Suy niệm về

ÐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

 

XIII

 

VÂNG PHỤC

 

 

"Nhờ một người duy nhất

đã vâng lời Thiên Chúa" (Rm 5,19)

 

Có một sự vâng phục liên hệ tới mọi người, bất kể bề trên hay người dưới, giáo sĩ hay giáo dân, người ra lệnh hay kẻ thừa hành, một sự vâng phục quan trọng hơn hết, chi phối mọi sự vâng phục khác, làm sống động mọi sự vâng phục khác. Không phải sự vâng phục của con người đối với con người, nhưng là của con người đối với Thiên Chúa.

 

Trong bài này, chúng ta muốn dựa vào lời Chúa để nói về sự vâng phục đó.

 

Một tác giả đương đại có viết: "Nếu ngày nay có khó khăn về vấn đề vâng phục, thì không phải là vấn đề tuân theo Thần Khí, nhưng đúng hơn, là vấn đề vâng phục một phẩm trật, một luật lệ, một quyền bính". Không sai! Vâng phục theo hình thức thứ hai mới khó, thường gặp khủng hoảng trong Giáo Hội. Tuy nhiên, để có được sự vâng phục này, phải trở về với sự vâng phục Thiên Chúa và Thần Khí.

 

Giờ đây, chúng ta phó thác cho Thần Khí, để Ngài hướng dẫn ta khám phá lại bí mật của sự vâng phục.

 

1. Sự vâng phục của Ðức Kitô

 

* Khám phá bản chất và nguồn gốc của đức vâng phục kitô giáo tương đối dễ. Hãy đi từ Ðức Kitô. Ðức Kitô được Kinh Thánh gọi là "Ðấng vâng phục" (Pl 2,8). Nhưng từ quan niệm nào về vâng phục mà Ngài được gọi như vậy? Chúng ta sẽ nhận ra nền tảng của sự vâng phục là thế này: không phải là một ý tưởng vâng phục, nhưng là một hành vi vâng phục. Nền tảng này không phải là một nguyên tắc trừu tượng (người dưới phải vâng phục người trên), nhưng là một sự kiện, một biến cố. Nó không dựa trên một trật tự tự nhiên đã có sẵn hoặc được tạo ra, nhưng chính nó tạo ra một trật tự mới. Nền tảng đó là sự kiện này: Ðức Giêsu đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết (Pl 2,8). "Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người" (Dt 5,8-9).

 

Trong thư Rôma, mọi suy nghĩ về sự vâng phục dựa vào câu này: "Nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5,19). Một người duy nhất là Ðức Kitô. Sự vâng phục của Ðức Kitô là nguồn mạch của sự công chính hoá con người. Vâng phục và công chính hoá là hai việc có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu trong thư Rôma, sự công chính hoá có một vai trò quan trọng, thì theo câu trên, sự vâng phục cũng có một vai trò quan trọng.

 

Còn nếu xét cả Tân ước thì sự vâng phục của Ðức Kitô không chỉ là tấm gương vâng phục cao cả, mà còn là nền tảng của sự vâng phục. Chính nhờ sự vâng phục của Ngài mà Nước Thiên Chúa được thiết lập.

 

* Bây giờ chúng ta thử xem sự vâng phục của Ðức Giêsu hệ tại ở chỗ nào. Ðức Giêsu đã vâng phục cha mẹ, vâng phục luật Môsê, kể cả Công nghị Do thái và Philatô. Thế nhưng, Phaolô không hề nghĩ tới sự vâng phục này. Ngài nghĩ tới sự vâng phục của Ðức Giêsu đối với Chúa Cha.

 

Sự vâng phục của Ðức Giêsu được coi như đối lại với sự bất tuân của Ađam: "Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5,19; 1Cr 15,22). Cả trong câu của thư Philipphê, sự vâng phục của Ðức Kitô "cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự" cũng mặc nhiên đối ngược với sự bất tuân của Ađam, là người đã muốn được ngang hàng với Thiên Chúa (Cho nên Ðức Kitô đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, cho dù Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa: Pl 2,6).

 

Nhưng Ađam đã không vâng phục ai? Chắc chắn không phải là cha mẹ (Ađam đâu có do cha mẹ trần gian nào sinh ra), cũng không phải một quyền bính hay một luật lệ nào (làm gì đã có!). Ađam đã không vâng phục Thiên Chúa.

 

Vậy nguồn gốc của mọi sự bất tuân là bất tuân đối với Thiên Chúa. Nguồn gốc của mọi sự vâng phục là vâng phục Thiên Chúa.

 

Dựa vào bài ca về người Tôi Trung, thánh Irênê đã giải thích sự vâng phục của Ðức Giêsu như một sự tùng phục bên trong và tuyệt đối đối với Thiên Chúa. Ngài viết: "Tội này (tức tội Ađam) phát xuất từ một cây, thì đã được huỷ bỏ do sự vâng phục trên một cây gỗ, vì khi vâng phục Thiên Chúa, Con Người đã bị đóng đinh trên cây gỗ, và như thế, huỷ diệt sự dữ và đưa sự lành vào thế gian. Sự dữ là không vâng phục Thiên Chúa, cũng vậy, sự lành là vâng phục Thiên Chúa. Vì thế, qua miệng Isaia, Ngôi Lời đã nói: "Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ" (Is 50,56). Thế nên, do sự vâng phục tới chết mà Ngài đã chấp nhận, khi bị treo trên cây gỗ, Ngài đã tháo gỡ sự bất tuân xưa xẩy ra từ một cây".

 

* Sự vâng phục bao trùm tất cả cuộc đời Ðức Giêsu. Phaolô và thư Do thái nhấn mạnh vai trò của sự vâng phục trong cái chết của Chúa (Pl 2; Dt 5,8). Gioan và Phúc Âm Nhất lãm bổ túc bằng cách nhấn mạnh vai trò của sự vâng phục trong cuộc đời của Chúa, trong cuộc sống hằng ngày của Ngài. Gioan chẳng hạn, ghi nhận lời Chúa nói: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy" (Ga 4,34), "Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người" (Ga 8,29).

 

Ðức Giêsu vâng phục Thiên Chúa đặc biệt qua sự vâng phục lời Thiên Chúa. Chỉ cần nhớ lại câu truyện Chúa bị Satan cám dỗ trong hoang địa. Ta thấy sự vâng phục của Chúa qua những lời Thiên Chúa mà Ngài nhắc lại, cũng như qua ý muốn tuân giữ những lời đó. Trước cả ba điều Satan cám dỗ, Chúa đều trả lời: "Ðã có lời chép.". Lời đây là lời Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa chuyển tải ý muốn của Thiên Chúa, được coi như những lệnh truyền thực sự của Thiên Chúa.

 

Sự vâng phục của Ðức Giêsu thật cao cả, qua những gì Ngài phải chịu vì sự vâng phục này, và qua tình yêu giúp Ngài chịu những điều đó. Nơi Ngài, sự vâng phục của một người con đối với Cha mình đạt tới tột đỉnh và vô biên. Ngay trong lúc khó khăn nhất, như lúc Chúa Cha muốn Ngài uống cạn chén đắng, Ngài vẫn thốt lên những lời của một người con yêu mến và phó thác. Trên Thập giá, Ngài kêu lên: "Abba, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?" (Mt 27,46), nhưng rồi tiếp ngay: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Ðức Giêsu phó thác mình cho Thiên Chúa là Ðấng bỏ Ngài. Ðó là sự vâng phục cho tới chết, nhờ đó mà Ngài trở thành Ðá tảng của ơn cứu độ chúng ta.

 

2. Vâng phục như một ân sủng nhờ phép Rửa Tội

 

Sau khi đã trình bầy Ðức Kitô như khuôn mẫu nguyên thuỷ của các người vâng phục, đối lại với Ađam là khuôn mẫu nguyên thuỷ của các người bất tuân (Rm 5), Phaolô cho thấy, giờ đây, chúng ta đi từ chỗ bất tuân tới chỗ vâng phục, nhờ phép Rửa Tội.

 

* Trước hết, Phaolô đưa ra nguyên tắc này: Nếu ta tự do phục quyền ai, thì ta phục vụ và vâng lời người đó. Ngài viết: "Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được công chính" (Rm 6,16). Vế cuối cùng dịch sát theo nguyên bản là: làm nô lệ sự vâng phục (douloi este hypakoes). Ðây không phải là sự vâng phục trừu tượng, nhưng là sự vâng phục của Ðức Kitô, hoặc nói đúng hơn, chính Ðức Kitô vâng phục. Chúng ta làm nô lệ cho Ðức Kitô vâng phục.

 

Sau khi đã đưa ra nguyên tắc, Phaolô nhắc lại sự kiện. Sự kiện là các kitô hữu đã tự do phục quyền Ðức Kitô là Chúa, khi họ chịu phép Rửa Tội: "Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng phục theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính" (Rm 6,17). Khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta thay đổi chủ, thay đổi chiến tuyến: từ tội lỗi sang công chính, từ bất tuân sang vâng phục, từ Ađam sang Ðức Kitô.

 

Nghi thức Rửa Tội diễn tả điều trên đây trong phần từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin. Bỏ bên này để sang bên kia. Ngày xưa, trong một số sách Nghi thức Rửa Tội, người ta bắt gặp những cử chỉ dường như cho thấy tận mắt sự thay đổi nội tâm này. Trước hết, người được rửa tội quay về hướng Tây, hướng được coi như biểu tượng của bóng tối, làm cử chỉ từ bỏ Satan và các việc của nó. Tiếp đến, quay về hướng Ðông, biểu tượng của ánh sáng, cúi mình sâu để đón chào Ðức Kitô là ánh sáng, Mặt Trời công chính, Chúa tể mới của mình. Tương tự như người lính bỏ hàng ngũ bạo chúa để chạy đến với thủ lĩnh giải phóng.

 

Vậy sự vâng phục là yếu tố cấu tạo đời sống người kitô hữu. Nó là hệ quả thực tế và cần thiết của việc nhận Ðức Kitô là Chúa mình. Nhận Ngài là Chúa thì phải vâng phục Ngài. Hơn nữa, khi chịu phép Rửa Tội, ta chấp nhận một Chúa, nhưng là Chúa vâng phục. Ngài đã trở thành Chúa vì Ngài vâng phục (Pl 2,8-11). Có thể nói sự vâng phục là bản chất của quyền làm Chúa nơi Ðức Kitô. Sự vâng phục của ta không phải là luỵ phục cho bằng là trở nên giống. Ta vâng phục Chúa Kitô là trở nên giống Ngài, vì Ngài đã vâng phục.

 

Thư thứ nhất của thánh Phêrô cũng có một câu khẳng định điều Phaolô nói. Câu đó là: Các tín hữu là những người "được Thiên Chúa Cha biết trước và kén chọn, những người được Thần Khí thánh hoá, để vâng phục. Ðức Giêsu Kitô" (1Pr 1,2). Qua đó ta thấy ơn gọi kitô hữu là một ơn gọi vâng phục Ðức Kitô. Cũng trong thư này, các tín hữu còn được định nghĩa bằng một kiểu nói rất gợi ý: "những người con biết vâng phục" (1Pr 1,14).

 

* Cứ như điều đã nói trên, sự vâng phục là một ân huệ trước khi là một nhân đức, là ân sủng trước khi là lề luật. Lề luật thì truyền làm, còn ân sủng thì cho người ta làm. Khác nhau là ở đó. Sự vâng phục tiên vàn là việc của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, sau đó được ban cho ta, để ta biết trung thành bắt chước Chúa mà vâng phục. Nói khác đi, chúng ta không chỉ có bổn phận phải vâng phục, mà còn có ơn vâng phục.

 

Sự vâng phục này bám rễ trong phép Rửa Tội. Người chấp nhận được rửa tội là người chấp nhận vâng phục. Ðấy là một dữ kiện chung cho mọi người tín hữu, nhưng không được biết đến hoặc ít được biết đến. CÐ Vatican II đã đưa ra lời mời gọi mọi người nên thánh (GH 40), vì sự thánh thiện cũng bắt nguồn từ phép Rửa Tội. Nhưng do không thể có sự thánh thiện nếu không có sự vâng phục, nên lời mời gọi trên đây cũng là lời mời gọi mọi người vâng phục. Dĩ nhiên, đối với giáo dân, thì sự thánh thiện và vâng phục phải ngang tầm với họ, phù hợp với điều kiện sống của họ, không có những tính chất quá riêng biệt, không gắn liền với những bậc sống và với những truyền thống quá xa cách đời sống của họ (Còn bậc sống của người tu sĩ chẳng hạn, ngoài một thứ "lời khấn" đã làm khi chịu phép Rửa Tội, giống như mọi tín hữu khác, còn có một lời khấn đặc biệt, minh nhiên về sự vâng phục).

 

3. Sự vâng phục như một bổn phận: noi gương Ðức Kitô

 

Nhân đức nào cũng có hai khía cạnh này: khía cạnh thần bí và khía cạnh khổ chế. Một khía cạnh thuộc về ân sủng của Chúa, một khía cạnh thuộc về sự tự do của ta. Sự vâng phục cũng có hai khía cạnh trên, tức là: một sự vâng phục được Chúa ban cho ta, một sự vâng phục được ta thực hiện. Ở trên, chúng ta đã xét khía cạnh thứ nhất, giờ đây chúng ta xét khía cạnh thứ hai, tức sự vâng phục như một bổn phận mà ta phải thực hành bằng cách bắt chước sự vâng phục của Ðức Kitô.

 

Khi dựa vào Tân ước để xem bổn phận vâng phục này hệ tại ở chỗ nào, người ta có một nhận xét này: Sự vâng phục hầu như luôn được coi là sự vâng phục Thiên Chúa. Chắc chắn Tân ước đề cập mọi hình thức vâng phục: vâng phục cha mẹ, thày dạy, bề trên, chính quyền, mọi định chế nhân loại (1Pr 2,13), nhưng đề cập ít hơn và không long trong lắm. Chữ hy lạp để chỉ sự vâng phục (hypakoè) luôn luôn và chỉ được dùng để chỉ sự vâng phục Thiên Chúa, trừ một chỗ duy nhất trong thư Philemon chỉ sự vâng phục vị Tông đồ. Phaolô dùng chữ đó để chỉ sự vâng phục đức tin (Rm 1,5; 16,26), vâng phục giáo huấn (Rm 6,17), vâng phục Tin Mừng (Rm 10,16; 2Tx 1,8), vâng phục chân lý (Gl 5,7), vâng phục Ðức Kitô (2Cr 10,5). Chung quy đều chỉ về sự vâng phục Thiên Chúa. Sách Công vụ và thư Phêrô cũng vậy (Cv 4,19; 6,7; 1Pr 1,2.22).

 

* Có một vấn đề được đặt ra. Vấn đề là thế này: Ngày nay nhiều người cho rằng ý muốn của Thiên Chúa, được bày tỏ trong Ðức Kitô, đã được xác lập trong các luật lệ và quy tắc của Giáo Hội rồi. Vậy phải hiểu sự vâng phục Thiên Chúa như thế nào? Có được phép nghĩ là vẫn còn những ý muốn "tự do" của Thiên Chúa, mà chúng ta phải đón nhận và thi hành không? Hay chỉ cần vâng phục những luật lệ quy tắc của Giáo Hội, là vâng phục Thiên Chúa rồi?

 

Ta có thể trả lời: Nếu tất cả ý muốn của Thiên Chúa đã được xác lập vĩnh viễn trong các luật lệ, quy tắc, thì hẳn là cuối cùng Giáo Hội sẽ hoá đá. Ngoài chiều kích phẩm trật, định chế, Giáo Hội còn có chiều kích Thần khí, mới được tái khám phá. Tầm quan trọng của sự vâng phục Thiên Chúa có được cũng là nhờ sự tái khám phá trên đây. Nói khác đi, chỉ có thể quan niệm được sự vâng phục Thiên Chúa, nếu thừa nhận là Chúa Thánh Thần đang tiếp tục "dẫn đưa Giáo Hội tới chân lý toàn diện. không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo Hội đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình" (CÐ Vat.II, Hiến chế về Giáo Hội, số 4).

 

Nếu chúng ta tin Chúa Phục sinh đang hiện diện trong Giáo Hội, nếu chúng ta xác tín là ngày hôm nay Chúa vẫn đang nói, Ngài sẽ không nín lặng (Tv 50), thì khi ấy chúng ta mới hiểu rằng vâng phục Thiên Chúa là cần thiết và quan trọng. Nó là sự chú ý tới Thiên Chúa, Ðấng đang nói trong Giáo Hội qua Thần Khí. Và Thần Khí thì làm sáng tỏ những lời của Ðức Giêsu và tất cả Kinh Thánh, làm cho những lời này trở thành có thế giá, vì chuyển đạt cho ta ý muốn sống động của Thiên Chúa.

 

Sự vâng phục Thiên Chúa và Giáo Hội sẽ giảm sút, nếu nghĩ Giáo Hội như một xã hội hoàn hảo, ngay từ đầu đã được ban đủ mọi phương tiện thích hợp, để chuyển đạt ơn cứu độ cho con người, không cần có những can thiệp mới nào của Thiên Chúa. Nhưng từ khi Giáo Hội lại được quan niệm vừa là thể chế vừa là mầu nhiệm, thì sự vâng phục cũng lại được quan niệm là vâng phục cả Thần Khí nữa, chứ không chỉ vâng phục thể chế. Không chỉ vâng phục con người, mà tiên vàn là vâng phục Thiên Chúa, như đã được Phaolô trình bày.

 

Cũng như trong Giáo Hội, thể chế và mầu nhiệm không đối kháng nhau, nhưng hài hoà với nhau, cũng vậy, sự vâng phục Thần Khí không đối kháng với sự vâng phục quyền bính hữu hình, ngược lại, còn hỗ trợ cho sự vâng phục này. Ðến độ sự vâng phục con người trở thành tiêu chuẩn để xét xem có sự vâng phục Thiên Chúa hay không, và nếu có, thì có trung thực hay không.

 

Về sự hài hoà giữa hai sự vâng phục này (bên trong và bên ngoài, Thần Khí và Giáo Hội), có thể lấy trường hợp 3 đạo sĩ Ðông Phương làm ví dụ. Cả ba thấy ngôi sao lạ, nghe tự thâm tâm thấy có lời mời gọi. Họ lên đường. Nhưng rồi ngôi sao biến nất. Họ phải hỏi các tư tế ở Giêrusalem. Và chính nhờ các tư tế này, họ biết đích xác nơi Ðấng Cứu Thế sinh ra. Ý Chúa có thể biểu lộ trong thâm tâm, nhưng Ngài vẫn dùng con người để làm sáng tỏ.

 

Giả sử hai sự vâng phục trên đây không hài hoà với nhau, chẳng hạn Bề trên bảo phải làm một việc khác và ngược với điều mà mình nghĩ là Thiên Chúa dạy làm, thì giải quyết thế nào? Cứ nhìn vào Ðức Giêsu. Trong trường hợp như vậy, Ngài đã làm gì? Ngài đã chấp nhận sự vâng phục bên ngoài, vâng phục con người. Khi vâng phục con người, không phải là Ngài không còn vâng phục Chúa Cha. Ngược lại là khác. Vì chính Chúa Cha muốn Ngài làm như thế. Chúa Cha dùng những con người, như Caipha, Philatô, làm dụng cụ, dù họ không biết hay không muốn, để thực hiện ý định của Người. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết quy tắc này không phải tuyệt đối đâu. Có lúc ý Chúa đòi ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người, như Phêrô đã trả lời trước Công nghị Do thái (Cv 4,20).

 

* Con đường vâng phục này, tự nó, không có gì là riêng biệt. Nó mở ra cho mọi người kitô hữu. Chủ yếu của nó là biết "trình các việc lên Thiên Chúa" (lời của nhạc phụ Môsê nói với ông, khi thấy ông bận bịu trăm công nghìn việc, sợ ông không kham nổi, nên đề nghị với ông đặt thêm những phụ tá trong dân. Khi có việc quan trọng, họ mới trình lên Môsê. Còn Môsê, khi có việc quan trọng, thì trình lên Thiên Chúa, x.Xh 18,13tt).

 

Tôi có thể một mình quyết định việc này việc kia. Sau khi đã quyết định, tôi cầu xin Thiên Chúa giúp tôi làm tốt việc đó. Ðấy là một cách. Nhưng nếu tôi yêu mến sự vâng phục, tôi sẽ hành động cách khác. Thay vì quyết định trước, tiên vàn tôi cầu nguyện với Chúa để biết xem Ngài có muốn tôi làm việc đó hay không. Tiếp theo, tôi sẽ làm hay không làm. Ðược như vậy, bất cứ việc gì đi nữa đều sẽ là một hành vi vâng phục Thiên Chúa, chứ không còn phải là một sáng kiến tự do về phía tôi (Chúng ta muốn nói về những chuyện hơi đặc biệt một chút, đòi sự suy nghĩ và quyết đoán của mình, chứ ba cái chuyện lặt vặt, như quét căn phòng cũng phải trình lên Thiên Chúa, thì có thể là chuyện lẩm cẩm)

 

Thường ra, khi cầu nguyện vắn tắt trước việc làm, ta sẽ không nghe thấy tiếng nào trả lời rõ ràng cho ta về việc sắp làm đó. Tuy vậy, không nhất thiết Chúa phải lên tiếng, để hành vi của ta là một hành vi vâng phục. Qua việc làm trên, ta chỉ muốn trao sự việc cho Chúa, từ bỏ ý riêng của ta. Ta không muốn quyết định một mình, nhưng để cho Chúa có thể xen vào đời sống ta, nếu Ngài muốn. Hiện tại, khi không có tiếng Chúa rõ ràng, nếu ta có quyết định điều gì theo những tiêu chuẩn biện biệt thông thường, thì đó sẽ là một sự vâng phục Thiên Chúa.

 

Chúng ta giống như một người đầy tớ trung thành, không bao giờ theo sáng kiến riêng hay mệnh lệnh của người ngoài, nhưng luôn nói: "Ðể hỏi ý chủ tôi xem đã". Cũng vậy, người tôi tớ trung thành của Chúa, trước khi làm việc, phải tự nhủ: "Tôi phải cầu nguyện giây lát để xem ý Chúa muốn tôi làm gì". Như thế        , ý muốn của Chúa ngày càng thâm nhập vào đời sống của ta, từng thớ thịt ta, làm cho ta trở thành một "của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 12,1).

 

Nếu nguyên tắc "trình các việc lên Thiên Chúa" có giá trị cho những việc hằng ngày, nó sẽ có giá trị biết bao cho những việc lớn, những việc quan trọng, chẳng hạn việc lựa chọn ơn gọi. Ngay chữ "ơn gọi", nếu xét về phía Thiên Chúa, có nghĩa là lời mời gọi, còn xét về phía con người, có nghĩa là đáp lại, tức vâng phục. Theo nghĩa này, ơn gọi còn là sự vâng phục cơ bản trong đời người, tạo nên một tình trạng vâng phục thường xuyên nơi người kitô hữu. Khi chọn cuộc sống tu trì chẳng hạn, không phải chọn trước rồi mới trình sự việc lên Thiên Chúa, cốt để Ngài phê chuẩn. Nhưng ta cùng làm với Ngài, gắn bó với ý muốn đầy yêu thương của Ngài. Khác nhau giữa hai trường hợp không phải nhỏ đâu. Cái khác ở trường hợp thứ hai là biết rằng mình chọn như vậy là do ý Chúa, mình không quyết định một mình, nhưng là quyết định cùng với Chúa. Mình tỏ ra vâng phục Ngài.

Tuy nhiên, nói đến tu sĩ là nói đến trường hợp đặc biệt rồi. Sự vâng phục Thiên Chúa không phải là điều riêng cho các tu sĩ, mà là việc của mọi kitô hữu, của cả giáo dân. Giáo dân không có một bề trên để vâng phục trực tiếp, như kiểu giáo sĩ và tu sĩ, nhưng họ có một "Chúa" mà họ phải vâng phục. Cho nên, nếu là người biết vâng phục Thiên Chúa, thì khi kết hôn chẳng hạn, họ sẽ không tự ý lựa chọn kết hôn trước rồi mới trình sự việc lên Chúa sau, mà phải làm ngược lại. Thử hỏi được mấy thanh niên thiếu nữ công giáo ý thức điều này? Chưa kể có trường hợp còn "tiền dâm hậu thú" nữa là khác.

 

* Sự vâng phục của mọi tín hữu - giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân - được thực hiện cụ thể và giống nhau qua sự vâng phục lời Chúa. Theo nguyên ngữ do thái, hy lạp và la tinh, vâng phục có nghĩa là lắng nghe, chăm chú nghe (riêng ở nguyên ngữ do thái, lắng nghe là lắng nghe lời Thiên Chúa). Vậy vâng phục là biết nghe lời Chúa, tuân phục lời Chúa, thừa nhận lời Chúa có một quyền năng thật sự đối với ta. Bởi vậy, nếu đã đánh giá đúng vai trò của lời Chúa trong Giáo Hội hôm nay, thì cũng phải đánh giá đúng vai trò của sự vâng phục. Không thể đào sâu lời Chúa nếu không đào sâu sự vâng phục.

 

Ngược lại với vâng phục là bất tuân. Bất tuân có nghĩa là nghe như nước đổ đầu vịt, nghe tai này ra tai kia, nghe mà chia trí, nghe lời Chúa dạy mà chỉ muốn tự mình quyết định theo ý riêng của mình. Như Ðức Giêsu nói, người bất tuân là người nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành (Mt 7,16). Không thực hành không có nghĩa là thực tế không thực hành cho bằng không chịu đặt ra cho mình vấn đề thực hành, nghĩa là có chủ ý không thực hành. Họ học hỏi lời Chúa mà không muốn tuân phục lời Chúa. Họ làm chủ lời Chúa, theo nghĩa có những phương tiện khảo sát, phân tích. lời Chúa, nhưng không để lời Chúa làm chủ mình.

 

Ngược lại, người nào quyết định sống cho Chúa, thì sẽ đi vào con đường vâng phục. Ðòi hỏi này gắn liền với việc hoán cải thật sự. Cũng như người tu sĩ vừa khấn dòng được trao bản Hiến pháp của dòng, người kitô hữu hoán cải trở về với Phúc Âm cũng được trao một quy luật sống, đơn giản thôi. Quy luật này là: Hãy là một người vâng phục, hãy vâng phục lời Chúa.

 

4. "Lạy Thiên Chúa, này con đây"

 

Phải yêu mến sự vâng phục. Có yêu mến nó, sẽ tìm ra cách thực hành nó. Chúng ta đã thử đưa ra một số động lực giúp ta vâng phục: gương mẫu của Ðức Kitô, phép Rửa Tội của chúng ta. (Ðối với tu sĩ, có thể kể thêm động lực là lời khấn vâng phục, do mỗi người tự do tự nguyện làm. Tuy vậy, giữ đức vâng phục do lời khấn ràng buộc mà thôi, sẽ chỉ là con người vụ hình thức, không giúp chúng ta hiểu ý nghĩa sâu xa của sự vâng phục như đã khai triển).

 

Ngoài ra, không thể bỏ qua một động lực khác, cũng rất đáng nói, nếu chúng ta thực tình yêu mến Chúa. Ðó là sự hài lòng của Chúa Cha. Vâng phục làm cho Chúa Cha hài lòng, là chìa khoá mở trái tim Chúa Cha ra.

Lúc Abraham từ núi Moria trở về, sau khi định sát tế con theo lệnh Thiên Chúa truyền, Người đã nói với ông: "Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta" (St 22,17-18). Giọng điệu những lời trên làm ta nghĩ đến một người cố nín từ lâu, bây giờ mới nói lên những gì chất chứa trong lòng.

 

Cách đối xử của Chúa Cha đối với Ðức Giêsu cũng vậy, tuy ở một mức độ cao hơn hẳn. Vì Ðức Giêsu đã vâng phục cho đến chỗ bằng lòng chịu chết, nên Chúa Cha đã siêu tôn Ngài. (Pl 2,8-11). Ðối với ta, Chúa Cha hài lòng về ta khi Người ban Thánh Thần cho những ai vâng phục Người (Cv 5,32).

 

Nếu muốn làm hài lòng Chúa Cha, chúng ta phải tập nói như Ðức Giêsu và những người của Kinh Thánh: "Này con đến", "Này con đây". Lời đơn sơ vắn tắt này vang vọng trong cả cuốn Kinh Thánh, thuộc vào số những lời có giá trị nhất trước mặt Thiên Chúa. Nó nói lên mầu nhiệm của sự vâng phục Thiên Chúa. Abraham, Môsê, Samuel, Isaia, Ðức Maria, tất cả đã đáp lại Thiên Chúa bằng lời đó (St 22,1; Xh 3,4; 1Sm 3,1tt; Is 6,8; Lc 1,38). Khi nghe lời trên đây, ta có cảm tưởng đang ở trong một buổi điểm danh, hay ở trong một Thánh lễ phong chức, một Nghi thức khấn dòng, mà người được gọi tên thì thưa: Có mặt.

 

Khi đến thế gian, Ðức Giêsu đã coi lời trên là của mình, như thư Do thái ghi lại: "Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thi hành ý muốn của Người" (Dt 10,7).

Giờ đây đến lượt chúng ta. Ta có thể dựa vào lời trên đây để sống từng ngày trong cả cuộc đời. Buổi mai khi thức dậy, lúc đi làm việc, lúc gặp gỡ ai, ta đều có thể nói: Này con đây, con đến để thi hành ý muốn của Chúa. Chúng ta không biết ngày hôm nay, công việc này, buổi gặp gỡ này, dành cho chúng ta điều gì, đem lại kết quả nào cho ta. Nhưng ta chắc chắn một điều: Ta muốn thi hành ý Chúa trong những việc đó.

 

 

Ðể kết thúc, chúng ta có thể dựa vào Thánh vịnh 39/40, là Thánh vịnh nói lên một kinh nghiệm thiêng liêng, có thể giúp ta đưa ra một quyết tâm của ta. Tác giả Thánh vịnh này, sau khi đầy tràn niềm vui và biết ơn vì những việc tốt lành Thiên Chúa đã làm, thấy mình được Chúa ban nhiều ơn, thì tự hỏi mình có thể làm gì để đáp lại hồng ân này. Ngay tức khắc ông hiểu rằng Thiên Chúa không chờ mong ông dâng lễ vật hay lễ toàn thiêu cho Ngài. Ðiều đó còn ít quá, chưa nói lên hết tấm lòng của ông. Thế rồi ông trực giác và được mạc khải thế này: Ðiều Thiên Chúa mong đợi nơi ông, chính là một quyết định quảng đại chu toàn những gì Ngài muốn nơi ông, vâng phục Ngài trong mọi sự. Bấy giờ ông thốt lên: "Này con xin đến. Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý".

 

Chớ gì mỗi người chúng ta, ít nhất khi đọc Thánh vịnh này, cũng bắt gặp được trực giác đó, và cũng biết quyết định như tác giả Thánh vịnh trên đây: Này con xin đến. Con thích làm theo ý Cha.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)

 

 


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà