ĐỐI THOẠI TRONG TÌNH YÊU* (Ga 17)

 

(Bài 8)

 

Đọc chương 17 của sách Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy rằng nói về tình yêu chính là nói về cuộc đối thoại không ngừng của Thiên Chúa tình yêu, để kích thích và làm phong phú một kiểu cách đối thoại trong đời sống người tín hữu, vì sự sống của thế gian. “Lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng …” (Ga 17,21).

 

Nền tảng sâu xa của đối thoại không gì khác hơn là tình yêu. Bén rễ trong mầu nhiệm ba ngôi, đối thoại được coi như một đòi hỏi cần thiết của ơn gọi làm người và làm kitô hữu.

 

a) Hoạt động của tình yêu

 

Tạo vật nào cũng phải chết, nhưng Tình yêu đã chiến thắng sự chết. “Tình yêu mãnh liệt như tử thần” (Dc 8,6). “Chính tình yêu làm cho hiện hữu” (M. Blondel). “Yêu ai là nói với người đó rằng : em (anh) sẽ không chết” (G. Marcel). Tình yêu là nguồn gốc đầu tiên của tất cả những gì thoát khỏi sự chết và đang sống. Do tình yêu mà chúng ta được sinh ra. Do tình yêu mà chúng ta được sống. Được yêu là niềm vui của cuộc đời. Ngược lại, không được yêu hoặc không biết yêu là nỗi buồn vô hạn, bởi vì “kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết” (1Ga 3,14).

 

“Nếu nơi tôi có một sự tin chắc không không thể lay chuyển, thì đó là sự tin chắc rằng một thế giới bị tình yêu ruồng bỏ chỉ có thể chìm ngập trong cõi chết; nhưng nơi nào tình yêu chống trả, nơi nào tình yêu chiến thắng tất cả những gì muốn hạ giá nó, thì sự chết vĩnh viễn bị đánh bại” (G. Marcel).

 

Nhưng tình yêu là gì và hoạt động ra sao ? Nó là cái ở nơi sâu thẳm nhất của con người, hướng tới người khác và hiệp thông với người đó. Để có thể yêu, ít nhất phải có hai người. Người yêu là người ra khỏi mình, với thái độ vô vị lợi, quảng đại, chỉ muốn cho không, hoàn toàn đón nhận người khác và muốn nên một với người khác. “Cha ở trong con và con ở trong Cha”. Yêu ai không phải là huỷ bỏ căn tính khác biệt của người đó, nhưng là hiến mình cho người đó.

 

Tuy vậy, tình yêu chân thật không chỉ giới hạn giữa hai người, nhưng cả hai phải hướng tới những người khác. “Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng” (A. de Saint-Exupéry). “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22). “Họ” là các môn đệ Chúa, nhưng cũng là cộng đồng nhân loại mà các môn đệ có nhiệm vụ làm cho nên một, thể theo ý định của Chúa.

 

Cộng đồng là nơi thể hiện tình yêu qua đời sống cụ thể hằng ngày. Một cộng đồng lớn cần có nhiều người biết yêu thương. Nói cho đúng, tình yêu phải phát xuất từ mỗi người, khởi đầu từ mỗi người. Yêu không phải là một việc có thể khoán trắng cho người khác. Từng người một phải biết yêu và để mình được yêu, vừa biết cho đi vừa biết đón nhận, nhờ đó mà có sự hiệp thông, cho dù tình yêu có đa dạng và phức tạp.

 

Không ai là một hòn đảo. Người nào cho rằng mình không cần đến người khác sẽ là con người cô độc trong một cuộc sống không có tình yêu. Ngược lại, người yêu và để mình được yêu sẽ giúp cho sự hiệp thông với mọi người mỗi ngày thêm tăng trưởng. Hoạt động cho và nhận trong tình yêu phải mở rộng. Khi người ta chỉ muốn chơi với một nhóm nhỏ hạn chếû, thì tình yêu sẽ co cụm giữa những người trong nhóm. Không có những tương giao mới mẻ, tình yêu ấy sẽ tàn tạ và sẽ chết.

 

Như vậy, tình yêu không chỉ là đòi hỏi cho từng cá nhân, mà còn cho cả cộng đồng.

 

b) Nỗi nhọc nhằn của tình yêu

 

Tất cả những gì nói ở trên cho thấy yêu là chuyện khó khăn như thế nào. Nhìn vào những mối tương giao rộng lớn giữa con người với nhau, nhiều người cảm thấy lo ngại trước sự thất bại của tình yêu. “Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha …” (Ga 17,25). Con người được tạo dựng để yêu, nhưng dường như lại không có khả năng yêu; sinh ra từ tình yêu, nhưng dường như không còn biết khơi lên tình yêu. Diễn ý một câu của Hemingway, ta có thể nói: “Những con mắt nhìn thấy Auschwitz và Hiroshima sẽ không thể chiêm niệm tình yêu được nữa”.

 

Trong lịch sử, có thể nhận ra ba hình thức cơ bản làm cho sức năng động của tình yêu bị tê liệt. Đó là sự sở hữu, sự vô ơn và sự chiếm đoạt.

 

Sở hữu đối nghịch với cho không, một đặc tính cơ bản của tình yêu. Người sở hữu coi mình là trung tâm mọi sự, là tiêu chuẩn để đánh giá mọi người, mọi việc. Đó là một con người tham lam và ảo tưởng, khi thu tích của cải mà không dùng vào việc gì, giống như nhà phú hộ, được Chúa Giêsu nói trong một dụ ngôn, đã tự bảo: “Mình sẽ phá những cái kho kia, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy, ta cứ tự nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ nghơi, cứ ăn uống, cứ chơi cho đã. Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : Đồ ngốc ! Đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi …” (Lc 12,18-20). Sự sở hữu làm tê liệt tình yêu, vì ngăn cản sự ban tặng. Nó làm cho con người không thể ra khỏi mình, do đó làm tôi cho sự chết.

 

Sự vô ơn đối nghịch với việc đón nhận tình yêu trong hân hoan. Vì nó mà người khác không thể đến với ta. Nơi người vô ơn, không thể có lời cám ơn nào phát ra trên môi miệng hay từ lòng dạ. Khi người ta không để cho mình được yêu, thì tình yêu bị phong toả. Không có sự biết ơn, ân huệ sẽ mất. Sự vô ơn cũng làm cho người ta không còn đến với người khác, vì vậy mà buồn phiền, mệt mỏi, do không còn thấy được gì mới lạ.

Cuối cùng, sự chiếm đoạt đối nghịch với sự hiệp thông trong tình yêu, một sự hiệp thông giữa những con người tự do. Do chiếm đoạt mà sự hiệp thông này không còn nữa. Tình yêu mất đi tính chất tự do và sáng tạo.

 

Sở hữu, vô ơn và chiếm đoạt, tất cả đều phá huỷ phép lạ của tình yêu, tức là sự hiệp nhất giữa hai người yêu nhau, một sự hiệp nhất giúp cho họ được giải thoát và mở rộng cho những tương giao khác.

 

c) Nguồn mạch của tình yêu

 

Ai sẽ làm cho con người có thể yêu ? Ai sẽ giải thoát họ khỏi sự sở hữu, vô ơn và chiếm đoạt ? Thi sĩ K. Gibran đã trực giác thấy một câu trả lời cơ bản: “Khi yêu, bạn đừng nói : Thiên Chúa ở trong trái tim tôi, nhưng đúng hơn phải nói : tôi ở trong trái tim Thiên Chúa”. Người ta có thể yêu khi thấy mình được yêu trước, thấy mình được một tình yêu bao bọc và dẫn tới một tương lai do tình yêu xây dựng nơi mình và cho mình. Thấy được như vậy chính là tin, là tuyên xưng một Thiên Chúa Ba Ngôi của người kitô hữu: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).

 

Khi suy niệm về cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa, người ta có thể đi đến tận nguồn mạch vĩnh cửu của tình yêu nơi khuôn mặt của Chúa Cha, một tình yêu tinh tuyền, nhưng-không, tuyệt đối, một tình yêu thậm chí vẫn thể hiện cho dù con người có từ chối và bất trung.

 

Ngoài Chúa Cha, đức tin cũng chiêm ngắm Chúa Con.  Từ đời đời, Chúa Con được Chúa Cha yêu thương, và đón nhận tình yêu của Chúa Cha. Ngài là Đấng đã vâng phục Chúa Cha, mặc lấy xác phàm và sống cuộc đời dương thế, để làm cho con người có khả năng đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.

 

Đức tin còn chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết Chúa Cha và Chúa Con bằng một dây tình yêu vĩnh cửu, đồng thời làm cho Chúa Cha và Chúa Con tự hiến mình trong việc tạo thành và cứu chuộc nhân loại. Chúa Thánh Thần đến giải thoát tình yêu, giúp cho tình yêu luôn mới mẻ và toả sáng.

 

Qua việc cho và nhận lẫn nhau, cũng như khi ban hữu thể và sự sống cho các tạo vật được yêu thương, khi đưa các tạo vật ấy vào trong sự hiệp thông muôn đời của Ba Ngôi, Thiên Chúa làm cho tình yêu vĩnh cửu được lan toả. “Quả thực, nếu bạn thấy tình yêu, bạn thấy Ba Ngôi” (Augustinô).

 

Thiên Chúa là Tình yêu và cũng chiếu toả tình yêu. Qua mạc khải nơi sứ mệnh của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi chính là nguồn mạch và cùng đích của Tình yêu. Mọi sự đều bắt nguồn từ Ba Ngôi, mang dấu vết Ba Ngôi. Cho nên, con người có tình yêu nơi sâu thẳm hữu thể của mình. Con người được tạo dựng để yêu. Và khi được tình yêu biến đổi, con người hướng về Ba Ngôi là cùng đích của cuộc lữ hành dương thế.

 

Một ngày nào đó, họ sẽ yên nghỉ trong Ba Ngôi, khi điểm tới của tình yêu gặp lại điểm xuất phát. Khi ấy, “tín nghĩa ân tình sẽ hội ngộ, hoà bình công lý sẽ giao duyên” (Tv 85,11). Khi ấy, “tín nghĩa sẽ mọc lên từ đất thấp, công lý sẽ nhìn xuống tự trời cao” (câu 12).

 

Như vậy, con người được Thiên Chúa yêu thương sẽ có khả năng yêu thương người lân cận. “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,23). Được tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi bao bọc và lôi cuốn, từ đây con người có khả năng thể hiện tình yêu của mình trong đời sống thường ngày. Và khi được đức tin nuôi dưỡng, tình yêu sẽ không ngừng chiếu sáng, vượt thắng những khổ nhọc trên đường đời.

 

d) Đối thoại trong tình yêu

 

Tình yêu được bày tỏ trong đối thoại. Qua đối thoại bằng lời nói và cử chỉ, ta có thể thấy những con người khác biệt nhau nhưng hiệp thông với nhau. “Vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con, họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến và họ đã tin là Cha đã sai con” (Ga 17,8).

 

Có thể nói rằng đối thoại diễn tả cái sâu xa nhất nơi hữu thể. Khi đối thoại, con người hiện hữu đầy đủ, vì đối thoại diễn tả ơn gọi tận căn của họ là yêu thương, biến ơn gọi đó thành hiện thực. Đối thoại đối với tình yêu tương tự như hiện hữu đối với hữu thể. Là cách bày tỏ tình yêu, đối thoại đưa tình yêu vào trong đời sống cụ thể thường ngày.

Đối thoại giúp người ta ra khỏi mình và đón nhận người khác, tạo nên sự truyền đạt giữa hai bên. Đối thoại là ngôn ngữ của tình yêu, nơi tình yêu cư ngụ và có thể tỏ lộ. Vì thế, nơi nào không có tình yêu thì không có đối thoại. Tương tự như vậy, có thể nói rằng không có đối thoại thì cũng không có tình yêu.

 

Giống như tình yêu, đối thoại cũng có những khó khăn. Người ta khó có thể yêu với tâm trạng chiếm đoạt chẳng hạn, cũng vậy, người ta khó có thể đối thoại khi tâm trí còn chất chứa những tính toán vụ lợi, vị kỷ. Không gì ngược với bản chất của đối thoại cho bằng những tính toán theo kiểu ấy. Khi đối thoại trở thành phương tiện để thống trị người khác, lợi dụng người khác cho những mục tiêu riêng của mình, thì không còn là đối thoại nữa.

 

Theo nghĩa này, ta có thể quả quyết : không khác với tình yêu, đối thoại là mục đích chứ không phải phương tiện. Nó nói lên tính chất nhưng-không. Người đối thoại chỉ thuần tuý vì yêu mà gặp gỡ. Sáng kiến gặp gỡ của họ gắn liền với việc đón nhận người khác. Cũng như không thể có tình yêu mà không có sự biết ơn, đối thoại không thể hình thành và phát triển khi không biết tôn trọng người khác. Không như sự độc thoại bóp chết phần đóng góp của người khác, do đó mà không có gặp gỡ, đối thoại cần có sự trao đổi phong phú, trong đó cả hai bên đều cho và nhận cách nhưng-không. Coi người khác như một thực thể để đón nhận, chứ không phải một nguy cơ đe doạ khiến mình phải thủ thế : đó là điều chủ yếu cho đối thoại.

 

Tuy nhiên, để tình yêu có mầu sắc chân thật, không được giới hạn đối thoại giữa hai người hoặc giữa những người cùng một phe nhóm mà thôi. Đối thoại chính thực không những xuất hiện trong một bầu khí tự do, mà còn không ngừng mở rộng tới những người khác. “Cuộc gặp gỡ trong lời nói” phải tạo điều kiện cho những cuộc gặp gỡ khác giữa những con người liên đới và đồng hành với nhau trong cuộc sống. Chính ở đó mà người ta nhận thấy đối thoại và truyền giáo không đối nghịch nhau, nhưng, theo một nghĩa nào đó, tạo nên sức mạnh và sự chính thực cho nhau.

 

Những gì thể hiện cách nhưng-không trong đối thoại bác ái còn cần phải được thể hiện tiếp trong những đối thoại mới mẻ khác. Khi đối thoại, những năng lực ẩn giấu của tình yêu được giải phóng. Khi ấy, thay vì khép kín, người ta sẽ sống một cuộc đời phục vụ và ban tặng. Việc mở rộng ra thế giới bên ngoài không làm phai nhạt sự hiệp thông của những người đối thoại, ngược lại, tạo cho nó một sắc thái vui tươi và chân thật.

 

Cho dù đối thoại gặp nhiều khó khăn, chúng ta vẫn không ngại thực hiện nó, nếu hiểu rằng mình đã được Thiên Chúa đối thoại trước. Mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi cho thấy Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, đã bao bọc ta, cho ta đi vào cuộc đối thoại vĩnh cửu của tình yêu nơi Người. Niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng đối thoại, là nền tảng sâu xa nhất của một lối sống thuộc giáo hội, một lối sống được đối thoại định hình. Bằng đối thoại, chúng ta đáp lại tình yêu của Thiên Chúa trong Thần Khí đã được ban cho ta. Bằng đối thoại, chúng ta minh chứng cho người khác thấy là chúng ta đã tin vào Tình yêu. “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng thương yêu nhau” (Ga 13,35).

 

Không có đối thoại, Giáo Hội sẽ không bao giờ là hình ảnh của Ba Ngôi, không bao giờ là phản ảnh trong thời gian cuộc đối thoại từ đời đời của Ba Ngôi. Không đối thoại với cộng đồng nhân loại, Giáo Hội sẽ không bao giờ có thể loan báo điều đã được mạc khải và được ban cho mình.

 

Nếu đối thoại là bày tỏ tình yêu, nếu chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu, thì có thể nói rằng đối thoại là thước đo đời sống chính thực, sự dấn thân cho việc truyền giáo và đại kết của từng người cũng như của cả Giáo Hội.

Bén rễ trong tình yêu, đối thoại tạo nên một cách sống đạo phát sinh từ đối thoại, sống bằng đối thoại và tiến về cuộc đối thoại vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng là mọi sự nơi mọi người.

 

Lm Micae Trần Đình Quảng

-------

(*) Lấy ý trong: Bruno Forte, Dans la mémoire du Seigneur,

                      éd. Paulines & Médiaspaul, 1991, pp. 153-164


Hướng Về Ðức Kytô | Về Trang Nhà