và đến: khác nghĩa nhau lắm. "Hãy đi" là đứng ở một chỗ giục người ta đến một chỗ khác mà mình muốn cho người đó đến; "Hãy đến" là mình đã ở chỗ đó rồi và vời người ta đến. Ở đây, Thiên Chúa không thúc giục ta đi tới chỗ khiêm tốn, nhưng là lôi kéo ta tới đó. Ngài nói qua môi miệng Ðức Giêsu: "Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11,29).

 

* Nếu như vậy, khiêm tốn không còn phải là tìm kiếm sự thật nữa sao? Còn chứ! nhưng là tìm kiếm sự thật mới nơi một con người. Con người đó là Ðức Giêsu Kitô. Ðức tin cho ta hay: Ðức Giêsu là con người thật, có nhân tính thật. Ngài là người thật và là con người mới, vì đã phục hồi quyền năng cho Thiên Chúa, không tìm vinh quang riêng cho mình, và do đó Ngài là "sự ngợi khen vinh quang Thiên Chúa" (Ep 1,14), là "hình ảnh Thiên Chúa vô hình" (Cl 1,15).

 

Từ đây, trong Ðức Kitô, chúng ta thấy mọi "lý do" của sự khiêm tốn. Ít nhất có hai lý do: một ở nơi ta, một ở nơi Thiên Chúa; một lý do thuộc nhân học, nếu có thể nói được như vậy, một lý do thuộc thần học. Lý do nhân học dựa trên sự biết mình, biết sự hư vô của mình. Lý do thần học dựa trên sự biết Thiên Chúa, biết Ngài uy linh cao cả, biết Ngài nhân từ và thánh thiện. Khi Thiên Chúa tự mạc khải mình cho con người, con người biết mình chỉ là hư vô, và trở thành khiêm tốn một cách bộc phát.

 

Ðọc lại mấy sự kiện trong Kinh Thánh mà coi. Isaia tỏ ra khiêm tốn khi ông được thấy vinh quang Thiên Chúa ở trong Ðền thờ. Vị ngôn sứ không cần phải suy nghĩ lâu lắc và sâu xa về mình, để biết mình là ai. Chỉ cần Thiên Chúa uy linh hiện diện, lập tức ông khiêm tốn kêu lên: "Khốn thân tôi! Tôi chết mất, vì tôi là một người môi miệng ô uế" (Is 6,5).

 

Ðó là chuyện trong Cựu ước. Còn trong Tân ước, trước hết ta thấy sự khiêm tốn này nơi Phêrô. Trên biển hồ Tibêria, khi Phêrô thấy quyền năng Thiên Chúa nơi Ðức Giêsu qua mẻ cá lạ, ông cũng rơi vào tình trạng khiêm tốn siêu nhiên và thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi" (Lc 5,8). Ngay cả sự khiêm tốn của Ðức Maria cũng có động lực thần linh này. Người thấy mình quá bé nhỏ và vô nghĩa trước Ðấng toàn năng cao cả, và niềm kính sợ Thiên Chúa đã làm cho sự khiêm tốn tràn ngập nơi Người. Ngay cả các thánh trên trời cũng khiêm tốn, không phải vì thấy mình lầm than tội lỗi, nhưng vì thấy sự tối hảo và chí thánh của Thiên Chúa.

 

Thế nên, theo Kinh Thánh, có hai dộng lực thúc đẩy người ta đi đến chỗ khiêm tốn: một từ con người và một từ Thiên Chúa, một ở chỗ biết mình hèn mọn, một ở chỗ biết Thiên Chúa cao cả. Nhưng kể từ đây, cả hai động lực này hoà trộn nơi một con người duy nhất, tức nơi Ðức Kitô. Trong cùng một Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là người, chúng ta có động lực đầy đủ và vĩnh viễn của sự khiêm tốn. Nói bằng từ chuyên môn thì đó là động lực kitô học.

 

2. Khiêm tốn là phục vụ

 

* Khiêm tốn là noi gương Ðức Kitô, vì Ngài có lòng khiêm nhượng. Nhưng Ðức Kitô khiêm tốn ở điểm nào, và Ngài dạy ta bắt chước sự khiêm tốn của Ngài ở điểm nào? Ðọc cả Phúc Âm nói về Ngài, khiêm tốn đâu không thấy, mà lại thấy một điều dường như chứng tỏ Ngài không khiêm tốn. Không phải vậy sao? Khiêm tốn thì phải biết mình lầm lỗi, nhận mình lầm lỗi. Ðàng này, Ðức Giêsu chưa bao giờ nhận mình lầm lỗi, lại còn đố ai bắt lỗi được mình về chuyện gì. Cả khi thân thưa cùng Chúa Cha, Ngài cũng không tỏ dấu gì là mình tội lỗi.

 

(Nhân tiện chúng ta ghi nhận một điều này. Ðây là một trong những chứng cớ cho thấy rõ nét nhất thần tính của Ðức Kitô. Chứng cớ thuyết phục nhất, tiếc thay, lại ít được nói đến nhất. Chỉ mình Chúa dám cho mình là vô tội. Không một vị thánh nào, một nhân vật lớn nào trong lịch sử, một nhà sáng lập tôn giáo nào lại dám coi mình như thế. Tất cả đều nhìn nhận mình ít nhiều đã phạm tội. Riêng Ðức Giêsu: không bao giờ. Ngài là người duy nhất dám nói với kẻ thù: "Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?" (Ga 8,46). Ngài tuyên bố mình là "Thầy và là Chúa" (Ga 13,13), cao trọng hơn cả Abraham, Môsê, Salomon.)

 

Nếu vậy, đâu là sự khiêm tốn của Ðức Giêsu để Ngài có thể nói với ta: "Hãy học với tôi vì tôi có lòng khiêm nhượng"? Ở đây, chúng ta khám phá ra một điều quan trọng. Khiêm tốn chủ yếu không phải ở chỗ là người hèn mọn, vì người ta có thể hèn mọn mà không khiêm tốn. Cũng không ở chỗ cảm thấy mình hèn mọn, biết mình hèn mọn, vì có thể thật sự là thế, và như vậy mới chỉ là một điều khách quan, chứ chưa phải là khiêm tốn. Chưa kể việc cảm thấy mình hèn mọn có thể là do một mặc cảm tự ti, đưa ta đến chỗ thu mình lại và thất vọng, buồn chán, hơn là đưa ta tới chỗ khiêm tốn.

 

Tự nó, sự khiêm tốn ở mức độ hoàn hảo nhất, không phải ở chỗ ta là người hèn mọn, hoặc cảm thấy mình hèn mọn, nhưng là làm cho mình trở thành người hèn mọn, trở thành người khiêm tốn, không vì một nhu cầu lợi ích cá nhân nào của mình, nhưng vì tình yêu, nhằm làm thăng hoa người khác. Ðây chính là sự khiêm tốn của Ðức Giêsu. Ngài không phải là người hèn mọn, không cảm thấy mình hèn mọn, nhưng trở nên hèn mọn, đến nỗi huỷ mình ra không, chỉ vì yêu loài người chúng ta.

 

Phaolô đã nói về sự nghèo khó của Ðức Kitô như thế này: "Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có" (2Cr 8,9). Có thể nói một cách tương tự về sự khiêm nhường của Ðức Kitô: Ngài đã ra không vì ta, để lấy sự hư không của mình mà làm cho ta được có (tức trở thành người mới).

 

* Cứ như ta thấy theo mạc khải, sự khiêm tốn của Ðức Giêsu là một sự đi xuống, không ở trong tư tưởng, lời nói, tình cảm của Ngài cho bằng trong các sự kiện (hư vô hoá mình).

 

Ám chỉ bản văn Pl 2,6tt, Tertullianô nói rằng trong Nhập thể, Thiên Chúa đã hành động như ông vua kia có một viên đá quý khảm trong chiếc nhẫn vàng, và chiếc nhẫn này rơi xuống vũng bùn. Vua bèn mặc bộ đồ dơ, lội xuống đó, bì bõm trong nước bẩn, mò lại chiếc nhẫn, rửa sạch nó và đeo vào ngón tay, để nó lại lấp lánh trong ngón tay vương giả. Tác giả cắt nghĩa: đá quý là linh hồn con người, chiếc nhẫn là thân xác con người, cả hai rơi vào vũng bùn tội lỗi; ông vua là Ðức Giêsu mặc y phục của tên đầy tớ, xuống vũng bùn là thế gian, tìm lại con người, rửa nó trong phép Rửa Tội, đưa nó theo mình lên với Chúa Cha.

 

Trong bài trước, chúng ta đã đưa ra hình ảnh người mò ngọc trai. Có thể nói Ðức Giêsu cũng biến mình thành người mò ngọc trai. Nhưng ngọc trai mà Ngài tìm không phải là chính Ngài, mà là loài người. Ðộng lực lôi kéo Ngài xuống không phải là một đòi hỏi của sự thật như nơi chúng ta, nhưng là một đòi hỏi của bác ái.

 

Sự khiêm tốn của Ðức Giêsu là sự khiêm tốn từ Thiên Chúa mà đến, có gương mẫu tuyệt vời nơi Thiên Chúa, chứ không phải nơi con người. Quả thực, Thiên Chúa không thấp hèn, không cảm thấy mình thấp hèn, nhưng đã làm cho mình ra thấp hèn vì yêu ta.

 

Ðể chỉ hành động này, các Giáo phụ đã dùng chữ hạ cố (condescendance). Chữ này bao hàm hai ý: Thiên Chúa hạ mình xuống thế, và lý do Ngài hạ mình là vì yêu. Ở địa vị là Thiên Chúa, Ngài không thể lên cao hơn, vì không có gì ở trên Ngài. Nếu Thiên Chúa ra khỏi mình và hành động ở bên ngoài Ba Ngôi, thì chỉ có thể là đi xuống, là hạ mình trở thành thấp hèn. Nói khác đi, chỉ có thể là khiêm tốn.

 

Hiểu như vậy thì tất cả lịch sử cứu độ được coi như lịch sử của những lần Thiên Chúa liên tiếp hạ mình thấp hèn. Tạo dựng thế giới là hạ mình. Linh hứng Kinh Thánh là hạ mình. Nói chuyện với con người là hạ mình. Nhập Thể là hạ mình lớn nhất, tột đỉnh của mọi hình thức hạ mình.

 

Phanxicô Assisi có lần đã ngạc nhiên thốt lên: Anh em hãy coi sự khiêm tốn của Thiên Chúa kìa! Hằng ngày Ngài hạ mình, y như lúc Ngài rời bỏ hoàng cung để nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ". Trong tập "Ca ngợi Thiên Chúa tối cao", do chính tay Ngài viết, sau khi đã kể ra một loạt các phẩm tính của Thiên Chúa, Phanxicô viết thêm: "Ngài là sự Khiêm Tốn". Thánh nhân quả đã đưa ra một trong những định nghĩa đơn sơ nhất và đẹp nhất về Thiên Chúa: Thiên Chúa là sự Khiêm Tốn.

 

Chúng ta hãy khiêm tốn vì lý do này, lý do sâu xa nhất, tức là nên giống Cha chúng ta.

 

Giờ đây, chúng ta biết Ðức Giêsu muốn dạy gì khi Ngài nói: Hãy học với tôi vì tôi có lòng khiêm nhượng. Ðó là lời mời gọi ta trở nên thấp hèn vì yêu thương, rửa chân cho các anh em như Ngài đã làm.

 

Nơi Ðức Giêsu, ta còn thấy sự lựa chọn hạ mình này có tính chất nghiêm túc và cơ bản. Không phải hạ mình theo kiểu mát mình thì làm, lúc này lúc nọ, như một ông vua thỉnh thoảng vi hành làm cho thần dân điều gì đó. Ðức Giêsu đã trở thành thấp hèn, như Ngài đã trở thành xác phàm, tức là một cách vững bền, tới cùng. Ngài đã lựa chọn đi vào số những người hèn mọn, khiêm tốn. Có "lòng hiền hậu và khiêm nhường" cũng có nghĩa là đi vào hàng dân nghèo hèn của Thiên Chúa. Chúa làm thế không vì ai áp đặt, nhưng là do tự ý Ngài.

 

* Có thể tóm tắt bộ mặt mới của sự khiêm tốn bằng hai chữ: Phục vụ. Một lần, các môn đệ của Chúa tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Nghe thế, Chúa ngồi xuống (một cung cách cho thấy bài học sắp đưa ra là quan trọng), gọi các ông lại và nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35). Muốn làm đầu, phải làm người rốt hết, tức là phải đi xuống, hạ mình xuống. Liền sau đó, Chúa cho họ hiểu làm người rốt hết có nghĩa gì. Có nghĩa là phục vụ mọi người. Vậy sự khiêm tốn mà Ðức Giêsu công bố chính là sự phục vụ, phục vụ như một người tôi tớ.

 

Bài học này còn được củng cố bằng một mẫu gương của chính Chúa, như lời Ngài nói: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mt 20,28). Có nhiều điều mới mẻ trong lời đơn sơ trên về sự khiêm tốn-phục vụ. Một trong những điều đó là sự hoà hợp hoàn toàn giữa nhân đức khiêm nhường và ước muốn những việc lớn cũng như thực hiện những việc lớn. Nhiều người tưởng rằng khiêm tốn thì không thể suy nghĩ, ước muốn và thực hiện những việc lớn, và ngược lại. Nhưng như lời Chúa cho thấy, chính sự khiêm tốn là thước đo của ước muốn này: Ai muốn làm người đứng đầu thì. Ai muốn làm lớn giữa anh em thì.Người khiêm tốn vẫn được phép làm người đứng đầu, được phép muốn những việc lớn. Có điều không được làm lớn mà gây thiệt hại cho người khác, cho người dưới quyền, bằng cách thống trị họ, theo cung cách của chính trị xã hội, nhưng là làm lợi cho họ.

 

Phúc Âm đã làm đảo lộn bậc thang giá trị. Giữa làm lớn và khiêm tốn giống như giữa khôn ngoan và điên rồ. Phải thành điên để thực sự khôn ngoan (1Cr 3,8). Phải thành trẻ nhỏ để thực sự trở nên người lớn. Các thánh đã làm như thế. Làm lớn không chỉ được đánh giá bằng việc làm, mà nhất là bằng ý định chi phối việc làm này, nghĩa là bằng tình yêu. Các thánh làm lớn theo cách thức của Thiên Chúa, chứ không phải của con người.

 

3. Khiêm tốn và các đặc sủng

 

Theo mạc khải, môi trường ưu đãi để thực hiện sự khiêm tốn-bác ái là cộng đồng kitô giáo. Không tìm lợi ích cho mình, nhưng cho các tín hữu khác. Coi những người khác ở trên mình. Những lời trên nhắc lại lời Ðức Giêsu mời gọi ta trở nên tôi tớ mọi người.

 

Việc sử dụng đúng đắn các đặc sủng là điều tiên quyết đưa ta từ chỗ khiêm tốn tới chỗ thực hành bác ái. "Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Ðược ơn làm ngôn sứ thì.Ðược ơn phục vụ thì." (Rm 12,6tt). Khiêm tốn-bác ái là điều kiện để những ân sủng này không bị phân tán, nhưng tất cả đều góp phần xây dựng một thân thể duy nhất của Ðức Kitô (Rm 12,5). Thánh Phêrô cũng viết: "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác" (1Pr 4,10). Vì đặc sủng được ban để phục vụ cộng đồng, nên chỉ có sự khiêm tốn mới bảo vệ được nó. Ngược lại, các đặc sủng cũng bảo vệ sự khiêm tốn. Chúng ta thử xem sự bảo vệ hỗ tương này như thế nào.

 

* Trước hết, sự khiêm tốn bảo vệ các đặc sủng. Cũng như một thân thể có nhiều bộ phận, một nhiệm thể cũng có nhiều đặc sủng. Phaolô kể ra một số đặc sủng này như sau: làm ngôn sứ, làm người phục vụ, làm thầy dạy, làm người khuyên răn, làm người phân phát, làm người chủ toạ, làm việc bác ái (Rm 12,6-8). Ðây không phải là những ân huệ như các ân huệ, cũng không phải là những tài năng thuần tuý của con người, nhưng là những hoạt động của Chúa Thánh Thần, những ánh lửa của Thiên Chúa được trao cho chúng ta, vì Giáo Hội. Tuy nhiên, người mang những kho tàng này là chúng ta, lại chỉ là những tạo vật yếu đuối.

 

Làm sao có thể gìn giữ được kho tàng này? Nhờ khiêm tốn. Sự khiêm tốn giúp cho ân sủng của Thiên Chúa được lưu chuyển trong Giáo Hội và nhân loại mà không bị phân tán hay mai một. Trong đời sống Giáo Hội, khiêm tốn giống như chất cách điện. Học về điện, chúng ta biết chất cách điện cực kỳ quan trọng. Ðiện năng đi qua dây dẫn càng lớn, càng cần chất cách điện bảo đảm, để khỏi xẩy ra trường hợp chạm mạch nguy hiểm. Một cách tương tự, trong đời sống thiêng liêng, khiêm tốn cũng là chất cách điện, ngăn cho các ân sủng khỏi chạm nhau và bùng nổ vì kiêu căng đối kháng.p> 

Ơn ban cho ai càng nhiều, càng mạnh, người đó càng cần phải khiêm tốn. Phaolô nói: "Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi" (2Cr 4,7). Bình sành chính là chất cách ly, gìn giữ và bảo vệ kho tàng. Nó giữ cho kho tàng khỏi hai nguy hiểm thường xẩy ra cho ơn Chúa. Hai nguy hiểm này là kiêu căng và tranh chấp. Khiêm tốn là phương thuốc chống lại tham vọng, tranh chấp và hư danh.

 

Trong một cộng đồng, luôn có những dịch vụ mà con người cũ của ta ham muốn (nếu không muốn, thì thường là vì sợ không cáng đáng nổi, nhưng cái vinh dự của nó thì vẫn muốn), còn những dịch vụ nhỏ mọn, âm thầm, không mấy ai thích đảm nhận. Giải quyết cách nào? Nhờ khiêm tốn. Khiêm tốn giúp ta không bị hào quang của những chức lớn, việc lớn làm loá mắt, nhưng biết "ham thích những gì hèn mọn", như Phaolô nói.

 

* Khiêm tốn bảo vệ đặc sủng như thế, còn đặc sủng bảo vệ khiêm tốn ra sao, theo nghĩa nào? Phaolô nói rằng chúng ta có nhiều đặc sủng khác nhau. Sự kiện này có nghĩa là mỗi người chúng ta không có được mọi đặc sủng. Không phải người nào cũng là tông dồ đích danh, ngôn sứ đích danh. Cho nên mỗi người chúng ta không phải là tất cả, nhưng luôn luôn và tự cơ bản chỉ là một phần trong toàn bộ.

 

Ðặc sủng luôn là một động lực thúc đẩy ta khiêm tốn. Khi thi hành một thừa tác vụ, một trách nhiệm, ta luôn thấy rằng mình không làm được gì nếu không có người khác, nếu không có sự cộng tác của toàn thân thể. Phaolô chỉ lưu ý sơ điều đó trong thư Rôma, nhưng khai triển nhiều hơn trong thư Corintô (1Cr 12,12-17). Ngài cắt nghĩa: nơi thân thể có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có nhiều chức năng, và tuỳ thuộc vào nhau. Chẳng hạn, mắt quan trọng và cần thiết thật, nhưng không thể nói với tay: Tao không cần đến mày. Một thân thể chỉ có mắt mà thôi sẽ là quái vật. Tự nó và chỉ mình nó, mắt cũng chẳng là gì cả. Nó cần những bộ phận khác để chu toàn chức năng của mình (cần trán mang nó, cần mí mắt, lông mắt bảo vệ, cần bộ óc để giải mã hình ảnh.). Nó cần những bộ phận khác không chỉ để hữu ích cho toàn thân, mà còn cho chính nó.

 

Trong lãnh vực thiêng liêng cũng vậy. Mỗi người chúng ta như một tế bào. Tách khỏi các tế bào khác là chết ngay. Thiên Chúa khôn ngoan quả đã làm một phát minh lạ lùng. Khi ban các ân huệ cho con người, thì một trật Ngài cũng ban cho họ một sự trợ giúp bổ sung, để họ ở trong sự thật, để họ khiêm tốn.

 

Có thể nói các đặc sủng khởi đầu bằng việc xây dựng củng cố sự khiêm tốn trước. Tiếp đến, cùng với sự khiêm tốn, chúng xây dựng cộng đồng, xây dựng Giáo Hội. Chính khi thi hành một đặc sủng hay một thừa tác vụ mà chúng ta nhận ra mình tuỳ thuộc vào người khác như thế nào. Chính khi đó chúng ta mới nhận thức chân lý cơ bản này: chỉ mình Thiên Chúa là tất cả, chỉ mình Giáo Hội có sự viên mãn của Thần Khí (Ep 1,23). Còn mỗi người chúng ta là một phần bé nhỏ thôi. Ðể đạt tới chỗ viên mãn, phải nhờ người khác. Lúc ấy sẽ không còn ý nghĩ tự cho mình là đủ nữa.

 

Phaolô nói rằng đặc sủng là hiển thị của Thần Khí, "vì lợi ích chung" (1Cr 12,7), lợi ích của Giáo Hội, lợi ích của cộng đồng. Trong Giáo Hội, có người sở trường về môn này, có người sở trường về môn kia (thần học, giáo luật, Kinh Thánh, truyền giáo, xã hội, văn hoá.). Trong một cộng đoàn, dù nhỏ cũng vậy, người thì có khiếu về việc này, người thì có tài về việc nọ. Khuynh hướng chung thường coi môn ngành mình sở trường là nhất, hoặc ít ra là quan trọng. Muốn thấy đúng mức công việc của mình, muốn nhận ra công việc mình làm thật sự chỉ là một đóng góp rất khiêm tốn, nhỏ bé, cứ nhìn tới công việc của cả Giáo Hội được làm qua các thế kỷ và hiện nay. Hãy nhìn theo kiểu ở trên máy bay. Khi máy bay còn đậu dưới đất, nhà cửa ta thấy chung quanh còn là lớn. Nhưng lúc máy bay bốc lên cao, những nhà cửa ấy mới nhỏ bé làm sao! Càng nhỏ hơn nữa và mất hút khi máy bay lên cao tít tắp. Công việc chúng ta làm cũng nhỏ bé và dường như mất hút, nếu nhìn cho kỹ các công việc của cả Giáo Hội, trong quá khứ và trong hiện tại. Toàn bộ mới đáng kể, phần nhỏ nhoi của mình ăn thua gì.

 

Khi diễn giải quan điểm trên đây của Phaolô, Augustinô đã có một suy tư rất hay. Ngài nói: nghe Phaolô liệt kê những đặc sủng, hẳn có người lấy làm buồn, vì thấy mình chẳng có đặc sủng nào trong số đó. Ðừng buồn. Bạn cũng có đấy. Và điều bạn có không phải là không đáng kể đâu. Nếu bạn yêu mến cả thân thể, thì ai trong đó có cái gì, cũng là cho bạn nữa. Bạn đừng có ghen. Mọi sự tôi có cũng thuộc về bạn. Chính tôi cũng không ghen với bạn, vì cái bạn có cũng thuộc về tôi. Ghen tương làm xa cách nhau, còn bác ái thì nối kết nhau. Nơi con người, chỉ có mắt là nhìn thấy. Nhưng đâu phải mắt nhìn là chỉ nhìn cho nó. Nó cũng nhìn cho tay, cho chân, cho các bộ phận khác. Khi chân sắp va vào vật gì, mắt làm nhiệm vụ báo trước. Cũng vậy, chỉ có bàn tay làm việc, nhưng nó đâu có làm chỉ cho nó. Có ai đánh vào mặt, bàn tay sẽ không để yên, sẽ không tự nhủ: cần gì phải đưa tay đỡ, người ta đánh cái mặt chứ có đánh tôi đâu.

 

Tựu trung, mọi đặc sủng trong Giáo Hội, chứ không phải chỉ một vài đặc sủng nào đó, đều là cho chúng ta, cho bản thân từng người.

 

Tuy vậy, còn có điều hơn thế nữa. Nếu ta yêu Giáo Hội hơn một người nào đó yêu Giáo Hội, thì đặc sủng mà người đó có là cho ta, hơn là cho người đó. Giả sử người đó lợi khẩu, hùng biện, có tài giảng thuyết, người đó có thể vênh vang, tự phụ về tài năng này, và khi ấy chỉ còn là thứ thanh la phèng phèng (1Cr 13,1). Tài giảng thuyết chẳng giúp ích gì cho người đó, nhưng vẫn có ích cho ta là người nghe. Cái mà người khác có, nhưng có thể gây nguy hiểm cho họ, thì nhờ khiêm tốn-bác ái, ta cũng có cái đó, nhưng là cái sinh ích cho ta.

 

Khiêm tốn-bác ái làm gia tăng các đặc sủng. Nhưng để được thế thì, như Augustinô nói, phải loại trừ sự ghen tương, chết đi cho cái tôi ích kỷ chỉ tìm vinh quang cho mình, thay vào đó là mặc lấy "cái Tôi" vĩ đại của Ðức Kitô và của Giáo Hội Ngài. Nói tắt, không phải sống cho mình, nhưng là sống cho Chúa.

 

Chúng ta đã kết thúc bài trước bằng lời Thánh vịnh 130/131 về sự bình an của người khiêm tốn, qua hình ảnh một đứa trẻ nằm trong cánh tay mẹ nó. Còn bài này, chúng ta kết thúc bằng lời của chính Ðức Giêsu, một lời cũng nói lên sự bình an và an ủi: "Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,29).

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà