GIÁO HỘI, HÌNH ẢNH CỦA BA NGÔI (*)

(Bài 7)

 

1. Giáo Hội đến từ đâu ? Nguồn gốc của Giáo Hội

 

Tình yêu của Thiên Chúa đi trước tình yêu của con người. Giáo Hội không phải là công trình của con người, nhưng là sáng kiến của Thiên Chúa. Giáo Hội luôn được Chúa Cha nghĩ  đến trong chương trình cứu độ, được chuẩn bị trong lịch sử giao ước với Israel, và được thiết lập ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

 

Cũng như Đức Giêsu, Giáo Hội xuất hiện tự trời cao. Nguồn gốc của Giáo Hội không phải ở dưới đất, nhưng từ Thiên Chúa. Chính từ trời mà Con Thiên Chúa đã đến thế gian, mặc lấy xác phàm, để làm cho nó được sống bằng sự sống của Ba Ngôi.

 

Qua mầu nhiệm Phục sinh, Thần Khí đã đi vào thế giới cách viên mãn và vĩnh viễn, để thời gian của con người trở thành thời kỳ cánh chung, thời kỳ xen giữa hai lần Đức Kitô đến. Đây cũng là thời kỳ Chúa Thánh Thần hoạt động trong lịch sử nhân loại. Giáo Hội được sinh ra từ sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

 

Từ nguồn gốc của Giáo Hội, chúng ta có thể rút ra ba hệ quả liên quan đến Giáo Hội.

Trước hết, Giáo Hội được coi như một mầu nhiệm. Nếu Giáo Hội tiên vàn là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của con người, thì con người không thể dùng mắt trần nhìn ra bản tính sâu xa của Giáo Hội. Đành rằng Giáo Hội vẫn là một trong những thực tại hiện diện trong lịch sử, nhưng trong Giáo Hội còn có một Đấng đã đi vào lịch sử nhưng không tan biến trong lịch sử.

 

Giáo Hội đến từ một nơi khác. Người nào chỉ muốn xem xét và định nghĩa Giáo Hội dựa vào những cách loại suy của thế giới này, coi Giáo Hội giống như một thực tại giữa các thực tại trần thế, người đó không bao giờ hiểu Giáo Hội. Đã có một thế giới khác xuất hiện trong thế giới này. Thần Khí đã đi vào xác thịt, làm cho nó chết đi và sống lại trong một đời sống mới. Giáo Hội là nơi gặp gỡ hai thế giới, là một mầu nhiệm, là căn lều của Thiên Chúa cắm giữa nhân loại.

 

Nói về Giáo Hội mà bỏ qua chiều kích nguồn gốc này, thì chỉ là nói theo cách của con người, chứ không theo cách của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà khi suy nghĩ về Giáo Hội, Công đồng Vaticanô II đã mở đầu bằng một chương được coi như chìa khoá giúp đọc các chương khác. Đó là chương bàn về mầu nhiệm Giáo Hội.

 

Thứ đến, việc nhắc lại nguồn gốc của Giáo Hội giúp chúng ta hiểu rằng Giáo Hội là một ân huệ, một ân huệ nhưng- không của Thiên Chúa. Người ta không làm ra Giáo Hội, nhưng chỉ lãnh nhận. Giáo Hội như vầng trăng, toả chiếu ánh sáng của Mặt Trời duy nhất là Đức Kitô.

 

Giáo Hội phát sinh từ việc đón nhận và tạ ơn. “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người b1 mọn” (Mt 11,25). Chúa Cha đã từ chối kẻ kiêu căng và tuyển chọn người hèn mọn. Điều này đòi hỏi Giáo Hội phải có một đời sống chiêm niệm và tạ ơn. Nơi nào người ta tôn thờ Thiên Chúa trong tâm trạng chờ mong và kiên trì, nơi đó người ta cử hành lễ tạ ơn tưởng niệm sự hiện diện của Chúa giữa các môn đệ, và Chúa Thánh Thần đến làm nên một gia đình các con cái Thiên Chúa. Không biết tạ ơn thì ân huệ sẽ mất.

 

Không phải những phương tiện dồi dào của con người xây dựng Giáo Hội, ngược lại, chính vì thiếu phương tiện mà Giáo Hội được xây dựng. Cũng như những bàn tay bị đâm thủng của Chúa trên Thánh giá đã làm nhiều việc hơn là cũng như bàn tay ấy khi truyền cho gió và biển phải lặng yên, cũng vậy, những bàn tay của dân Chúa đưa lên cao để ca ngợi và tạ ơn sẽ làm được nhiều việc hơn là cũng những bàn tay ấy, để giúp cho Nước Chúa trị đến, hoạt động mà không có tình yêu. “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63).

 

Thiên Chúa phải có chỗ ưu tiên trong hữu thể và hành động của Giáo Hội. Chỉ một mình Ngài mà chúng ta phải tôn vinh. Chỉ từ một mình Ngài mà chúng ta phải mong chờ ơn cứu độ. Đó là điều Vaticanô II muốn nói, khi Cồng đồng kết thúc Hiến chế về Giáo Hội bằng chương bàn về Đức Trinh Nữ Maria. Người là Mẹ Thiên Chúa mà vẫn đồng trinh. Đó là ân sủng của Thiên Chúa mà Người chỉ biết đón nhận. Cùng với ân sủng này, Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người.

 

Cuối cùng, việc nhắc lại nguồn gốc ba ngôi của Giáo Hội giúp ta xem xét lại Giáo Hội trong lịch sử. Cũng như Ngôi Lời đã làm người, đi tới tận cùng sự nghịch lý của cuộc đời con người cho đến chỗ chết, cũng vậy, Giáo Hội của Thần Khí Chúa phải đi tới tận cùng mọi tình huống của con người, để làm cho chúng thấm nhiễm sức mạnh và bình an của Đấng Cứu Thế. Một Giáo Hội chiêm niệm không có nghĩa là một Giáo hội xa tránh thế gian, hoặc ngại dấn thân vào đó. Thiên Chúa hoàn toàn đi vào trong lịch sử nhân loại, thì Giáo Hội không thể đứng nhìn như một khách bàng quan. Người ta chúc tụng vinh quang Thiên Chúa nơi đời sống con người được nâng lên. “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống” (Irênê). Không một tình huống nào của con người, nhất là khi trong đó có đau khổ lầm than, mà Giáo Hội lại có thể tỏ ra xa lạ. Giáo Hội phải hiện diện, liên đới với tình huống ấy, không vì bị cưỡng bách, cũng không coi như một công việc phụ thuộc. Giáo Hội nhất thiết là một Giáo Hội dấn thân, không phải để tìm kiếm lợi lộc như những kẻ có quyền trong thế gian, nhưng đứng về phía người nghèo, vì chính Giáo Hội cũng nghèo và yếu đuối, nhưng tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Tử nạn và Phục sinh. Một Giáo Hội đồng hành với con người, dâng lên Thiên Chúa những lời van xin và nước mắt của họ. Đồng thời Giáo Hội cũng có khả năng loan báo cho họ Nước Thiên Chúa đang đến, một Nước khác hẳn những suy nghĩ thiển cận của con người. Một Giáo Hội loan báo niềm vui và hy vọng mà Giáo Hội có được nhờ sự vâng phục của Chúa Kitô. Một Giáo Hội tự do, không thoả hiệp với thứ luận lý của quyền lực thế gian. Tuy nghèo khó và phục vụ, nhưng Giáo Hội lại là tiếng của con người thưa lên Thiên Chúa và tiếng của Thiên Chúa nói với con người.

 

Điều kiện của Giáo Hội sinh ra từ trên cao là như thế, luôn luôn được Thần Khí khơi dậy. Đó là “một dân được quy tụ do sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Cyprianô).

 

2. Giáo Hội là gì ? Ý thức về thời cánh chung

 

Giáo Hội sinh ra từ trên cao, lãnh nhận Thần Khí để ban Thần Khí ấy cho con người. Giáo Hội là hiệp thông sự sống trong Thần Khí. Sự sống này phải đến với tất cả con người nơi mọi người, để đem lại cho họ sức mạnh của Chúa Kitô Phục sinh. Cũng như Đức Trinh Nữ Maria, Giáo Hội được Chúa Thánh Thần phủ bóng, để luôn thụ thai cách mới mẻ lời Thiên Chúa trong lịch sử con người.

 

Đời sống người kitô hữu sinh ra từ lòng Giáo Hội-Mẹ là một đời sống theo Thần Khí: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Người kitô hữu được Thần Khí thánh hiến. Trong bí tích Rửa tội cũng như trong các bí tích khác, họ được nắn đúc theo hình ảnh của Đức Kitô, nhờ Ngài và trong Ngài mà Thần Khí được ban cho họ. Chính đó là lý do sâu xa của “sự mới mẻ” kitô giáo. Đó cũng là nguồn mạch và nguyên lý của mọi ân huệ và dịch vụ đặc biệt. Sự duy nhất và đa dạng trong Giáo Hội, cũng như sự hiệp thông và cơ chế thừa tác, đều bắt nguồn từ đó. Giáo Hội là sự hiệp thông các thánh, vì khi tham dự vào một Thần Khí duy nhất, các tín hữu được ban nhiều ân huệ khác nhau, nhưng các ân huệ này đều nhằm lợi ích của mọi người. Chính như thế mà Giáo Hội trở thành hình ảnh của Ba Ngôi Thánh.

 

Chúa Thánh Thần không ngừng ban những ân huệ ấy cho mỗi người như Ngài muốn. Người ta gọi những ân huệ ấy là đặc sủng, là ân huệ nhưng-không của Thần Khí. Những đặc sủng này rất dồi dào, nhằm làm cho tất cả Thân Thể Đức Kitô được tăng trưởng. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7).

Người kitô hữu nào cũng có đặc sủng, nếu biết nhận ra và đón nhận ân huệ của Thiên Chúa. Sự sáng tạo của Thần Khí không bao giờ cạn kiệt. Ngài làm việc không mỏi mệt. Không một kitô hữu nào có quyền ở yên, vì mỗi người đều được ban đặc sủng để phục vụ và hiệp thông. Không ai có quyền chia rẽ, vì các đặc sủng đều do một Chúa duy nhất, có mục đích xây dựng một Thân Thể duy nhất là Giáo Hội. Không ai được phép thụ động, vì Thần Khí luôn sống và hoạt động. Thần Khí là sự mới mẻ của Thiên Chúa, là Chúa tương lai. Do đó, lối sống của Giáo Hội là mở lòng ra cho Thần Khí, cho các việc làm bất ngờ của Ngài.

 

Giáo Hội luôn phải được canh tân và thanh tẩy, phải sẵn sàng cho hành động biện biệt các ân huệ của Chúa, nhất là nơi những người có đặc sủng riêng để biện biệt và phối hợp các đặc sủng, tức là các thừa tác viên có chức thánh. “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự, điều gì tốt thì giữ” (1Tx 5,19-21).

 

Để đón nhận sự mới mẻ của Thiên Chúa, cần ý thức sâu sắc về tinh thần đồng trách nhiệm. Nếu tất cả đều đã nhận được Thần Khí, thì tất cả phải chuyển đạt Thần Khí ấy bằng cách góp phần làm cho Giáo Hội tăng trưởng trong sự hiệp thông và phục vụ. Đây không phải là hoạt động cá nhân riêng rẽ, nhưng liên kết với hoạt động của các người khác. Để trung thành với Thần Khí trong việc làm cho Giáo Hội tăng trưởng, phải tỏ ra can đảm và kiên nhẫn. Thiếu kiên nhẫn, cũng như sợ hãi, phải chăng là một trong những hình thức của tội chống lại Chúa Thánh Thần ?

 

Giáo Hội ban Thần Khí. Là nơi ưu đãi để ân huệ của Thiên Chúa ùa vào trong thời gian, Giáo Hội cũng là dấu chỉ và dụng cụ ưu đãi được Thần Khí sử dụng để hoạt động trong lịch sử. Giáo Hội là dấu chỉ của Chúa Kitô, cũng như Chúa Kitô là dấu chỉ của Thiên Chúa.

 

Đặc tính bí tích này của Giáo Hội được diễn tả bằng hai con đường : lời Thiên Chúa mời gọi người ta tới ơn cứu độ, và bí tích hiện tại hoá Mầu nhiệm Vượt qua trong đời sống con người. Lời và bí tích thể hiện ở mức độ cao nhất trong cử hành Thánh Thể. Đây là lễ tưởng niệm Mầu nhiệm Vượt qua, hiện tại hoá Mầu nhiệm này ở những địa điểm và thời gian khác nhau. Thánh Thể hoà giải con người với Thiên Chúa và với nhau. Thánh Thể là bí tích Hiệp nhất, là Bánh duy nhất từ đó Thân Thể duy nhất của Đức Kitô là Giáo Hội sinh ra trong sức mạnh của Thần Khí. Lời và Bánh trong Thánh Thể làm phát sinh sự hiệp thông Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội, một Giáo Hội hiệp thông vào các thực tại thánh  trong Thánh lễ.

 

Giáo Hội cử hành Thánh Thể tiên vàn là Giáo Hội địa phương, là cộng đoàn cử hành lễ tưởng niệm này ở một nơi và một lúc nhất định. Nhưng Giáo Hội địa phương này lại là một Giáo Hội trọn vẹn, một Giáo Hội “công giáo” theo nguyên ngữ của từ katholou (= đầy đủ), vì Giáo Hội thì duy nhất, thánh thiện trong một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô và trong một Thần Khí duy nhất, và tông truyền vì trung thành với mệnh lệnh mà Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thày” (Lc 22,19).

 

Chúa Kitô và Thần Khí là nền tảng sự hiệp thông của mỗi Giáo Hội địa phương với tất cả các Giáo Hội khác, nền tảng sự hiệp thông phổ quát của các Giáo Hội sinh ra từ cùng một Lời Chúa và Bánh thánh, từ một Thần Khí duy nhất của Chúa Giêsu, hướng về Giáo Hội đứng đầu và vị mục tử của Giáo Hội đó là Giám mục Rôma. Mỗi Giáo Hội địa phương đều nhận ra mình nơi mọi Giáo Hội Thánh thể khác, vì nhận ra nơi mình một Chúa duy nhất của mọi Giáo Hội, hiện diện trong Thần Khí của Ngài.

 

Nếu Thánh Thể làm nên Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng làm nên Thánh Thể. Lời Chúa được công bố nếu có người công bố. Lễ tưởng niệm cuộc Vượt qua chỉ được cử hành nếu có người cử hành theo lệnh Chúa truyền. Lời Chúa và bí tích đòi hỏi thừa tác vụ của Giáo Hội, dịch vụ công bố, dịch vụ cử hành lễ tưởng niệm hy tế, dịch vụ thâu họp gia đình nhân loại tản mác thành một dân thánh của Thiên Chúa. Thừa tác vụ có chức thánh là thừa tác vụ kiến tạo sự hiệp nhất bằng lời, phụng vụ và mục vụ.

 

Với thừa tác vụ này, cả Giáo Hội được đưa vào trong ba vai trò ngôn sứ, tư tế và vương đế. Giáo Hội có đặc tính thừa tác. Mọi tín hữu được Thần Khí làm cho đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Ngôn sứ, Tư Tế và Vương Đế. Bởi vậy, họ có bổn phận phải hiệp thông với tất cả các anh chị em, loan báo lời Thiên Chúa, cử hành lễ tưởng niệm các biến cố cứu độ, thực hiện công lý của Nước Thiên Chúa đang đến. Sự dấn thân này phát xuất từ những ân huệ mà Thần Khí ban cho mỗi người, được thực hiện trong những thừa tác vụ khác nhau. Vậy thừa tác vụ của Giáo Hội không gì khác hơn là một đặc sủng liên kết với một nhiệm vụ. Nhiệm vụ này là phục vụ cộng đồng, một sự phục vụ được cộng đồng thừa nhận và lãnh nhận. Giáo Hội thừa tác chính là Giáo Hội đặc sủng trong tình trạng phục vụ.

 

3. Giáo Hội đi về đâu ? Tiên báo quê trời

 

Sự hiệp thông giáo hội là từ Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Thần Khí, được cấu tạo theo hình ảnh sự hiệp thông ba ngôi, vừa có sự hiệp nhất vừa có sự dị biệt. Giáo Hội không có cứu cánh riêng, nhưng hướng về nguồn gốc của mình. Trong Thần Khí, nhờ Đức Kitô, Giáo Hội tiến về quê trời, về với Chúa Cha, không ngừng hướng tới vinh quang của Chúa Cả trời đất. Sinh ra theo cách thức luôn mới mẻ từ việc tưởng niệm sống động các biến cố cứu độ, Giáo Hội được các biến cố này thúc đẩy hướng về tương lai. Ân huệ đã lãnh nhận là của đầu mùa, đồng thời bảo đảm cho một ân huệ lớn hơn, một thực tại chưa đến. Ân huệ đã lãnh nhận không làm thoả mãn sự chờ mong của con người, nhưng làm cho nó sống động hơn và cũng đau đớn hơn. Đó là sự ngưỡng vọng về quê trời, nơi mà ta chỉ thoáng thấy chứ chưa chiếm hữu. Chúng ta khước từ mọi hình thức thờ ngẫu tượng của thời nay, để hướng lòng về sự mới mẻ đang đến. Tương lai được hứa trước chi phối cả hữu thể lẫn hoạt động của Giáo Hội. Tương lai ấy liên kết mọi sự và làm cho chúng sống động. Tương lai ấy cũng là sự nhắc nhớ làm cho mỗi bước đường có một ý nghĩa và một giá trị đích thực.

 

Từ những gì nói trên đây, chúng ta có thể rút ra ba hệ quả cho đời sống Giáo Hội.

Trước hết, việc nhớ tới cứu cánh giúp cho Giáo Hội biết tương đối hoá chính mình. Giáo Hội ý thức mình không phải là một thực thể tuyệt đối, nhưng là một dụng cụ, không phải là cứu cánh nhưng là phương tiện. Giáo Hội không tìm cách thống trị, nhưng phục vụ trong tinh thần nghèo khó. Giáo Hội biết mình đang lữ hành về đất hứa, sẵn sàng, như ông già Simêon, trung thành chờ màn đêm qua đi và ánh sáng muôn dân toả chiếu. Không một thủ đắc nào, một thành công nào có thể làm giảm sút lòng nhiệt thành chờ đợi của Giáo Hội. Ngây ngất về những thành quả, hoặc tự phụ đã đạt tới đích… những thái độ như vậy phải được coi như phản bội sứ mệnh.

 

Giáo Hội không thoả mãn với bất cứ nỗ lực chinh phục nào của con người. Giáo Hội biết mình không chiếm hữu chân lý, nhưng như được chân lý chiếm hữu; biết mình phải luôn để cho Phu Quân làm chủ mình. Không gì xa lạ với lối sống của một Giáo Hội nhớ lại cứu cánh của mình, cho bằng thái độ chạy theo cám dỗ của quyền lực, của cải và danh vọng trong thế giới này.

 

Giáo Hội được sinh ra dưới chân Thập giá và đi trong lịch sử con người như đi trong ngày Thứ Sáu Khổ nạn, sẽ không bao giờ có thể đem ánh sáng huy hoàng đã được ban cho mình qua Mầu nhiệm Phục sinh của Chúa, đổi lấy ánh sáng nhạt nhoà của một vinh dự trần tục. Ngược với suy nghĩ của con người, Giáo Hội không nhằm tiếp tục tồn tại, nhưng sẽ biến đi khi Nước Thiên Chúa hoàn tất trong vinh quang.

 

Thứ hai, việc nhớ tới cứu cánh giúp cho Giáo Hội biết tương đối hoá những sự vĩ đại của thế giới này. Đối với Giáo Hội, mọi sự đều phải bị Thập giá và sự Phục sinh của Chúa xét xử. Do mục tiêu tối hậu của mình, Giáo Hội sẽ phê phán những công trình của thế giới thiển cận này,  hiện diện trong mọi tình huống, liên đới với người nghèo và người bị áp bức. Giáo Hội không được phép coi niềm hy vọng của mình như một trong những niềm hy vọng của lịch sử. Sự tỉnh thức mà Giáo Hội phải có thì đòi hỏi hơn nhiều. Giáo Hội phải mang lấy những niềm hy vọng của nhân loại, đồng thời xác nhận chúng dựa vào ánh sáng Phục sinh. Ánh sáng này giúp cho người ta dấn thân cách trung thực nhằm giải thoát con người, đồng thời phê phán những gì thực ra chỉ là giả tạo của trần gian. Theo hai nghĩa này, niềm hy vọng của Giáo Hội, của sự Phục sinh, chính là sự sống lại của niềm hy vọng. Nó đem sự sống cho những ai đang là tù nhân của sự chết, và phá vỡ những gì muốn trở thành thần tượng của cuộc đời.

 

Chính ở đây người ta nhận ra hứng khởi sâu xa thúc đẩy người kitô hữu hiện diện trong những bối cảnh văn hoá, kinh tế và xã hội khác nhau. Nhân danh những thực tại sau cùng, và cũng là niềm hy vọng lớn lao nhất của mình, Giáo Hội không thể đồng hoá mình với bất cứ một ý thức hệ nào, một đảng phái nào, một hệ thống nào. Giáo Hội phải là lương tâm phê phán, nhắc nhở cho người ta về nguồn gốc và cứu cánh, thúc đẩy người ta tìm cách làm cho tất cả con người nơi mọi người được phát triển. Quê trời, tuy có làm cho con người trở thành lữ khách trong thế giới này, không phải là viễn mơ xa rời thực tế, nhưng là một động lực thúc đẩy họ góp phần thực hiện công lý và hoà bình trong thế giới hôm nay.

 

Cuối cùng, việc nhắc lại cứu cánh làm cho Giáo Hội được tràn đầy niềm vui. Giáo Hội vui vì niềm hy vọng đã được thắp lên trong Giáo Hội. Giáo Hội biết rằng những gì Chúa Kitô Phục sinh đã hứa đều được thực hiện nơi mình. Không một thất bại nào có thể dập tắt sức mạnh của niềm hy vọng nơi cộng đồng tín hữu. Lời cuối cùng được biến cố Phục sinh bảo đảm là một lời đem lại niềm vui chứ không phải nỗi khổ, lời của ân sủng chứ không phải tội lỗi, của sự sống chứ không phải sự chết. Giống như những người hành hương lên núi thánh Sion, người kitô hữu biết rằng họ đang tiến về một nơi đẹp đẽ và, với ơn Chúa, sẽ đến được nơi đó. “Vui biết bao khi người ta nói với tôi: chúng ta sẽ tiến về nhà Chúa”. Niềm vui không do tâm trạng tự phụ là bắc được một cái thang tới trời, xây được một tháp Babel mới. Họ cảm thấy bình an và đầy sức mạnh do biết chắc Thần Khí Chúa đang hoạt động.

 

Thiên Chúa vẫn dành thời giờ cho con người và cùng với con người xây dựng nhà của Ngài. Giờ thử thách sẽ đến. Thậm chí giờ tưởng như thần chết chiến thắng cũng sẽ đến. Nhưng Giáo Hội hiểu rằng, đàng sau những mây mù bão tố, mặt trời vẫn chiếu sáng và đã mang lại chiến thắng. Chúa Kitô vẫn sống và hoạt động. Chính Ngài đã thắng thế gian. Ngài là nguồn vui của Giáo Hội, là Đấng mà Giáo Hội mong chờ: “Thần Khí và Tân Nương nói: “Xin hãy ngự đến”. Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: “Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22,17.20).

 

Con người qua đi, những bất công tiếp nối, cuộc tranh đấu còn gay go, nhưng ta biết rằng Thiên Chúa vẫn ở đó và nâng đỡ sự dấn thân của ta. Ai có đôi mắt trẻ thơ và tấm lòng trong sạch đều biết rằng bình minh của Nước Thiên Chúa đang đến đã bắt đầu.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

(*) Lấy ý trong Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur,

                 éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, tr.139-151


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà