Suy niệm về

ÐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA KITÔ

 

VI

 

SUY NIỆM VỀ CHÚA CHA

 

 

"Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng

chẳng tha" (Rm 8,32)

 

Bài này dành riêng nói về Chúa Cha. Người ta luôn nói hoặc rất hay nói về Ðức Giêsu Kitô. Ít lâu nay cũng hay nói về Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Cha thì sao? Mấy ai nói về Người? Dầu vậy, chúng ta vẫn muốn biết và phải cố gắng để biết.

 

Ðiều đầu tiên phải nói lên, phải ghi khắc trong lòng, chính là danh xưng "Cha". Trong thư Êphêsô, Phaolô bảo danh xưng này là "nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất", và Phaolô phải "quỳ gối trước mặt Chúa Cha" (Ep 3,14).

 

Lúc này, chúng ta cần có tấm lòng và môi miệng của Ðức Giêsu, để nói về Chúa Cha cho thích hợp, vì chỉ mình Ngài có thể nói cho ta về Chúa Cha (Mt 11,27: Không ai biết Cha trừ người Con .). Diễn giả nào cũng có đề tài tủ, đề tài ruột để nói, cảm thấy thoải mái, hứng khởi khi nói. Ðức Giêsu có đề tài ruột không? Tôi nghĩ là có đấy: đề tài về Chúa Cha, Cha của Ngài. Chắc hẳn khi Ngài nói về Chúa Cha, thì mắt các Tông đồ mở to hơn, tâm trí họ nghĩ đến một hình ảnh vừa quen thuộc lại vừa xa lạ, đến nỗi Philípphê đã thưa với Chúa: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện" (Ga 14,8).

 

Tuy nhiên, nói cho đúng, đối với Ðức Giêsu, Chúa Cha không phải là một "đề tài" để Ngài nói, nhưng là Abba của Ngài, người Cha yêu mến, người Cha đã ban cho Ngài vinh dự và danh hiệu trước khi có thế gian, người Cha mà Ngài, ngay cả với tư cách là một con người, cũng cảm thấy bị lôi cuốn.

 

Tất cả sứ mệnh của Chúa Giêsu ở trần gian là làm cho người ta biết Chúa Cha. Vì vậy, Ngài đã kết thúc sứ vụ rao giảng về Nước Thiên Chúa như sau: "Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương Con, ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa" (Ga 17,26). Chúa Giêsu làm cho người ta biết Chúa Cha, yêu mến Chúa Cha, biết rằng chính Ngài đã yêu mến Chúa Cha, ngay cả lúc sắp chịu Khổ nạn, như lời Ngài nói với các môn đệ: "Thế gian biết là Thầy yêu mến Chúa Cha" (Ga 14,31)

 

Trở lại với thư Rôma. Diễn từ của Phaolô về Chúa Cha được nói tới ở cuối chương 8. Những chương trọng tâm của lá thư (ch.5-8) cơ bản là bàn về sự cứu rỗi do Ðức Kitô thực hiện, nhờ sự chết và sự sống lại của Ngài. Nhưng chúng ta biết: sự cứu rỗi không chỉ hoàn toàn là công trình của Chúa Con. Ðó là công trình của cả Ba Ngôi. Ở chương 5, ta đã có thể thấy chiều kích Ba Ngôi của sự cứu rỗi và của chính cuộc Khổ nạn của Ðức Kitô. Trong bài trước, ta đã có dịp nói sơ qua về hành động của Chúa Cha trong sự Phục sinh của Ðức Kitô. Vì vấn đề có tầm quan trọng, chúng ta cần đào sâu thêm, suy nghĩ thêm về hành động này.

 

 

 

1. Chúa Cha bị chối từ

 

* Phaolô viết: "Ðức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta" (Rm 5,8), và "Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta" (Rm 8,32). Qua hai câu trên, ta thấy rằng vì yêu ta, Chúa Cha đã để cho Con mình phải chết. Nhất là câu sau dường như có tính chất một hành động: chẳng tha, trao nộp!

 

Cứ như con người thường nghĩ, đây là một khẳng định kỳ dị, thậm chí gây gương mù. Gì mà lại không tha. Gì mà lại trao nộp. Tình nghĩa cha con ở đâu? Người ta có thể nghĩ rằng việc Ðức Kitô chết không những không bày tỏ tình yêu của Chúa Cha, ngược lại, cho thấy một Chúa Cha độc ác, hoặc ít ra đó là sự công bình cứng nhắc của Chúa Cha. Quả thật, vì nhiều lý do, con người hôm nay không hiểu rõ Chúa Cha. Cũng không lạ. Ngay từ xưa, Ðức Giêsu đã nói: "Lạy Cha là Ðấng công chính, thế gian đã không biết Cha" (Ga 17,25).

 

* Có hai lý do chính khiến cho con người ngày nay không thể hiểu được vì sao Chúa Cha tốt lành lại để Ðức Kitô chết thảm trên Thập giá.

 

Lý do đầu tiên là từ chính Giáo Hội. Sao lạ vậy? Chả là vì trong Giáo Hội có những người trình bầy mầu nhiệm không được thích đáng, ít nhất theo cảm tính của người thời nay. Chúng ta không có ý nói đến những giải thích của các bậc thầy, chẳng hạn Tôma. Nói chung, những bậc thầy này dè dặt và kính trọng mầu nhiệm. Chúng ta muốn nói về những cách giải thích trong một số thủ bản, một số bài giảng về cuộc Khổ nạn. Chính chúng tạo ra hình ảnh méo mó về công trình cứu chuộc.

 

Trong một bài giảng của Giám mục Bossuet, được coi là nhà giảng thuyết đại tài của Pháp ở thế kỷ 17, người ta bắt gặp những lời lẽ thế này: "Linh hồn thánh thiện của Cứu Chúa tôi đầy sự ghê sợ thánh đối với một Thiên Chúa nổi cơn lôi đình. Và khi linh hồn ấy muốn ngả vào cánh tay Người để tìm sự nâng đỡ, thì chỉ thấy Thiên Chúa ngoảnh mặt đi, trao nộp nó làm mồi cho cơn thịnh nộ của sự công chính của mình . Ðức Giêsu chịu sự khinh miệt của Thiên Chúa, vì Ngài kêu lên mà Cha Ngài không nghe; Ðức Giêsu chịu cơn giận của Thiên Chúa, vì Ngài cầu nguyện mà Cha Ngài không nhận lời; Ðức Giêsu chịu sự công chính của Thiên Chúa, vì Ngài đau khổ mà Cha Ngài không nguôi ngoai".

 

Trong một bài giảng khác Ðức Giám mục này còn nói: "Trong cuộc Khổ nạn, Chúa Cha nhìn Chúa Con bằng con mắt khao khát báo thù". Trời đất! Một nhà giảng thuyết đại tài còn như thế, huống hồ biết bao nhiêu nhà giảng thuyết khác của ngày trước, dám đi xa hơn nhiều.

 

Rõ ràng một cái nhìn như vậy, nhận định như vậy, dựa trên khái niệm pháp lý về sự đền bồi, về lâu về dài, không thể không tạo ra một cảm tưởng ghê sợ thầm kín đối với Chúa Cha. Chúa Cha bị coi là Ðấng khắt khe, không mảy may xúc động. Sở dĩ có nhận định như thế vì người ta đã không lưu ý đến chân lý cơ bản bày: có sự duy nhất về ý muốn giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Do sự duy nhất này mà Chúa Cha muốn gì, Chúa Con cũng muốn như vậy. Nếu có một sự "độc dữ" nơi Thiên Chúa, thì đó không phải là sự độc dữ của Chúa Cha đối với Chúa Con, nhưng là sự "độc dữ của Thiên Chúa đối vói chính mình". Và Thiên Chúa độc dữ với mình chỉ vì yêu thương con người.

 

Lý do thứ hai khiến người ta khước từ Chúa Cha, phát sinh từ bên ngoài Giáo Hội và thần học: từ vô số thành kiến và ngờ vực về hình ảnh của người cha. Khoa tâm lý hiện nay thu thập chúng lại thành những ý niệm này: ý niệm cha chú, kẻ cả (paternalisme: cha dành phần hơn, cái gì cũng tuỳ vào cha), ý niệm độc đoán (autoritarisme: cha nắm mọi quyền) ý niệm xiển dương nam tính (masculinisme: đàn ông là hơn, đàn ông làm chủ) . Khoa tâm phân học còn khám phá ra cái gọi là mặc cảm Oedipe (trong thần thoại hy lạp, Oedipe bị tuyên sấm trước là sẽ giết cha và lấy mẹ ruột. Sau xẩy ra đúng như vậy, và Oedipe đã tự móc mắt mình để khỏi thấy sự ô nhục). Theo mặc cảm này, con trai đều có sẵn trong tiềm thức ước muốn giết cha mình, hoặc ít ra, trai hướng về mẹ và gái hướng về cha nhiều hơn. Về phương diện tâm bệnh học, khám phá này cũng ít nhiều hữu ích, nhưng không thể gán cho nó một giá trị phổ quát. Càng không thể áp dụng nó cho một Thiên Chúa là Cha.

 

Ðương nhiên, không phải khoa tâm phân học từ số không mà tạo ra những khái niệm sơ khởi trên đây. Nhiều khái niệm bén rễ trong đời sống con người. Sự thù ghét cha có thể là kết quả của những kinh nghiệm và sự kiện rất khác nhau. Có người cho rằng Chúa Cha độc đoán, đó là vì người ấy có một người cha độc đoán. Hoặc chẳng hạn một đứa con có cha đã chết từ lúc nó mới ra đời, mỗi lần phạm lỗi nào đều bị mẹ nói: cha mày mà còn sống thì cứ chết! Do đó người con cảm thấy may là cha mình đã chết. Cha đồng nghĩa với cấm cản, mất tự do. Từ đó cũng nghĩ như thế về Chúa Cha.

 

2. Sự đau khổ của Thiên Chúa

 

Một trong những lý do chính khiến người ta từ chối Chúa Cha chính là vì thấy các người vô tội phải đau khổ. Người ta bảo: không thể chấp nhận một Thiên Chúa để bao nhiêu trẻ em vô tội phải khổ như thế, không thể chấp nhận một Chúa Cha để Con yêu dấu của mình là Ðức Giêsu phải đau khổ như thế. Cho nên, con người oán hận Thiên Chúa có thể là vì họ thấy thế giới đầy đau khổ, hoặc thấy con người phải khổ, còn Thiên Chúa thì không, hoặc thấy Chúa Con chịu khổ còn Chúa Cha thì không. Chúng ta thử dựa vào ơn Chúa Thánh Thần để làm sáng tỏ điều trên.

 

* Trước hết là về thái độ của Chúa Cha trước sự đau khổ nói chung. Trong rất nhiều chỗ, Cựu ước đã cho thấy Thiên Chúa đau buồn như thế nào, đặc biệt đối với dân riêng của Người. Mà không phải chỉ vài câu tách rời. Tất cả Cựu ước đều bàng bạc thái độ than phiền của Thiên Chúa: Thiên Chúa buồn rầu trong lòng vì thấy sự gian ác quả là nhiều trên mặt đất (St 6,5-6). Thiên Chúa đã buồn lòng trong sa mạc (Tv 77). Thiên Chúa đã than: "Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì ngươi, Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng. Hãy trả lòi cho Ta" (Mk 6,3). Lý do sâu xa của sự than phiền này là vì tình yêu của Thiên Chúa bị phản bội: "Ta đã nuôi nấng đàn con cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta" (Is 1,2).

 

Nhưng Thiên Chúa không đau khổ vì chính mình, như thể nơi mình con thiếu điều gì đó. Ngài đau khổ vì con người hư đi. Ngài đau khổ vì yêu. Kinh Thánh không ngại nói rõ một thứ "bất lực" nào đó của Thiên Chúa, do Ngài yêu con người. Con người khiêu khích Thiên Chúa, khi họ thờ ngẫu tượng và nổi loạn. Chiếu theo sự công bình thì Ngài phải tru diệt ho. Nhưng Ngài lại không thể làm thế. Tâm trạng đầy kịch tính này được Hôsê diễn tả như sau: "Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành!... Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận" (Hs 11,8-9). Ngay cả khi Thiên Chúa "buộc" phải dùng hình phạt để đưa dân trở lại và thanh tẩy tội lỗi họ, như trong thời lưu đầy, thì Kinh Thánh cũng viết: "Có hạ nhục và làm khổ người ta, Người cũng chẳng vui vẻ gì" (Ac 3,33).

 

Vậy, người ta khổ thì Thiên Chúa cũng khổ, vì Người phải hành động ngược lại ý muốn của mình. Trong sách Ai ca, không chỉ ngôn sứ mà cả Thiên Chúa cũng than phiền. Trong khi đó, chúng ta biết tư tưởng do thái giáo rất nhạy cảm với đề tài về sự siêu việt và vinh quang của Thiên Chúa.

 

* Các triết gia hy lạp, khi tiếp xúc với Kinh Thánh, đã cảm thấy vấp phạm trước mạc khải như vậy về Thiên Chúa. Theo họ, Thiên Chúa không phải là một ngôi vị sống, nhưng là một ý tưởng, ý tưởng sự Thiện. Ý tưởng thì không phải đau khổ. Thiên Chúa không thể trà trộn với con người. Bất quá, Ngài có thể được người ta yêu mến, nhưng Ngài không thể yêu thương con người. Nếu yêu, Ngài sẽ đánh mất tư cách của mình, vì phải lệ thuộc vào những cái vô thường, những gì hay thay đổi. Chúng ta hiểu vì sao những triết gia hy lạp cho rằng sự giận dữ, đau khổ . của Thiên Chúa là không thể có được. Thiên Chúa không thể có những tình cảm yêu ghét, lệ thuộc thời gian.

 

Ðó là ý tưởng về Thiên Chúa nổi bật lúc thần học kitô giáo mới khai sinh, và đã ảnh hưởng trên một số lạc giáo, chẳng hạn phái ngộ đạo (gnosticisme). Chúng ta biết Giáo Hội thời ấy đã phản bác quan niệm trên như thế nào. Tertullianô, một nhà hộ giáo, đã viết: "Ðể biết Thiên Chúa là Ðấng nào, chúng ta không học nơi các triết gia . nhưng nơi Chúa Kitô và các ngôn sứ. Chúng ta tin một Thiên Chúa đã đến thế gian, đã muốn chia sẻ với ta sự hèn mọn của kiếp người để cứu độ ta. Chúng ta không theo ý kiến của những người cho rằng Thiên Chúa chẳng lo lắng về chuyện gì cả".

 

Một số nhà thần học, dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học hy lạp, vẫn trung thành với Kinh Thánh. Origène chẳng hạn, khi diễn giải Kinh Thánh, đã quả quyết rằng, theo một nghĩa nào đó, ở nơi Thiên Chúa, Khổ nạn còn có trước Nhập thể, và cuộc Khổ nạn của Ðức Kitô ở trần gian là hệ quả của một cuộc Khổ nạn đã có trước, mà Chúa Cha đã chịu vì ta. Ông viết: "Ðấng Cứu Thế đến trần gian vì thương xót nhân loại. Ngài đã chịu những đau khổ của ta trước khi chịu khổ hình Thập giá, thậm chí trước khi mặc lấy thân xác của ta. Là vì, nếu đã không chịu khổ trước, hẳn Ngài không đến chia sẻ đời sống con người chúng ta. Vậy cuộc Khổ nạn Ngài đã chịu ngay từ đầu vì ta là cuộc Khổ nạn nào? Ðó là cuộc Khổ nạn của tình yêu, đam mê của tình yêu".

 

Như vậy, cội rễ của vấn đề là tin hay không tin một Thiên Chúa là Tình Yêu. Các triết gia ngoại đạo cho rằng nếu Thiên Chúa yêu con người, quan tâm tới số phận của con người, thì một cách nào đó Ngài sẽ rơi vào cơn lốc của họ, không còn được yên hàn nữa. Vì vậy Ngài không yêu. Ngài có thể được yêu, nhưng Ngài không thể yêu.

 

Còn chúng ta, dựa vào Kinh Thánh, biết và tin một Thiên Chúa yêu thương con người. Vì tình yêu này mà Thiên Chúa chịu đau khổ. "Không thể có tình yêu mà không có đau khổ" (Sách Gương Chúa Giêsu). Nơi con người thế nào thì nơi Thiên Chúa cũng vậy. Tuy nhiên, sự đau khổ của Thiên Chúa không giống hẳn với sự đau khổ của ta. Nơi Thiên Chúa, đó là một sự đau khổ hoàn toàn tự do, không lệ thuộc vào bất cứ điều tất yếu nào hay vận mệnh nào, không làm mất đi hay làm giảm sút những thuộc tính khác của Ngài.

 

Nhân nói về sự đau khổ của Thiên Chúa, tưởng cũng nên nói về một thái độ khác của Ngài, thường được Kinh Thánh đề cập. Ðó là thịnh nộ, là nổi cơn lôi đình. Phải hiểu cho đúng. Thịnh nộ chỉ là cách bầy tỏ tình yêu, vì luôn luôn là thịnh nộ trước tội lỗi, chứ không bao giờ thịnh nộ đối với kẻ có tội. Thiên Chúa phạt tội nhân chỉ là để cứu họ khỏi tội lỗi. Ngài phạt họ trong thời gian, để cứu họ trong vĩnh cửu, cho dù họ không hiểu được điều này tức khắc và rõ ràng. "Những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa" (Kn 12,2). Cơn giận của Thiên Chúa chính là lúc bày tỏ sự thánh thiện của Ngài.

 

3. Sự đồng khổ của Chúa Cha

 

* Sau khi đã nói đến sự đau khổ của Chúa trước nỗi thống khổ của thế giơi, của con người, giờ đây, chúng ta đề cập một khía cạnh chuyên môn hơn, liên hệ đến mạc khải về Mầu nhiệm Ba Ngôi, đến thiên chức làm Cha của Thiên Chúa. Khía cạnh này là: Chúa Cha có thái độ nào trước cuộc Khổ nạn của Con mình? Phải chăng Chúa Cha là Ðấng chỉ làm cho Con phải khổ, thản nhiên nhìn con chịu khổ? Thiên Chúa đau khổ khi thấy con người chịu khổ, hay khi miễn cưỡng phải làm cho con người đau khổ, không lẽ lại thản nhiên trước nỗi khổ của Con Một yêu dấu? Vậy câu của Phaolô "Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp" phải được hiểu như thế nào?

 

Hãy đối chiếu với sách Sáng thế 22,16. Chỗ này nói về việc Abraham đem con trai đầu lòng và độc nhất đi sát tế theo lệnh của Thiên Chúa. Abraham sát tế con, chính là hình bóng của một người cha khác (Do đó, Phụng vụ đọc doạn sách Sáng Thế này chung với đoạn thư Rm 8,31tt trong Chúa Nhật II Mùa Chay B). Ðối chiếu với thái độ của Abraham, chúng ta có thể có một ý tưởng chính xác về thái độ của Chúa Cha trong mầu nhiệm cứu chuộc. Trên đồi Canvê, Chúa Cha không vắng mặt đâu, nhưng vẫn hiện diện bên Ðức Giêsu. Trước đó, Ðức Giêsu đã nói với các môn đệ: "Anh em . để Thầy cô độc một mình.Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy" (Ga 16,32).

 

Ai có thể diễn tả tình cảm của Abraham lúc đi với Isáac đến nơi sát tế? Origène cho rằng, lúc thử thách nhất cho Abraham, chính là lúc Isaac, không rõ sự việc đang xẩy ra, quay lại hỏi Abraham xem lễ vật ở đâu, và thưa với ông: "Cha". Nghe chữ này, Abraham run rẩy như bị bắt quả tang phạm tội. Ông chỉ có thể nói: "Cha đây, con", chứ làm sao có thể trả lời: lễ vật chính là con đó! Chắc chắn Abraham muốn chết cả ngàn lần thay cho con, nếu không vì lệnh truyền của Thiên Chúa mà ông phải vâng nghe.

 

Một cách nào đó, giữa Chúa Cha và Chúa Con cũng vậy. Chúa Cha luôn ở bên Chúa Con trong cuộc Khổ nạn, và cũng đau khổ như Abraham khi sát tế con mình.

 

Vậy chúng ta hiểu câu mà Phaolô viết muốn nói gì. Muốn nói rằng: Thiên Chúa đã không giữ Con mình như giữ một kho tàng, một báu vật. Chúa Cha không chỉ là Ðấng nhận hy lễ của Chúa Con, nhưng còn là Ðấng hiến tế Con. Người đã làm một lễ hy sinh vô cùng to lớn là ban cho ta Con của Người. Người làm thế là vì yêu ta.

* Ngay từ đầu, người ta đã tin là Chúa Cha đồng khổ với Chúa Con.Nhưng rồi có lạc thuyết (patripassianisme: khổ phụ thuyết) hiểu sai ý nghĩa trên đây, cho rằng: nói Con chịu đau khổ cũng là nói Cha chịu đau khổ, nên gán cuộc Khổ nạn cho Chúa Cha. Do đó đụng chạm đến mầu nhiệm Ba Ngôi: Không còn Ba Ngôi riêng biệt, mà chỉ có một Ngôi duy nhất với ba danh xưng khác nhau (Nói Ngôi nào trong ba chịu Khổ nạn cũng không sao)

 

Vì phản bác lạc giáo và sợ bị nhiễm lạc giáo, người ta chối bỏ hoặc lãng quên chân lý về sự đồng khổ của Chúa Cha. Người ta phân biệt như thế này: cả Cha lẫn Con đều muốn cuộc Khổ nạn, nhưng chỉ riêng Con phải chịu. Thế rồi, khi một số đan viện quan niệm rằng sự vô cảm (apatheia) là lý tưởng cao vời nhất của sự thánh thiện, người ta bèn gán nó cho Thiên Chúa ở một mức độ cao nhất. Thiên Chúa phải hoàn toàn vô cảm mới là Ðấng chí thánh.

 

Cho dù có những lệch lạc và đối kháng, Giáo Hội luôn tuyên xưng sự đau khổ của Thiên Chúa, vẫn duy trì giáo lý về sự đau khổ của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô. Thiên Chúa chịu Khổ nạn "trong thân xác", tức nơi Ngôi Con là Ðấng có thân xác, có nhân tính . Nếu một trong Ba Ngôi chịu Khổ nạn thì, do sự tương nhập (compénétration), hai Ngôi kia cũng chịu khổ. Phaolô đã viết về Thân thể Ðức Kitô là Giáo Hội như sau: "Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận khác cùng đau" (1Cr 12,26) Ðiều áp dụng cho sự hiệp thông Giáo Hội thì cũng phải áp dụng cho sự hiệp thông Ba Ngôi, vì sự hiệp thông Ba Ngôi là khuôn mẫu cho sự hiệp thông Giáo Hội.

Chắc chắn sự đau khổ của Chúa Cha khác với sự đau khổ của Chúa Con làm người. Nói đúng ra, sự đau khổ của Chúa Cha là một sự đồng khổ, một sự đau khổ dội lại từ sự đau khổ của Chúa Con, một sự đau khổ "được cụ thể hoá nơi nhân tính của Ðức Giêsu Cứu thế" (Ðức Gioan Phaolô II, TÐ về Chúa Thánh Thần, 39).

 

Nhiều nhà thần học còn quả quyết: hành vi của Chúa Cha "trao nộp" Con mình là lý do gây ra một sự đau khổ còn sâu sắc hơn bất cứ sự đau khổ nào khác của thế giới thụ tạo. Họ cũng cho rằng sứ mệnh của Chúa Kitô chịu đóng đinh là bày tỏ cuộc Khổ nạn của Chúa Cha. Vậy làm sao dám nghĩ rằng Chúa Cha không khổ?

 

4. Yêu thương và vâng phục

 

* Bây giờ chúng ta đề cập một điểm tế nhị nhất. Nó là nguồn gốc của hình ảnh về một Chúa Cha không dung tình với Con mình. Tại sao Chúa Cha lại không tha, lại trao nộp Con cho sự chết? Việc trao nộp này sao lại có thể đi đôi với sự đồng khổ của Người?

 

Hãy nghe Ðức Giêsu nói: "Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Ðó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được" (Ga 10,17-18). Câu trên cho ta thấy ý tưởng này: nơi Ðức Giêsu, có sự tự do khi chết, thể hiện bằng "quyền" (quyền hy sinh mạng sống mình), và cũng có sự vâng phục mệnh lệnh của Chúa Cha (mệnh lệnh hy sinh mạng sống một cách hữu hiệu)

 

Mới nghe, thấy có sự nghịch lý: Làm sao quyền lại có thể đi đôi với mệnh lệnh? Làm sao tự do lại có thể đi đôi với vâng phục? Thế nhưng, chìa khoá mở mầu nhiệm lại nằm trong sự nghịch lý này.

 

Chúa Cha ra lệnh cho Chúa Con phải tự do hy sinh mạng sống mình khi nào và cách nào? Thánh Tôma trả lời: Chúa Cha trao nộp Con cho sự chết "bằng chính điều này là đã gợi ý cho Ngài ý muốn chịu khổ, bằng cách tuôn đổ tình yêu cho Ngài". Vậy mệnh lệnh của Cha truyền cho Con tiên vàn là mệnh lệnh phải yêu thương chúng ta. Khi chuyển đạt cho Con bản tính của mình là Tình Yêu, Chúa Cha cũng chuyển đạt cho Con nỗi đau khổ của tình yêu, "khổ nạn của tình yêu". Chính khổ nạn này đã đưa Ðức Giêsu tới Thập giá.

 

* Tân ước đôi khi nói Ðức Giêsu chết vì Ngài yêu ta (Ep 5,2), vì vâng phục Chúa Cha (Pl 2,8). Ðối với ta, yêu mến và vâng phục dường như là hai việc khác nhau. Có lẽ chúng ta thích tin rằng Ngài đã chết vì yêu ta, hơn là vì vâng phục Chúa Cha. Nhưng lời Chúa và thần học cho thấy một khía cạnh sâu sắc hơn, trong đó hai hành vi trên cũng chỉ là một. Chắc chắn Ðức Giêsu chết vì yêu ta, nhưng chính đây lại là sự vâng phục của Ngài đối với Chúa Cha. Yêu mến và vâng phục đan chéo vào nhau theo một cách thức ta không hiểu hết, vì lẫn vào trong chính Mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm của Thiên Chúa vừa là Một lại vừa là Ba. Tình yêu phát xuất từ một Thiên Chúa, còn sự vâng phục lại phát xuất từ Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Sự vâng phục hoàn hảo nhất không phải là thi hành mệnh lệnh ở mức độ hoàn hảo, nhưng là biến ý muốn của người ra lệnh thành ý muốn của mình. Sự vâng phục của Chúa Con là như thế, vì ý muốn của Ngài là một với ý muốn của Chúa Cha.

 

Tuy vậy, Ðức Giêsu đã thực hiện ý muốn ấy không phải một cách dễ dàng đâu. Trái lại, đây là ý muốn khó khăn nhất, khiến Ngài phải mướt mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu. Vì sao? Vì Ngài đã vâng phục Chúa Cha theo bản tính nhân loại. Ngài muốn vâng phục cách hoàn hảo mà lại bằng một ý muốn giống ý muốn của ta. Là con người, Ngài đã thực hiện sự vâng phục ngang tầm với Thiên Chúa.

 

5. Tin tưởng phó thác nơi Chúa Cha

 

* Ðâu là ý nghĩa của những suy tư về sự đau khổ của Thiên Chúa? Có liên hệ gì tới thái độ của ta đối với Ngài?

 

Thiên Chúa bất lực trước sự dữ chăng? Ðâu có! Ngài vẫn là Ðấng chí thánh, toàn năng. Việc Ngài chịu đau khổ không phải chứng tỏ Ngài yếu đuối, nhưng nói lên sự hạ cố của Ngài. Tuy vẫn là Thiên Chúa tối cao, vượt trên mọi sự, làm được mọi sự, nhưng Ngài lại tự ban mình cho ta, cư xử với ta như một người cha. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng. Thiên Chúa là Cha nhưng toàn năng. Ngài toàn năng nhưng lại là Cha. Một người cha chỉ tốt lành mà thôi, mà không thể bảo đảm an ninh cho con cái, chưa hẳn là người cha đáng tin cậy. Người ta không thể hoàn toàn phó thác nơi một người cha như thế.

 

Thiên Chúa biểu lộ quyền năng ngay cả trong đau khổ, khi Ngài tỏ lòng thương xót và tha thứ. Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan đã muốn thắng sự dữ bằng cách chịu đựng nó, mang lấy nó một cách nào đó. Ngài muốn thắng không phải bằng sức mạnh, nhưng bằng tình yêu. Ngài là Ðấng đầu tiên làm gương cho ta biết "lấy thiện mà thắng ác" (Rm 12,21).

 

Chúng ta cũng nhớ rằng Chúa Cha không chỉ đồng khổ với Chúa Con trên Thập giá, mà còn đồng cảm với Chúa Con trong sự Phục sinh. Chúa Cha đã truyền cho Chúa Con hy sinh mạng sống mình, để rồi lấy lại nó, như lời Ðức Giêsu nói. Không lúc nào Người nghĩ tới cái chết của Con, mà đồng thời lại không nghĩ tới sự sống lại của Con. Chỉ có chúng ta là không hoặc ít nghĩ tới hai thực tại này cùng một lúc. Khi làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, Chúa Cha đã cho thấy quyền năng cao cả tuyệt vời như thế nào. Theo Phaolô, quyền năng này, Người đã thi thố trong Ðức Kitô (Ep 1,19-20).

 

* Bởi vậy, chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Cha. Làm cho một đứa con xác tín rằng cha nó yêu thương nó, luôn bênh vực chở che nó, tức là làm cho nó cảm thấy an tâm và có thể đương đầu với cuộc sống. Một người con được cha cầm tay dắt đi chơi, có thể chuyện trò thân mật với cha mình, chính là một người con hạnh phúc và tự do. Chúa Cha xử sự với ta như thế. Và nếu "có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta . Chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta" (Rm 8,31tt). Chúng ta không còn sợ hãi, nhát đảm, thất vọng. Chúng ta đáng giá hơn những con chim sẻ bội phần, Ðức Giêsu nói với ta như vậy.

*

 

Ðiều đáng buồn là trong cả Năm Phụng vụ, không có một lễ nào dành riêng cho Chúa Cha. Ngay cả một lễ ngoại sùng cũng không có. Chúng ta có nhiều lễ về Chúa Giêsu, có một lễ về Chúa Thánh Thần, nhiều lễ về Ðức Mẹ, mà không có lấy một lễ về Chúa Cha. Chúng ta có một lễ kính Chúa Ba Ngôi, nhưng đây là lễ kính một mầu nhiệm, một tín điều hơn là kính các Ngôi Vị. Có thể nói, thực tế hôm nay, Ngôi bị lãng quên không phải là Ngôi Ba, mà là Ngôi Cha. Có thể thấy thêm rằng Phụng vụ đã có một lễ Thánh Gia thất, thế mà vẫn có lễ kính từng vị trong Thánh Gia thất. Có hai lễ về Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa, nhưng lại không có lễ nào dành riêng cho Cha thật.

 

Nhiều lễ được đặt ra là để đáp ứng với nhu cầu của thời đại. Chẳng hạn, Giáo Hội đặt ra lễ Mình Máu Thánh Chúa khi có người phủ nhận sự hiện diện thật của Chúa trong Thánh Thể; lễ Thánh Tâm, khi có lạc thuyết Jansêniô. Ngày lễ luôn là một cơ hội tốt để giúp dân Chúa đi sâu vào một mầu nhiệm hay một biến cố của lịch sử cứu độ. Ngày lễ chính là một bài huấn giáo sống động.

 

Ngày nay, trước sự lãng quên của nhiều người về Chúa Cha, thiết tưởng cần có một lễ về Người, vừa là dịp để có bài huấn giáo sống động trên, vừa là dịp để hân hoan công khai tuyên xưng Chúa Cha. Việc tuyên xưng này còn long trọng vì được thực hiện trong một cử hành Phụng vụ, với lời ca ngợi, tạ ơn của cộng đoàn dân Chúa.

 

Nếu không có một lễ như vậy chăng nữa, ta vẫn có thể kính Chúa Cha trong thần trí và chân lý, trong sự thân mật của lòng ta, thậm chí còn bằng những sáng kiến nào đó nhằm giúp người khác hiểu biết, tôn kính, yêu mến Chúa Cha, trong sự kết hợp với Chúa Giêsu là Ðấng hằng yêu mến và tôn kính Chúa Cha. Ðó cũng là cơ hội giúp ta thêm tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa là Cha chúng ta.

 

Lm Micae TRẦN ÐÌNH QUẢNG

(micquang@pmail.vnn.vn)


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà