CHƯƠNG 4

 

NHỮNG TÁC GIẢ LATINH KHÁC

ÐAN SĨ VÀ THI SI

 

Thời hoàng kim của các Giáo Phụ Latinh hiển nhiên không giới hạn ở ba tên tuổi vĩ đại là Ambroise, Jérome và Augustin, dù không ai tranh cãi sự trỗi vượt của những khuôn mặt ấy. Ðối diện với Jérome ta gặp thấy Rufin dAquilée (khoảng 340 - 410) người kế tục tác phamẩ "Lịch sử Giáo Hội" của Eusèbe, và là nhà dịch thuật các tác giả Hylạp đương thời ; bên cạnh Augustin là Marius Victorinus (khoảng năm 300 - sau 362) dịch giả ngoại giáo, đã dịch Aristote, Porphyre và Plotin, ông đã du nhập từ vựng Tân-Platon vào ngôn ngữ Latinh, rồi trở thành tác giả Kitô giáo qua những khảo luận lớn chống bè Ariô, trong các tác phẩm này, ông dựa trên các vấn đề Platon - Khắc Kỷ (stoico-platoniciennes) để minh giải giáo lý về Ba Ngôi và về Kitô học một cách khá nguy hiểm.

 

Người ta còn thấy xuất hiện, cùng với Ambroise là nền thi ca tôn giáo cùng với Augustin là cuộc tìm kiếm về đời sống đan tu. Ðó là hai biểu lộ rất đáng lưu ý của thế giới Latinh. Mặc dầu có các cuộc xâm lăng, và một tình thế khó khăn trăm bề, nhưng Giáo Hội vẫn ở phía có quyền lực. Có thể nói rằng, nhiều khi giáo Hội đã "an cư", mất đi tính năng động, đua đòi lối sống trần tục, trưởng giả. Nơi hàng chức sắc cao cấp của mình, có những vị đồng thời là đại địa chủ. Tình trạng này đã làm nảy sinh sự thức tỉnh về lý tưởng Tin Mừng như một phản ứng ngược lại. Rất nhiều người giàu có, sống trong sung túc thoải mái, một ngày nào đó chợt băn khoăn về đời sống của mình, và rồi họ "trở lại" (converti) với đời sống Kitô hữu nhiệt thành hơn, có khi đi đến chỗ chọn đời sống tu hành. Trong một thế giới mà thi ca, dường như đang vươn dậy, những người khác - hay chính những người trên - đã biết khai thác vốn văn hóa, tri thức để phổ vào thi ca, tấm lòng thành tín, đã được canh tân của mình.

 

Paulin de Pella (376 - 459) là một minh họa đầy đủ cho cả hai khuynh hướng này. Là cháu của Ausone, thuộc vào hàng thế gia vọng tộc, theo đuổi sự nghiệp chính trị, "ham thích thú vui", ông đến cư ngụ tại Bordeaux, giữa phần đất rộng mênh mông của mình. Ông không tự nguyện từ bỏ của cải mà chỉ là nạn nhân của quân Wisigoths, tuy ông đã có thỏa hiệp với họ. Năm 45 tuổi, ông nghĩ đến việc "sống trong sự tuân thủ hoàn toàn qui luật đan viện", nhưng rồi thấy ý định quá tham vọng ông lui về Marseille, trên phần gia sản còn lại, như một người "trở lại" (converti). Tại đây, năm 80 tuổi, ông quyết định thân thưa với Chúa về cuộc đời của mình trong một bài thơ giản dị "Tạ Ơn" (Action de grâce), một bài thơ khiến ta không khỏi nhớ đến cuốn ""Tự thuật" của Augustin, 616 câu thơ trong Eucharisticos (Tạ Ơn) cho chúng ta biết về cuộc đời tiêu biểu của ông, và đó cũng là giá trị chính của tác phẩm.

 

 

CUỘC "TRỞ LẠI" CỦA PAULIN DE PELLA HAY HÀNH TRÌNH THIÊNG LIÊNG CỦA MỘT NHÀ QUÍ TỘC HỌC THỨC, VÀO NHỮNG NĂM 400.

 

Con đã có tham vọng sống trong sự tuân thủ hoàn toàn qui luật đan viện, trong khi ấy gia đình con lại đầy người thân, họ có thể đòi con phải ân cần chăm sóc họ như trước : các con, mẹ, mẹ vợ, rồi còn đám 460. gia nhân của họ, mà chẳng có lý do nào, chẳng có tình thương mến nào hay tâm tình đạo đức nào lại cho phép đưa họ vào những hiểm nguy của vùng đất lạ. Nhưng bàn tay đầy quyền năng của Chúa, sự quan phòng thần linh của Chúa đã hoàn thành công trình của Ngài, với sự trợ giúp của những con người thánh thiện, qua những lời khuyên bảo của họ 465. Ðã dẫn dắt con theo các tập tục cổ xưa do tiền nhân truyền lại, và ngày nay Giáo Hội còn tuân giữ, và vẫn trung thành với tập tục đó. Như thế, sau khi xưng thú lỗi lầm mà con biết mình phải hối lỗi ăn năn, con cố gắng sống trong sự tuân thủ nghiêm ngặt, lề luật mà con tự buộc mình phải giữ. 470. Tuy có thể con chưa chịu một hình phạt đủ để chuộc những lỗi làm ngày xưa . 475. Thế rồi, vào tuổi 45, khi dịp lễ Phục Sinh trở về, vào thời gian mà tập tục trong đạo đã qui định, một làn nữa con lại hướng về Bàn Thánh của Ngài, ôi Ðức Kitô, Thiên Chúa của con. Và nhờ lòng thương xót Chúa, con đã lãnh nhận các Bí Tích của Ngài trong hân hoan. Ðiều đó cách nay đã 34 năm. Con vẫn còn giữ căn nhà và ngay cả nếp sống trước đây, nhưng từ nay con nhận thức được rằng, một mặt, con không thể từ bỏ chúng, mặt khác, con lại không thể giữ chúng mãi được, vì hiện thời tài sản của con ở nước ngoài đã giảm sút . thế nên khi 480. con bị tước hết hy vọng có được những chỗ dựa nhờ vào người của mình như con đã tưởng, con mới nhận ra một cách muộn màng rằng chính Ngài mới là Ðấng con phải dâng lên những ước nguyện để được Ngài đoái nhận, lạy Thiên Chúa rất nhân lành, tất cả quyền năng thuộc về Ngài, và khi lâm cơn túng quẫn lúc bấy giờ con mới quyết định lui về ở Marseille. Trong thành phố này, con có rất nhiều người thánh thiện thân thiết với con. Con còn một tài sản nhỏ, vốn là của gia đình, nhưng con không còn mấy hy vọng kiểm tra của cải từ số tài sản đó.

 

Nhưng dù phần số dành riêng cho con lúc cuối đời có thế nào đi nữa, thì niềm hy vọng được chiêm ngưỡng Ngài, lạy Ðức Kitô, cũng khiến cho đời con được xoa dịu, nguôi ngoai. Và tất cả những nghi nan bởi tâm hồn xao xuyến đều tiêu tan vì con tin tưởng vững vàng rằng, bao lâu con còn ở trong thân xác chết dở này thì con vẫn thuộc về Ngài, vì mọi sự đều thuộc về Ngài, và một khi được giải thoát khỏi xiềng xích nơi trần gian này, con sẽ tìm lại được sự sống trong phần Chi Thể nào đó của Thân Thể Ngài.

Eucharisticos, SC no. 209, p. 89 - 99.

 

 

I. PHONG TRÀO ÐAN TU TẠI TÂY PHƯƠNG.

 

Phong trào đan tu phát sinh tại Ðông phương, nhưng những gạch nối với Tây phương không thiếu, như Athanas với tác phẩm "Hạnh thánh Antôn", một tác phẩm đã được phổ biến rất sớm qua bản dịch La ngữ, như Hilaire, Jérome, ta cũng đã thấy những kinh nghiệm về đời sống chung được dẫn dắt bởi Jérome, Eusèbe de Verceil và Augustin tại Ý rồi tại Phi Châu, tuy đời sống chung tổ chức tại Phi Châu (do Augustin) chủ yếu nhằm lợi ích cho các giáo sĩ. Tại Gaule, một thể thức khác, đúng nghĩa với đời sống đan tu hơn và được áp dụng : cùng với Hilaire, Giám Mục Giáo Phận Piotiers, sau khi từ nơi lưu đầy trở về (360), Martin, một sĩ quan trở lại, đã lập ở Ligugé năm 361 một trung tâm khổ tu gắn liền với việc rao giảng Tin Mừng cho vùng đồng quê. Khi trở thành Giám Mục Tours năm 371 - 372, ngài lập một trung tâm khác tại Marmoutier, khu cửa ô thành Tours, là nơi mà cho đến khi qua đời, năm 397, ngài kín múc lấy nguồn sức mạnh cho một thừa tác vụ hết sức khó khăn. Sulpice Sévère, nhà viết tiểu thuyết lừng danh, cũng là người lui vào đời sống ẩn tu, trong tác phẩm "Hạnh thánh Martin" - soạn khi Martin còn sống, đã nói đến ảnh hưởng phi thường của vị Giám Mục đan sĩ, tuy nhiên dù Sulpice Sévère có nói thế nào đi nữa thì ảnh hưởng đó không thuộc bình diện trí thức.

 

JEAN CASSIEN.

 

Những trung tâm đan tu khác ra đời ở Gaule, khoảng trước sau năm 400, cũng xứng đáng được nhắc tới trong lịch sử Giáo Phụ, đó là : Marseille và quần đảo Lérins. Thành Marseille nổi tiếng nhờ Jean Cassien. Ngài sinh khoảng năm 360, sau khi tích lũy một kinh nghiệm hết sức phong phú về chế độ đan tu tại Palestine, và nhất là tại Aicập, được thụ giáo với Évagre le Pontique, ngài trở về sống tại Marseille, ngài qua Constantinople, rồi Roma, nơi đây ngài kết giao với vị Giáo Hoàng tương lai, Ðức Lêô Cả. Ít lâu sau, năm 415, ngài trở về sống tại Marseille, xây dựng đời sống thiêng liêng mà ngài học hỏi được và đã có kinh nghiệm. Ngài lập một nam đan viện, sau này được gọi là đan viện Saint-Victor, và đan viện Saint-Sauveur dành cho nữ giới. Khoảng năm 420 - 424 ngài soạn "Thể chế ẩn tu cộng đoàn (và những phương thức chữa trị tám tính xấu chính)" (Institutions cénibitiques), trong đó, phần đầu phác họa một cương lĩnh gợi hứng từ chế độ đan tu Ðông phương và phần hai là chương trình chống lại tám tính xấu chính mà Évagre mới hệ thống hóa : tham lam, dâm bôn, hà tiện, nóng giận, buồn sầu (tristeese), chán chường (acédie - một chứng gần với chứng trầm uất - dépression), khoảng năm 426, ngài soạn 24 bài diễn giảng (conférences), hay những đàm luận (entretiens), ít nhiều mang tính cách tương tự, với các đan viện phụ ở Aicập hoặc Palestine. Sau cùng, khoảng năm 400, Cassien soạn cho Ðức Célestin I "Tám cuốn sách chống Nestorius, về Mầu Nhiệm Nhập thể của Chúa" (Huit livres sur lIncarnation du Seigneur contre Nestorius), trong đó có lẽ vì thiếu thông thạo, ngài đã tỏ ra chưa thực sự nắm được vấn đề và, qua hệ thống thuật ngữ (terminologie) lỏng lẻo, thiếu xác định, ngài đã để thần tính của Ðức Kitô lấn sang nhân tính. Ngài mất khoảng năm 435.

 

Về Cassien, người ta ghi nhận nơi ngài nỗ lực chống lại những khuyết điểm trong chay tịnh và tỉnh thức. Chỉ có sự từ bỏ các tật xấu và những gì không thuộc về Thiên Chúa trong khiêm nhu, trong sự thận trọng biết suy xét (không thái quá hay bất cập) trong sự kiên nhẫn trước sự đòi hỏi của đời sống cộng đoàn, thì mới có thể đạt tới "Một tấm lòng thuần khiết" xây dựng một nhân cách rạng rỡ như "kim cương" với một sự rắn chắc có hơi mang mầu sắc khắc kỷ, nhưng tất cả đều qui hướng về Ðức Kitô trong sự thần phục và mở ra với Thiên Chúa trong lòng mến. Tuy nhiên, đường lối tu đức này chừng mực hơn so với lối tu đức thường là thái quá, xa với trọng tâm nơi các vị thầy của Cassien, và có điểm nổi bật là rất tinh tế về mặt tâm lý. Hơn nữa, Cassien còn nhấn mạnh đến hướng tích cực : đọc suy niệm Kinh Thánh, nhờ đó Kinh Thánh thấm nhập và biến đổi tâm hồn, đọc Thánh Vịnh riêng để dần dần Thánh Vịnh trở thành kinh nguyện của chính mình, diễn tả các tâm tình của người đan sĩ, và nó cứ trào tuôn từ tâm hồn, như thể mình là tác giả Thánh Vịnh. Cùng với người Ðông phương, Cassien tin rằng, một lời kinh được lặp lại, như "Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con", có sức thống nhất tâm hồn. Nhà thần bí, một khi xứng đáng sống niềm cô tịch, sẽ được ánh sáng thần linh thấm nhập toàn thể con người, thấu tận cõi vô thức và được hưởng nếm trong thinh lặng sự viên mãn của cầu nguyện xuất thần (prière extatique). "Cầu nguyện bằng lửa" - khôn tả đối với ngôn ngữ nhân loại - "là cái nhìn vào chỉ một mình Thiên Chúa, một ngọn lửa vĩ đại của Tình Yêu".

 

Trong đời sống thiêng liêng này, Cassien dành cho con người phần khá lớn, vì thế mà vào thế kỷ 17, người ta đã liệt Cassien vào phái Bán-Pélage (semi-pélage). Thực ra, Cassien không hề đồng ý với Pélage, và đứng ngoài các tranh luận về tín lý. Nhưng đúng là ngài đã không đẩy xa các tai hại của tội lỗi như Augustin và cho rằng có một sự khởi xướng nào đó nơi con người trong công trình cứu độ (initium fidei : khởi đầu đức tin, một số hành vi của ý chí đi trước ân sủng). Về tiền định (prédestination), ngài chỉ tin sự tiền-kiến (prévisions) về công phúc (mérites). Prosper dAquitaine, một người bênh vực cho Augustin, trong tác phẩm Livre sur la grâce de Dieu et le livre arbitre contre le Conférencier (1), đã tố giác ngài, đặc biệt về bài Diễn Giảng XIII. Lời lên án này nhắm vào một số kiểu nói đáng ngờ của Cassien, nhưng xét về toàn bộ thì tư tưởng của ngài vẫn là chính thống, vì thế mà trong thế kỷ tiếp theo, một người theo Augustin nhiệt thành nhưng Césaire dArles đã bắt chước lối văn của Cassien, rồi Ðức Giáo Hoàng Grégoire Cả và các đấng kế vị đã nhìn nhận sự thánh thiện của ngài.

 

Jean Cassien là bậc thầy vĩ đại về nền linh đạo Tây phương. Người ta có thể lấy làm tiếc là ngài nghiền ngẫm đời sống Kitô giáo chỉ trong liên quan đến các đan sĩ và coi sự hoàn thiện như là lý tưởng dành riêng cho họ.

 

 

VỀ NỀN TẢNG KHỔ CHẾ KITÔ GIÁO, HƠI CÓ MÀU SẮC KHẮC KỶ.

 

Nhiều người đã coi khinh những tài sản lớn lao, bạc vàng muôn triệu và những lãnh địa tuyệt vời, để rồi sau đó lại động lòng vì một lưỡi dao cạo giấy, một cái dùi, vì một cây kim, cây viết bằng sậy. Sau khi đã tự nguyện từ bỏ những tài sản kếch xù quí giá hơn là để cho những điều đó trở thành cái cớ gây ra tội lỗi, giả như họ biết không ngừng chú mục vào sự tinh tuyền của tâm hồn, họ sẽ không bao giờ vấp ngã vì những chuyện tầm phào như vậy.

 

Có những người quá gắn mình vào một bản chép tay, đến nỗi họ không thể chịu nổi người khác, dù chỉ là nhìn vào hay chạm đến bản chép của họ. Cuộc gặp gỡ thay vì đem lại cho họ sự dịu ngọt và lòng yêu mến thì lại thành cái cớ khiến họ mất kiên nhẫn, sầu khổ. Sau khi đã phân phát tất cả của cải vì tình yêu Ðức Kitô, họ lại giữ lấy đam mê cũ của mình, đặt nó vào những điều phù phiếm mau

 

--------------

 

(1) Sách về ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do, chống lại nhà diễn giảng.

 

qua rồi để bảo vệ chúng, họ lại rơi vào nóng giận. Không biết đến ghen ghét, kênh kiệu, giận dữ, không hành động cách nông nỗi, không tìm tư lợi, không thích điều bất công, không biết chi đến sự dữ. tất cả những điều đó là gì nếu không phải là việc liên lỉ dâng lên Thiên Chúa một tâm hồn hoàn hảo, hết sức tinh tuyền, và gìn giữ tâm hồn nguyên tuyền khỏi mọi lay động của đam mê hay sao ?

 

Như thế, đích điểm duy nhất của những hành động và những khao khát của chúng ta, đó là sự tinh tuyền của tâm hồn. Chính vì sự tinh tuyền này mà chúng ta chọn đời sống cô tịch, chấp nhận chay tịnh, canh thức, lao động, trần trụi, miệt mài với việc đọc sách, với việc thực hành các nhân đức, những điều đó chỉ nhằm gìn giữ tâm hồn chúng ta, làm cho tâm hồn chúng ta không còn bị tổn thương trước mọi đam mê xấu xa, và qua bấy nhiêu cấp bậc, đạt tới sự hoàn hảo của đức ái.

Conférences 1, 6 - 7, SC no. 42, p. 83 - 84

 

NHÂN ÐỨC VÀ CẦU NGUYỆN.

 

Tất cả mục đích của đan sĩ và sự hoàn thiện của tâm hồn hệ tại ở việc kiên trì và liên lỉ cầu nguyện. Xét vì con người mang thân phận mong manh yếu đuối, nên đây là một nỗ lực nhằm đưa đến một tâm hồn an tịnh và luôn luôn tinh tuyền. Và đó là lý do khiến chúng ta phải đương đầu với lao nhọc của thân xác, và tìm kiếm sự thống hối của tâm hồn bằng mọi phương thế, với một lòng kiên trì không nao. Vả lại đó là hai điều kết hợp với nhau bằng một mối liên hệ hỗ tương, không thể tách rời. Tất cả toà nhà nhân đức chỉ có một mục đích, đó là nhằm đạt tới sự cầu nguyện hoàn hảo, nếu không có chóp đỉnh này thu hợp các thành phần khác nhau làm thành một toàn thể gắn bó thì tòa nhà sẽ không vững chãi và sẽ không bền vững được. Quả vậy, nếu không có các nhân đức thì không thể đạt tới cũng như không thể hoàn thành cầu nguyện an tịnh một cách bền bỉ mà chúng ta đã nói tới, nhưng ngược lại, nếu không có cầu nguyện, thì các nhân đức - vốn được dùng làm nền tảng cho cầu nguyện - cũng sẽ không đạt tới sự hoàn thiện của chúng.

Ibid. IX, 2, SC no. 54, p. 40 - 41

 

LỜI NGUYỆN TẮT . TIẾNG NÓI CỦA TÌNH YÊU VÀ CỦA LÒNG MẾN NỒNG CHÁY.

 

Ðây là một bí quyết mà một số vị còn sót lại trong số các Thánh Phụ thuộc thời kỳ đầu truyền thụ cho chúng tôi, và cũng thế chúng tôi chỉ truyền lại cho một ít tâm hồn thực sự khao khát muốn bí quyết đó. Vậy, anh em hãy liên lỉ đọc lên cho mình lời kinh này : "Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ".

Ibid. X, 10, SC no. 54, P. 85

 

Cassien lặp lại lời kinh này 15 lần trong năm trang : Người đan sĩ sẽ đọc nó "ngay cả trong khi ngủ.

 

"CẦU NGUYỆN BẰNG LỬA" VÀ CÁC HÌNH THÁI CẦU NGUYỆN KHÁC.

 

Khi một linh hồn đạt tới trạng thái tinh tuyền đích thực và bắt đầu chìm sâu trong đó, thì cùng lúc linh hồn cảm được mọi hình thái cầu nguyện. Như một ngọn lửa thiêu đốt, thanh thoát, nó lướt bay từ trạng thái cầu nguyện này sang trạng thái khác ; linh hồn tuôn trào trong những kinh nguyện thật sốt sắng, thật tinh tuyền, những lời cầu nguyện mà chính Chúa Thánh Thần dâng lên Thiên Chúa bằng những tiếng rên khôn tả mà chúng ta không hay biết. Linh hồn ôm ấp và để trào ra từ lòng mình, trong cái khoảnh khắc độc nhất của lời kinh khôn tả ấy, biết bao nhiêu tâm tình mà một lúc khác, nó không thể nào diễn tả mà ngay cả hình dung lại trong ký ức cũng không thể được.

Ibid. IX, 15, SC no. 54, p. 52 - 53

 

VINCENT DE LÉRIUS

 

Cassien đề tặng Honorat và Eucher de Lérins các "Conférences" XI đến XVII. Ðiều này nói lên ảnh hưởng của vị Ðan Viện Phụ tại Marseille, và đồng thời cho thấy những liên hệ nối kết hai trung tâm đan tu. Ðan viện Lérins do Honorat và một Caprais nào đó thành lập khoảng năm 400, theo kiểu mẫu Aicập. Ðan viện nối kết đời sống chung, bắt buộc đối với các tập sinh, với đời sống cô tịch. Trước hết, đây là một nơi có trình độ trí thức tôn giáo rất cao : Ba Ðan Viện Phụ đầu tiên ở đây đã trở thành Giám Mục ; đan viện, như Ligugé và Marmoutier, đã cung cấp dồi dào nhân sự cho hàng Giám Mục xứ Gaule, và vì thế điều này hầu như gắn liền với lý tưởng của đan viện ở đó. Một trong những nhân vật của môi trường này là Vincent, được gọi là De Lérins, tác giả một cuốn Toát Yếu (Commonitorium, 434). Ông là người đầu tiên đưa ra định nghĩa về Giáo Phụ, Giáo Phụ là "những vị sống, dạy dỗ và ở trong đức tin và trong sự hiệp thông với Giáo Hội bằng một đời sống thánh thiện, khôn ngoan và kiên vững, đã được phúc hoặc chết trong Ðức Kitô như những tín hữu, hoặc chịu tử hình vì Ðức Kitô như những Chân Phúc". Ông ưu tiên dựa vào truyền thống hơn là dựa vào Thánh Kinh vốn bị các lạc giáo lợi dụng theo đủ mọi kiểu ; phải dừng lại ở những gì đã được tin ở khắp nơi, mọi thời và bởi mọi người. Ông công nhận có sự tiến triển của tín điều (dogme), hay tiến triển trong tín điều, nhưng phần có tiến triển nằm trong lối diễn tả (expression) và trong nhận thức hơn là trong nội dung. Vincent có một tư tưởng rõ ràng và chắc chắn. Ông cũng chứng tỏ điều đó khi dựa theo các từ ngữ của Công Ðồng Éphèse, xác định một Ðức Kitô duy nhất trong hai bản tính và biện minh cho tước hiệu Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) của Ðức Maria.

 

Ðan viện Lérins là một trường học vững chắc về thần học, đã sản sinh Eucher de Lyon, cùng thời với Vincent, và ngay sau đó là một Fauste de Riez hay một Césaire dArles. Với sự nối kết giữa đời sống nghèo khó và đời sống trí thức, đan viện đã lôi kéo được nhiều Kitô hữu thuộc một hạng nào đó, vốn thất vọng trước tình trạng chung của Giáo Hội lúc bấy giờ. Thi sĩ ngoại giáo Rutilius Namatianus đã khóc cho những nhà quí tộc "bị chôn sống" này, mà hầu như ông hoàn toàn không biết gì về lý tưởng cao vời của họ.

 

SỰ TIẾN TRIỂN CỦA TÍN ÐIỀU THEO VINCENT DE LÉRINS.

 

Vincent vừa mời gọi "nói theo một cách thức mới chứ không nói những điều mới".

 

Nhưng, người ta có thể nói : "Như thế, trong Giáo Hội Chúa Kitô, giáo lý Kitô giáo không thể có một tiến triển nào sao ?" Tất nhiên là cần phải có tiến triển và tiến triển lớn lao chứ ! Có ai lại thù nghịch với nhân loại, thù ghét Thiên Chúa đến độ dám chống lại điều đó sao ? Nhưng với điều kiện, sự tiến triển đó phải đích thực là tiến triển của đức tin chứ không phải là một sự biến chất. Ðặc tính của tiến triển là mỗi vật tăng trưởng mà vẫn là chính mình, đặc tính của sự biến chất là một vật biến đổi thành một vật khác.

 

Vậy, ước chi trí tuệ, trí thức, khôn ngoan của cá nhân cũng như của tập thể, của chỉ một mình người cũng như của toàn thể Giáo Hội được tăng trưởng và được tiến triển mạnh mẽ, theo tuổi tác và theo các thời đại ! - nhưng với điều kiện phải đúng theo bản chất riêng biệt của chúng, nghĩa là trong cùng một tín điều, trong cùng một ý nghĩa, trong cùng một tư tưởng * (.)

 

Tất cả những gì đã được gieo vãi bởi đức tin của cha ông chúng ta trong Giáo Hội, cánh đồng của Thiên Chúa, thì chúng ta có bổn phận phải vun xới một cách nhiệt thành, phải chăm nom làm cho chúng đơm hoa, kết trái, ngõ hầu làm cho những điều đó tiến triển và đạt tới viên mãn (.)

 

Giáo Hội Chúa Kitô, vì là người canh giữ cách ân cần, và khôn ngoan, những tín điều đã được ký thác cho mình, nên Giáo Hội không thay đổi gì nơi các điều đó, Giáo Hội không bớt, không thêm, không cắt xén những điều thiết yếu cũng không thêm vào những điều thừa. Giáo Hội không để mất điều thuộc về mình cũng không tiếm đoạt của người khác. Trong sự trung thành rất khôn ngoan của mình đối với các giáo lý cổ xưa, Giáo Hội đem tất cả lòng nhiệt thành vào một điểm duy nhất ; hoàn thiện và dồi mài những gì, mà ngay từ ngày xưa, đã có dạng thức và phác thảo ban đầu của nó, củng cố và làm cho vững chắc những gì đã có nét nổi bật và tính hiển nhiên của nó ; gìn giữ những gì đã được xác nhận và định tín.

 

Aide-mémoire (Toát Yếu 23, PL 50, 667 - 669 - lấy lại trongVincent de Lérins, Tradition

et progrès. Constantinople II. Les Pères dans la foi, 1978, p. 76 et 78 - 79. Kiểu nói chỗ đánh

Hoa thị (*) đã được Công Ðồng Vatican I sử dụng, De fide IV (Denzinger, no 1800) và

được lấy lại phần nào trong "Lời tuyên thệ chống Duy Tân thuyết", đặc biệt buộc các

giáo sĩ phải đọc trong các lễ truyền chức - do Ðức Piô X. (ibid. no. 2145).

 

VINCENT DE LÉRINS, CHỨNG NHÂN CÔNG ÐỒNG ÉPHÈSE (341).

 

Sự duy nhất về ngôi vị nơi Ðức Kitô không phải sau khi sinh ra bởi Ðức Trinh Nữ mới chặt chẽ và hoàn toàn, nhưng ngay trong cung lòng Ðức Trinh Nữ. Chúng ta phải hết sức cẩn thận tuyên xưng, không những sự duy nhất của Ðức Kitô mà cả sự duy nhất thường hằng của Ngài. Sẽ là một sự xúc phạm không thể tha thứ khi mà, một đàng nhìn nhận sự duy nhất hiện tại của Ngài, đàng khác lại chủ trương rằng, có một lúc nào đó Ngài đã không là một, mà là hai ; Là một từ khi chịu phép rửa, là hai lúc Ngài sinh ra.

 

Chúng ta chỉ có thể tránh được tội phạm thánh trầm trọng này với điều kiện khẳng định rằng con người đã được hiệp nhất với Thiên Chúa trong sự duy nhất của ngôi vị, không phải từ lúc Thăng Thiên, không phải từ lúc Phục Sinh, không phải từ lúc chịu phép rửa, nhưng đã xảy ra trong Mẹ của Ngài, trong cung lòng Mẹ, cuối cùng, đã xảy ra trong chính sự thụ thai đồng trinh. Chính vì sự duy nhất về ngôi vị này mà người ta qui gán cho con người điều thuộc về đặc tính của Thiên Chúa, và gán cho Thiên Chúa điều thuộc về đặc tính của thân xác, một cách như nhau và không phân biệt.

 

Từ sự duy nhất về ngôi vị đó và dựa vào cùng một mầu nhiệm đó, tôi cho rằng : Vì thân xác của Ngôi Lời sinh bởi một Người Mẹ Ðồng Trinh, nên chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã sinh bởi một Trinh Nữ ; chối bỏ điều đó sẽ là một tội nghịch đạo rất nặng nề.

 

Bởi vậy, chớ gì đừng có ai cố lấy mất của Ðức Maria đặc quyền về ân sủng Thiên Chúa và vinh quang đặc biệt của Người. Do ân huệ đặc tính của Chúa, là Thiên Chúa chúng ta và là Con của Người, chúng ta phải tôn xưng Người là Mẹ Thiên Chúa, với tất cả sự thật và vì vinh hạnh lớn lao nhất của Người . Là Mẹ Thiên Chúa, nhưng không theo nghĩa là một sai lầm nghịch đạo đã hiểu, cho rằng danh hiệu đó chỉ là một tước hiệu đơn thuần, do việc Mẹ sinh ra một con người mà từ đó đã trở thành Thiên Chúa . (Nhưng) theo nghĩa, ngay trong cung lòng thánh thiện của Mẹ, mầu nhiệm chí thánh đó đã hoàn tất rồi ; vì sự duy nhất đặc biệt và độc nhất này của ngôi vị mà Ngôi Lời là thân xác và con người là Thiên Chúa nơi Thiên Chúa.

Aide-mémoire, 15 PL 50. 658, lấy lại

Trong Vincent de Lérins, p. 56 - 60.

 

"SỰ BẨN THỈU LẠI NUÔI DƯỠNG ÁNH SÁNG THẦN LINH HAY SAO ?"

 

Chứng từ của người ngoại giáo tên là Rutilius Namatianus về chế độ đan tu trong câu chuyện (417) kể về cuộc hải hành từ Rome, nơi ông làm tổng đốc năm 414, về xứ Gaule.

 

Khi chúng tôi đang tiến ra biển khơi, thì đảo Capraria lộ ra, một hòn đảo ghê tởm đầy những kẻ lẩn trốn ánh sáng. Họ tự ban cho mình danh xưng bằng tiếng Hylạp là đan sĩ, vì họ muốn sống một mình, không ai chứng kiến. Họ sợ hãi những ưu đãi của giàu sang nhưng đồng thời lại e ngại rơi vào bĩ cực. Có thể rằng, vì sợ trở thành người khốn cùng, nên họ tự nguyện trở nên kẻ khốn khổ chăng ? Cơn cuồng nhiệt ngốc nghếch của những đầu óc lộn ngược này là thế nào nhỉ ? Mải lo sợ những bất hạnh nên không còn chịu đựng nổi hạnh phúc ! .

 

Giữa đại dương và trong vòng vây của sóng nước, chỏm đá Gorgon nhô lên giữa hai bờ Pise và Cyrnor. Trước mặt chúng tôi là tảng đá gợi lại một chuyện đàng xấu hổ mới xảy ra. Nơi đó có một trong những người đồng hương của chúng tôi - vì mới đây anh ta còn thuộc nhóm chúng tôi - dù là kẻ sống nhưng anh ta lại chôn mình ở đó một cách thật thảm hại. Vốn xuất thân trong một dòng tộc thật quyền quí, sự giàu có của anh ta, và cả hôn lễ của anh ta quả đã làm không hổ mặt cha ông, chàng thanh niên đó bị các Nữ thần địa ngục (Furies) thúc đẩy đến chỗ giã từ những con người của mặt đất, ra đi sống lưu đầy trong một nơi ẩn trốn nhục nhã ! Ôi kẻ ngây thơ tội nghiệp ! Kẻ khốn khổ ! Anh ta tưởng rằng tia sáng thần linh được gìn giữ trong sự bẩn thỉu, anh ta tự dằn vặt mình dữ dội có lẽ còn hơn cả những vị thần bị xúc phạm.

Sur son retour, CUF 1988, p. 23 - 24 et 27.

 

II. THI CA TÔN GIÁO.

 

Nếu không kể đến Commodien, thì văn chương Kitô giáo của ba thế kỷ đầu hầu như xa lạ với thi ca. Thế kỷ IV, ngay từ những thập niên đầu đã chứng kiến sự chớm nở của một mùa thơ, với những thi phẩm phục vụ Giáo Hội. Nếu đặt ra bên ngoài tác phẩm "Những chỉ dẫn và thơ hộ giáo" của Comodien (Instructions et le poème apologétique) thì Juvencus có thể là người đầu tiên đã thử nghiệm một thứ thần học bằng thơ : Khoảng năm 300, ông đã chuyển các Tin Mừng thành Sử thi Kitô giáo, Ông nói : "Bài thơ của tôi, đó là những cử chỉ khơi sức sống của Ðức Kitô (gestes vigifiants). Tác phẩm khuyết danh "Thánh Vịnh với đáp ca" (Psaume avec répons), khoảng năm 350, ngợi ca cuộc đời Chúa Cứu Thế, Ðức Giáo Hoàng Damas (366 - 384) đã cho khắc vào cẩm thạch bài thơ ca tụng các vị Tử Ðạo. Chúng ta cũng đã gặp thấy các Thánh Thi của Hilaire và Ambroise, thêm vào đó là các Thánh Thi của Marius Victorinus và tác phẩm "Psaume abécédaire" của Augustin. Khoảng năm 400, Cyprianus Gallus, trong tác phẩm Heptateuque đã chuyển Kinh thánh thành thơ, từ sách Khởi Nguyên đến sách Thẩm Phán : Claudius Marius Vitor trong tác phẩm Aletheia (Chân Lý) cũng làm như thế đối với sách Khởi Nguyên. Sédulius dõi theo các bản văn Tin Mừng trong tập thơ "Cermen paschale" (Bài thơ Vượt Qua) của ông. Như thế thi ca trở thành nữ tỳ của thần học, Kinh Thánh và nhất là phụng vụ. Như J. Fontaine đã cho thấy, thi sĩ Latinh đã trở thành như một vịnh gia (psalmiste) giải thích Kinh Thánh và các sấm ngôn Kitô giáo trong khuôn khổ các hình thái thi ca thuộc về nền văn hóa của mình.

 

Ở đây, ta có thể nhắc qua Ausone (309 - 394), một vị quan chấp chính trở lại (converti) trong chừng mực nào đó, đã lấy làm buồn trước tấm lòng quảng đại đáp lại Tin Mừng của Paulin de Nole, môn đệ của mình (ông nghe tin Paulin de Nole quyết định xa lánh thế gian, ông đã viết ba bức thư ngăn cản). Tuy nhiên, ông đã soạn một "Lời kinh ban mai" (Prière du matin) và "những vần thơ về lễ Phục Sinh" (Vers pour Pâques). Xét chung, có hai tên tuổi nổi bật hơn cả : Paulin và nhất là Prudence.

 

PAULIN DE NOLE.

 

Paulin de Nole là mẫu thi sĩ Kitô giáo của thời đại, là nhà quí tộc, sinh tại Bordeaux vào năm 353, rất giàu có, và đã trở thành một viên chức cao cấp, ông từ nhiệm, sang Tây Ban Nha, nơi đây ông cưới Thérasia, cũng thuộc giới thượng lưu giàu có. Nhưng rồi, cùng thỏa thuận với Théresia, ông đã trở lại đạo vào năm 389. Cả hai quyết định xa lánh thế gian, bắt đầu phân phát của cải để chuyên tâm vào suy tư và cầu nguyện : Trở thành Linh Mục năm 394 [tại Tây Ban Nha - ND], rồi cùng với Thérasia ngài đến Ý, ở tại Nole, và đã được chọn làm Giám Mục tại đó. Ngài sống một cuộc đời khổ hạnh, bác ái, nhiệt thành làm việc tông đồ một cách khâm phục. Ngài mất năm 431, để lại một tập thơ và 50 bức thư với giọng văn khá kiểu cách, gửi cho cáac nhân vật quan trọng như Ausone, Augustin, Sulpice Sévère. Ngài xuất hiện như một người có học thức, quan tâm đến khoa chú giải và cả khoa kiến trúc, một Kitô hữu khiêm tốn và tế nhị đối với anh em, và là người bạn nhiệt thành trong Chúa.

 

Các Bài Thơ (poèmes) có nội dung và hình thức khác nhau : hình thức thư (lettre, épitre) ; trong đó có các lá thư gửi Ausone, thơ mừng đám cưới, an ủi và những bài thơ sáng tác tùy hoàn cảnh, khá là gượng ép . Bốn bài thơ về Kinh Thánh ; một bài về Tin Mừng, ba bài về Thánh Vịnh. Bài thơ XIV, tất dài (858 câu !), chiếm gần một nửa, viết theo thể lục ngôn (hexa mètres) hoặc nhiều thể khác xen kẻ lẫn nhau. Bài thơ này ca tụng cuộc đời và các phép lạ của Felix, vị thánh của thành Nole, vào ngày sinh ra trên trời của ngài. Ở đây, thi ca và phụng vụ giao ngộ trong lòng đạo nhiệt thành, Paulin viết : "Chúng tôi chỉ có một nghệ thuật, đó là đức tin ; một âm nhạc là Ðức Kitô". Những bài thơ này được ngài cất lên hòa với tâm tình chung của dân chúng, là những bài tự nhiên nhất. Xét chung, nếu Paulin đã nối kết được tất cả nghệ thuật làm thơ và của khoa tu từ với sự khéo léo của một nghệ nhân về chạm trỗ, thì ngài vẫn còn thiếu mất óc tưởng tượng và tinh thần sáng tạo.

 

ÐỨC KITÔ ÐAU KHỔ - HAY PAULIN DE NOLE VĂN SĨ CHUYÊN VỀ THƯ TÍN,

VƯỢT TRÊN CÁC SỰ KIỆN KHÁC NHAU.

 

Ngay từ buổi đầu của các thời đại, Ðức Kitô đã đau khổ nơi tất cả những người của Ngài. Ngài thực là khởi nguyên và là cùng tận, được che phủ trong Lề Luật, được mạc khải trong Tin Mừng, là Ðức Chúa luôn luôn kỳ diệu, luôn đau khổ và vinh thắng nơi các thánh nhân của Ngài. Nơi Abel, bị anh mình giết chết ; nơi Isaac, bị dâng hiến như vật hiến tế ; nơi Jacob, trở thành nô lệ ; nơi Giuse, kẻ bị bán đi ; nơi Môsê, bị bỏ rơi và phải trốn chạy ; nơi các tiên tri, bị ném đá và tàn sát ; nơi các Tông Ðồ, bị ngược đãi hoặc bị quăng xuống biển ; nơi thiên hình vạn trạng của các thánh tử đạo, không ngừng bị lên án tử. Bao giờ cũng vẫn là Ngài, ngay cả trong hiện tại, Ngài đang mang những tật bệnh và thống khổ của chúng ta. Vì chúng ta, Ngài luôn luôn là con người phủ đầy thương tích, và biết mang lấy nỗi yếu hèn mà, nếu không có Ngài, chúng ta không thể nào và cũng không biết mang lấy nó : tôi nói, cả bây giờ nữa chính Ngài đang chịu đựng ác tâm của thế gian, gánh chịu ác tâm hầu tiêu diệt nó và hoàn tất nhân đức trong thử thách, cả trong bạn nữa, cũng chính Ngài đang chịu sự lăng nhục và nơi bạn thế gian thù ghét chính Ngài.

Lettre 88. P. 359 AB, trad. H. de Lubac.

Catholicisme, Paris 2938, p. 359.

 

PAULIN DE NOLE NGƯỜI CA NGỢI THÁNH FÉLIX (14.01.397)

 

Ngày lễ của Thiên Quốc, nay họp mừng long trọng chốn dương gian.

Ngày sinh của Félix, vị đã chết trong xác thân, trên trần thế

Máu không đổ nhưng được vinh thăng tử đạo, Thiên Quốc vinh quang

Bởi ngài đã chết trong muôn thống khổ, khác nào lấy máu đào tuyên chứng

Và tinh thần bất khuất của ngài, tựa máu hồng, được Chúa thương đoái nhận.

Ðối với Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can, nào có chi khác biệt.

Người tử đạo hay kẻ sẵn sàng tuẫn giáo.

Tình yêu họ, Người hiểu lắm, lòng nhân ái công minh của Người, đón nhận những đau khổ.

 

10. Tử đao không đổ máu khiến Thiên Chúa đẹp lòng, nếu Người thấy rực hồng, đức tin son sắt và tinh thần sẵn sàng chịu chết.

Ý muốn khổ đau, đối với Người, đã đủ

Là công phúc chính yếu, là chứng từ tối hảo

Vậy đây là ngày huy hoàng nhắc nhớ chúng ta.

Hồng ân đặc biệt, đã đưa Félix vào Thiên Quốc

Sau những thành lễ về Ðức Kitô sinh ra trong thân xác

Trong ngày Mặt Trời mới, sương giá đánh tan

Ðể ban tặng các tín hữu, hừng đông cứu độ

Và truyền lệnh cho đêm đen : Hãy lui bước, nhường ánh sáng

Thế là đã bừng lên cho chúng ta ánh sáng hôm nay, ngày thứ 20 *

 

20. Khải hoàn Thiên Quốc với công phúc của ngài

Félix không hề thua kém những vị đổ máu

Vì chưng được tôn kính dưới danh hiệu Tử Ðạo, và nhận lãnh quyền uy với việc xua trừ ma quỷ và giải thoát những thân xác tù đày

Ngài đã chứng tỏ quyền năng của vị tử đạo đích thực.

 

 

--------------------------

 

 

·      Trong bài thơ này, chúng ta nhận thấy có sự liên kết với lễ Giáng Sinh : "Ngày tứ 20" sau ngày Mặt Trời Mới, sự tham dự của dân chúng vào ngày lễ, đề tài về "Tử Ðạo không đổ máu" là một đề tài rất nổi tiếng vào các thế kỷ IV - V.

 

 

40. Một đám người chạy ào tới, run lên, với những khuôn mặt bàng hoàng

nơi tất cả, niềm vui hòa nước mắt, sáng niềm tin Chúa hiện diện khắp nơi

tại chốn này, Félix là vinh quang của Ðức Kitô vĩ đại

trong ngày trọng đại hôm nay, bao đám người kết tụ

tiến về ngưỡng cửa, nơi mọi ước nguyện đều được thương nhận trước.

Thiên Quốc, dương gian đều vui mừng chất ngất

Bầu trời thênh thang lại càng thêm lồng lộng và như nở nụ cười

Mùa xuân tỏa nhẹ trong làn gió thanh thanh

Trắng lộng lẫy điểm trang trời rực rỡ.

Poème XIV, PL 61, 464 D - 466 A. trad. Jean de la Croix, Bouton, Revue franc.

dHist. du livre III, 6. 1973, p. 330 - 331.

 

PRUDENCE.

 

Prudence cũng là một công chức cao cấp trở về với thi ca. Ông sinh tại Tây Ban Nha, có lẽ ở Calaguris năm 348. Ông theo đuổi con đường công danh và trở thành cố vấn riêng của Théodose. Những năm 400 ông rút khỏi sinh hoạt chính trị để sống đức tin một cách mãnh liệt và hát ca đức tin ấy trong niềm "khiêm cung kính thờ" Chúa Cha. Từ năm 400 đến 405 ông soạn một loạt các bài thơ, trữ tình, sử thi, giáo huấn, bi kịch, tổng cộng 20.000 câu thơ chia làm bảy tập. Tập "Cathemerinon" (Lời kinh mỗi ngày) gồm 12 Thánh Thi, sáu bài dành cho các "Giờ kinh riêng" mỗi ngày (Liturgies intimes) sáu Thánh Thi còn lại dành cho các mùa và các lễ trong năm. Tác phẩm Aphotheosis nhìn nhận thần tính, reconnaissance de la Divimité, hơn là thần hóa - divinisation - trình bày và mạnh mẽ bảo vệ thần tính của Ðức Kitô và Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Tác phẩm "Chống Symmaque" tiếp tục lời biện thuyết của Ambroise 20 năm trước đây, chống Symmaque, nghị viên Roma, và chủ trương phiếm thần của ông, vì danh dự của Kitô giáo và của "Roma trường cửu". Tác phẩm "Peristephanon" (Những triều thiên) gồm 14 bài Thánh Thi ca ngợi các vị tử đạo Tây Ban Nha và Roma. Dittochacon (Văn khắc) là một tiểu phẩm với tựa đề huyền bí, ghi khoảng 50 bài thơ lục ngôn tứ tuyệt, nói về các sự tích trong Cựu và Tân Ước. Tiểu phẩm này được nối tiếp bằng một Lời Bạt rất cảm động.

 

Dựa theo lời tựa ghi ở đầu cuốn "Lời Kinh mỗi ngày" - mà thực ra nó là lời mở đầu cho tất cả các tập khác theo trình tự kể trên, không kể cuốn Dittochacon, J. L. Charlet đã cho thấy rõ rằng, công trình này đã được trình bày như một tổng thể có hệ thống, trên bình diện nội dung cũng như hình thức, tác giả đi theo một lộ trình thiêng liêng. Giữa hai tập thơ trữ tình ; Một về đời thường, một về đời sống anh hùng phi thường, nghĩa là về sự hoàn hảo (perfection) là những tập thơ lục ngôn về các cuộc chiến đấu : Hai tập mang tính giáo huấn nói đến sự đối chất của đức tin với lạc giáo và tập sử thi mang tính ẩn dụ nói về cuộc chiến đấu của linh hồn chống lại sự dữ, một tập thơ hộ giáo mang tính châm biếm trước sự chỗi dậy của ngoại giáo. Các tập thơ cũng thường có một lời tựa bằng những câu thơ rất ngắn, và như thế công trình của Prudence pha trộn mọi vận luật cổ điển và đủ thể loại. Nhưng cuối cùng xuyên qua tất cả sự đa dạng đó là thần học tu đức, giáo lý, luân lý, hộ giáo và lịch sử. Prudence là một chứng nhân của tư tưởng Kitô giáo và của một số biến cố trong thời đại ông. Trước cả Augustin hay Orose, ông nhìn thấy nơi sự thống nhất của đế quốc Roma một sự chuẩn bị cho Ðức Kitô đến, và xem đường lối chính trị của hoàng đế Théodose như một ân sủng của Thiên Chúa. Prudence quả thật sự là một Giáo Phụ.

 

Ông có là một thi sĩ không ? Hiển nhiên, Prudence mắc phải những khuyết điểm của thời đại mình, ông nắm vững mọi kỹ thuật về âm luật và về khoa tu từ đến mức lạm dụng chúng, có khuynh hướng phức tạp và hóa giả tạo, kiểu cách, hoa mỹ vô ích, thích những gì là hùng hồn, vĩ đại nơi điều huyền diệu cũng như nơi điều mình ghê tởm, tật rườm rà, dài dòng mặc dầu ông biết rằng "một bài thơ lòng thòng không dứt sẽ gây chán ngán". Qua các trích dẫn, ám chỉ, ta thấy ông quen thuộc với di sản cổ điển. Tuy nhiên, thơ của ông không vì thế mà có tính cách gượng gạo, nhưng là tiếng hát của một tâm hồn chân thành và kiên vững, được nuôi dưỡng thấm nhuần bởi Kinh Thánh và truyền thống phong phú của Kitô giáo. Ông đã đưa chất liệu này vào tác phẩm, với một biệt tài về ngôn ngữ, một cảm thức lạ thường về biểu tượng trong đó pha trộn lối giải thích thần thoại học (interprétation mythologique) với chú giải Kinh Thánh đương thời, và với một óc tưởng tượng đầy sáng tạo, chẳng hạn như khi ông dệt nên "những Triền Thiên", khi sáng tác sử thi mang tính ẩn dụ về cuộc "Tâm chiến", hay khi ca ngợi huyền nhiệm của thần tính (Apothéosis). Qua công trình có ý nghĩa như một "NGÔN PHỤNG" (Liturgie de la Parole) rất cao nhã này, Prudence quả là một thi sĩ Kitô giáo vĩ đại của thời đại ông. Ông dâng lên Thiên Chúa tiếng nói của những người quí tộc trở lại, những người rút khỏi chính trường để vun xới ruộng đồng và niềm tin của mình trong niềm an bình. Ông còn là một chặng đường của thi ca Kitô giáo : Các Thánh Thi của ông dù không gắn liền với phụng vụ của Giáo hội, nhưng đã đảm bảo cho sự chuyển tiếp các Thánh Thi của Hilaire hay Ambroise và sự nở rộ vào thời Trung cổ.

 

Các đan sĩ và thi sĩ này, mặc dầu cùng thời với các tác giả lớn, nhưng đã kín múc chất liệu nơi họ và nơi các Giáo Phụ đi trước. Không ai trong họ đạt tới tầm vóc phi thời gian như Ambroise, Jérome hay Augustin. Tuy nhiên, họ cũng đã tạo nên một tấm biển không phải là không đáng kể trong bức tranh vàng son của Giáo Phụ Tây phương. Họ góp phần chứng minh cho thấy sự phong phú liên tục của đời sống Kitô giáo, qua sự phát triên của chế độ đan viện, và cho thấy sức sống của văn chương qua các thi phẩm.

 

Giáo Hội Tây phương đã bảo toàn La ngữ trong một thời gian và bảo toàn giáo lý chính thống và linh đạo Kitô giáo có thể nói là mãi mãi. Dù vẫn còn nỗi hoài nhờ về Roma ngày xưa, nhưng Giáo Hội đã thực sự chuyển mình, đi vào con đường mới.

 

THI NHÂN "MỘT DỤNG CỤ CŨ KỸ TRONG NHÀ CHA"

 

25. Trong cung điện của Nhà Cha, tôi như một dụng cụ tệ mạt, tầm thường. Ðức Kitô dùng tôi trong những chuyện tạm thời, chốc lát, và Ngài nhịn để tôi trong một xó góc lâu đài. Nhiệm vụ mọn hèn của chúng ta thực hiện trong lâu đài Cứu Ðộ khác nào đất sét. Nhưng dẫu bé mọn tới đâu, việc dâng lên Thiên Chúa những phục vụ của mình vẫn là điều hữu ích. Thế nên vai trò của tôi dù là thế nào đi nữa, tôi vẫn sướng vui vì đã ca ngợi đức Kitô..

Épilogue, C.U.F. 1963, p. 218

 

TÍNH NHẤT QUÁN TRONG CÔNG TRÌNH BIÊN SOẠN CỦA PRUDENCE DỰA THEO LỜI TỰA.

 

Ước chi, vào những ngày cuối đời tôi

 

35. Hồn tội lỗi từ bỏ sự điên rồ của nó

Ước chi linh hồn tôi ca ngợi Thiên Chúa

Nếu không bằng công trạng, thì ít cũng bằng tiếng nói

Ước chi linh hồn tôi biết liên kết những ngày đời bằng các Thánh Thi

Không đêm nào thôi ngợi khen Ðức Chúa

Ước chi trước lạc giáo tôi biết đấu tranh

Và diễn giải đức tin Công Giáo

Dưới chân mình, những phượng tự vô đạo

 

40. ước chi linh hồn tôi mang đến sự tiêu tan

cho các ngẫu tượng của tôi, Roma hỡi.

Ước chi trước các vị Tử Ðạo, bài ca tôi dâng kính

Và các vị Tông Ðồ, hồn tôi ca ngợi tôn vinh.

Livre dHeures, préface, C.U.F. 1943, p. 2 ; trad. J.L. Charlet"La poésie de Prudence dans lesthétique de son temps"Bull. de lAss. G. Budé, 1986, 4, p. 369

 

BÀI THƠ HÙNG TRÁNG VỚI NHỮNG NHƯỢC ÐIỂM.

 

Prudence gửi dân Dothái

 

Về lễ Vượt Qua của ngươi, hãy nói đi, nói cho chúng tôi nghe

 

350. Dòng máu nào đã làm nên ngày lễ rất trọng thể cho ngươi ?

rồi con chiên một tuổi mà người ta sát tế là con chiên nào ?

 

355. Hỡi dân tộc khờ dại, ngươi không hiểu rằng, ngươi đã bắt chước lễ Vượt Qua của chúng tôi, dựa vào những hình ảnh tiên trưng trong Luật Cũ, không biết rằng, ngươi đã diễn lại tất cả mầu nhiệm mà cuộc Khổ Nạn đích thực chứa đựng - nhờ máu đổ ra, cuộc Khổ Nạn đã bảo vệ vầng trán.

 

360. Chúng tôi, và bằng dấu Thánh Giá, đã xức dầu nơi cư ngụ của thân xác chúng tôi hay sao ?

Chính cuộc Khổ Nạn ấy đã xua đuổi những tai ương giáng xuống Aicập, đanh đuổi bão tố

Chính nó đập tan bạo quyền của vua Pharaos, và cứu thoát Abraham cùng dòng dõi, bằng trận mưa đá dày đặc giáng xuống xứ sở bất trung, cùng dòng dõi bất tín.

 

365. Dòng dõi đích thực của Abraham là những gương mặt rực lên dòng máu thắm

Dòng máu mà họ đã lãnh nhận bảo chứng và dấu hiệu

Những người đã được nhìn thấy Thiên Chúa nơi trần gian,

Vị Thiên Chúa thật sinh bởi Chúa Cha, với niềm tin không chút nghi nan

Những người đó đã nhìn thấy Thiên Chúa, và sau khi được nhìn thấy, họ đã tin vào Ngài.

Hỡi dân Yuđê, phải chăng lời đó đã chẳng đến tai ngươi

Có chứ ! Nhưng nó đã không thấu vào trong trí óc tăm tối của ngươi

Những lần đầu vọng đến, đã thấy lòng ngươi khép kín,

Lời không còn cách nào khác hơn là đi xa.

 

425. Dân tộc sống dưới ánh tà dương của mặt trời xứ Ibérie

Laại là dân đón nhận những ánh hồng của bình minh ló dạng

Lời Tin Mừng thấm sâu và sưởi ấm miền Scythie

Tỏa hơi nóng làm mùa đông xứ Hycarmie thành ấm áp

Từ nay Hèbre, đứa con của Rhodope, cởi bỏ y phục giá băng

 

430. Ðể chảy xuống Caucase, miền đá tảng.

Dân Gèle đã được thuần hóa, và sự tàn bạo khát máu của Gélon nay thỏa thuê với chén sữa tinh tuyền, thôi không còn vấy máu

Từ đây, dòng máu Ðức Kitô sẽ là bữa thỏa say thánh thiện.

Vùng đất Maure vô tín ngày xưa, nay đã biết thánh hiến các vị vua Man-di, trên bàn thờ của Ðức Kitô .

 

435. Từ khi Thánh Thần, Thánh Thần - Thiên Chúa, ngụ xuống cung lòng môt người nữ

Từ khi Thiên Chúa đi vào trong thân xác một nữ nhi

Làm cho một con người sinh ra bởi một trinh nữ, thì hốc đá trong đền Delphes

Ðã thấy lời sấm của mình bị kết án và bặt tiếng im hơi

Thần Apollon không còn điều khiển chiếc ghế ba chân của Pythie, vũ nữ

 

440. Một tư tế cuồng tín không còn sùi bọt mép, hào hển tuyên rao những lời tiên tri rút ra từ những bộ sách sấm

Thánh Dodone mất đi thứ khí điên rồ, Cumes nay câm lặng, khóc cho những sấm ngôn của mình đã chết

Rồi nơi vịnh Syrtes bên Lybie, Hammon cũng chẳng còn lời giải đáp.

 

445. Ðồi Capitole ở Roma ủ mặt buồn sầu, thấy vua chúa của mình nhìn nhận Ðức Kitô là Thiên Chúa.

Rồi đền miếu ngã nhào, tan tành phá hủy, theo lệnh của các vị hoàng đế

Từ nay bậc đế vương thuộc dòng dõi Énée, trước Nhà Ðức Kitô, phủ phục nguyện cầu

Và trước cờ Thánh Giá, vị chủ tể trần gian lạy thờ cung kính.

Divinisation, C.U.F. 1945, p. 16 - 19

 


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà