III

 

THIÊN CHÚA

LÀM CHO TA NÊN CÔNG CHÍNH

 

 

"Sự công chính của Thiên Chúa

đã được thể hiện" (Rm 3,21)

 

1. Thiên Chúa đã hành động

 

* Vì Phaolô mô tả điều kiện của con người sống trong tội lỗi, nên đọc hai chương đầu và nửa đầu chương III của thư Rôma, chúng ta có cảm tưởng như đang đi dưới bầu trời u ám. Nhưng rồi đọc tiếp, chúng ta thấy ngài đổi giọng. Có một cái gì đó làm ta phấn khởi. Bầu khí đã thay đổi, như thể mây u ám tan đi để mặt trời lại xuất đầu lộ diện. Cái làm ta phấn khởi chính là lời viết: "Sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện". Có một sự mới mẻ xuất hiện. Mới, không phải do con người đột ngột thay đổi nếp sống, bỏ điều dữ, làm điều lành. Nhưng mới ở đây, chính là việc Thiên Chúa ra tay hành động.

 

Ở thư Galát, Phaolô viết: "Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới" (Gl 4,4). Lúc Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, thì cũng chính là lúc thời gian tới hồi viên mãn. Chính Thiên Chúa ấn định thời gian bằng hành động của Ngài, chứ không phải thời gian ấn định hành động của Thiên Chúa.

 

Vậy sự kiện mới mẻ là Thiên Chúa đã hành động. Ngài là Ðấng giơ tay trước cho kẻ có tội. Hành động này của Thiên Chúa là một mầu nhiệm, đã được các ngôn sứ loan báo từ lâu, và giờ đây là lúc thực hiện.

 

Nhưng Thiên Chúa hành động như thế nào? Ðoạn thư Rôma cho chúng ta thấy ý tưởng chính này: Thiên Chúa đã tỏ sự công chính của Ngài, khi Ngài tỏ lòng thương xót con người. Ðây là một mạc khải vĩ đại. Thay vì báo thù con người tội lỗi thì lại là lòng thương xót. Hoặc nói một cách có vẻ nghịch lý: báo thù bằng chính lòng thương xót. Phaolô nói Thiên Chúa là Ðấng công chính và công chính hoá con người, tức là làm cho con người được nên công chính. Có nghĩa là: Thiên Chúa công chính với chính mình, tỏ ra mình đích thực là ai, khi thể hiện lòng thương xót bằng cách làm cho con người nên công chính.

 

Tuy nhiên, để hiểu đúng hành động trên đây, phải hiểu rõ sự công chính của Thiên Chúa là gì. Có người lầm tưởng rằng sau thời Thiên Chúa tỏ cơn thịnh nộ là đến thời Ngài thi hành sự công chính, tức là trị phạt người ta. Ðấy mới là báo thù đích danh. Do đó mà đâm ra sợ. Nhưng điều Phaolô loan báo cho các tín hữu Rôma lại khác hẳn: giờ đây là lòng nhân từ của Thiên Chúa, thiện ý của Ngài, ân sủng của Ngài, sự tha thứ của Ngài tỏ hiện ra cho con người.

 

Trong một lá thư khác, Phaolô đã giải thích quan niệm của mình về sự công chính của Thiên Chúa như sau: "Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình, chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng Người thương xót nên Người đã cứu chúng ta nhờ Phép Rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới" (Tt 3,4-5).

Vậy sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện cũng chính là lòng nhân từ, thương xót và tình yêu của Thiên Chúa đã tỏ hiện.

 

* Phaolô dựa vào đâu để viết ra những lời trên?

 

Theo Phaolô, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin (Rm 1,16). Phaolô cũng nói đến sự công chính đã được thể hiện, và thời Thiên Chúa nhẫn nại, bỏ qua các tội lỗi người ta phạm, nay đã mãn rồi (Rm 3,25tt). Những lời này có làm vang vọng tiếng nói của ai chăng? Có thấy giống những lời nào mà chúng ta từng nghe chăng? Có đấy. Giống lời rao giảng của chính Ðức Giêsu, khi Ngài bắt đầu sứ vụ. Ðức Giêsu nói: "Thời kỳ đã mãn và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15).

 

Như vậy, Phaolô truyền dạy chính giáo huấn của Chúa, sử dụng cùng những từ và khái niệm như trong lời rao giảng của Chúa: thời buổi, Tin Mừng, đức tin. Có điều, Chúa dùng kiểu nói "Triều Ðại Thiên Chúa", còn Phaolô dùng kiểu nói "sự công chính của Thiên Chúa". Tuy vậy, cả hai kiểu nói chỉ là một thực tại cơ bản, đều là một hành động của Thiên Chúa, tức hành vi cứu độ nhưng không mà Thiên Chúa làm cho con người. Chính Ðức Giêsu đã liên kết hai khái niệm "Triều Ðại Thiên Chúa" (hoặc Nước Thiên Chúa) và "sự công chính của Thiên Chúa" khi Ngài nói: "Trước tiên hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người" (Mt 6,33).

 

Trước hành động này của Thiên Chúa (làm cho ta nên công chính), con người phải làm gì?

 

2. Sự đáp ứng của con người: sám hối và tin

 

* Khi rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần, Ðức Giêsu mời gọi người ta sám hối. Trước Ngài, sám hối luôn luôn có nghĩa là trở lại phía sau, tức là trở về với Giao Ước mà mình đã lỗi phạm, trở về bằng cách lại tuân thủ Lề Luật. "Hãy trở lại với Ta. Hãy từ bỏ lối sống xấu xa và những hành vi gian ác của các ngươi mà trở lại. " (Dcr 1,3-4; Gr 8,4-5).

 

Sám hối ở đây mang một ý nghĩa đặc biệt có mầu sắc khổ chế, luân lý, được thực hiện bằng cách thay đổi đời sống. Người ta coi nó là điều kiện để được cứu độ. Ý nghĩa của nó là như thế này: hãy sám hối va các ngươi sẽ được cứu, hoặc: hãy sám hối và ơn cứu độ sẽ được ban cho các ngươi. Ý nghĩa này cũng nổi bật trong lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả (Lc 3,4-6).

 

Tuy nhiên, qua lời rao giảng của Ðức Giêsu - ít ra lúc Ngài bắt đầu rao giảng - ý nghĩa luân lý này chỉ là thứ yếu, nhường chỗ cho một ý nghĩa mới, cho tới lúc đó chưa được người ta biết đến. Ý nghĩa mới này hướng về tương lai hơn là về quá khứ. Thiên Chúa đã phán: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này, Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy sao? (Is 43,18-19). Giờ đây, lúc Ðức Giêsu xuất hiện thì lời sấm này cũng được thực hiện. Chỉ mình Ðức Giêsu là có thể gán cho từ sám hối ý nghĩa mới này, ý nghĩa hướng về tương lai. Chỉ mình Ngài có thể xoay chuyển trọng tâm của lịch sử. Từ đây, điều quan trọng nhất không còn phải là phía sau, là dĩ vãng, nhưng là phía trước, là tương lai.

 

Vậy sám hối không phải là trở lại phía sau, trở lại với Giao Ước cũ, với việc giữ Luật, nhưng ngược lại, làm một bước nhảy vọt về phía trước, đi vào Giao Ước mới, đi vào Nước Thiên Chúa đã xuất hiện.

 

* Ði vào Nước Thiên Chúa bằng cách nào? Bằng đức tin. "Hãy sám hối và tin". Thực ra, sám hối và tin không phải là hai việc khác nhau và kế tiếp nhau, theo kiểu sám hối trước rồi tin sau. Cả hai chỉ là một hành động. Hãy sám hối tức là hãy tin. Hãy sám hối bằng cách tin. Sám hối là hướng về tương lai, tức về Tin Mừng mà Ðức Giêsu ra giảng, thì hãy tin vào Tin Mừng đó.

 

So với thời trước Chúa, thì giữa sám hối và ơn cứu độ có sự đảo ngược thứ tự. Không phải tiên vàn là sám hối, rồi mới có ơn cứu độ, theo ý nghĩa: hãy sám hối và anh em sẽ được cứu. Tiên vàn phải là ơn cứu độ, sau đó mới là sám hối hoặc tin, theo ý nghĩa: hãy sám hối, anh em đã được cứu, vì ơn cứu độ đã đến với anh em. Phải biết rằng công việc của Thiên Chúa đi trước. Chỉ sau đó mới là sự đáp ứng của con người, chứ không ngược lại. Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến cứu độ. Ngài làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện. Con người chỉ việc đón nhận hồng ân của Ngài mà thôi, đón nhận trong đức tin, và sau đó sống những đòi hỏi của hồng ân này.

 

Như chúng ta biết: lời rao giảng của Chúa về điểm này đã là cớ vấp phạm cho các luật sĩ và biệt phái. Sau này, Phaolô đã vạch rõ những sai lầm của họ như sau: "Họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính và họ tìm cách nên công chính tự sức mình. Như vậy là họ không tuân theo đường lối Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính" (Rm 10,3).

 

Trở lại với câu nói của Chúa: Hãy sám hối và tin. Có nghĩa là: Hãy vượt qua Giao Ước cũ dựa trên Lề Luật, để tiến tới Giao Ước mới dựa trên đức tin. Giáo lý của Phaolô về sự công chính hoá bởi đức tin cũng có ý nghĩa như thế.

 

Vậy sự sám hối đầu tiên và cơ bản chính là tin. Nhờ tin mà người ta vào được Nước Thiên Chúa. Nếu có ai nói với ta: Muốn vào Nước Thiên Chúa phải là người vô tội, phải nghiêm giữ các giới răn, phải tập nhân đức này nhân đức khác. , ta có thể có lý do thoái thác mà nói: đó không phải là cho tôi, tôi không vô tội, tôi không có nhân đức này. Nhưng nếu có ai nói với ta: chỉ cần đức tin thôi, thì hãy tin vào lời đó. Ðiều này không cao quá, không khó quá đối với ta. Chỉ cần mở miệng và mở lòng. Phaolô viết: "Nếu miệng bạn tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ" (Rm 10,8-9).

 

* Tuy vậy, đức tin mà chúng ta có, lại là do Thiên Chúa ban cho ta một cách nhưng không, như một ân huệ của Ngài. Phaolô nhấn mạnh điều này, dùng nhiều kiểu nói khác nhau để nhấn mạnh. Trong thư Êphêsô, ngài viết: "Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa, cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện" (Ep 2,8-9).

 

Chính vì điểm sau cùng này, tức hãnh diện về việc mình làm, mà Thiên Chúa nhất quyết đòi ta phải tin. Ngài muốn khai trừ khỏi ta con sâu đáng sợ đã phá hoại con người cũ của ta. Con sâu này là sự hư danh của con người. "Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện.Chúng tôi nghĩ rằng người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy" (Rm 3,27-28).

 

Con người, trong thâm tâm, có khuynh hướng trả giá với Thiên Chúa bằng công trạng của mình. Thế nhưng, muốn dùng công trạng của mình để chuộc mình nơi Thiên Chúa, thì đó là một hình thức tỏ ra không muốn lệ thuộc Ngài. Không những muốn mình độc lập, mà còn muốn mình là chủ nợ của Thiên Chúa nữa. Trả giá theo kiểu nghĩ thế này: Tôi làm cho Chúa như thế, Chúa phải trả cho tôi cái gì chứ. Thì ơn cứu độ của Chúa chính là món nợ Chúa phải trả cho tôi.

 

Chính vì ý nghĩ sai lầm như vậy mà Phaolô phải nhấn mạnh ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Tính cách nhưng không này đã được Ðức Giêsu diễn tả bằng hình ảnh một con trẻ. Ngài dạy chúng ta phải đón nhận Nước Trời như con trẻ. Có nghĩa là: đón nhận Nước Trời một cách nhưng không, như một ân huệ của Thiên Chúa, chứ không vì một công trạng nào của mình cả. (bởi vậy, có lần các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời, Chúa đã gọi một trẻ nhỏ đến, để ngồi giữa các ông và nói: "Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời", Mt 18,1-3).

 

Trẻ em, tuy còn bé chưa suy nghĩ nhiều, nhưng do bản năng, biết có sự khác biệt giữa công trạng và đặc ân. Khi chúng xin cha mẹ sắm những gì cần, chúng coi đó là đặc ân của cha mẹ dành cho con cái, chứ không phải vì mình đã làm được gì để giúp cha mẹ, để cha mẹ phải trả công. Chúng xin đặc ân, vì biết mình được cha mẹ yêu thương, biết mình là con cái.

 

Nói thế không có nghĩa là những ý tưởng về công trạng, về phần thưởng, về nhân đức, những cố gắng và những gì được nói rõ trong Tin Mừng đều không đáng kể, đều là những chuyện vất đi. Ðâu phải vậy. Có điều tất cả những cái đó phải được đặt đúng chỗ. Không được coi chúng như là lý do của ơn cứu độ, mà chỉ là hiệu quả của ơn cứu độ. Chúng là những gì phát xuất từ đức tin.

 

Kinh Thánh nói: Thiên Chúa "vất bỏ sau lưng hết mọi lỗi lầm ta phạm" (Is 38,17), thì phần chúng ta, chúng ta hãy vất bỏ sau lưng mọi công trạng của ta, đừng nhìn tới chúng. Thiên Chúa vất bỏ sau lưng mọi tội ta, và nhìn đến mọi việc lành ta làm, kể cả một bát nước lã cho người nghèo (Tb 12,12; Cv 10,4). Ðến lượt ta, ta phải vất bỏ sau lưng mọi việc lành ta làm, và chỉ nhìn đến tội lỗi của ta. Ta càng không nhìn đến việc lành ta làm thì, ngược lại, Thiên Chúa càng nhìn đến chúng.

 

3. Nói thêm về đức tin

 

* Chúng ta được cứu độ là nhờ tin. Chìa khoá mở mọi sự là đức tin. Nhưng có nhiều thứ tin khác nhau: có đức tin tán đồng (foi-assentiment) của trí khôn, có đức tin phó thác (foi-confiance) của tâm hồn, có đức tin kiên định (foi-stabilité) của ý chí, như Isaia nói (Is 7,9; Ở đây, Isaia đòi vua Achaz và triều đình phải đặt lòng tin vào Giavê trong giờ phút nguy kịch. Lòng tin này là sự trông cậy không nao núng, dựa trên ơn tuyển chọn của Thiên Chúa, không nại vào sự giúp đỡ nào khác nơi con người hay nơi tà thần).

 

Khi Phaolô nói về sự công chính hoá bởi đức tin, thì là đức tin nào? Có thể nói đây là một đức tin rất đặc biệt: đức tin chiếm đoạt (foi-appropriation), đức tin giúp ta làm một việc táo bạo. Thánh Bênađô nói về vấn đề này như sau: "Cái mà tôi không thể tự mình có được, thì tôi tin tưởng mà chiếm đoạt nó từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa, vì Ngài giầu lòng thương xót". Chính Thiên Chúa mời gọi ta lợi dụng cuộc Khổ Nạn của Ðức Kitô bằng một cách thức tương tự như vậy.

 

Ðiều nói trên rất đơn giản và rất rõ trong Phúc Âm. Nhưng con đường dẫn tới chỗ khám phá ra nó quả là dài. Khám phá ở cuối đời sống thiêng liêng. Giống như một số quy luật vật lý học, phải qua nhiều thử nghiệm mới đạt tới nguyên lý, mà nguyên lý này, cuối cùng, lại rất đơn giản và cơ bản cho mọi nguyên lý khác (Cũng có khi tình cờ khám phá ra nguyên lý: Archimède tìm ra sức đẩy của nước khi tắm trong bồn, Newton nhìn quả táo rơi mà tìm ra định luật hấp lực của trái đất, Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu. Ngay cả trực giác cũng đã phải dựa trên sự suy nghĩ lâu dài).

 

Trường hợp đức tin đang bàn ở đây, tự nền tảng, chỉ là đơn thuần nói lời "Xin vâng" với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo nên con người có tự do, để họ có thể tự do đón nhận ân sủng, nhận mình là một tạo vật được Thiên Chúa ban ơn. Thiên Chúa chỉ chờ đợi họ làm như thế. Nhưng thật đáng buồn! con người đáp lại Ngài bằng tiếng "không". Giờ đây, Ngài cho con người một cơ hội thứ hai là ban Ðức Kitô, và hỏi con người: ngươi có muốn sống nhờ Ðức Kitô và trong Ðức Kitô chăng? Nếu ta đáp lại: "Vâng, con muốn", tức là ta tin. Lập tức, ta là tạo vật mới, phong phú hơn tạo vật cũ. Ta "được tạo dựng trong Ðức Kitô" (Êp 2,10).

 

Ðể có được thái độ đáp ứng trên đây, cần phải có một hành động táo bạo, vì không phải chuyện bình thường, không phải chuyện chơi. Cái giá của hành động này, và cũng là mục tiêu của nó, chính là sự sống đời đời cho ta. Phương tiện để đạt được sự sống này, chính là tin.

 

Thánh Cyrillô thành Giêrusalem đã diễn tả hành động táo bạo này như sau: "Các người công chính trong Cựu Ước phải vất vả nhiều năm để làm hài lòng Thiên Chúa. Nhưng điều họ đạt được qua sự phục vụ lâu dài và anh hùng đối với Thiên Chúa, thì Ðức Giêsu ban điều đó cho bạn trong một khoảng thời gian ngắn. Quả vậy, nếu bạn tin rằng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, và Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết, bạn sẽ được cứu và được đưa vào Thiên Ðàng bởi chính Ðấng đã đưa người trộm lành vào đó". Thật không khác với ngôn ngữ của Phaolô.

 

Các Giáo Phụ còn diễn tả hành vi tin này bằng những cách khác nữa, đại khái như sau: Trong đấu trường, một vị anh hùng đã chiến đấu với một bạo chúa và đã thắng. Còn chúng ta, mặc dù chỉ chứng kiến, không mệt nhọc, không bị thương tích, nhưng nếu chúng ta hoan hô kẻ chiến thắng, vui mừng với cuộc chiến thắng của người đó, khích động dân chúng hoan hô người đó, nghiêng mình trước người đó, coi cuộc chiến thắng của người đó như của mình, thì chắc chắn chúng ta được chia sẻ thành quả của người thắng trận.

(Nếu dùng một hình ảnh thích hợp hơn cho thời nay, có lẽ phải dùng hình ảnh một trận bóng đá: cổ động viên liên kết với đội nhà hay đội mình thích như thế nào, cảm thấy vinh dự thế nào khi đội của mình thắng. , tuy lắm khi cũng phải chịu mệt bở hơi tai vì hò hét).

 

Cũng theo các Giáo Phụ, còn có gì khác hơn thế nữa kia. Giả sử người thắng trận không nghĩ tới kết quả mình đã đạt được, mà chỉ muốn cho ta được hưỏng vinh dự của cuộc thắng trận, coi việc ta được vinh dự là kết quả của việc mình chiến đấu. Ta có được hưởng vinh dự này không, dù ta chẳng phải vất vả và chịu thương tích nào? Chắc chắn là được.

 

Ðây là điều đã xẩy ra giữa Ðức Kitô và chúng ta. Chúng ta chẳng phải chiến đấu gì, chẳng có công trạng nào, chỉ lấy lòng tin mà ca ngợi cuộc chiến đấu và chiến thắng của Chúa, bày tỏ tình yêu của ta, coi vết thương và cái chết của Ngài là của ta, khi ấy ta được cứu.

 

* Ðức tin đem lại những hiệu quả tuyệt vời. Thư Do thái đã dành cả một chương (ch.11) để ca ngợi đức tin của các bậc tổ tiên. Họ là những người, nhờ đức tin, đã chiến thắng các nước, đã thi hành công lý, đã đạt được lời hứa, đã khoá miệng sư tử, đã dập tắt lửa hồng, đã nên hùng dũng .Thế nhưng, ở cuối chương, tác giả hé mở điều này: "Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn" (Dt 11,40). Ðúng vậy! Những kết quả trên đây, nhờ đức tin mà có, đã lớn, đã đáng kể, nhưng Thiên Chúa còn dành một điều lớn hơn nhiều để đổi lấy đức tin của ta. Ðiều đó không gì khác hơn là chính Ngài. Không phải những cái mau qua, những cái thuộc về thế gian, nhưng là Nước Thiên Chúa, sự công chính của Thiên Chúa.

 

Chúng ta có thể nói không ngoa rằng đức tin là một trong những phát minh đẹp đẽ nhất của Thiên Chúa. Nhờ đức tin, cái hữu hạn có được cái vô hạn, con người có được Thiên Chúa. Ngày xưa, người Do Thái nhờ tin mà vượt qua Biển Ðỏ như đi trên đất khô. Nhưng cuộc Xuất hành thứ nhất này không là gì so với cuộc Xuất hành thứ hai của chúng ta hôm nay, được thực hiện nhờ tin vào Ðức Kitô. Cuộc Xuất hành thứ hai này đưa ta từ bóng tối đến ánh sáng, từ sự chết đến sự sống, từ hữu hình đến vô hình.

 

Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do là vì đức tin, tức là làm cho người ta có thể có đức tin. Chỉ trong đức tin con người mới thi hành đầy đủ sự tự do của mình. Chỉ mình Thiên Chúa biết rõ giá trị của một hành vi tin nơi con người. Ðối lại, cũng chỉ có hành vi tin mới biết được giá trị của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói về Thiên Chúa thế nào, thì cũng nói về đức tin thế ấy. Thiên Chúa toàn năng, "với Ngài, không có gì là không thể làm được" (Lc 1,37), thì đức tin cũng toàn năng, vì "cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin" (Mc 9,23: đây là một quả quyết mà dám chắc ít ai nghĩ tới).

 

* Nguồn gốc và bản chất thần linh của đức tin cho thấy nó không bao giờ cạn kiệt. Nó không có giới hạn. Chúng ta luôn có thể tin hơn. Ơn Thiên Chúa luôn hoạt động để đưa ta tới một đức tin tinh tuyền và hoàn hảo hơn, đưa ta từ đức tin tới đức tin, tức từ một mức độ tin này tới một mức độ tin khác hoàn hảo hơn, từ một đức tin dựa trên các dấu chỉ tới một đức tin không cần dấu chỉ.

 

Khi một người tin thắng được một trở ngại, Thiên Chúa lại đưa ra một trở ngại khác lớn hơn, nhưng bằng tay kia, Ngài vẫn chuẩn bị cho người đó thắng tiếp. Và cứ như thế, cho tới chỗ Ngài đòi hỏi nơi họ điều mà, xét theo phương diện con người, dường như không làm được. Trong đức tin, có một cái gì đó giống như các cuộc đua điền kinh. Về môn nhảy cao chẳng hạn, cứ mỗi lần vận động viên nhảy qua được, người ta lại nâng mức xà lên cao hơn một chút, để vận động viên rán nhảy cao hơn, mà vẫn không tiên liệu được kỷ lục cuối cùng.

 

Ðức tin quả là một phát minh vĩ đại của Thiên Chúa. Vinh quang trên trời như một cây lớn nhiều cành lắm trái, nhưng lại do một hạt giống nhỏ gieo từ lòng đất. Hạt giống này là đức tin. Chúng ta cần có hạt giống này và phải hết sức bảo vệ vun trồng nó. Ðức tin là hạt giống làm sinh hoa trái là sự sống đời đời.

 

4. "Ðây là lúc Thiên Chúa thi ân"

 

Diễn từ của Phaolô về sự công chính hoá bởi đức tin bắt đầu bằng những chữ: "Nhưng nay ." (Rm 3,21). Nay hoặc giờ đây có ba ý nghĩa hoặc bao gồm ba bình diện: bình diện lịch sử (nhắc tới Giờ của Ðức Kitô chết trên Thập giá vì ta, tức là biến cố lịch sử trong đó Thiên Chúa thực hiện việc cứu chuộc ta); bình diện bí tích (nhắc tới lúc Rửa Tội, trong đó ta được thanh tẩy, thánh hoá, công chính hoá: 1Cr 6,11); bình diện luân lý (nhắc tới thời giờ hiện tại của ta). Phaolô nhấn mạnh ý nghĩa hoặc bình diện cuối cùng này khi nói với dân Corintô: "Ðây là lúc Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ" (2Cr 6,2).

 

Vậy, liên hệ đến vấn đề công chính hoá bởi đức tin, có một việc gì đó ta phải chu toàn lúc này, một việc gì đó mà đích thân ta phải làm, không được khoán trắng cho ai. Không có nó thì mọi nhận định đẹp đẽ nhất và sâu sắc nhất về vấn đề này sẽ chỉ là những ý tưởng trên mây trên gió.

Sự công chính hoá bởi đức tin là khởi đầu của đời sống siêu nhiên. Nhưng không phải khởi đầu xong là hết, chỉ còn các biến cố khác tiếp nối. Sự khởi đầu đó luôn mang tính hiện tại nên phải được lặp lại không ngừng. Thiên Chúa luôn là Ðấng yêu thương ta trước và công chính hoá ta trước. Và Ngài không chỉ làm một lần khởi đầu rồi thôi. Vì vậy, chúng ta phải luôn là người tin, để mình được công chính hoá cách nhưng không. Trong tiến trình này, có thể có những đột biến, như những lúc ta bừng tỉnh về đức tin của ta. Những lúc đó, không những ta phải nhìn lại để hiểu hơn những gì đã xẩy ra nơi ta ngày ta chịu phép Rửa Tội, mà còn phải làm sống lại những ơn đó. Ðiều này giúp ta tạo ra một bước nhảy vọt có chất lượng trong đức tin của ta.

 

Một Giáo Phụ ở thế kỷ IV đã có những lời rất xác đáng như sau: "Với mỗi người, lúc khởi đầu cuộc sống là lúc mà khởi đi từ đó Ðức Kitô chịu tế sát vì họ. Nhưng Ðức Kitô chịu tế sát vì họ vào lúc họ nhận ra ân sủng và ý thức về sự sống mà việc tế sát này đem lại". Thế nên, sự chết của Ðức Kitô và phép Rửa Tội trở thành hiện tại và thực sự cho ta, lúc chúng ta ý thức về chúng, chấp nhận chúng, vui mừng vì chúng, và dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Nếu muốn thì "giờ đây" có thể là lúc này.

 

Phúc Âm Luca có thuật lại dụ ngôn về người thu thuế lên Ðền thờ cầu nguyện, và trở về nhà thì được nên công chính (Lc 18,14). Chỉ cần anh chân thành thầm thĩ trong lòng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Chúng ta cũng vậy, phải ra về mà được nên công chính sau một lúc cầu nguyện sốt sắng, hoặc sau một lần xưng tội mà đã thưa với Chúa như người thu thuế trên kia. Ðừng làm như người biệt phái. Ðừng cho mình là đã nghiêm túc trong vấn đề này.

 

Chưa hết. Dù đã được nên công chính, được tha thứ, được cứu độ, trở nên tạo vật mới, ta vẫn có thể lại là con người bất chính. Khi đó chúng ta lại tiếp tục đặt các tội ta trong tay của Chúa trên Thập giá. Và tôi có thể tin tưởng đứng trước Chúa Cha mà thưa với Người: "Giờ đây, xin Cha hãy nhìn đến con, vì con chính là Giêsu của Cha. Sự công chính của Ðức Giêsu ở trên con", "Cha mặc cho con hồng ân cứu độ, choàng cho con đức chính trực công minh" (Is 61,10). Vì Ðức Kitô đã mang lấy tội lỗi của tôi, thì tôi được mặc lấy sự thánh thiện của Người. Hoặc nói như Phaolô: Tôi đã "mặc lấy Ðức Kitô" (Gl 3,27).

 

Thiên Chúa sẽ nhìn ta, và thấy rằng, nhờ hy tế của Ðức Kitô Con Ngài, ta lại trở thành con người tốt. Khi ấy, ta có thể hãnh diện trong Thập giá Ðức Kitô, có thể tự hào trong Chúa (1Cr 1,31). Ðó chính là vinh dự mà cũng là phần thưởng của người được công chính hoá.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà