THÁNH THỂ VÀ TRUYỀN GIÁO (*)

 

Trong cuộc đời của Chúa, có một thời điểm được coi là bước chuyển tiếp giữa Đức Kitô sống trong xác thịt và Đức Kitô sống cách mầu nhiệm trong thời gian. Thời điểm chủ chốt này là Bữa ăn cuối cùng của Ngài. Chắc chắn đây là lúc tột đỉnh mà Chúa đã chờ đợi và hằng mong muốn (Lc 22,15), là Giờ cuối cùng và quyết định trong cuộc đời trần thế của Ngài.

 

Bữa ăn này cũng có tầm quan trong tương tự trong đời sống Giáo Hội. Nó là dấu ấn tình yêu của Đức Kitô và là nguồn sống của Giáo Hội. Trong Bữa ăn này, khi lập phép Thánh Thể, Đức Giêsu thiết lập Giáo Hội. Không phải tình cờ mà Ngài chọn bữa tiệc vượt qua làm khung cảnh để ban tặng hồng ân. Ngài muốn cho thấy rõ ý định của Ngài là thay thế việc tưởng niệm vượt qua của Giao ước cũ bằng việc tưởng niệm Giao ước mới trong máu Ngài.

 

Thêm vào đó, những lời trích dẫn Cựu ước trong trình thuật về việc lập phép Thánh Thể đều có liên hệ với ý tưởng giao ước. Việc gợi lại máu Giao ước, đề tài về Giao ước mới, và nhiều lời trích dẫn những bài ca về người Tôi Tớ đau khổ, tất cả tương hợp với nhau để trình bày Thánh Thể như là việc tưởng niệm Giao ước của dân mới. Vì vậy, nơi Giáo Hội được Chúa thiết lập trong Bữa ăn này, người ta có thể thấy lại những yếu tố và bổn phận nền tảng mà Chúa uỷ thác cho Giáo Hội.

 

Là tột đỉnh của cuộc đời Chúa, là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, Bữa ăn cuối cùng được coi là biến cố chứa đựng mối tương quan cô đọng và sâu sắc giữa Đức Kitô và dân Ngài. Do đó, liên hệ giữa Đức Kitô và Giáo Hội trong việc Phúc âm hoá cũng được thể hiện trong bữa tiệc vượt qua mới, theo một cách thức sao cho bảo đảm sự trung thành với lời Chúa, và đem lại kết quả phong phú cho lịch sử nhân loại.

 

1. Phúc âm hoá có nghĩa là cử hành trong lịch sử việc tưởng niệm Chúa, trong quyền năng của Thần Khí.

 

Sứ mệnh mà Chúa trao cho Giáo Hội được thâu tóm trong lời Chúa nói khi ăn bữa cuối cùng: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày”. Qua lời này, được ghi rõ trong các bản văn Lc 22,19 và 1Cr 2,24-25, Đức Giêsu truyền cho các môn đệ cử hành trong lịch sử việc tưởng niệm cuộc Vượt qua của Ngài.

 

Matthêu và Maccô viết cho những kitô hữu gốc do thái, nên không thấy cần ghi rõ lời ấy, vì đối với người Do thái, ý tưởng về tưởng niệm liên kết tức khắc với ý tưởng về cử hành lễ Vượt qua.

 

Nhưng dù hai tác giả này không nói, ta vẫn thấy có sự tương ứng cơ bản giữa các bản văn về việc lập phép Thánh Thể. Các bản văn này đều cho thấy một biến cố, mà Giáo Hội phải cử hành việc tưởng niệm, trong những gì Chúa đã làm trong Bữa ăn cuối cùng. Và bởi vì trong Bữa ăn này, lịch sử Đức Kitô đạt tới tột đỉnh và những gì chính yếu làm nên Giáo Hội đều đã được xếp đặt, nên tất cả sứ mệnh của cộng đồng kitô giáo được xác định trong bổn phận phải tưởng nhớ đến Thánh Thể. Giáo Hội phải cử hành việc tưởng niệm Chúa của mình. Lệnh truyền mà Chúa đã ban cho Giáo Hội, cơ bản hệ tại chỗ đó.

 

Tưởng niệm theo Kinh thánh không phải là kỷ niệm đơn thuần về một biến cố đã qua, theo tây phương quen hiểu, tức là một chuyển động của hiện tại hướng về quá khứ. Những từ hipri zikkaron, azkarah, mà hy lạp dịch là anamnesis, mnemosunon, nói lên một chuyển động ngược lại, trong đó, một biến cố đã qua được hiện tại hoá, nhờ một hành động đầy quyền năng của Thiên Chúa, để sinh hoa trái trong hiện tại. Quá khứ trở nên đồng thời với cộng đồng cử hành. Hành động đầy quyền năng này là của Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện trong lịch sử cuộc Vượt qua của Đức Kitô.

 

Bằng cách này, việc tưởng niệm được coi như một biến cố thực hiện sứ mệnh phúc âm hoá của Giáo Hội. Khi cử hành việc tưởng niệm Chúa, Giáo Hội tỏ ra sẵn sàng đáp ứng hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng hiện tại hoá biến cố cứu độ trong những thời gian và không gian khác nhau.

Vậy nếu phúc âm hoá là vâng lệnh Chúa truyền: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày”, và nếu người cử hành việc tưởng niệm và đối tượng của việc tưởng niệm là chính Đức Kitô trong Thần Khí của Ngài, thì việc phúc âm hoá có đặc tính kitô học và thánh thần học điển hình. Chính Thần Khí Đức Kitô rao giảng Tin mừng, vì Người làm cho Đức Kitô của Phúc âm hiện diện ở đây và lúc này.

 

Thần Khí ấy, Giáo Hội phải không ngừng kêu cầu như là Đấng thực hiện việc tưởng niệm Chúa. Đó là điều kiện để Tin mừng được rao giảng không phải là lời trống rỗng, phát xuất từ xác thịt, nhưng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin (x.Rm 1,16). Thần Khí được Giáo Hội kêu cầu sẽ làm cho Đức Kitô hiện diện. Và Đức Kitô hiện diện ở đâu, thì làm cho Thần Khí lan toả ở đó (x.Ga 20,22).

 

2. Phúc âm hoá có nghĩa là sống hiệp thông với Đức Kitô và với Giáo Hội

Thái độ sẵn sàng cho Thần Khí, cần có khi cử hành việc tưởng niệm, phải biểu lộ trong những cử chỉ cụ thể, trong thái độ lặp lại thái độ của chính Đức Kitô khi Ngài cử hành cuộc Vượt qua của Ngài. Nói khác đi, để Thần Khí có thể làm cho Đức Kitô hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội, điều cần thiết là cộng đồng tín hữu phải sẵn sàng cho cử hành việc tưởng niệm bằng cách sống lại những cử chỉ và lựa chọn của Chúa trong Bữa ăn cuối cùng.

 

Đức Giêsu đã làm gì khi lập phép Thánh Thể ? Tiên vàn Ngài dùng bữa với các môn đệ. Sự kiện này tạo nên mối dây huynh đệ sâu sắc giữa Ngài và các người đồng bàn. Nơi Israel, hiệp thông tại bàn ăn là hiệp thông sự sống. Một bữa ăn chung, nhất là trong một hoàn cảnh đặc biệt và long trọng, liên kết các người đồng bàn trong một cộng đồng thiêng thánh, đến nỗi làm ô uế sự hiệp thông này là một trong những lỗi nặng nhất.. Đặc biệt, việc bẻ bánh, trao một mẩu bánh cho mỗi người, cũng như uống chung một chén rượu, là một dấu chỉ liên đới sâu sắc trong một vận mệnh chung.

 

Đức Giêsu minh nhiên liên kết việc lập phép Thánh Thể với bữa tiệc huynh đệ. Để làm dấu chỉ tự hiến, Ngài chọn thứ bánh và chén của tình huynh đệ.

 

Thế nên cử hành việc tưởng niệm Chúa đòi các người dự tiệc phải hiệp thông với Đức Kitô và với nhau, đồng thời cũng đặt nền tảng cho sự hiệp thông này. Không có sự hiệp thông này, việc tưởng niệm không được thực hiện trong đời sống, và do đó, người ta không rao giảng Tin mừng. Giáo Hội có làm chứng về một vận mệnh chung và một sự liên đới hữu hiệu giữa mọi phần tử thì mới trở thành nơi cho Chúa Thánh Thần ùa vào, để làm cho Phúc âm của Chúa hiện diện trong thời gian.

 

Sự hiệp thông này luôn có một chiều kích công giáo và một chiều kích địa phương. Vì việc tưởng niệm làm cho Mầu nhiệm Vượt qua hiện diện trong một không gian và một thời gian nhất định, nên để cử hành việc tưởng niệm này, phải trung thành với “nơi và lúc” cụ thể này. Chính như thế mà, một cách tương tự, việc Nhập thể được kéo dài trong lịch sử nhân loại, nơi những ngôn ngữ và văn hoá khác nhau. Và cũng chỉ có một Đức Kitô Tử nạn và Phục sinh hiện diện trong Thần Khí ở những thời gian và địa điểm khác nhau. Điều này đòi mọi hoạt động phúc âm hoá phải có tính công giáo, nghĩa là phải nói lên tất cả mầu nhiệm kitô giáo, và phải mở rộng cho sự hiệp thông của tất cả Giáo Hội.

 

Hai khía cạnh trên đáp ứng với hai nghĩa của từ “công giáo”: việc phúc âm hoá phải làm cho tất cả Đức Kitô hiện diện (kath’olou = đầy đủ), được thực hiện cho tất cả con người, cho mọi người, tới tận cùng trái đất (katholicos = phổ quát). Người ta chỉ có thể rao giảng Tin mừng trong sự hiệp thông với cả Giáo Hội, bằng cách loan báo tất cả Tin mừng cho con người “toàn diện” và, ít ra trong ý hướng, cho mỗi người.

 

3. Phúc âm hoá có nghĩa là dự phần vào số phận của người Tôi Tớ đau khổ

Sự hiệp thông do việc tưởng niệm tạo ra giữa Đức Kitô và các người dự tiệc đòi hỏi những người này phải chia sẻ số phận của Ngài.

 

Những điều trong Cựu ước, được các trình thuật về việc lập phép Thánh Thể nhắc lại, đều cho thấy đây là số phận của người Tôi Tớ. Quả thực, những bài ca về người Tôi Tớ đau khổ của Giavê hé mở cho ta thấy sự ký kết một giao ước (x.Is 42,6; 49,8) mới (42,9) sẽ được thực hiện nơi người Tôi Tớ (42,6; 49,8). Khi gợi lại hình ảnh hy tế của con chiên (x.53,7), những bài ca ấy nói đến việc xá tội, nhờ một con người vô tội hiến thân làm lễ vật đền tội (53,10-12) cho nhiều người (Mt 26,28; Mc 14,24 : để cho muôn người được tha tội).

 

Như vậy, hiển nhiên là khuôn mặt của người Tôi Tớ trong Cựu ước có ảnh hưởng trên khung cảnh của Bữa ăn cuối cùng. Tuy thế, chính Luca và Gioan mới xác nhận rõ hơn ảnh hưởng ấy. Luca thì nói đến sự phục vụ của kẻ làm đầu (Lc 22,24-27). Còn Gioan đã ghi lại cảnh Chúa rửa chân cho các môn đệ, thay thế cho trình thuật về việc lập phép Thánh Thể, vì tác giả thấy việc rửa chân diễn tả cách hoàn hảo ý nghĩa thâm sâu của việc lập phép Thánh Thể.

 

Liên hệ giữa người Tôi Tớ của Giavê và Bữa ăn không phải là tình cớ, nhưng nằm trong chính ý nghĩa của bữa tiệc thánh thể. Do tình liên đới huynh đệ của những người cùng dự tiệc, cộng đồng thánh thể phải hiệp thông với số phận của người Tôi Tớ, bằng cách trở nên cộng đồng phục vụ. Khi ăn uống thịt máu Chúa, và được đầy sức mạnh mà Thánh Thể ban cho, cộng đồng phải trở thành một thân thể giáo hội, một thân thể hiến dâng cho nhiều người. Trong việc tưởng niệm vượt qua, Giáo Hội là một dân tôi tớ, một cộng đồng phục vụ.

 

Những điều trên đây đem lại nhiều hệ quả quan trọng cho sứ mệnh phúc âm hoá của Giáo Hội. Việc phúc âm hoá, cũng như cử hành việc tưởng niệm Chúa trong đời sống, là một sự phục vụ, và do đó cần có những con người là “tôi tớ”.

 

Ở đây, thiết tưởng cần phải làm nổi bật những thừa tác vụ và đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội, đồng thời phải nhìn thừa tác vụ có chức thánh trong lòng một Giáo Hội hoàn toàn thừa tác, tức là một Giáo Hội phục vụ. Trong Giáo Hội này, bất cứ ai đã được chịu phép rửa tội cũng đều dự phần vào số phận của người Tôi Tớ, đều phải là những con người phục vụ. Do đó, trong việc phúc âm hoá, họ cũng là những con người đồng trách nhiệm.

 

Sự liên đới với người Tôi Tớ đau khổ còn làm sáng tỏ một khía cạnh khác của bổn phận phúc âm hoá. Khía cạnh đó là truyền giáo dưới bóng Thánh giá. Nói khác đi, nếu trong việc tưởng niệm, Đức Giêsu dâng mình làm hy tế như một Đấng đau khổ vì yêu, thì Giáo Hội hiểu rằng mình phải dự phần vào mầu nhiệm đau khổ khi cử hành việc tưởng niệm Chúa mình. Phúc âm hoá không phải là công trình của tâm trạng đắc thắng, hoặc chinh phục kiểu thực dân. Nơi nào dân Chúa biết mang vào thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô (x.Cl 1,24), nơi đó Phúc âm của Chúa sẽ chiếu toả. Một khi các kitô hữu biết cử hành việc tưởng niệm thập giá trong đời sống, tức là chấp nhận đau khổ, thiếu thốn, bị bách hại … mà vẫn trung thành trong tình yêu, họ sẽ làm cho Phúc âm về sự đau khổ của Thiên Chúa được sống động và hiện diện.

 

Phúc âm đó là Phúc âm của Tình yêu Thiên Chúa và của ơn cứu độ chúng ta.

 

4. Phúc âm hoá có nghĩa là cho thấy trước lễ hội của Nước Thiên Chúa

Trong Bữa ăn cuối cùng, Đức Giêsu cho thấy ý hướng cánh chung trong việc tưởng niệm Ngài. Ngài nói Ngài “không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho cho đến ngày ấy, ngày được cùng các môn đệ uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Ngài (x.Mt 26,29; Mc 14,25), nghĩa là cho tới khi Nước Thiên Chúa đến (x.Lc 22,18). Khi ăn bánh và uống chén Thánh Thể,các tín hữu loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới ngày Chúa lại đến (x.1Cr 11,26).

 

Vậy bữa tiệc vượt qua mới phản ánh một bữa tiệc khác, bữa tiệc vĩnh cửu của Nước Thiên Chúa. Bữa tiệc vượt qua chỉ cho thấy trước và hứa hẹn bữa tiệc ấy, đồng thời làm cho lịch sử thế giới hướng về bữa tiệc ấy. Như vậy, bữa tiệc thánh thể là bữa tiệc của hy vọng, hướng tới tương lai mà Thiên Chúa đã hứa.

 

Do đó, Giáo Hội có hai bổn phận phải làm khi rao giảng Tin mừng.

Trước hết, Giáo Hội luôn phải loan báo Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất. Bởi vậy, Giáo Hội phải là sức mạnh làm đảo lộn hiện tại, là lương tâm phê phán lịch sử. Vì muốn làm cho mỗi tình huống hiện tại có chiều kích cánh chung, nên khi rao giảng Tin mừng, Giáo Hội phải hướng tình huống ấy tới tương lai, và không thể không tố giác những gì ngăn cản hoạt động đổi mới của Thần Khí.

 

Thứ đến, vì cử hành việc tưởng niệm trong đời sống là một cử hành hướng tới ngày Nước Thiên Chúa hoàn tất, Giáo Hội phải không ngừng công bố điều kiện tạm bợ của mình, ý thức mình là Nước Thiên Chúa chưa hoàn thành, đang sống trong thời gian xen kẽ giữa những gì đã hoàn tất trong cuộc Vượt qua của Đức Kitô và những gì còn phải được hoàn tất vào ngày Quang lâm của Ngài.

 

Thế nên cộng đồng tín hữu có bổn phận phải thường xuyên thanh tẩy, trung thành với điều đã hoàn tất và luôn hướng về tương lai, không ngừng vươn tới chân lý viên mãn của Thiên Chúa, cho tới khi lời Chúa được hoàn tất nơi Giáo Hội (x.MK 8).

 

Khi loan báo Tin mừng, Giáo Hội không loan báo mình. Khi cử hành việc tưởng niệm cuộc Vượt qua mới, Giáo Hội chỉ ra cùng đích tương lai, phê phán hiện tại và đem hy vọng đến cho nhân loại. Để làm điều này, Giáo Hội phải để cho Thần Khí thanh tẩy mình, luôn sống nghèo khó nhưng lòng tràn đầy hy vọng. Chính việc phúc âm hoá nhắc cho Giáo Hội những thái độ và cách sống ấy.

 

Kết luận

 

Bằng một cách thức cô đọng và sống động, Bữa ăn cuối cùng của Chúa cho ta thấy tiến trình từ lời của người Tôi Tớ đến những tôi tớ của lời, từ Đức Kitô rao giảng Tin mừng đến Giáo Hội rao giảng Tin mừng.

 

Trong Thánh Thể, phúc âm hoá là cử hành việc tưởng niệm Chúa. Điều này đòi hỏi sự hiện diện và công trình của Thần Khí, sự hiệp thông với Đức Kitô trong sự hiệp thông giáo hội, sự dự phần vào số phận của người Tôi Tớ đau khổ, sự thực hiện trước tương lai được Thiên Chúa hứa.

 

Như vậy, việc phúc âm hoá có những chiều kích kitô học, thánh thần học, giáo hội, phục vụ và cánh chung. Nói khác đi, loan báo Tin mừng cho tới tận cùng trái đất có nghĩa là, dựa vào ánh sáng của Thánh Thể, giới thiệu Đức Kitô trong những nơi và lúc khác nhau, trong quyền năng của Thần Khí, trong sự hiệp thông giáo hội, phục vụ thế giới dưới dấu chỉ Thánh giá, chuẩn bị cho vinh quang của Nước Chúa, vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

-----------

(*) lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur,

                    éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr.193-202


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà