CÁC GIÁO PHỤ LATINH CUỐI CÙNG

(THẾ KỶ V - VII)

 

I. MỘT BỨC TRANH MỚI : TÂY PHƯƠNG MAN DI.

 

Lịch sử tôn giáo Ðông phương từ thế kỷ V - VII tập trung vào cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề các bản tính của Chúa Kitô. Vì các Ðức Giáo Hoàng bị công kích trong lãnh vực này, nên Ðức Lêô Cả đã yêu cầu Prosper d Aquitaine và Jean Cassien cộng tác để hình thành quan điểm của ngài. Pierre Chrysologue, Tổng Giám Mục Ravenne (425 - 450) và là người bênh vực tối thượng quyền của Roma, một nhà diễn thuyết lịch lãm và uyên bác, trao đổi thư từ với Théodoret và Eutychès. Còn Annobe le Jeune thì tường thuật lại cuộc tranh luận vào khoảng năm 450, giữa ông với một người Aicập theo thuyết Nhất Tính, qua tác phẩm : "Débat avec Sérapion" (Tranh luận với Sérapion). Có kèm theo một tập tài liệu cho phép chúng ta hiểu rõ hơn các lập trường của Roma và Alexandrie về nhất tính thuyết. sau tột điểm của cuộc khủng hoảng, vào khoảng năm 500, Gennade de Marseille biên soạn một tác phẩm "Chống các lạc giáo", và cụ thể hơn, một cuốn "Chống Nestorius" và một cuốn "Chống Eutychès", còn Boèce, người đồng thời với ông, thì viết cuốn "Chống Eutychès và Nestorius". Như thế, nếu bảo Tây phương dửng dưng với những cuộc tranh luận của Ðông phương thì có lẽ là quá đáng.

 

Nhưng, quả đúng là sau năm 450, phía Latinh có những chú tâm khác. Trong khi giới văn gia dấn sâu hơn vào việc trau chuốt thi phú, thì phần lớn những người khác trong Giáo Hội chuyên chú vào việc khai triển công trình của các bậc tiền bối. Ðặc biệt di sản của thánh Augustin, đã khơi lên những tranh luận nghiêm trọng về ân sủng và linh hồn. Ðàng khác, các biến cố chính trị cũng đặt ra những vấn đề mới.

 

Tây phương trở thành "bức tranh khảm các vương quốc man di". Năm 476, Odoacre, người được giáo dục ở triều đình Attila, đã truất phế Romulus Augustule. Ðó là lúc đế chế Roma chính thức cáo chung, trong khi đế quốc Ðông phương vẫn tồn tại. Những chủ nhân mới, một số là ngoại giáo, nhưng phần lớn đã trở lại theo lạc giáo Ariô, trong số họ cũng có những nhà chính trị khôn ngoan và khoan dung, chẳng hạn Théodoric (493 - 526) vua dân Ostrogoth. Lạc giáo Ariô khẳng định được chỗ đứng của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Faus de Rien, năm 476, đã soạn khảo luận "Về Chúa Thánh Thần" [chứng minh Ngôi Ba đồng bản thể và đồng vĩnh cửu với Chúa Cha và Chúa Con], ít lâu sau, Avit de Vienne soạn các "Sách chống phe Arius".

 

Trong thế kỷ kế tiếp, Césaire d Arles (khoảng 470 - 452) chống phe Ariô trong cả hai cuốn "Tiểu phẩm về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi" (Libelle sur le mystère de la Saint Trinité) và cuốn "Sách giản yếu chống người lạc giáo", bài bác một cách có hệ thống sai lạc của thuyết Ariô. Cùng thời ấy, tại Phi Châu, Giám Mục Fulgence de Ruspe, trong số 120 Giám Mục, đã bị lưu đầy [theo Altaner, Précis de la patrologie, ngài bị lưu đày cùng với 60 Giám Mục Công Giáo] trong thời gian xảy ra một cuộc tranh luận rất gay gắt [với phe Ariô]. "Chống phe Arius" là một trong những tác phẩm ngài soạn trong thời kỳ này [trả lời 10 chất vấn của hoàng đế Thrasamond, một người theo Ariô].

 

Tuy nhiên, các biến chuyển không chỉ nằm trên bình diện tôn giáo. Những đoàn quân xâm lược khác nhau ngoài việc gieo rắc cơ man nào là thảm họa mà chúng ta có thể đọc thấy qua bài giảng hoặc các biên niên sử, như của Hydaco, Giám Mục Tây Ban Nha chẳng hạn, thì họ còn mang đến những lối sống, lối suy tư khác. Dù người ta còn có mơ tưởng về "thế giới Roma" hay có quay sang đế quốc Ðông phương đi nữa, thì cái "phong cách Roma" cũng đã mệnh chung rồi (Romanité). Ða số các Kitô hữu, như Sidoine Apollinaire hay Césaire d Arles, cự tuyệt đối với những nền văn minh này, họ khóc than cho cái căn tính đã mất của mình, đôi khi với giọng ủi an cho khuây khỏa. Nhưng ngay từ trước, thánh Augustin đã tách Kitô giáo ra khỏi vận mệnh của Roma, và môn đệ của ngài là Orose cũng đã nhìn nhận người man di có thể hoàn thiện hóa được. Salvien de Marseille (khoảng 400 - 470) mặc dầu đau lòng trước những thảm họa do các cuộc xâm lăng gây ra, và cảm thông sâu sắc với dân chúng, nhưng đồng thời ông biện hộ cho sự quan phòng của Thiên Chúa trong khảo luận "Về sự cai quản của Thiên Chúa", chính vì thế, không những ông chỉ trích các thói xấu, tệ nạn của người Roma, nhất là những quá lạm về thuế khoá, mà còn cực lực tố giác sự nguội lạnh hoặc hư hỏng, biến chất của các Kitô hữu và ca ngợi các đức tính của người man di, chẳng hạn tính điều độ, mực thước của họ. Thái độ tích cực đối với dân man di này ngày càng tiến triển, cuối cùng thánh Isidore de Séville (570 - 636) mà người ta coi là vị Giáo Phụ Latinh cuối cùng, đã xem dân Goth như dân tộc của mình và vui mừng trước những thành công quân sự của họ.

 

Những đảo lộn về chính trị đã khiến nhiều người cầm bút viết sử. Prosper d Aquitaine viết tiếp cuốn biên niên sử của thánh Jérôme cho đến năm 455, Hydace tiếp tục đến năm 468 và Gennade de Marseille, với cuốn "Những nhân vật thời danh" đã nối dài cho đến năm 480. Sự kiện có ý nghĩa hơn, đó là những người mới tới chiếm cứ nay trở thành đối tượng nghiên cứu : Victore de Vito, Giám Mục Byzacène viết cuốn "Lịch sử cuộc bách hại của quân Vandale" [bách hại dưới thời các vua Genseric 428 - 477 và Huneric 477 - 484]. Cassiodore (575) soạn "Lịch sử người Goth" mà ít lâu sau đã được Jordanès tóm lược và Isidore de Séville triển khai thêm ; trong lúc đó Grégoire de Tours viết (593 - 594) một tác phẩm rất đặc biệt đó là cuốn "Lịch sử người France" (Histoire des Franc) viết về các cội nguồn của nước Pháp. Ngôn ngữ của vị Giám Mục này, một người xuất thân từ môi trường nghị viện, lại đầy những kiểu nói man di (barbarisme) ; điều đó chứng tỏ cho thấy có một sự tiến triển về ngôn ngữ song song với sự tiến triển về chính trị. Sắc thái của các quốc gia khác nhau thay thế cho "phong cách Roma" ["Romanité" : Tất cả tập tục, thói quen, cách sống, khung cảnh . mà văn minh La Mã tạo nên]. Với tinh thần truyền giáo của mình, Giáo Hội đã thích ứng được với tình thế mới một cách tốt đẹp.

 

Ðời sống trí thức của thế giới Kitô giáo mới này dường như tập trung vào hai vùng : miền Nam xứ Gaule và nước Ý. Mãi về sau Tây Ban Nha mới góp mặt.

 

MỘT NHÂN CHỨNG VỀ THUYẾT ARIÔ Ở THẾ KỶ VI.

 

Nguyên do sai lầm của những người lạc giáo ở chỗ không biết hay không muốn thừa nhận rằng, trong Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, chỉ có một ngôi vị duy nhất thế nào thì cũng có hai bản tính thế ấy : bản tính thần linh sinh bởi Thiên Chúa Cha và bản tính nhân loại bởi người mẹ nhân trần. Và điều mà chính Chúa nói về bản thân mình theo nhiệm cuộc của Mầu Nhiệm Nhập Thề, chẳng hạn lời này : "Cha lớn hơn Ta", hay lời khác : "Chúa Giêsu mệt nhọc vì đường xa", hoặc "Ngài khóc thương Lazarô" hoặc những lời tương tự mà chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh, thì họ lại qui nó cho bản tính thần linh. Giả như họ sẵn sàng chấp nhận lời này của Thánh Tông Ðồ : "Chính Thiên Chúa đã giảng hòa thế gian trong Ðức Kitô" hay lời Phúc Âm : "Ngôi Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi", thì hẳn họ đã không ngần ngại nhìn nhận có hai bản tính trong một ngôi vị duy nhất, như chúng tôi đã nói trên, và khi họ nghe nói : "Cha lớn hơn Ta", họ sẽ hiểu Ðức Kitô nói điều đó theo bản tính nhân loại ; nhưng khi họ nghe nói : "Cha và Ta, chúng ta là một", họ sẽ không nghi ngờ rằng Ðức Kitô nói điều đó theo bản tính thần linh, như người ta có thể hiểu được điều đó qua các phép lạ của Ngài.

(Césaire d Arles, Abrégé contre les hérétiques, début éd.

G. Monn. Oprea Ominia, t.2, Maredsous, 1942, p. 182.

Trad. M. L. Podyn. Mel. SC. Rel. XXIII, 1966 t. suppl. P. 40).

 

"MÁI TÓC CÓ MÙI BƠ HÔI DẦU".

 

Hay lời phê phán của Sidoine Apollinaire về những người Burgondes.

 

Họ chiếm vùng ngoại ô Lyon. Bài thơ có lẽ viết vào năm 461.

 

Tôi sống giữa những đám người tóc dài và tôi phải chịu đựng cái ngôn ngữ Nhật Nhĩ Man của chúng, và dù mang tâm trạng u buồn, tôi cứ phải liều mạng khen lao những bài ca của bọn người Burgondes háu đói, thích phết lên tóc mình thứ bơ hôi dầu. Phúc cho mắt và tai của ngài và phúc cho cả mũi ngài nữa, vì ngài không phải chịu mùi hành tỏi nồng nặc xông tốc lên từ sáng tinh mơ do cả mười lần nấu nướng, ngài không bị quấy nhiễu, ngay cả trước khi trời sáng, bởi cả một đám khổng lồ, như thể mình là ông cố tổ hay ông chồng bà vú của họ vậy, chúng vừa đông vừa cao lớn đến nỗi nhà bếp của Alcinous hầu như không chứa nổi.

Poèmes, XII, Gửi nghị viện Catullinus, V. 4 - 9,

CUF 1960 pp. 103 - 104, Trad. A. Loyen.

 

"NGƯỜI ROMA TỆ HƠN NGƯỜI MAN DI".

 

Dân Roma được đề cập ở đây là người Gaulois đã được Roma hóa.

 

61. Bởi có một số người không chịu được việc chúng tôi bảo rằng họ tệ hơn người Mandi - hoặc cũng chẳng hơn gì, vậy chúng ta hãy thử xem làm sao chúng ta tốt hơn và so loại man di nào mới được chứ ? Trong tất cả các dân man di có hai hạng người : hạng lạc giáo và hạng ngoại giáo. Nếu đối chiếu với luật Thiên Chúa, thì chúng tôi nói rằng chúng ta hơn mọi dân man di, điều đó họ không thể sánh được. Còn nói về đời sống và các tập tục -tôi đau đớn và lấy làm tiếc là - chúng ta tệ hơn.

 

62. Tuy nhiên, như tôi đã lưu ý, tôi không nhằm đến toàn thể dân tộc Roma khi đưa ra lời phê phán đó : tôi không nhằm tất cả các tu sĩ, và cả một số giáo dân sống như các tu sĩ, hay để khỏi quá lời, có những hành động đoan chính như các tu sĩ. Còn những người khác, tôi nói tất cả hay gần như tất cả, đều tội lỗi hơn dân man di, mà tội lỗi hơn tức là tệ hơn rồi. Nhưng, vì có những người cho rằng đánh giá chúng ta tệ hơn hay hầu như không tốt hơn dân man di là điều bất hợp lý, là phi lý, nên như tôi đã nói, thử xem làm sao chúng ta tốt hơn và so với người man di nào mới được.

 

63. Theo tôi, nếu các vị trừ ra một số nhỏ dân Roma mà tôi vừa mới kể, thì tôi khẳng định rằng, tất cả hay hầu như tất cả, sống một cuộc sống đầy tội lỗi và tội phạm hơn những dân man di (.)

 

21. Trong lúc này, người nghèo khổ rơi vào cùng quẫn, các góa phụ rên siết và trẻ mồ côi bị chà đạp dưới chân, đến nỗi phần đông trong họ, vốn xuất thân từ những gia đình danh giá, được giáo dục như những con người tự do, những đã phải chạy sang nhà kẻ thù để khỏi phải chết vì những ngược đãi công khai. Hiển nhiên là họ đi tìm lòng nhân đạo của dân Roma nơi những người man di, vì họ không còn chịu đựng nổi sự phi nhân của bọn man di nơi những người Roma. Tuy những người mà họ đến náu nương rất khác biệt với họ chẳng hạn về tôn giáo, về ngôn ngữ, và nếu được phép nói, khác cả cái mùi hôi thối toát ra từ thân thể và áo quần của dân man di, nhưng họ thà chịu đựng những khác biệt về tập tục nơi các dân tộc đó hơn là gánh chịu những bất công khủng khiếp nơi người Roma.

 

22. Vậy từ mọi phía, họ di tản đến với người Goth, người Bagaudes hay những người man di khác đang thống trị khắp nơi và họ không hề phải ân hận vì đã tản cư. Thật vậy, họ thích sống như người tự do dưới cái vẻ nô lệ hơn là làm nô lệ dưới cái vẻ tự do.

 

Thế là cái danh hiệu công dân Roma, mà ngày trước rất được quí chuộng và phải mua rất đắt, thì giờ đây người ta lại vứt bỏ và chạy trốn ; người ta không chỉ nhìn nó như đồ rẻ mạt mà còn như đồ đáng kinh tởm.

(Salvien de Marseille, Du gouverment de Dieu, IV, 13, 61 - 63

và V, 5, 21 - 22 ; SC no. 220, pp. 283 và 329 ; Trad. G. Lagarrique).

 

CẢ NGÔN NGỮ CŨNG TỚI VỚI NGƯỜI MAN DI.

 

Theo lời tự thuật của Grégoire de Tours (+ 593/594).

 

Nếu tôi nhảy vào viết lách, tôi e rằng người ta sẽ bảo tôi : ôi, kẻ dốt nát cũng chẳng thành thạo gì, thế mà ngươi dám nghĩ tới chuyện đưa tên tuổi mình vào hàng các văn nhân sao ? Hoặc, với các tác phẩm vô duyên, không chút gì là nghệ thuật văn vẻ như thế mà ngươi dám hy vọng làm cho các bậc tinh thông chấp nhận nổi sao chứ ? Ngươi chưa biết tí gì về chữ nghĩa văn chương, chưa biết phân biệt các danh từ, thường xuyên lẫn lộn giống đực với giống cái, giống cái với giống dở, giống dở với giống đực ; ngươi cũng chẳng biết dùng các giới từ sao cho hợp theo đúng cách sử dụng mà những tác giả thời danh nhất đã qui định, vì những giới từ đi với đối cách (accusatif) thì ngươi lại đặt trước danh từ ở dụng cách (ablatif) và ngược lại. Ngươi tưởng rằng người ta sẽ không nhận ra đó là con bò ì ạch muốn chơi ở trường đấu vật hay con lừa uể oải cố phi thân qua dãy người chơi đánh cầu hay sao ? (.)

 

Không sao, tôi sẽ trả lời : chính vì các bạn mà tôi cầm bút viết và nhờ sự quê kệch của tôi, các bạn có thể đào luyện tri thức của mình .

(De la gloire de confesseurs, int. M. G. H. Ser, Rev. Merov I,

pp. 747 - 748 ;Trad. P. de Labriolle, dans lhistoire de lÉglise

de A. Fliche et V. Martin,t. IV, p. 563 - 564).

 

II. XỨ GAULE KITÔ GIÁO.

DI SẢN CỦA AUGUSTINE Ở XỨ GAULE VÀ THÁNH CÉSAIRE DARLES.

 

Quanh Vấn Ðề Ân Sủng Và Linh Hồn.

 

Chúng ta đã thấy, Augustin vừa khuất bóng thì Prosper d Aquitaine đã công kích Cassien, một người mà ông xem là đã phản bội thầy. Trong thế hệ sau, Fauste, cựu Ðan Viện Phụ Lérins, Giám Mục Riez miền Provence từ 462 đến khoảng 490, qua khảo luận "Về ân sủng của Ðức Kitô và ý chí tự do" (De la grâce du Christ et du libre arbitre), vừa lên án Pélage nhưng đồng thời tuyên xưng rằng con người được cứu chuộc vẫn giữ được dấu ấn của Thiên Chúa và một sự tự do đủ để cộng tác với ân sủng. Fulgence de Ruspe (khoảng 467 - 533) đã minh nhiên chống lại ông qua tác phẩm "Chống Fauste de Riez) và biên soạn hai khảo luận khác để bênh vực cho lập trường bi quan triệt để, ý chí tự do hoàn toàn bất lực trong việc tránh sự dữ, nếu không có ân sủng.

 

Di sản của Augustin còn mang theo một yếu tố khác, vị Giám Mục Hippone, khoảng năm 419, trong khảo luận "Về linh hồn và nguồn gốc của linh hồn" (De l âme et de sonorigine) đã kịch liệt công kích luận đề về vật thể tính (corporéité) của linh hồn do Vincentius Victor giảng dạy. Sau Cassien, Fauste de Riez lập lại luận đề về tính vật chất của linh hồn : "nói linh hồn vô thể chất (incorponel) là biến linh hồn thành một phần của Thiên Chúa". Vào cuối thế kỷ V, ý tưởng này lại xuất hiện nơi Julien Pomère d Arles, thầy của Césaire, và nơi Gennade de Marseille ; trong khi đó, Claudien Mamert, một Linh Mục ở Vienne miền Dauphiné, trong khảo luận "Về bản tính của linh hồn" (470) (De la nature de l âme), lại bảo vệ tính vô thể chất của linh hồn theo chiều hướng của Augustin.

 

Mặc dầu được nhà thần học vĩ đại ra sức bảo vệ chủ trương về tính thiêng liêng của linh hồn vẫn không ngừng gặp phải những chống đối.

 

Césaire Mục Tử.

 

Người thừa kế tích cực nhất của Augustin hẳn nhiên là Césaire d' Arles. Sinh vào khoảng năm 470, trong miền phụ cận Chalon-sur-Saône ; ngài làm Linh Mục tại đây, rồi vào đan viện Lérins. Ngã bịnh vì sống quá khắc khổ. Ngài lui về Arles, khi đó là một trung tâm thương mại quan trọng. năm 503, ngài trở thành Giám Mục thành Arles và chết tại đó năm 542. Ngài vừa là một nhà diễn thuyết không mệt mỏi, đã để lại 238 bài giảng, vừa là nhà cải cách tôn giáo vừa là thần học gia.

 

Vị Giám Mục này đã phải đương đầu với ba chế độ chính trị nối tiếp nhau và ít nhất đã hai lần nếm mùi lao tù. Mặc khác, ngài còn lo lắng cho rất đông tù nhân, tổ chức chuộc họ ra, lo cho các nạn nhân và đám người nghèo khổ đến mức dám hy sinh cả những chén thánh vì họ. Ngài đã thành lập một bệnh viện quan trọng.

 

Hoạt động từ thiện đó không làm suy giảm lòng nhiệt thành của ngài trong việc mục vụ đích danh. Cả về điểm này, ngài cũng rất gần gũi dân chúng, nhưng chỉ là "dân Roma" thôi : dường như ngài không có nỗ lực nào để đến với người man di sống bao bọc chung quanh. Ngài giảng dạy bằng thứ ngôn ngữ bình dị, trực tiếp, với những hình ảnh thực tế. Ngài thích dùng những bản văn của các vị tiền bối, chẳng kể gì đó là của Fauste hay của Augustin, ngài xử dụng lại các bản văn đó không chút nghi ngại và mời gọi các Giám Mục (và Linh Mục) cũng làm như vậy trong trường hợp thiếu kiến thức. Ngài nói, cần phải đọc để làm cho kiến thức của mình thêm phong phú và đừng chỉ bằng lòng với việc có được những cuốn sách hay. Việc đọc sách sẽ giúp cho việc rao giảng được dễ dàng, vả lại ngài coi rao giảng là một đòi buộc không chỉ đối với các Giám Mục mà còn đối với các vị phụ trách giáo xứ, nếu không "nạn đói Lời Chúa" xảy ra là do lỗi của họ. Trong các bài giảng của mình, ngài tố cáo những tàn dư của lối sống ngoại đạo (paganisme), chẳng hạn : những hội hè mừng năm mới, cầu giải điềm mộng, các loại linh đơn chống sinh sản, thờ thần suối, thần cây, nghỉ việc ngày thứ năm để kính thần Jupiter ... Ngài không ngừng công kích thói say sưa, ngài khẩn khoản mời gọi dâng một phần mười lợi tức để giúp vào các hoạt động của Giáo Hội, và hơn nữa, mời gọi làm phúc bố thí, mà theo một truyền thống đã có sẵn - tuy ngài nhấn mạnh hơi quá - bố thí là một phương thế quan trọng để chuộc tội đối với người giàu, cũng như đức nhẫn nại là phương thế chuộc tội đối với người nghèo. Ngài đưa ra những qui tắc hết sức khắt khe về các quan hệ vợ chồng. Theo ngài, các quan hệ đó chỉ dành cho việc sinh sản, còn ngoài ra là có tội. Ngài mạnh mẽ kêu gọi các đôi vợ chồng hãy giữ đức khiết tịnh trong các đêm Vọng, trong Mùa Chay và thậm chí trong suốt mùa Phục Sinh. Tóm lại, hôn nhân là điều "vạn bất đắc dĩ", không dung hòa được với sự hoàn thiện. Ðời sống đan tu mới là lời đáp trả Kitô giáo đích thực và ơn cứu độ của người giáo dân hệ tại việc sống sát theo khuôn mẫu đời đan tu đến mức tối đa.

 

CÉSAIRE TỐ CÁO NHỮNG TÀN TÍCH NGOẠI ÐẠO.

 

Và, mặc dù tôi nghĩ rằng, dưới ơn Chúa soi sáng và nhờ lời khiển trách của anh em, từ nay ở đây sẽ không còn thói tục tệ hại đó nữa, nó là dấu vết của những thực hành phàm tục của dân ngoại ; tuy nhiên, nếu anh em biết những người nào vẫn còn theo thói tục cải trang thành con cừu cái, hay con hươu non, một thói tục hết sức xấu xa thì anh em hãy quở trách họ thật nặng nề để họ ăn năn vì đã làm điều phạm Thánh đó. Nếu khi xảy ra nguyệt thực mà anh em thấy có một vài người, mà hiện nay vẫn còn, bắt đầu kêu gào, thì chính anh em hãy khiển trách họ, hãy chỉ cho họ thấy họ đang mắc vào thứ tội nặng nào khi dám to gan phạm thánh nghĩ rằng với tiếng la ó bùa chú của mình, họ có thể giữ cho mặt trăng khỏi ra tăm tối, mà thực ra mặt trăng có tối đi vào những thời kỳ nhất định đó là do Thánh Ý Thiên Chúa. Và nếu anh em thấy còn có những kẻ thờ các suối nước hay cây cối, và - như tôi đã nói - lại còn đi xem bói, cầu đến pháp sư, thuật sĩ, đeo cả vào mình hoặc đeo cho người nhà của mình những thứ bùa quỷ quái, sách bùa sách phép, các thứ cỏ hay cây long diên hương thì hãy khiển trách họ hết sức nghiêm khắc, vì kẻ nào phạm tội đó thì mất ơn Bí Tích Rửa Tội.

 

Và bởi vì chúng tôi đã nghe nói rằng ma quỷ đã khéo cám dỗ một số đàn ông và phụ nữ, đến nỗi ngày thứ năm đàn ông không làm việc và đàn bà chẳng dệt len, nên trước mặt Chúa và các thiên thần của Ngài, chúng tôi long trọng tuyên bố rằng tất cả những kẻ còn muốn giữ thói tục đó cũng sẽ bị kết án lửa thiêu cùng một nơi với quỷ dữ, nếu họ không đền bù tội phạm thánh nặng nề dường ấy bằng việc đền tội nghiêm khắc và lâu dài. Bởi lẽ, những kẻ vô phúc đó, vì kính thần Jupiter, đã không làm công việc của mình trong ngày thứ năm, thì tôi tin chắc rằng họ sẽ làm chính công việc đó vào ngày của Chúa mà chẳng hổ thẹn hay sợ hãi gì . vì thế đối với những ai anh em nhận thấy mắc phải tội này, anh em hãy khiển trách thật nghiêm khắc, và nếu họ không muốn sửa mình, thì anh em đừng cho họ nói chuyện cũng như chia sẻ bữa ăn với anh em ; còn đối với những ai thuộc quyền anh em, thì hãy cho chúng cả roi vọt nữa, để nếu chúng không nghĩ đến phần rỗi linh hồn, thì ít là chúng cũng sợ hình phạt thể xác.

(Sermon 13, 5, SC no. 175, pp. 427 - 429, Trad. M. J. Delage).

 

SỰ KHẮT KHE CỦA CÉSAIRE.

 

Mỗi khi anh em đến nhà thờ vào dịp có lễ trọng nào đó, và anh em muốn lãnh nhận các Bí Tích của Ðức Kitô, thì anh em hãy giữ sự khiết tịnh nhiều ngày trước đó để có thể đến gần bàn thờ Chúa với lương tâm thật yên hàn ; anh em cũng hãy giữ sự khiết tịnh trong suốt cả Mùa Chay và kéo dài cho đến cuối mùa Phục Sinh, ngõ hầu anh em tham dự những ngày lễ Phục Sinh trọng đại với con người thanh khiết và tinh tuyền. Thật vậy, người Kitô hữu tốt không chỉ giữ mình khiết tịnh nhiều ngày trước khi hiệp lễ, mà ngoài ra, người đó chỉ ăn ở với vợ mình nhằm mục đích để có con cái mà thôi, vì người ta cưới vợ không phải để thoả mãn dục vọng, nhưng là để sinh con cái. Vả lại, chính các khế ước hôn nhân đã quy định rõ là "để sinh con cái". Anh em thấy là người ta không nói : để thoả mãn dục vọng, nhưng là : "Ðể sinh con cái".

Vả chăng, anh em rất thân mến, tôi muốn biết xem kẻ xử dụng vợ mình một cách vô độ mà không vì mục đích sinh con cái, nếu như anh ta gieo hạt trong ruộng mình cũng thường xuyên như việc anh ta ăn ở với vợ vì thói dâm đãng, thì liệu anh ta gặt hái được vụ mùa như thế nào ? Cũng vậy, những kẻ không muốn sống tiết độ, nếu chúng cũng cày bừa lại đất đai và gieo hạt thường xuyên trên mảnh đất đã gieo hạt, thì chúng ta hãy coi hắn có thể vui hưởng loại mùa gặt nào, vì, như anh em đã quá rõ, chẳng có mảnh đất nào trong cùng một năm mà cứ gieo hạt thường xuyên lại có thể sinh sản một mùa gặt bình thường. Vậy điều người ta không muốn làm trong thửa ruộng của mình, tại sao lại làm trên thân thể mình ?

(Sermon 44, 3, SC no. 243, pp. 330 - 333 ;

Trad. M. J. Delage).

 

CÉSAIRE, NHÀ CẢI CÁCH.

 

Césaire có ý định mạnh tay sửa chữa nền văn hóa của môi trường ngài sống, một nền phong hóa đã thực sự bị chiến tranh làm cho trở nên thô tục và đồi bại. Ý định cải cách của ngài nhắm đến cả các Linh Mục và tu sĩ. Năm 506, ngài chủ tọa Công Ðồng Agde, một Công Ðồng được chuẩn bị đúng mức với các hồ sơ tài liệu, để chỉnh đốn lại đời sống giáo sĩ trong cả miền : Giáo sĩ, Giám Mục, tài sản Giáo Hội . trong Công Ðồng này, luật độc thân giáo sĩ được qui định ; người ta cũng cấm luôn việc săn bắn và quyền đình công . Bắt đầu từ năm 513, ngài được uỷ thác phụ trách xứ Gaule và Tây Ban Nha, ngài đã triệu tập nhiều Công Ðồng khác có tầm quan trọng về kỷ luật, trong số nhiều điều đã thực hiện, đặc biệt ngài đã thiết lập các trường đào tạo giáo sĩ (Écoles presbytérales). Ngoài ra, vị cựu đan sĩ tu viện Lérins còn buộc hàng giáo sĩ của mình có những thời gian sống chung và thực hành đời sống phụng vụ theo lối đan tu.

 

Ðời sống tu trì là một trong những bận tâm liên lỉ của ngài. Ngay khi ngài vừa tới Arles, Ðức Giám Mục Eone đã ủy thác cho ngài việc cải tổ một cộng đoàn. Có lẽ đây là nguồn gốc cuốn "Qui luật của các đan sĩ" (Règles des moines) ngắn gọn và hơi khô khan. Năm 512, ngài thành lập một nửa đan viện, mà em gái ngài là Césairie đã trở thành Nữ Ðan Viện Trưởng tiên khởi. Nhằm mục đích trên, ngài đã biên soạn cuốn "Qui luật cho các trinh nữ" (Règles des vierges), gợi hứng từ Cassien hơn là từ Augustin, thầy của ngài, bản qui luật này nhấn mạnh đến một đời sống đan sĩ cộng đoàn chặt chẽ và đến phẩm trật các chức vụ. Người nữ đan sĩ tuyên khấn trọn đời (sống trong đan viện). Ðược "miễn trừ" khỏi quyền tài phán của Giám Mục, đan viện chỉ thuộc quyền Giáo Hoàng. Césaire tiếp tục hoàn thiện hóa bản qui luật cho nữ tu này đến cuối đời ngài, có lẽ đây là bản qui luật đầu tiên được trực tiếp soạn cho nữ tu.

 

QUI LUẬT CỦA CÉSAIRE CHO CÁC TRINH NỮ.

 

Lời mở đầu :

 

1. Césaire, Giám Mục, gởi các nữ tu thánh thiện, rất đáng kính trọng trong Chúa Kitô, những người đang ở trong đan viện mà Thiên Chúa đã cho chúng tôi thiết lập nhờ ơn soi sáng và sự trợ giúp của Ngài.

 

2. Vì, lòng thương xót của Ngài, Chúa dủ thương ban cho chúng tôi ơn soi sáng và sự trợ giúp để chúng tôi thiết lập đan viện của chị em ; dựa vào qui chế của các Thánh Phụ ngày xưa, chúng tôi lập ra những huấn lệnh thiêng liêng và thánh thiện cho chị em, chỉ ra cách thức phải sống trong đan viện này.

 

3. Ðể có thể tuân giữ tất cả những điều đó với sự trợ lực của Chúa, trong khi cư ngụ thường xuyên dưới mái nhà đan viện, chị em hãy cầu khẩn Con Thiên Chúa viếng thăm bằng những lời kinh liên lỉ. Như thế, sau đó chị em có thể mạnh dạn nói rằng : "Chúng con đã gặp thấy Ðấng tâm hồn chúng con kiếm tìm".

 

4. Tôi xin chị em, những trinh nữ đã được thánh hiến, những tâm hồn đã tận hiến cho Chúa, những người đang đợi chờ Chúa đến với đèn cháy sáng và lương tâm thanh thản, xin hãy vì những lao nhọc mà tôi đã chịu, như chị em đã biết, để xây dựng đan viện này, mà cầu khẩn cho tôi, trong những lời nguyện thánh thiện của chị em, để tôi cũng được phép tiến bước cùng chị em.

 

5. Và như thế, vào giờ phút mà chị em được diễm phúc vào Nước Trời thì, nhờ lời cầu bầu của chị em, tôi sẽ phải không ở lại bên ngoài cùng với những kẻ rồ dại.

 

6. Trong khi tấm lòng thánh thiện của chị em cầu khẩn cho tôi và chiếu tỏa rạng rỡ giữa những trân châu quí giá nhất của Giáo Hội, thì nguyện xin ân huệ của Chúa đổ tràn đầy cho chị em những điều thiện hảo ở đời này và làm cho chị em xứng đáng với những điều thiện hảo vĩnh cửu.

 

Qui Chế (khởi đầu).

 

1. Chúng ta biết là có nhiều khác biệt về tập tục giữa các nữ đan viện và nam đan viện. Nên trong số nhiều điều luật khác nhau, chúng tôi chỉ chọn ra một số điều, để tất cả chị em, người mới kẻ cũ, chị em cùng nhau sống một đời sống theo luật (régulière, đời sống tu dòng) và để chị em chuyên tâm vào thực hành thiêng liêng các điều phải tuân giữ, những điều này, như chị em có thể nhận thấy, đã được thích nghi cách đặc biệt với giới tính của chị em.

 

2. Trước hết đây là điều phù hợp với tâm hồn thánh thiện chị em : 3. Nếu một người muốn từ giã cha mẹ, từ bỏ thế gian để gia nhập gia đình thánh thiện này, thì từ nay, để có thể thoát khỏi miệng sói thiêng liêng, với sự trợ giúp của Chúa, người đó sẽ không ra khỏi đan viện nữa, cho đến chết, dù là để đi đến Ðại Giáo đường, là nơi chúng ta biết có cánh cửa.

 

(SC no. 345, pp. 171 - 181 ; Trad. A. de Vogué et Courreau).

 

CÉSAIRE, NHÀ THẦN HỌC.

 

Vị mục tử này, cũng như phần lớn các Giám Mục đồng thời, rất gắn bó với phong trào đan tu nhưng ngài còn là tác giả của một công trình tín lý. Ngài chống lại bè Ariô, qua hai tác phẩm đã được ghi nhận, đồng thời cầm đầu cuộc chiến chống phái Pélage, và đã tỏ ra gần với Augustin hơn so với các bạn của ngài ở đan viện Lérins. Ngài trình lên Ðức Giáo Hoàng Félix, và được Ðức Thánh Cha gửi cho "Các điều khoản" (Chapitres) về vấn đề này. Ngài biên soạn một "Tập sách nhỏ về ân sủng" (Opuscule sur là grâce). Nhưng nhất là vào năm 529, ngài triệu tập Công Ðồng Orange, kết thúc vấn đề "Sáng kiến cứu độ" (l initiative du salut). Bản văn Công Ðồng có tính cụ thể hơn là lý thuyết, nhấn mạnh đến những hậu quả của tội Ađam và sự cần thiết tuyệt đối của tiền sủng (Grâce antécédante, ân sủng đi trước nỗ lực của con người) đối với tất cả mọi hành vi sinh công phúc (action méritoire). Tuy vẫn khẳng định "sức tự nhiên" của con người không thể làm được gì [siêu nhiên], nhưng bản văn Công Ðồng còn nhấn mạnh tới công trình tái tạo do Bí Tích Rửa Tội thực hiện và sự cộng tác tích cực của Kitô hữu với ân sủng. Công Ðồng không nói đến sự tiền định làm điều lành và sự tiền định được cứu độ, nhưng bác bỏ tiền định về sự dữ, chống lại những người theo thuyết Augustin cực đoan. Công Ðồng nhìn nhận mọi người đã rửa tội đều có thể vào Nước Trời, nếu họ muốn, nhưng lại không bàn về trường hợp những người lương dân (infidèles). Những quan điểm này đã được Ðức Giáo Hoàng Boniface II phê chuẩn năm 531 và đã giải quyết vấn đề Pélage trong một thời gian dài. Qua điều này, vị Giám Mục thành Arles đã đóng một vai trò phổ quát.

 

Césaire không phải là một con người suy lý. Ngài là một mục tử thông minh và mạnh mẽ, có thể là quá gắn bó với phong trào đan tu. Vì chìm sâu trong nền văn minh Latinh, ngài đã không đọc được "các dấu chỉ của thời đại".

 

CÔNG ÐỒNG ORANGE (529) : "CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI BẮT ÐẦU".

 

Nếu ai nói rằng sự tăng trưởng và khởi đầu của đức tin, cũng như chuyển động đầu tiên của linh hồn nhờ đó chúng ta tin vào Ðấng công chính hóa người vô đạo và nhờ đó chúng ta đạt tới sự tái sinh của Phép Rửa, là hiệu quả của bản tính tự nhiên trong chúng ta, chứ không phải do ân sủng ban cho ; nghĩa là do ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, Ðấng sửa chữa ý muốn chúng ta và dẫn dắt nó từ vô tín đến đức tin, từ vô đạo đến đạo đức, người đó trở thành kẻ đối địch với các giáo huấn tông truyền (.)

 

(Ðịnh tín).

 

Chiếu theo những khẳng định của Thánh Kinh và những định tín của các Thánh Phụ ngày xưa, mà chúng tôi đã nêu ra, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta phải rao giảng và tin rằng, do tội của con người đầu tiên, ý chí tự do bị hư hỏng và suy yếu, đến nỗi sau đó không ai có thể yêu mến Thiên Chúa cho đúng, không ai có thể tin vào Ngài hay làm điều lành vì Ngài, mà trước tiên đã không được ân sủng của lòng thương xót Chúa đi trước chuẩn bị (prévenu par la grâce). Cũng vậy, chúng tôi tin rằng Abel người công chính, Noé, Abraham, Isaac và Jacob và tất cả đoàn đông đảo các Thánh Phụ ngày xưa, đã lãnh nhận đức tin tuyệt vời mà Thánh Tông Ðồ ca tụng khi đề cao các ngài (Hipri 11), không phải nhờ sự tốt lành của bản tính mà Ađam đã nhận, nhưng là nhờ ân sủng của Thiên Chúa (.)

 

Theo đức tin Công Giáo, chúng ta cũng tin rằng với sự trợ giúp và cộng tác của ân sủng được ban trong phép Rửa Tội, tất cả những ai đã chịu thanh tẩy đều có thể và phải thực hiện những gì cần thiết cho phần rỗi linh hồn, miễn là họ làm cách trung thành. Còn về vấn đề có những người bị tiền định làm điều ác, thì không những chúng tôi bác bỏ, không chấp nhận điều đó, mà nếu như có những kẻ tin một điều tồi tệ đến như vậy, thì chúng tôi long trọng ra vạ tuyệt thông cho những kẻ đó. Chúng tôi cũng tin và tuyên xưng cách lành mạnh rằng, trong tất cả mọi việc tốt lành không phải chúng ta là người khởi sự để rồi sau đó được lòng thương xót Chúa trợ giúp, nhưng chúng tôi tin rằng, trước khi chúng tôi lập được bất cứ công phúc nào, thì chính Thiên Chúa là Ðấng trước tiên đã soi sáng cho chúng ta mục đích (phải theo đuổi) và khơi lên tình yêu mà chúng ta phải có đối với Ngài, để chúng ta trung thành khấn xin ơn Phép Rửa và để một khi đã lãnh nhận Phép Rửa, nhờ sự trợ giúp của Chúa, chúng ta có thể làm điều đẹp lòng Ngài. Chính vì thế cần phải tin một cách hết sức hiển nhiên rằng đức tin rất đáng ngưỡng mộ của người trộm lành mà Chúa đã gọi vào quê Thiên Ðàng (Lc, 23, 43), đức tin của viên bách quản Cornelliô là người mà thiên thần đã được sai đến cùng ông (Cv 10, 3), cuối cùng đức tin của Zachée, người đã xứng đáng được đón tiếp chính Chúa (Lc 19, 6) không phải là công trình của bản tính tự nhiên nhưng là ân sủng do lòng tốt lành của Thiên Chúa.

(CCSL, 148A, pp. 56, 46 - 57, 52 ; p. 62,

176 - 187 ; p. 63, 205 - 223. Trad. J. Liébaert)

CÁC THI SĨ XỨ GAULE.

 

SIDOINE APOLLINAIRE.

 

Xứ Gaule - mà thường là nơi những nhân vật vị vọng - cũng tiếp tục theo đuổi truyền thống thi ca. Vào thế kỷ V, đại biểu quí phái nhất của xứ này, hiểu một cách đầy đủ trọn vẹn nhất, chắc chắn là Sidoine Apollinaire. Sinh tại Lyon khoảng năm 431, ông sát cánh với những nhân vật cao cấp nhất, đến mức trở thành phò mã của hoàng đế và giữa những thăng trầm chung của thời đại, ông đã trở thành tổng trấn Roma. Bất ngờ vào năm 471, ông được bầu làm Giám Mục Tổng Giáo Phận (Métropote) Auvergne, ngày nay là Clermont-Ferrand, ít lâu sau miền này bị Euric, một người theo Ariô và là vua người Wisigoth miền Aquitqine chiếm. Lúc đó, ngoài sự khéo léo về chính trị, ông còn chứng tỏ lòng anh hùng của một người "bảo vệ thành phố" và một ý thức mục vụ rất sâu xa. Ông mất khoảng năm 486, trong niềm kính trọng của mọi người. Ông để lại 147 bức thư, đôi khi được viết chỉ để xuất bản và một sưu tập 24 bài thơ mà ông đã ấn hành trước khi gia nhập hàng giáo sĩ.

 

Ít là trước khi từ quan, Sidoine là một người rất quí tộc và là một nhà văn. Ông viết rằng : cùng với sự xóa bỏ "các giai cấp xã hội, từ giai cấp thấp đến giai cấp cao nhất, từ nay dấu chỉ duy nhất của sự quí phái là sự am hiểu văn chương". Trong tất cả tác phẩm của mình, ông chứng tỏ là một người Roma nhiệt thành, đồng hóa với số phận của nền văn minh Latinh với số phận của đức tin Công Giáo. Các bức thư của ông, hơn là các bài thơ, làm thành một tài liệu quí giá về người man di và về lịch sử chính trị, xã hội ở hậu bán thế kỷ IV. Nhưng văn phong của ông rất kiểu cách và thường là giả tạo - nhất là về thơ ca, tuy cũng có những bài hay, nhưng thơ ông đầy những điển tích thần thoại và Kinh Thánh, hùng biện dài dòng và khuôn sáo, những kiểu nói cầu kỳ. Nghệ thuật cao có những phương thế khác (hà tất phải kiểu cách như vậy !).

 

NHỮNG THI SĨ KHÁC CỦA XỨ GAULE.

 

Bên cạnh Sidoine, Mérobaudes, cũng là một người có tinh thần Roma rất sâu đậm, cũng như Orens (Orientius), Giám Mục xứ Auch, là một người đã mô tả tội ác của dân man di cách đầy hình tượng, "chỉ một dàn thiêu của chúng đã biến cả xứ Gaule thành mây khói". Trái lại, Ennodius, người xứ Arles, mất năm 521 đang khi làm Giám Mục Pavie thì lại hết lời ca tụng Théodoric qua một lối thơ còn giả tạo rắc rối hơn cả thơ của Sidoine. Ngoài các bài giảng, các khảo luận và thư từ, Ðức Giám Mục thành Vienne miền Dauphiné (490 - 518) là Avit còn để lại một bài "ca tụng đức trinh khiết" (Éloge de la virginité) gồm 666 câu thơ lục vận (âm tiết) và một bộ sử thi gồm 5 cuốn về "Lịch sử thiêng liêng " của thế giới. [Histoire spirituelle] : nói về 1. Sáng tạo ; 2. Tội nguyên tổ ; 3. Phán quyết của Chúa ; 4. Hồng thủy ; 5. Cuộc vượt qua Biển Ðỏ]. Nơi vua Clovis, Avit đón chào "ánh thái dương đã lên cao".

 

Nhà đại thi sĩ Công Giáo sau cùng của xứ Gaule cổ là Fortunat (Venantius Fortunatus), một người gốc Ý đến sinh sống ở Poitiers và trở thánh Giám Mục nơi này năm 597. Ngài đã soạn "Hạnh thánh Martin" theo lối sử thi gồm 2343 câu, trong số rất nhiều hạnh các thánh khác soạn bằng văn xuôi và nhiều bài thơ tiêu khiển tinh tế. ngài còn sáng tác rất nhiều Thánh Thi, có những bài được phụng vụ Tây phương lấy lại, như Thánh Thi "Vexilla Regis prodeunt" (Cờ hiệu của Ðức Vua tiến lên) hay "Pange, lingua gloriosi lauream certaminis" (Lưỡi tôi, hãy ca hát sự toàn thắng của trận chiến vinh quang) : Ðây là hai bài thơ có tiết điệu tuyệt vời đã được đưa vào trong phụng vụ Tuần Thánh. Chúng khai thác được tất cả khoa biểu tượng của Kinh Thánh và truyền thống để ca tụng Mầu Nhiệm Cứu Chuộc "Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng độc nhất", đó là tiếng gọi cuối cùng của Kitô giáo Tây phương cổ thời hay là tiếng gọi đầu tiên của những thời đại mới.

 

Qua các mục tử và các thi nhân của mình, Giáo Hội Gaule-Roma (L Église Gallo-Romaine) đã trải qua một buổi hoàng hôn đẹp, nếu không muốn nói là sự tiếp tục tồn tại của nền văn chương Latinh.

 

QUÂN GOTHS, NHỮNG KẺ TÀN PHÁ CÁC THÁNH ÐƯỜNG (Mùa Xuân 475)

SIDOINE NÓI VỀ VUA EURIC.

 

6. Tôi hết sức e ngại rằng, vua dân Goth mà tôi đã nêu danh một kẻ vô cùng đáng sợ do đội quân hùng mạnh của ông ta, đã phục sẵn binh mã không phải để chống lại các thành lũy của Roma cho bằng để chống lại các lề luật của Ðức Kitô. Cứ theo lời người ta nói, thì chỉ nguyên việc nhắc đến cái tên Công Giáo đã đủ khiến môi miệng cũng như lòng dạ ông ta ra cay đắng quá đỗi, đến nỗi người ta tự hỏi vậy ông ta là vua của giáo phái ông ta chứ đâu phải vua của dân tộc ông ta. Hơn nữa, với khí giới hùng mạnh, tham vọng cuồng nhiệt, tuổi trẻ sục sôi, nhưng ông ta lại là nạn nhân của một sai lầm, tưởng rằng những suy tính và dự định của mình đạt được thành công là vì giáo lý chính thống của giáo phái mình, trong khi ông ta được như thế thực ra chỉ là nhờ sự thành công trên bình diện thế tục.

 

7. Vì tất cả những lý do đó, tôi xin được báo ngay cho ngài biết về một căn bệnh còn tiềm ẩn của toàn thể cộng đồng Công Giáo để ngài có thể cấp tốc dùng phương thuốc chữa trị cách công khai. Bordeaux, Périgueur, Rodez, Limoges, Javols, Eauze, Bazas, Saint-Bertrand de Comminges, Auche (và sắp tới, số thành phố rơi vào trường hợp này sẽ còn nhiều hơn nữa) đã "như rắn mất đầu" vì cái chết của các vị chủ chăn của mình, và sau đó người ta đã không bổ nhiệm các vị Giám Mục khác vào chức vụ của những người quá cố để dù sao đi nữa, những vị đó có thể đảm bảo sự kế tục trong thừa tác vụ của các chức nhỏ . nơi tất cả các thành phố đó, sự sụp đổ về mặt thiêng liêng ngày càng lan rộng. Rõ ràng là do sự vắng bóng của các vị chủ chăn đã qua đời, những sụp đổ đó đã tiến triển gần như hàng ngày, đến nỗi chúng có thể làm cho cả những ông tổ lạc giáo của những thời kỳ hẳn cũng phải xúc động (chứ đừng nói gì những kẻ lạc giáo hiện nay) : những đoàn dân, bị cái chết cướp mất các vị Giám Mục của mình, đã lâm vào nỗi thất vọng cay đắng đến dường nào, vì không còn các lễ nghi tôn giáo !

 

8. Không còn bất cứ cử hành nào trong các Giáo Phận, Giáo Xứ trống vắng. Nơi các nhà thờ (ai cũng có thể nhận thấy) thì hoặc là mái xiêu đổ nát hoặc ngõ dẫn vào các Vương Cung Thánh Ðường thì cây cỏ gai góc um tùm chắn lối, các cánh cửa bị kéo tung khỏi bản lề. Thậm chí người ta có thể thấy cả những đoàn vật, không những nằm nghỉ ngơi trên các lối ra vào hé mở, mà còn gặm cỏ xanh rì bên cạnh các bàn thờ, thật quá thương đau !

(Lettres, VII, 6, 6 - 8, CUF, 1970, pp. 44 - 45 ; Trad. A. Loyen)

 

LỜI TRI ÂN GIÁM MỤC FAUSTE (DE RIEZ).

 

Hỡi cây đàn Luth của ta

Chớ đoái hoài đến thần Phébus với chín nàng thơ

và nữ thần Pallas như nàng thứ mười.

 

6. Ðừng quan tâm đến Orphée và những dòng nước huyền thoại ở con suối kỳ bí.

 

Hãy mặc kệ cây đàn xứ Thébes, cây đàn mà tiếng ngân vang của nó khiến đá cũng phải mềm và thanh âm hòa quyện đã khiến các bức tường phải đứng dậy lắng nghe.

 

Nhưng giờ đây, lạy Thánh Linh Ðức Chúa

Con khấn xin Ngài hãy đến tán dương vị Mục Tử của Ngài.

Ngài là Ðấng đã đến trong cung lòng Maria - Thái cổ khi Israel, tay cầm trống nhạc, bước đi khô ráo giữa lòng biển sâu, bởi biển đã bị dồn lại sau những bức thủy thành.

 

10. Lúc đám dân lấm đầy bụi đất giữa sóng nước nhấp nhô, hò vang cuộc khải thắng của Ngài (.)

 

40. Chính Ngài còn là Ðấng đã sinh ra từ lòng Ðức Trinh Nữ mà không do mầm mống của nam nhân,

là Thiên Chúa tự muôn đời, và là Ðức Kitô trong dòng thời gian của chúng con, chính Ngài tạo dựng cho mình những gì thuộc về thân xác (.)

Xin hãy cho con được ca tụng Giám Mục Fauste củaNgài.

 

70. Xin cho con được tỏ lòng biết ơn, niềm tri ân mà ngay cả sau khi đã thốt lên, con cảm thấy sung sướng vì vẫn mang ơn vị Mục Tử của Ngài.

Ôi Giám Mục vĩ đại, ước chi cây đàn Luth của chúng tôi ca tụng tán dương ngài, dầu lời ca của chúng tôi còn kém xa công đức của người (.)

Dù người làm chi,

Dù người ở nơi nào,

Ðối với tôi, người sẽ mãi mãi là Faustus (Hạnh Phúc)

Mãi mãi là Honoratus (Ðáng Kính)

Mãi mãi là Maximuc (Vĩ Ðại).

(Sidoine Apollinaire, Poèmes XVI,

CUF, 1970, pp. 120 - 125. Trad. A. Loyen).

 

Chúng ta nhận thấy bài thơ này bắt đầu bằng những điển cố thần thoại, tiếp đó là lời kêu cầu Chúa xuyên qua những hình ảnh Kinh Thánh của Cựu và Tân Ước, tất cả là 67 câu thơ, để rồi dẫn vào chủ đề một cách khá ngắn ngủi ! Những câu 40 - 42 cho thấy sự vững vàng chắc chắn về thần học của Sidoine, vì ít là một lần có được sự cô đọng nào đó. Hai câu cuối của bài thơ tiêu biểu cho lối chơi chữ mà tác giả rất ưa dùng : Ba tên gắn liền với đan viện Lérins, nơi Fauste đã xuất thân cũng đồng thời là ba hình dung từ : "Hạnh Phúc", "Ðáng kính" và "Vĩ đại". Xét chung, bài thơ không phải là không có sự phong phú, tao nhã của nó.

 

III. Ý VÀ TÂY BAN NHA.

 

NƯỚC Ý VÀ BỘ LUẬT CỦA THÁNH BENOIT.

 

Bầu khí thiêng liêng và trí thức tại Ý cũng vẫn còn sinh động nhờ các đan sĩ, các quan chức cao cấp và các Ðức Giáo Hoàng.

 

BỘ LUẬT CỦA THÁNH BENOIT.

Bộ luật của thánh Benoit chắc chắn là một trong những công trình sáng tạo phong phú nhất của thế giới Latinh đang hồi kết thúc. Benoit de Nursie, tác giả Bộ Luật, sinh khoảng 470 - 480 ; vào lúc phong trào đan tu xứ Gaule đã thực sự trưởng thành, thì ngài trở thành ẩn sĩ trong miền đồi núi sứ Sabine, tiếp đến là ở Subiaco, tại đây tuy không chủ ý, nhưng do sức thu hút của ngài, một cộng đoàn đã được hình thành xung quanh ngài. Cuối cùng, dưới sự bảo trợ của thánh Martin, ngài đã lập ra tại Mont-Cassien một đan viện theo đúng nghĩa của nó, đan viện này sẽ có một tương lai rất phi thường.

 

Trong khoảng thời gian từ năm 530 - 560, ngài soạn cho đan viện (ở Mont - Cassien) của ngài một "Bản qui luật đan tu lừng danh nhất của Tây phương Latinh", "một mẫu mực của thể loại văn chương này". Bộ luật của thánh Benoit chắc chắn đã gợi hứng từ bản qui luật khuyết danh "Qui luật của vị thầy" (La règle du maitre) được biết tiếng ở vùng Roma vào đầu thế kỷ IV, đồng thời cũng gợi hứng từ "Bản qui luật của cha thánh Basile", luật của Augustin và Cassien mà tác giả có trưng dẫn ở cuối chương. Cộng đoàn có tổ chức rất chặt chẽ nhưng sống rất huynh đệ, đặt dưới quyền một Ðan Viện Phụ được bầu và giữ chức đến mãn đời. Ðan Viện Phụ vừa là người điều hành vừa là vị thầy dẫn đường thiêng liêng với khả năng biện biệt và sự khôn ngoan rất mực, ngài có thể sửa đổi phần nào các đòi hỏi về tu đức và thiêng liêng cho phù hợp với khả năng và tính cách của mỗi thành viên. Kinh thần vụ là trung tâm mọi sinh hoạt, "để Thiên Chúa được tôn vinh trong mọi sự". Thời gian còn lại được dành cho việc tịnh tâm thinh lặng, đọc và suy niệm Kinh Thánh cùng làm việc tay chân. Ðan viện phải tự túc và mở rộng cửa ra bên ngoài để tiếp đón và chia sẻ, dù là dòng tu kín. Vĩnh cư (stabilité définitive) là điều kiện được đòi hỏi ngay từ lúc bước chân vào đan viện. Nhân đức được nhấn mạnh nhất là lòng khiêm nhường, được chia làm 12 cấp độ ; thánh Benoit đã nêu gương về nhân đức này : Ngài nói về bộ luật của ngài như "qui luật rất nhỏ bé dành cho những khởi sinh" và nhiệt thành khuyên đọc thêm những bộ luật khác . Bản Qui Luật liên quan tới "dòng dõi rất can đảm" của những tu sĩ sống cộng đoàn (cénobites), nhưng còn vươn xa hơn nữa, nhắm tới sự cô tịch của lối ẩn tu (anachorétisme, tu rừng). Dần dần bộ luật được áp dụng ở khắp Tây phương bên cạnh bộ luật của thánh Augustin là bộ luật thiết thân với các Giáo Sĩ. Nó cũng đã có dịp cọ xát với bộ luật rất khắc khổ của thánh Colomban, vị đan sĩ Ái Nhĩ Lan, là người cũng đã đến Ý và xứ Gaule lập dòng. Ðôi khi hai bộ luật này kết hợp với nhau. Ðức Giáo Hoàng Grégoire Cả, người đã hết lời ca tụng thánh Benoit. Chính Ðức Giáo Hoàng là người đã du xuất bộ luật sang Anh, cùng với 40 đan sĩ rao giảng Tin Mừng. Qua những ảnh hưởng hết sức đa dạng mà ngài tạo ra, thánh Benoit đã "làm cho bình minh của một kỷ nguyên mới ló dạng trên lục địa của chúng ta", ngài xứng đáng được Ðức Phaolô VI nhận là "Vị Quan Thầy chính của toàn Châu Âu".

 

CẤP ÐỘ KHIÊM NHƯỜNG THẲM SÂU NHẤT.

 

Cấp độ thứ 12 của đức khiêm nhường đó là, người đan sĩ không chỉ bằng lòng với sự khiêm tốn trong tâm hồn, mà còn không ngừng biểu lộ nó ra ngoài thân xác, trước mắt những người khác, nói khác đi, biểu lộ sự khiêm nhường khi cử hành thần vụ, khi ở nguyện đường, nơi đan viện hay ở ngoài vườn, khi đi dạo hay lúc ngoài đồng, nghĩa là ở khắp nơi, dù ngồi, hay đi đứng, người đan sĩ hãy luôn cúi đầu, mắt nhìn xuống đất và trong mọi giây phút, luôn nghĩ mình là kẻ có tội, nghĩ mình như đã ra trước tòa phán xét công thẳng và đồng thời không ngừng nhủ thầm lời mà người thu thuế trong Tin Mừng đã nói, mắt nhìn xuống đất : Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, con không xứng đáng ngước mắt nhìn lên trời. Và cùng với vị tiên tri, hãy nói : "Thân con oằn sâu và chịu sĩ nhục đến cùng độ".

 

Vậy khi đã bước qua mọi cấp độ của đức khiêm nhường, người đan sĩ sẽ đạt tới tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu hoàn hảo và loại bỏ mọi sợ hãi. Nhờ tình yêu này, tất cả những gì mà trước kia người ấy giữ với lòng sợ hãi, thì giờ đây anh ta bắt đầu tuân giữ một cách tự nhiên, theo thói quen, không hề phải gồng mình gắng sức, không còn phải sợ hỏa ngục nữa, nhưng vì lòng mến Ðức Kitô, vì chính thói quen làm điều lành, và vì niềm vui mà các nhân đức mang lại. Ðối với người thợ đã được thanh luyện khỏi các nết xấu và tội lỗi, Chúa sẽ đoái thương cho đạt tới trạng thái đó, nhờ Thánh Thần.

(Régle de Saint Benoit, VII, 62 - 70, SG

no. 181, pp. 489 - 491. Trad. A. de Vogué).

 

THÁNH BENOIT, "BỔN MẠNG CHÍNH CỦA TOÀN CHÂU ÂU"

 

Vị Sứ Giả hòa bình, người kiến tạo hợp nhất, vị thầy của nền văn minh, và trên tất cả, người rao truyền Ðạo Chúa Kitô và đấng sáng lập đời sống đan tu ở Tây phương, đó là những tước hiệu chứng minh vinh quang của thánh Benoit Ðan Viện Phụ. Trong khi đế quốc Roma sụp đổ, và đã đến hồi tàn vong, trong khi nhiều vùng đất của Châu Âu đàng chìm vào bóng tối và nhiều vùng đất khác còn chưa biết đến văn minh và các giá trị tinh thần, thì chính ngài, bằng nỗ lực kiên trì và cần mẫn, đã làm cho bình minh của một kỷ nguyên mới ló dạng trên lục địa chúng ta. Chính ngài và các con cái ngài, với cây Thánh Giá, quyển sách và cái cày, đã mang sự tiến bộ Kitô giáo (progrès chrétien) đến cho các dân tộc trải dài từ Ðịa Trung Hải đến Bắc Âu, từ Ái Nhĩ Lan đến các bình nguyên xứ Ba Lan.

 

Với cây Thánh Giá, nghĩa là với lề luật của Ðức Kitô, ngài củng cố và phát triển việc tổ chức đời sống của cộng đồng và của mỗi người. Cũng nên nhắc lại rằng, với "Opus Dei", nghĩa là Kinh nguyện phụng vụ, và việc cử hành kinh nguyện đó cách chuyên cần, ngài đã dạy cho người ta biết phải dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa một vị trí ưu tiên trên tất cả. Chính vì thế, mà ngài đã tạo được sự thống nhất tinh thần cho Châu Âu và nhờ sự thống nhất đó mà các dân tộc, với ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa khác nhau đã ý thức được việc cùng làm nên biểu hiện của Dân Thiên Chúa ; một sự thống nhất đã trở thành nét đặc trưng của thời Trung Cổ, nhờ vào nỗ lực kiên trì của các đan sĩ, đi theo bước chân của một bậc thầy hết sức lỗi lạc. Và như thánh Augustin từng khẳng định, sự thống nhất đó là "mẫu mực của mọi vẻ đẹp". Tiếc thay, nó đã bị những thăng trầm của lịch sử làm tan vỡ và hôm nay, tất cả những người thiện chí đang ra sức tái lập sự duy nhất đó.

(Paul VI, Bref "Pacis nuntius" du 24 Oct. 1964, Doc. Cath. 15

Nov. 1964, no. 1446. Tiếp ngay sau đó, Ðức Thánh Cha nói vắn

tắt về hoạt động văn hóa và nông nghiệp của thánh Benoit).

 

NỀN VĂN HÓA CỦA NHỮNG VỊ CHỨC SẮC CAO CẤP NGƯỜI Ý : BOÈCE VÀ CASSIODORE.

 

Boèce sinh năm 480 trong một gia đình Roma rất lẫy lừng và giàu có, ông được hưởng một nền giáo dục rất hoàn hảo, giúp cho ông thông thạo tiếng Hylạp và nhiều kiến thức khác nữa. Năm 510, ông trở thành quan chấp chính duy nhất, sau đó, trở thành một thứ thủ tướng bên cạnh vua Théodoric trong khi đó hai người con trai trẻ tuổi của ông cũng được bổ nhiệm làm chấp chính năm 522. Nhưng Boèce hiểu rằng Roma đã mất quyền lực và chỉ có thể rạng danh nhờ sự khôn ngoan (sagesse) mà nguồn mạch của nó là Hylạp.

 

Vừa thực thi những trách vụ chính trị quan trọng của mình, ông vừa trau dồi mọi kiến thức nhất là triết học. Trong lãnh vực này, ông bắt đầu từ Aristote với Platon. Ông bắt đầu dịch cả hai tác giả, để rồi đối chiếu họ với học thuyết Kitô giáo. Boèce xây dựng một quan niệm về Kitô giáo chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết thuyết Tân-Platon, và không mấy quan tâm đến các tín điều.

 

Tuy nhiên, Boèce cũng đã biên soạn những khảo luận tôn giáo : Ba tác phẩm nhỏ về Mầu Nhiệm Ba Ngôi, và một cuốn "Chống Eutychès và Nestorius" mà chúng ta đã nhắc tới, trong đó, với tư cách triết gia, ông lấy làm tiếc, không phải là không có lý, là những ý niệm về ngôi vị (personne), bản tính (nature), bản thể (substance), yếu tính (essence) chưa được xác định rõ ràng cho đủ.

 

Nhưng rồi, trong hoạt động chính trị, Boèce bị nghi là phản trắc và đã bị kết án tử hình. Ðang khi ở trong tù chờ thi hành bản án, xảy ra năm 524, ông đã biên soạn một tác phẩm đen lại vinh quang cho ông, đó là cuốn "Niềm an ủi triết học", gồm 5 tập, văn xuôi và vần xen kẽ. Ðây là một tuyệt tác của ngôn ngữ cổ điển với một cung giọng bi tráng và thậm chí trữ tình một cách kín đáo, nhất là trong 39 bài thơ. Trước tâm trạng bấn loạn của ông, triết học, như một người bạn luôn luôn trung thành, nhắc cho ông nhớ rằng vận mệnh (fortuna) là điều bấp bênh, vô thường : Hạnh phúc chỉ có duy nơi Thiên Chúa, là Nhất Thể, giá trị bền vững không thể chuyển lay. Thế giới hỗn độn này chỉ là ảo ảnh. Lựa chọn tự do của con người, nằm trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa, cho phép con người về lại với "Mặt Trời đích thực" [Boèce vừa khẳng định sự toàn tri của Thiên Chúa vừa khẳng định tự do của con người, nhưng không cho thấy hai điều này dung hợp với nhau như thế nào]. "Sự an ủi của triết học" (Consolation philosophique) - một tác phẩm chuẩn bị cho cái chết - mang đậm sắc thái tôn giáo của thời kỳ Hy hóa (période hellenistique). Quan niệm hữu thần trong tác phẩm tuy chính thống nhưng lại không nêu danh Ðức Kitô.

 

Cũng như mọi văn phẩm khác của tác giả, đây là một công trình của lý trí, độc lập với đức tin. Người Kitô hữu Boèce luôn luôn khoác trên mình chiếc áo choàng triết gia của ông. Ông là vị cuối cùng trong số các hiền nhân cổ thời. Chính vì thế nhân vật lỗi lạc này chỉ chiếm được một chỗ đứng rất khiêm tốn giữa các Giáo Phụ.

 

LỜI THAN VÃN CỦA BOÈCE.

 

1. Hỡi Ðấng Tác Tạo vòm trời lấp lánh tinh sao, Ðấng ngự trên ngai tòa vĩnh cửu sai khiến trời đất xoay nhanh và bắt muôn thiên thể tuân theo định luật của Ngài (.)

 

25. Mọi sự đều được dẫn dắt bởi ý muốn bất di bất dịch của Ngài nhưng chỉ có nhân loại là Ngài từ chối áp dụng những quy luật công minh của quyền tối thượng. Bởi lẽ, số phận con người trong cơn lốc xoay bất định, sao lại mang nhiều mâu thuẫn sâu xa đến thế ?

 

30. Người vô tội bị nghiền nát dưới bao hình khổ chỉ dành cho trọng tội,

còn xấu xa đồi bại lại ngất ngưởng tòa cao !

Và trong sự đảo ngược bất công, kẻ có tội lại đâp lên cổ người chính trực (.)

 

Hỡi Người, Ðấng đặt định những quy luật cho hoàn vũ, dù Người là ai, thì giờ đây, xin Người hãy ghé mắt nhìn xem những đau thương cùng khốn trên cõi đất.

 

45. Chúng tôi, những con người, là thành phần đâu đến nỗi đáng khinh trong công trình sáng tạo hết sức lớn lao, sao chúng tôi lại chịu cảnh vật vờ trên đại dương số phận.

 

Ôi chúa tể, xin cầm giữ những cơn sóng hung hăng, xin hãy ban cho trái đất sự ổn định vững vàng dưới cùng một quy luật đang chi phối vũ trụ mênh mông.

(Consolation philosophique, I, Poésie V,

Paris 1937, pp. 27 - 28 ; Trad. A. Bocognano).

 

CÂU TRẢ LỜI CỦA TRIẾT HỌC.

 

20. Nếu bạn muốn nhận ra chân lý trong ánh sáng chói lòa.

 

25. Và bước đi trên nẻo chính đường ngay

thì hãy xua đi niềm vui và nỗi sợ hãi

hãy loại bỏ hy vọng và đẩy xa đớn đau.

 

30. Vì bao lâu những đam mê còn bá chủ

thì tinh thần vẫn còn bị mây mù phủ che

vẫn còn nằm trong vòng cương tỏa.

(Ibid., Poésie VII, p. 39)

 

Trong khi lời than vãn gợi hứng từ tác phẩm Hyppolyte của Sénèque, thì câu trả lời của triết học lại gần với Khắc Kỷ, mời gọi loại trừ bốn đam mê chính trong đời sống cảm tính.

 

Cassiodore.

 

Cassiodore vừa rất gần, vừa rất khác biệt với Boèce. Năm 523, ông kế nhiệm Boèce bên cạnh vua Théodoric, và thực tế đã nắm quyền lúc nhà vua băng hà năm 526. Cũng như người tiền nhiệm, ông đồng thời theo đuổi nghiệp văn chương. Trong số nhiều tác phẩm ông biên soạn, có cuốn "Biên niên sử" [Phần đầu, ghi lại danh sách các vị quan chấp chính cùng với những ghi chú lịch sử cho đến năm 519]. Cuốn "Lịch sử dân Goth" soạn theo yêu cầu của nhà vua, trong đó ông cho thấy mình là người bạn chân tình của Théodoric và của dân Ostroggoths, rồi bộ sưu tập "Những bức thư khác nhau" (Lettres diverses) gồm 468 sắc thư cùng với một số tài liệu trong thời gian ông làm quan chấp chính. Ðây là thời kỳ mà Justinien, hoàng đế Byzantin, tái chinh phục Tây phương. Sau khi quân Goth ra đi năm 536, Cassidore, do xác tín rằng các ngành học thuật (Arts libéraux) : ngữ pháp, tu từ, toán học, nhạc, kỷ hà học, thiên văn học .) cần cho việc hiểu biết Kinh Thánh, đã nghĩ tới việc thiết lập một trung tâm trí thức, với thư viện riêng. Ông chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề tôn giáo, và đã biên soạn khảo luận "Về linh hồn" (De l âme), một cuốn"Giải thích Thánh Vịnh" (Explication des Psaumes) và nhiều tác phẩm chú giải khác.

 

Cassiodore đã "hoán cải" đến kỳ cùng, vào khoảng năm 540 - 550, ông về hưu tại cơ sở "Vivarium". Tại đây, ông đã lập ở Calabre, nguyên quán của mình, một đan viện có lối sống ít gò bó, đặt nặng vấn đề trí thức, coi việc sao chép, phiên dịch các cảo bản (manuscrits) là lời ca tụng Thiên Chúa. Tại đây, ông lập một thư viện quan trọng, trong đó có tác phẩm Hylạp rất được trân trọng. Từ kho tàng này, ông soạn ra bộ "Institutions des lettres divines et humaines" (Một loại chương trình học các Sách Thánh và các môn học đời, gồm hai quyển. Quyển I trình bày Thánh Kinh và những bài chú giải của các tác giả Latinh hoặc Hylạp, nhất là của thế kỷ IV. Quyển II trình bày các tác phẩm đời về 7 ngành học thuật. Cùng với Épiphane, ông biên soạn bộ "lịch sử Giáo Hội qua ba phần" (Histoire ecclésiastique tripartie) sưu tập tài liệu của các sử gia lớn của Hylạp. Ông mất khoảng năm 580.

 

Boèce dịch sang tiếng Latinh các tác giả Hylạp ngoài đời, nhất là các tác giả về luận lý, còn Cassiodore lại mang đến một lượng thông tin rất lớn, cùng với các bản văn của Kitô giáo, nhất là về chú giải. Vào cuối thế kỷ VI, lúc mà nền văn hóa La-Hy tàn lụi ở Tây phương, hai ông đã lưu giữ được những kho tàng của nền văn minh Hylạp cổ thời và thời các Giáo Phụ, trong khi chờ đợi những kho tàng tươi sáng hơn của cuộc phục hưng dưới triều đại nhà Carolô.

 

KHOA HỌC THÁNH VÀ KHOA HỌC ÐỜI THEO CASSIODORE.

 

Nếu hiểu được phần trình bày vắn tắt trên về các khoa học đời, thì chúng ta có bằng chứng để khẳng định rằng, các khoa học đời giúp một phần không nhỏ vào việc hiểu biết Luật Thiên Chúa, như một số Giáo Phụ đã từng chỉ ra điều đó .

 

Là những người tự đáy lòng ước muốn tiến bước thật sự về trời, chúng ta tin rằng Thiên Chúa sắp xếp mọi sự theo Thánh Ý Người. Coi khinh và vứt bỏ những phù hoa trần thế chúng ta hãy nhiệt thành suy niệm các Sách Thánh, theo đúng trình tự, như đã đề cập trong cuốn thứ nhất ngõ hầu, những gì mà cổ nhân dường như đã tìm kiếm vì vinh quang nhân loại, thì chúng ta, những người quy hướng mọi sự về vinh quang Thiên Chúa, chúng ta sẽ đưa tất cả những điều đó về với những mầu nhiệm cao cả, một cách thật hữu ích. Chính vì lẽ này mà, như thánh Augustin và nhiều Giáo Phụ rất mực khôn ngoan khác đã nói, không nên khinh rẻ các tác phẩm đời. Việc suy niệm Luật Thiên Chúa ngày đêm như đã có lời chép vẫn là điều cần thiết, vì rằng, từ các tác phẩm đời, đôi khi chúng ta có được một sự hiểu biết đáng tôn trọng, còn từ Luật Thiên Chúa, chúng ta đón nhận được sự sống đời đời.

Institutions II, 7, 4 (Kết thúc và phần kết luận)

3 Éd. R. A. B. Mynords, p. 157 - 159.

 

GIỚI BÁC HỌC XỨ TÂY BAN NHA.

 

MARTIN DE BRAGA.

 

Bên cạnh Boèce và Cassiodore, hai giáo dân lừng danh trong việc bảo tồn tư tưởng cổ thời, người ta có thể xếp hai Giám Mục Tây Ban Nha là Martin de Braga và nhất là Isidore de Séville, nhưng ở một cấp độ thấp hơn. Martin là Ðan Viện Phụ đan viện Dumio, làm Giám Mục Braga, vùng đất nay thuộc Bồ Ðào Nha, từ 556 đến 580. Qua khảo luận về "Cuộc trở lại của những người nông dân", viết bằng ngôn ngữ giản dị, bình dân, ngài cho thấy - sau Césaire dArles và Ðức Giáo Hoàng Gélase - sự tồn tại dai dẳng của những thói tục ngoại đạo. Tác giả rất quen thuộc với tư tưởng Sénèque. Từ những bản văn trích của vị thầy này, ngài đã soạn ra nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn "Qui tắc đời sống nhân đức" (Régle de la vie vertueuse), một tác phẩm kinh điển của nền luân lý Kitô giáo cho đến thế kỷ XVII, và ngài còn để lại 600 bản thảo.

 

INSIDORE DE LA SÉVILLE.

 

Nhưng, Isidore, Giám Mục Séville Tây Ban Nha, từ 601 - 636, mới là người bảo lưu vĩ đại gia tài của những thế kỷ đã qua. Bên cạnh những tác phẩm đạo. Ngài đã thực sự soạn một bộ bách khoa về thế giới Hy-La ngoại giáo và Kitô giáo đó là cuốn : "Về nguồn gốc một số điều" (Sur l origine de certaines choses) hay còn được gọi là "Etymologie" (Các cội nguồn). Bộ tổng luận này đã trở thành nguồn tri thức cho cả thời Trung Cổ. Tuy nhiên, Isidore không chỉ quay về với cổ nhân, như chúng ta đã nói, ngài còn viết cuốn "Lịch sử dân Goth, dân Vandales và Suèves", trong đó ngài xem dân Wisigoths như là những người thừa kế của Roma tại Tây Ban Nha, và ngài lấy làm vui sướng về sự kế tục này. Nếu như Boèce, con người học thức vẫn còn thưởng nếm tư tưởng của cổ nhân và lưu giữ với niềm thành kính, thì Isidore lại ham tích góp các kho tàng đó, nhưng với tư cách là một nhà bác học. Tất nhiên ngài không có được cái phẩm chất quí phái như vị thầy người Ý, nhưng ngài lại là nhà sáng tạo lỗi lạc về bảo tàng, và đã đóng một vai trò rất lớn trong ký ức của thế giới. Có lẽ chính sự khai mở của ngài về tương lai cho phép chúng ta, một ngày nào đó, có thể biến bảo tàng vĩ đại của ngài thành nơi làm việc nghiên cứu. Năm 1722, Ðức Benoit XIV đã tuyên phong ngài là Tiến Sĩ Giáo Hội do ảnh hưởng lớn lao của ngài trên Tây phương thời Trung Cổ.

 

MỘT VÍ DỤ VỀ CÔNG VIỆC CỦA ISIDORE.

 

Cuốn VI trong bộ Etymologies chủ yếu bàn về sách. Sau khi đã giải thích ở chương XIII về những chữ Codex (bộ), Livre (cuốn sách) và Volume (tập). (Bộ bao gồm nhiều cuốn sách (livre), mỗi cuốn chỉ gồm một tập .). Ngài bàn về những người chép sách (copistes = librarii) và những dụng cụ của họ (chương XIV).

 

1. "Libraire" : Ngày xưa có nghĩa là người bán sách. Nhưng libraire có cùng một nghĩa với "Antiquaire" (= copiste : người chép sách). Nhưng những người sao chép cả tác giả cổ lẫn tác giả mới thì gọi là "libraire", còn những người chỉ sao chép tác giả cổ thì gọi là "Antiquaire", từ chỗ đó mà họ có tên như hiện nay.

 

2. "Ký lục" (Scribe) : Tên phát xuất từ động từ "viết" (écrire), chính bản chất của từ ngữ diễn tả việc làm.

 

3. Dụng cụ của người ký lục là cây bút sậy (calame) và bút lông (plume). Chúng được dùng để ghi đậm nét trên trang sách. Bút sậy làm từ thảo mộc, bút lông từ chim muông ; đầu ngòi bút chẻ đôi, nhưng thân bút vẫn giữ sự duy nhất, đó là vì mầu nhiệm, tôi nghĩ như thế : hai đầu nhọn biểu thị Cựu và Tân Ước ; Bí Tích của Ngôi Lời, đổ tràn do máu cuộc Tử Nạn, diễn tả .

 

8. Phiếu (Fiche, scheda) là cái luôn có thể sửa chữa, và chưa được gọi là đưa vào sách. Ðây là một từ Hylạp, cũng giống như chữ "Tome" (tập, quyển).

(PL 82, 241B - 242A)

 

Dưới đây chúng ta sẽ thấy Ðức Grégoire cố gắng lấy lại những tấm phiếu (Scheda) của người thư ký để sửa lại 8 năm sau khi đã công bố chúng trong một bài giảng. Chúng ta nên lưu ý đến nét thần bí mà Isidore đã đưa vào trong công việc trí thức này, ở số 3.

 

IV. NHỮNG VỊ GIÁO HOÀNG THẦN HỌC GIA :

TỪ ÐỨC LÉON CẢ ÐẾN ÐỨC GRÉGOIRE CẢ.

 

Những văn kiện chính thức của các vị Giáo Hoàng thường hòa lẫn vào lịch sử Giáo Hội. Nhưng một vài vị Giáo Hoàng ở các thế kỷ V - VI đã để lại một công trình khiến các ngài xứng đáng mang danh Giáo Phụ : Ðức Léon Cả, Ðức Gélase và Ðức Grégoire Cả.

 

ÐỨC LÉON CẢ, MỘT VỊ GIÁO HOÀNG CHIẾN ÐẤU.

 

Ðức Léon I là một con người mạnh mẽ, nổi bật trong hàng Giáo Sĩ Roma với những sáng kiến của ngài, trước khi lên ngôi Giáo Hoàng. Năm 430, để giúp Ðức Thánh Cha Célestin, ngài đã yêu cầu Cassien viết một khảo luận về Mầu Nhiệm Nhập Thể, và khảo luận này đã giúp ngài hiểu rõ về tư tưởng của Nestorius. Năm 431, Cyrille d Alexandrie đã nại đến ngài để chống lại những tham vọng của Juvenales de Jérusalem. Ngài đã can thiệp nhiều lần trong cuộc tranh luận về vấn đề Pélage. Năm 440, ngài được bầu làm Giáo Hoàng đang lúc thi hành một sứ mạng chính thức tại xứ Gaule, giảng hòa (hai tướng Aèce và Albin).

 

Từ đó, trong tư thế là Giám Mục Roma và Giám Mục hoàn vũ, ngài càng chứng tỏ rõ hơn nhân cách cao quý của mình. Tại Roma, ngài tổ chức công cuộc bác ái, đấu tranh chống lại ngoại giáo và các lạc giáo địa phương, chống bè Manichée và nhất là bè Pélage, thực thi các trách vụ mục vụ với lòng nhiệt thành phi thường, đặc biệt là qua phụng vụ và việc rao giảng. Ngài nâng đỡ chính quyền đã bị suy yếu và nhắm đến việc đưa Roma Kitô giáo thay thế một Roma ngoại giáo đã sụp đổ. Năm 452, uy tín của ngài đã khiến Attila lui quân và ngài đã cứu được Roma. Ba năm sau đó, tuy ngài đã không thể ngăn cản Gensérie cướp phá thành phố nhưng ngài cũng đã giảm thiểu được mức thiệt hại, và sau khi hoàng đế bị sát hại, ngài vẫn giữ được uy thế rất lớn tại Roma. Trong tư cách là Giáo Hoàng, ngài đã đưa ra lập trường của mình trong một loạt các xung đột về kỷ luật và giáo lý, từ Tây Ban Nha đến Ðông phương. Ngài đã can thiệp một cách hữu hiệu tại các Công Ðồng, đã viết thư cho Eutychès là người đã nại đến ngài, và đã thành công trong việc làm cho tư tưởng của mình hầu như được nhìn nhận trọn vẹn tại Công Ðồng Chalcédoine, năm 451. Ngài qua đời năm 461.

 

Trong một sưu tập gồm 173 bức thư thì 143 bức thường phản ánh hoạt động của ngài, một số bức là những khảo luận ngắn. Ðặc biệt phải kể đến bức thư số 28, thường được gọi là "Thư của Léon gửi Flavien" (Tome de Léon à Flavien) hay "Thư gửi Flavien" (Tome à Flavien) đã được đề cập đến trong phần bàn về Théodoret và Công Ðồng Chalcédoine, đây là một bản trình bày thần học (exposé théologique) sẽ chứng tỏ giá trị chân thực của nó trong Giáo Hội (được Công Ðồng Chalcédoine đón nhận). Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên và là vị duy nhất cho đến thể kỷ VI, đã để lại một sưu tập các bài giảng, gồm gần 100 bài. Từ công trình biên soạn của ngài, chúng ta có thể rút ra một Kitô học, một học thuyết về tu đức và phụng vụ, một quan niệm về ưu quyền của Roma (La Primauté de Rome).

 

KITÔ HỌC CỦA "THƯ GỬI FLAVIEN" (TOME À FLAVIEN).

 

Trong suốt công trình của mình, Ðức Léon luôn chú tâm tới lịch sử liên tục, không gián đoạn của Ngôi Lời Nhập Thể và của sứ mạng cứu chuộc của ngài. Ngài nhấn mạnh đến sự cao cả của con người dược cứu chuộc và tái tạo theo hình ảnh Thiên Chúa : "Hỡi con người, hãy nhận biết phẩm giá của ngươi". Nhưng "Tome à Flavien", một bức thư viết ngày 13.6.449, đáp lời kêu gọi của vị Giám Mục thành Constantinople đang phải đương đầu với Eutychès, thực tế là một bài trình bày thần học rất chặt chẽ, được củng cố bằng các bài giảng và nhiều bức thư khác.

 

Trong bức thư này, bằng những câu văn đã đi vào lịch sử, Ðức Léon khẳng định hai bản tính của Ðức Kitô kết hợp trong một ngôi vị duy nhất. "Mỗi một bản tính thực hiện những gì thuộc về đặc tính riêng của mình, trong sự hiệp thông với bản tính kia". Như vậy, bản tính được coi là chủ thể của các hành động, còn sự "hiệp thông" lại bảo toàn tính duy nhất của ngôi vị. Con Thiên Chúa và Con Người cùng là một, và vì thế, Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh, chịu chết và được mai táng. Như vậy là có một sự "chuyển thông các đặc tính" (Communication des propriétés ou idiomes). Ðó là điều kiện để chúng ta có được ơn cứu độ. Nhưng hai bản tính không lẫn lộn với nhau, vẫn nguyên vẹn, không bị cắt xén. Các đặc tính của mỗi một - trong hai bản tính - đều toàn vẹn".

 

Kitô học của Tome à Flavien mang sắc thái Tây phương, khởi đi từ hai bản tính, và đã được công nhận qua các định tính của Công Ðồng Chalcédoine, tuy nhiên, nó còn có những kiểu nói khác qui hướng về Ngôi Lời Nhập Thể, diẫn tả quan niệm của Alexandrie. Các công thức đưa ra rất rõ ràng và dứt khoát, nhưng thuật ngữ (terminologie) sử dụng là vấn đề mà các nhà ngữ học và triết học còn làm việc.

 

THƯ CỦA LÉON GỬI FLAVIEN.

 

3. Các đặc tính của mỗi bản tính vẫn nguyên vẹn và đồng thời kết hợp với nhau trong một ngôi vị duy nhất. Quyền uy đã đảm nhận khiêm hạ, sức mạnh đảm nhận yếu đuối, vĩnh cửu đảm nhận tính khả tử, và để trả món nợ cho thân phận chúng ta, bản tính bất khả xúc phạm đã kếthợp với bản tính khả thụ nạn, ngõ hầu, cùng một và chỉ một Ðấng trung gian của Thiên Chúa và của nhân loại, là con người Giêsu Kitô, một đàng Ngài có thể chết đi, và đàng khác, Ngài không thể chết, và đó là điều thích hợp để cứu chữa chúng ta. Vậy, chính trong một bản tính hoàn toàn và nguyên vẹn của con người đích thực mà vị Thiên Chúa thật đã sinh ra, với tất cả những gì là của Ngài và với tất cả những gì là của chúng ta.

 

4. (.) Ðấng là Thiên Chúa thật, chính Ðấng ấy cũng là người thật, và không hề có gì dối trá trong sự duy nhất này (unité), nơi đó sự khiêm hạ của con người và sự cao trọng của thần tính kết hợp với nhau. Cũng như Thiên Chúa không bị biến đổi vì lòng thương xót của Ngài, thì con người cũng không bị tiêu hủy bởi phẩm giá thần linh. Mỗi bản tính thực hiện những gì thuộc về đặc tính riêng của mình trong sự thông hiệp với bản tính kia, Ngôi Lời thực hiện điều thuộc về Ngôi Lời và xác phàm thực hiện điều thuộc về xác phàm. Một bản tính rạng tỏ qua các phép lạ của mình, bản tính kia gục ngã dưới những lời phỉ nhổ. Và cũng như Ngôi Lời không hề xa rời sự ngang bằng về vinh quang với Cha Ngài thì cũng vậy, xác phàm không từ bỏ bản tính của dòng giống chúng ta. Vì quả thực, chỉ một và cùng một Ðấng vừa thực sự là Con Thiên Chúa vừa thực sự là con loài người.

 

Dù rằng, nơi Ðức Giêsu chỉ có một ngôi vị Thiên Chúa và con người, thế nhưng nguyên lý qua đó Ngài đã chịu sự sỉ nhục chung cho Thiên Chúa và con người thì khác với nguyên lý của vinh quang chung cho Thiên Chúa và con người. Thực vậy, Ngài đã nhận từ chúng ta một nhân tính thấp kém hơn Chúa Cha, còn từ Chúa Cha, Ngài nhận lấy thần tính, ngang bằng với Chúa Cha.

 

5. Vậy, vì sự duy nhất ngôi vị này, - cần phải hiểu đây là sự duy nhất trong hai bản tính - mà một đàng chúng ta nói rằng Con người (Fils de lhomme) xuống từ trời, trong khi Con Thiên Chúa đảm nhận một thân xác từ Ðức Trinh Nữ đã sinh ra Ngài, và đàng khác, chúng ta nói rằng Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh, và đã chịu mai táng, nhưng Ngài chịu như thế không phải trong thần tính, theo đó Ngài là Con độc nhất đồng vĩnh cửu và đồng bản tính với Cha, nhưng trong sự yếu hèn của bản tính nhân loại. Vì thế, tất cả chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính rằng ; Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh và mai táng (.) (Ðức Kitô Phục Sinh đã tỏ lộ nhân tính của Ngài trong bốn mươi ngày), ngõ hầu, người ta nhận biết rằng, nơi Ngài, những đặc tính của thần tính và của nhân tính vẫn không bị phân chia và để chúng ta hiểu rằng Ngôi Lời không là xác phàm [không lẫn lộn] nhưng đồng thời vẫn tuyên xưng Con Một Thiên Chúa là Ngôi Lời và xác phàm.

(Lettre 28, 3 - 5, PL 54, 763A - 773B ; Trad. P. Thần học. Camelot,

Éphèse et Chalcédoine, Paris 1962, pp. 219 - 221)

 

LINH ÐẠO VÀ PHỤNG VỤ.

 

Ðối với thánh Léon, mầu nhiệm Chúa Kitô - từ Nhập Thể đến Thập Giá, là "Bí Tích", nơi đó quyền năng Thiên Chúa hiện diện, đồng thời là "mẫu gương" khơi dậy lòng đạo đức của chúng ta. Ðức Kitô là khuôn mặt của Thiên Chúa, các biến cố trong cuộc đời Ðức Giêsu diễn ra trong các Bí Tích mà Giáo Hội cử hành, Giáo Hội cùng được sinh ra với Ðức Kitô (Constantinople-engendrée) và sinh bởi Thánh Thần của Người trong ngày lễ Ngũ Tuần. Các ngày lễ phụng vụ đều là "ngày hôm nay", mang ơn cứu độ đến qua việc hiện tại hóa các biến cố cứu độ, và đồng thời đó cũng là những mẫu gương đưa ra để con người, sống lại các biến cố đó cùng với Ðức Kitô, Ðấng luôn hiện diện và hành động trong Giáo Hội, và để con người có thể đi từ sự "chung một bản tính" đến chỗ "chung một vinh quang". Một trong những phương thế để người Kitô hữu tiếp nối công trình của Chúa Kitô đó là phục vụ Ngài trong những anh em của Ngài, nhất là những người nghèo khổ. Linh đạo qui-Kitô hết sức đậm nét này là đối tượng phần lớn các bài giảng của ngài, và các bài giảng này thường trình bày ý nghĩa ngày lễ hơn là giải thích các bản văn Kinh Thánh ngày hôm đó.

 

"NGÀY HÔM NAY" CỦA CÁC NGÀY LỄ PHỤNG VỤ.

 

Anh chị em rất thân mến, "hôm nay", Cứu Chúa của chúng ta Giáng Sinh, chúng ta hãy vui lên ! Vì thật là bất xứng, nếu để cho nỗi buồn hiện diện trong ngày sinh của sự sống, một sự sống xóa tan nỗi sợ hãi trước tử thần đồng thời làm cõi lòng chúng ta ngập tràn niềm vui vì vĩnh cửu được hứa ban. Không một ai bị từ khước, không được tham dự vào niềm hân hoan vui sướng này ; mọi người đều cùng chung một và chỉ một lý do để vui mừng, vì lẽ Chúa chúng ta, khi đến để tiêu diệt tội lỗi và sự chết đã không gặp được một ai trong con cái loài người mà không vương tội, nên Ngài đã đến để giải thoát tất cả chúng ta. Nào người lành thánh, hãy hỷ hoan vì sắp được lãnh nhận cành lá chiến thắng ; nào tội nhân hãy vui mừng vì được mời gọi đến lãnh ơn tha thứ ; nào người dân ngoại hãy can đảm lên, vì được mời gọi đến lãnh nhận sự sống.

(Sermons 1, 1, Sur la nativité, SC no. 22 bis, p. 67, Trad. R. Dolle)

 

NHỮNG NGƯỜI THAM DỰ VÀO BẢN TÍNH THẦN LINH (2Pr 1, 4).

 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa Cha, nhờ Con của Ngài, trong Chúa Thánh Thần, bởi Ngài đã yêu thương chúng ta bằng tấm lòng vô cùng nhân hậu, đã thương xót chúng ta, và trong khi chúng ta đã chết vì tội lỗi mình, Người đã làm cho chúng ta được sống lại nhờ Ðức Kitô, vì muốn cho chúng ta được trở nên một tạo thành mới ở trong Ngài, một công trình mới do bàn tay Ngài. Vậy chúng ta hãy giũ bỏ con người cũ với những hành vi của nó, và một khi đã được chấp nhận cho tham dự vào sự sinh hạ của Ðức Kitô, chúng ta hãy từ bỏ những công việc của xác thịt. Hỡi người Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của ngươi, và sau khi đã trở thành những kẻ được tham dự vào bản tính thần linh, thì đừng quay trở lại với sự thấp hèn thuở trước bằng lối sống bất xứng với dòng dõi mình. Hãy nhớ ngươi là chi thể của đầu và thân mình nào. Hãy nhớ rằng khi đã được giải thoát khỏi vương quyền của bóng tối, ngươi đã được đưa vào vương quốc của Thiên Chúa, được đưa vào trong ánh sáng của Ngài. Qua Bí Tích Rửa Tội, ngươi đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần : Ðừng làm cho vị khách quí phải xa lánh ngươi và đừng trở lại làm nô lệ cho ma quỷ một lần nữa ; giá chuộc ngươi là chính Máu của Ðức Kitô, và Người sẽ xét xử ngươi theo sự thật, bởi Người là Ðấng đã cứu chuộc ngươi thể theo lòng thương xót của Người, Người là Ðấng hằng sống hằng trị với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.

(Sermon 1, 3, Sur la Nativité, SC no. 22 bis, pp 73 - 75 ;

Trad. R. Dolle. Chúng ta nhận thấy bản văn này được

kết bằng nhiều trích dẫn Kinh Thánh).

 

"NGƯỜI NHẬN RA KẺ NGHÈO KHÓ BẦN HÀN" (Tv 40, 1).

 

Anh chị em thân mến, để nhận ra người nghèo khó, cần phải tỉnh thức, với đức ái không ngơi nghỉ, hầu có thể khám phá ra họ ẩn dưới sự khiêm tốn hoặc vì xấu hổ đã không dám lộ mặt. Thật vậy, có những người xấu hổ khi phải xin xỏ cách công khai những gì họ túng thiếu, họ thà im lặng chịu đựng sự cùng quẫn hơn là chịu nhục nhã vì phải ra mặt cầu cạnh. Những người như thế cần phải biết nhìn ra họ, đỡ đần những túng thiếu âm thầm của họ, để họ càng cảm thấy vui mừng hơn vì chúng ta không những quan tâm đến sự nghèo khổ của họ, mà còn quan tâm đến cả thể diện của họ nữa.

 

Nhưng, chúng ta còn phải nhận biết ra nơi người nghèo khổ, túng quẫn chính Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Ðấng mà thánh Tông Ðồ đã nói : Tuy là thân phận giàu có, Ngài đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, ngõ hầu làm cho ta nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài, và để cho chúng ta không cảm thấy như thiếu vắng sự hiện diện của Chúa, Chúa đã khéo hòa hợp mầu nhiện khiêm hạ và vinh quang của Ngài, đến nỗi chúng ta có thể nuôi dưỡng Ngài nơi những người nghèo khổ, trong khi chính Ngài là Ðấng mà chúng ta tôn thờ như là Vua và là Chúa torng quyền uy của Cha Ngài : điều này sẽ đem lại cho chúng ta ơn giải thoát khỏi án phạt đời đời trong ngày đen tối, và vì sự săn sóc dành cho người nghèo khổ mà chúng ta đã biết nhận ra, chúng ta sẽ được đón nhận vào chung hưởng Nước Trời.

(Sermon 23, 3, Sur le collectes, SC no. 49 bis, p. 45 ; Trad. R. Dolle)

 

MỘT HỌC THUYẾT VỀ GIÁO HỘI.

 

Trong thần học của Ðức Léon, điều Giáo Hội cử hành gắn liền với một quan niệm về Giáo Hội, một Giáo Hội thiên quốc nhưng đồng thời cũng là Giáo Hội trần thế và phổ quát, hiệp nhất trong không gian và thời gian. Giáo Hội của các "Bí Tích", đền thờ của vinh quang của Ðức Kitô, còn là nơi mà sự hiện diện của Phêrô cùng với quyền mục tử tối cao có một vị trí ưu tiên đặc biệt, một sự hiện diện được tiếp nối qua các người kế vị ngài là các Giám Mục Roma, cho đến Ðức Giáo Hoàng hiện tại. Những sự can thiệp và những đòi hỏi mà thánh Léon đưa ra cho toàn thế giới Công Giáo là những cách diễn tả đầy ý thức giáo lý về quyền tối thượng của Roma. Vị "thủ lãnh các tông đồ" tiếp tục thực thi, trên "ngai tòa Tông Ðồ" (Tông Tòa, siège apostolique) quyền bất khả ngộ về giáo lý và quyền bính trọn vẹn mà Ðức Kitô trao phó cho mình trong con người Phêrô, trong khi các Giám Mục khác, cũng như các tông đồ khác, "thông chia sự chăm sóc tất cả các Giáo Hội".

 

Lập trường trên bình diện giáo thuyết này bao hàm việc đưa ra những lập trường cụ thể. Ðức Léon tán thành các định tín của Công Ðồng Chalcédoine, những loại bỏ điều khoản 28, là điều khoản xác định ưu quyền của Tòa Constantinople sau Roma : sự hiện diện của hoàng đế khiến cho thành (Constantinople) trở nên một "Roma mới" về mặt chính trị, thế nhưng điều đó không liên hệ gì đến nền tảng lịch sử của ưu quyền Roma. Vả lại có những Giáo Hội đã bị lệ thuộc vào các hoàng đế của mình. Sau khi xảyra sự kiện mà ngài gọi là "Trò bất lương ở Éphèse", thánh Léon, với thái độ hết sức kính trọng, đã yêu cầu hoàng đế Théodose (Ðệ II) tái lập trật tự bằng cách triệu tập một Công Ðồng chung khác và ngài đã đề nghị một thứ hiệp ước thánh : "Ngài hãy bảo vệ lập trường bất khả chuyển lay của Giáo Hội chống lại những kẻ lạc giáo, để quyền lực của Chúa Kitô cũng bảo vệ đế quốc của ngài". Sau khi các kẻ thù của Công Ðồng Chalcédoine gây ra những xáo trộn, vốn chỉ gây lo ngại cho giáo quyền, thì Ðức Giáo Hoàng đã mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ sự tự trọng, lôi kéo sự quan tâm của hoàng đế Léon, tuy nhiên khi làm như vậy, thực tế ngài đã đặt Giáo Hội lệ thuộc thế quyền : "Quyền của hoàng đế đã được thiết lập, không phải chỉ để cai trị thế giới, nhưng trước hết là để bảo vệ Giáo Hội".

 

Ðức Léon Cả, bản thân là người chính trực, khiêm tốn, nhưng khi Giáo Hội gặp nguy cơ, thử thách, thì ngài chứng tỏ một ý chí và sự khẳng khái của một thủ lãnh vĩ đại. Ngài không phải là triết gia, không phải là nhà chú giải hay sử gia : Ngài đã tiếp tục tin tưởng vào vận mệnh của Roma và có lẽ phần nào tạo cớ cho sự tách rời của Giáo Hội Ðông phương. Ngài đã không cảm thấy rằng tương lai của Giáo Hội nằm trong sự độc lập (với thế quyền). Ngược lại, với sự trợ lực của Prosper dAquitaine, Ðức Léon gần như là người duy nhất ở Tây phương làm cho thần học về Nhập Thể được tiến triển, đem lại cho nó một cách diễn tả rất rõ ràng. Ngài gắn thần học Nhập Thể vào phụng vụ qua việc nhìn Ðức Kitô như là "Bí Tích" của Thiên Chúa, và từ đó, áp dụng vào Giáo Hội, một Giáo Hội hữu hình và vô hình, và ngài đã để lại cho các người kế vị mình một Giáo Hội thật xứng đáng và được kính trọng.

 

Tư tưởng của ngài lúc nào cũng vững vàng chắc chắn. Ngôn từ của ngài trau chuốt và trong sáng, cân nhắc về nhịp điệu và âm vang nhưng không quá giả tạo, như làm sống lại thời kỳ huy hoàng của văn chương cổ điển. Ðó không phải là một nhà sáng tạo, càng không phải là vị tiền hô của một thời đại mới, nhưng tất cả đều lớn lao nơi vị Giáo Hoàng vĩ đại này.

 

PHÊRÔ HIỆN DIỆN NƠI LÉON.

 

Ngày lễ của chúng ta còn có thêm một lý do nữa, đó là không những phẩm chức tông đồ mà còn phẩm chức Giám Mục của thánh Phêrô, vì không ngừng chủ tọa trên ngai tòa của ngài và luôn luôn ở trong sự thông phần với vị Linh Mục Thượng Phẩm. Một khi chính mình trở nên Ðá Tảng (Phêrô) thì ngài cũng truyền lại sự kiên vững mà ngài đã lãnh nhận từ Ðá Tảng là Ðức Kitô cho những người thừa kế ngài. Và bất cứ nơi nào thể hiện một sự kiên vững nào đó thì chắc chắn sức mạnh của vị mục tử đang tỏ lộ ở đó. Bởi chưng, nếu tất cả các vị tử đạo ở khắp mọi nơi - vì đã chịu đựng cách can trường những hình khổ giáng xuống trên mình và để qua đó biểu lộ công nghiệp của các ngài - thực tế đã được quyền trợ giúp những người lâm cơn nguy khốn, đẩy lùi bệnh tật, xua trừ các tà thần và thuyên chữa muôn vàn đau khổ, thì cũng vậy, có ai lại ngu muội và đem lòng ghen ghét đến độ coi thường vinh quang của thánh Phêrô và nghĩ rằng có những phần của Giáo Hội nằm ngoài sự chăm sóc cai quản của ngài và không được tăng trưởng nhờ ngài. Và này, tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với con người đang thật mạnh mẽ và sung mãn nơi vị thủ lãnh các tông đồ, một tình yêu không hề khiếp sợ giam cầm, tù hãm, xiềng xích, bạo loạn của quần chúng hay những lời đe dọa của vua quan, và niềm tin bất khuất của ngài cũng thế, một niềm tin không biết chùn bước trong chiến đấu và không phai nhạt trong chiến thắng.

(Sermon 96, Sur la consécration épiscopale,

SC no. 200, p. 283 - 285, Trad. R. Dolle).

 

QUYỀN BÍNH CỦA HOÀNG ÐẾ (.) LÀ ÐỂ GIÁO HỘI ÐƯỢC BẢO VỆ.

 

Sau Công Ðồng phạm thánh ở Éphèse, một Công Ðồng mà trong đó đức tin Công Giáo đã bị báng bổ vì thái độ tội lỗi tầy đình của Diocore, Công Ðồng mà trong đó người ta đã khôi phục tà thuyết của Eutychès, thì không có biện pháp nào hữu ích hơn đã được đưa ra cho bằng việc hủy bỏ - do thánh Công Ðồng Chalcédoine - các quyết định đầy tội lỗi đó. Và tại thánh Công Ðồng này, người ta đã chứng tỏ mối quan tâm đến giáo lý thần linh đến nỗi không hề đưa ra một quyết định nào đi ngược lại giáo huấn của các tiên tri và các tông đồ, và điều này được thực hiện trong một tinh thần ôn hòa đến nỗi những người hối lỗi đều được khoan hồng và chỉ có những kẻ phản loạn và cố chấp mới ở ngoài sự duy nhất. Thiết tưởng hoàng thượng thánh đức còn có thể đưa ra quyết định nào đáng ca ngợi và thánh thiện hơn là việc cấm hẳn, bất kể kẻ đó là ai, mọi công kích dù là nhẹ nhất chống lại những sắc lệnh do Thiên Chúa soi sáng hơn là do con người này ? Quả thực, những kẻ dám cả gan nghi ngờ sự chân thực của Chúa, lại chẳng đáng mất đi một ân huệ như thế của Chúa sao ? (.)

 

Hỡi vị hoàng đế rất mực chính danh là Kitô hữu, xứng đáng đuợc kể vào số những người rao giảng Chúa Kitô, đối với ngài, tôi mạn phép xử dụng sự tự do của đức tin Công Giáo, và tôi không ngần ngại khuyến dụ ngài : Hãy trở về với sự hiệp thông của các tông đồ và các tiên tri : Ngài hãy ngoảnh mặt đi, hãy xua đuổi ra khỏi ngài những kẻ tự mình giũ bỏ danh hiệu Kitô hữu, đừng dung túng bọn phản phúc vô đạo, những kẻ muốn tranh cãi về những điều thuộc đức tin, bằng sự bịp bợm phạm thánh của mình, chúng là những kẻ mà ai cũng biết là muốn làm cho tôn giáo mất hết cả nội dung. Bởi Chúa đã ân ban cho thánh thượng khoan nhân sự sáng suốt rất mực về các mầu nhiệm của Người, nên ngài hẳn phải hiểu rằng : quyền bính của hoàng đế được thiết lập không phải chỉ để cai quản thế giới, mà trước hết là để bảo vệ Giáo Hội.

 

Ngoài vương miện mà ngài đã nhận từ tay Chúa, việc được nhận thêm triều thiên đức tin, chiến thắng các kẻ thù của Giáo Hội, chẳng lẽ đó không phải là điều quan trọng đối với ngài hay sao ? Thật vậy, nếu việc dùng khí giới trừng phạt các dân tộc thù nghịch là điều đáng ngợi ca, thì ngài sẽ được vinh quang đến như thế nào, nếu ngài giải thoát Giáo Hội ở Alexandrie khỏi một tên bạo chúa điên khùng - một cơn thử thách đang là vết thương chung của mọi Kitô hữu.

(Léon, Lettre 156, 1 - 5, À lempereur Léon 1èr, PL 54,

1128B - 1131B, Trad. Cl. Mondésert et P. Th. Camelot, dans

H. Rahner, lÉtat et lÉglise, Paris, 1964, pp. 196 - 198).

 

ÐỨC GIÁO HOÀNG GÉLASE.

 

Ðức Gélase I (492 - 496) gần giống với Ðức Léon vì ngài cũng là nhà cai quản Giáo Hội cách tài ba, và là một nhà thần học, nhưng hơn Ðức Léon ở chỗ, ngài để lại một công trình riêng nổi bật hơn. Trong triều đại ngắn ngủi của ngài, Ðức Gélase đã lập luật trong nhiểu lãnh vực thuộc phạm vi kỷ luật hoặc bí tích, và nhất là ngài đã ra tay hành động trong trường hợp xảy ra các lạc giáo. Ngài đã biên soạn 6 khảo luận : một khảo luận chống người ngoại giáo và việc duy trì ngày hội Lupercales, và ngài đã đạt được lệnh hủy bỏ vào năm 495 [Lupercales, là một thói tục ngoại đạo gồm những cuộc rước rất phóng đãng. Lupercales do chữ Lupercus là tên một vị thần của nước Ý cổ xưa, người bảo vệ các đoàn vật chống lại chó sói.- Chú thích của ND] ; một khảo luận chống bé Pélage, và bốn khảo luận chống phe Nhất Tính thuyết, trong đó có khảo luận "về hai bản tính" (Des deux natures) ; khảo luận này có phụ đính một tập văn tuyển, tuy nguồn gốc còn bị tranh cãi, nhưng rất quí giá. Những văn phẩm sau cùng này chủ yếu nhắm chống lại chiếu chỉ hiệp nhất (lédit dunion - Henotikon) của hoàng đế Zénon đã được nhắc tới ở trên và chống lại những vị Giám Mục có liên luỵ vào đó trong khoảng năm 482.

 

Không những Ðức Pélage bài bác những bất túc về mặt giáo lý của văn kiện này, mà còn bác bỏ vai trò của hoàng đế - lúc này là Anastase (491 - 518) - trong các vấn đề tôn giáo. Lúc còn dưới triều Ðức Giáo Hoàng Félix III, trong một bức thư gửi các Giám Mục Ðông phương năm 488, ngài đã từng nhắc nhở rằng, hoàng đế có nhiệm vụ bảo vệ đức tin chính thống và bảo vệ Giáo Hội, chứ không có nhiệm vụ xét xử : "Hoàng đế là một đứa con của Giáo Hội chứ không phải là một Giám Mục ; trong vấn đề tôn giáo, ông ta nên học hỏi chứ không phải là dạy dỗ. Trách vụ dẫn dắt Giáo Hội thuộc về các Giám Mục chứ không thuộc về thế quyền". Khi trở thành Giáo Hoàng, ngài đã xác định trong một lá thư gửi cho hoàng đế Anatase vào năm 494, học thuyết về hai quyền bính cộng tác với nhau : trần giới thuộc Thiên giới, và Thiên giới ở đây được hiểu là Giáo Hội hữu hình do Giám Mục Roma cai quản. Ngài còn trở lại vấn đế này trong một khảo luận viết trước lúc qua đời : "Các hoàng đế Kitô hữu cần đến các Giám Mục cho cuộc sống vĩnh cửu của mình, còn các Giám Mục thì xử dụng những sắp xếp, điều hành của các hoàng đế cho cuộc sống trần gian . mỗi bên đều thích hợp và có thẩm quyền trong lãnh vực riêng của mình". Thánh Gélase bổ túc rất tốt cho thánh Léon. Cả hai vị đã cùng chuẩn bị cho học thuyết chính trị của thời Trung Cổ.

 

HAI QUYỀN BÍNH.

 

Tâu hoàng thượng, có hai nguyên lý chi phối thế giới này : thần quyền của các Ðức Giáo Hoàng và vương quyền. Về hai quyền bính này, các Giám Mục vì phải trả lẽ trước Tòa Chúa về cả những vị làm vua, nên trách nhiệm của các ngài lại càng nặng nề hơn. Ngài hẳn đã biết điều này, hỡi người con rất mực nhân hậu : mặc dù phẩm vị đặt ngài trên cả loài người, nhưng vì một bổn phận trong đạo, ngài vẫn nghiêng mình trước những vị được trao phó những điều thần thiêng và ngài chờ đợi nơi những vị đó những phương thế cứu rỗi ngài, và ngài cũng biết là, theo qui luật trong đạo, để lãnh nhận các mầu nhiệm bởi trời và phân phát cho xứng hợp, ngài có bổn phận vâng phục hơn là điều khiển. Do vậy, trong tất cả những điều đó, ngài phải tùy thuộc vào phán quyết của các vị đó, và ngài không được hủy bỏ những phán quyết đó theo ý ngài. Quả thực, nếu đối với những gì liên hệ đến các luật lệ thuộc trật tự công cộng, các vị lãnh đạo tôn giáo nhìn nhận rằng đế quốc đã được ban cho ngài do Thiên Ý và chính các vị đó cũng tuân phục các luật lệ của ngài, không có ý đi ngược lại các quyết định không thể thay đổi của ngài, ít là trong những công việc trần thế, vậy thì đối với những vị được trao phó trách vụ phân phát các mầu nhiệm đáng tôn kính, tôi xin ngài cần phải có những tâm tình vâng phục đến như thế nào ? Chính vì thế, nếu đối với các vị Giám Mục (Giáo Hoàng) đã không lên tiếng bênh vực cho việc thờ phượng Thiên Chúa, như bổn phận đòi buộc mình, các vị đó phải chịu sự đe phạt không nhẹ nhàng gì, thì cũng vậy, đối với những kẻ lẽ ra phải tuân phục lại đi khinh thường thì nguy cơ mà những kẻ đó chuốc lấy cũng không phải là nhỏ - chớ gì đừng xảy ra nguy cơ như thế. Và nếu việc tâm hồn các tín hữu vâng phục tất cả các Giám Mục , nói chung, những vị đã chu toàn các chức vụ thánh của mình cách xứng hợp, là một chuyện bình thường, thì càng cần phải có sự đồng tâm nhất trí hơn biết bao nhiêu xung quanh vị được đặt vào ngai tòa này, vị mà Thiên Chúa tối cao đã muốn ban cho ưu quyền trên tất cả các Giám Mục khác và lòng hiếu thảo chung của toàn Giáo Hội đã không ngừng biểu dương ?

(Gélase, Lettre 12, À lempereur Anatase, PL 59, 42, AC. Trad. Cl. Mondésert

et P. Th. Camelot, dans H. Rahner, lÉglise et lÉtat., pp. 204 - 205).

 

ÐỨC GRÉGOIRE CẢ.

 

MỘT VỊ GIÁO HOÀNG CÓ TÀI TỔ CHỨC.

 

Ðức Grégoire sinh tại Roma khoảng năm 540, xuất thân từ một gia đình nghị viện lắm đất đai. Trước năm 573, ngài là thị trưởng thành phố. Bất ngờ, ngài bỏ hết của cải, "mình trần trụi thoát ra khỏi cuộc đời chìm đắm", và chọn một đời sống khổ chế rất nhiệm nhặt. Ngài biến lâu đài Mont-Coelius của mình thành một đan viện và thành lập thêm sáu đan viện khác nữa trên những lãnh địa của mình. Mặc dù đang là đan sĩ, ngài được phong chức Phó Tế năm 579 và được Ðức Pélage II sai đi làm Khâm Mạng (Apocrisiaire) - gần như một đặc sứ Tòa Thánh - bên cạnh hoàng đế Byzance "giữa một rừng công chuyện thế sự". Ngài ở đó sáu năm, cùng với một nhóm đan sĩ. Từ lúc trở về Roma năm 585/586, ngài lại sống đời đan tu. Nhưng năm 590, ngài được bầu làm Giáo Hoàng, mặc dù đã nhất mực từ chối.

 

Ngài đã chiến đấu chống lại dịch tễ, nạn đói và chiến tranh và tổ chức việc trợ giúp các nạn nhân một cách rất thành thạo. Trong thành phố đang bị quân Lombard đe dọa, ngài đã thay thế hoàng đế Byzantin là Maurice, một người yếu nhược, để lãnh đạo cuộc chiến đấu. Trên bình diện tôn giáo, ngài đã từ chối tước hiệu "Giáo Hoàng hoàn vũ" mà Euloge thành Alexandrie trao tặng, muốn được gọi là "Tôi tớ của Thiên Chúa", và tự xưng mình là "Sâu bọ và là cát bụi", đồng thời ngài cũng cương quyết chống lại tước hiệu "Thượng Phụ hoàn vũ" (Patriarche oecuménique) mà Giám Mục Constantinople đòi cho mình. Nhờ sản nghiệp lớn lao của thánh Phêrô (Patrimoine de Saint Pierre, ở đây hiểu là sản nghiệp Giáo Hội Roma), ngài đã dùng tài quản trị tuyệt vời của mình để phác nên một quốc gia Tòa Thánh (lÉtat pentifical), vì danh dự của Giáo Hội, ngài càng lúc càng khẳng định vai trò làm chủ của mình về mặt tôn giáo và chính trị đối với Tây phương man di, điều này đã khiến ngài được nhìn nhận như là trung gian giữa Byzance và các vương quốc người Franc. Vượt qua hẳn khái niệm "tính chất Roma" (Romanité = tất cả những gì thuộc văn minh Roma), ngài đối đãi với các vị vua man di cách tôn trọng, nhất là với nữ hoàng Brunehaut, và ngài đảm nhận việc cải hóa dân Anglo - Saxons, ngài mất ngày 12.3.604.

 

Làm sao, với một thân xác hao mòn, một tâm hồn đang day dứt khát khao đời sống thần bí, một công trình trí thức có chất lượng như vậy, mà ngài đã có thể dung hợp với một hoạt động quản trị lớn lao, mạnh mẻ đến như thế ?

 

HAI THIÊN THẦN NƠI MỘ CHÚA VÀ HAI GIAO ƯỚC.

(Trong một bài giảng cho dân chúng).

 

Maria yêu như thế đó, bà đang nghiêng mình trên phần mộ, nơi bà vừa cúi nhìn vào. Nhưng kìa, tấm lòng yêu mến của bà trở nên âu lo hơn : "Bà nhìn thấy hai thiên thần mặc áo trắng, ngồi ở nơi đặt xác Chúa Giêsu, một vị đàng đầu, một vị đàng chân" (Yn 20, 11 - 12). Tại sao hai thiên thần lại xuất hiện chính nơi Chúa đã an nghỉ, một vị ngồi ở đàng đầu, một vị ngồi ở đàng chân ? Bởi vì thiên thần có nghĩa là sứ giả, và vì sau cuộc khổ nạn, cần phải loan báo Ðấng là Thiên Chúa từ trước muôn đời và là con người khi thời gian đến hồi viên mãn. Một thiên thần ở đàng đầu có nghĩa là gì ? Là vì, thánh Gioan Tông Ðồ nói : "Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa" (1,1). Một thiên thần ngồi ở đàng chân, là vì : "Lời đã trở thành xác phàm và đã lưu trú giữa chúng tôi" (Yn 1, 14). Chúng ta có thể nhìn ra hai giao ước nơi hai vị thiên thần này, một giao ước đi trước, một giao ước theo sau. Hai thiên thần quả đã qui tụ tại chính nơi Chúa đã nằm, tựa như hai giao ước đồng thanh loan báo việc Giáng Sinh, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa, như thể là giao ước thứ nhất ngồi ở đàng đầu, giao ước thứ ai ở đàng chân vậy.

 

"Hai vị Chérubins bảo vệ bàn xá tội, ngồi đối diện nhau, mặt hướng về phía bàn xá tội" (Xh 25, 20). Chérubins gợi nhớ điều gì nếu không phải là vị Thiên Chúa làm người ? Thánh Gioan nói : "Chính Ngài là hi sinh đền tạ các tội lỗi chúng ta" (1Yn 2, 2). Và trong khi Cựu Ước loan báo về Chúa trong tương lai, thì Tân Ước thuật lại lịch sử ấy khi nó đã được hoàn tất. Ðiều đó cũng giống như hai vị Chérubins ngồi đối diện nhau, mặt hướng về bàn xá tội. Giữa hai vị, hai vị nhìn thấy vị Thiên Chúa làm người, họ nhìn về Ngài với cùng một ánh mắt và đồng thanh công bố Mầu Nhiệm Ngài ngự đến.

(Homélies sur lévangile, 25, 3 ; PL 76, 1191AD ;

Trad. Fr. Quére - Jaulmes, dans A. Hamman et

Fr. Quére - Jaulmes, Le Mystère de Pâques, Lettre

Chrétiennes, no. 10, Paris 1965, pp. 294 - 295).

 

CÔNG TRÌNH CỦA MỘT VỊ GIÁO HOÀNG, NHÀ XUẤT BẢN CÓ ÓC PHÊ BÌNH.

 

Công trình trước tác của ngài một phần được viết trước khi lên ngôi Giáo Hoàng. Bộ khảo luận đồ sộ nhất và có ảnh hưởng nhất, "Những bài đạo đức trong sách Job" (Moraliain Job) là một công trình chú giải theo lối ẩn dụ, rất tự do và đầy lẽ khôn ngoan, trong đó Job được trình bày như hình ảnh của Chúa KiTô. Lúc đầu đây là những bài nói chuyện dành cho các đan sĩ cùng di với Ðức Grégoire sang Constantinople. Nhưng tác giả đã tiếp tục hiệu đính bản văn cho đến cuối đời. Cuốn "Sách qui luật mục vụ" (Livre de la Règle pastorale) mô tả công việc của những vị hữu trách trong hàng giáo sĩ và biện minh choviệc tại sao ngài từ chối khi được bầu chọn (làm Giáo Hoàng), "Bốn mươi bài giảng về Tin Mừng" (40 homélies sur l Évanggile) là những bài giảng của vị Giám Mục viết cho dân chúng từ năm 590 - 593. Những bài giảng này có lối văn trực tiếp, giản dị, nhưng cũng không thiếu những bay bổng thần bí. "22 bài giảng về Ézéchiel" viết từ năm 593, lúc quân Lombard đang vây thành, có cung giọng đậm màu sắc đan tu hơn. Ngài cũng đã chú giải sách CácVua quyển I và sách Diệu Ca.

 

Bên cạnh công trình chú giải gắn liền với tác vụ của mình, ngài còn soạn "đối thoại về đời sống và phép lạ của các Thánh Phụ người Ý" (Dialohues sur la vie et lse miracles des Pères italiens) là một tác phẩm thuộc loại hạnh các Thánh, có lẽ đã được viết từ năm 594, hoàn toàn đáp ứng lại tinh thần đạo đức bình dân, hiểu theo nghĩa thông thường của cách nói đó : một câu chuyện mang tính khuyến thiện, hấp dẫn, về những công nghiệp của các vị thánh, hơn nữa đó là những vị thánh gần gũi. Tác phẩm này tương tự như công trình của Sulpice Sévère [360 - 425, viết hạnh thánh Martin]. Tất cả những gì chúng ta biết được về thánh Benoit, tổ phụ phong trào đan tu ở Tây phương là nhờ ở tác phẩm này. Ðặc tính chân thật, hồn nhiên của tác phẩm, một thời đã khiến người ta ngờ vực về tính xác thực (authenticité) của nó. Một tác giả rất gần đây là Fr. Clark đã đề cập lại vấn đề này, và cho rằng tác phẩm đã được soạn muộn hơn một thế kỷ. Ðức Grégoire, như một nhà lưu trữ, đã để lại một bộ gồm 868 bức thư chính thức do ngài thu thập lại trong đo ngài đề cập đến rất nhiều về giáo luật và luân lý bằng một bút pháp rất trau chuốt. Cuối cùng, kho tàng phong phú về phụng vụ mà truyền thống gán cho ngài, chắc chắn một phần rất lớn là do chính ngài soạn. Như chúng ta đã thấy, Ðức Grégoire đã sửa chữa tác phẩm đầu tiên của mình trong suốt cuộc đời ngài. Ngài quả đã có một sự chăm sóc có tính cách rất hiện đại đến các trước tác của mình. Ngài phản đối việc xuất bản không chính thức, do các bạn hữu quá nhiệt thành của ngài thực hiện, và tự sửa chữa về tư tưởng cũng như về cách hành văn. Mối bận tâm này càng có ý nghĩa vì đó là việc làm của một con người hoạt động và vô cùng bận rộn, người mà người ta nói là ít quan tâm đến văn chương.

 

MỘT TÁC GIẢ QUAN TÂM ÐẾN VẤN ÐỀ XUẤT BẢN.

 

Về tác phẩm "Những bài giảng về Tin Mừng" thì trong một "lá thư - đề tựa" gửi Sécundinus, Ðức Grégoire giải thích là ngài đã đọc cho người ta chép, rồi cho đọc 20 bài giảng đầu, vì chứng đau bao tử khiến cho việc giảng thuyết trở thành nặng nhọc đối với ngài, nhưng 20 bài khác thì do chính ngài giảng, và thế là những anh em quá nhiệt thành đã ghi lại và phổ biến bản văn đã được nghe "trước khi tôi kịp sàng lọc kỹ càng những điều mình nói, theo cách thức đã dự định". Ngài đưa ra một ví dụ về sự sửa chữa nên có. Tiếp đó, ngài giải thích là ấn bản đúng tiêu chuẩn (normalisée) trình bày 40 bài giảng "thành hai bộ" 20 bài, theo trình tự đã giảng.

(Lettre IV, 17a, PL 76, 1075 - 1078 (Éd. Crit. M.G.H, Epist. I, p. 251)

cf. PL 76, 1169CD et 1174 C/PL 75, 94AB et 224C).

 

về đoạn sách Job 19, 25, ngài muốn thâu hồi lại "một bản sao bị sai" mà một Giám Mục đồng sự đang giữ. Ðặc biệt trong đó "thiếu bốn chữ" quan trọng đối với việc giải thích. Một Claudius nào đó "đã tự mình đọc cho người ta chép, theo nhận thức riêng của mình, một số bài chú giải Cựu Ứơc, để những bài đó khỏi bị rơi vào quên lãng, với ý định là sẽ đưa lại cho tôi những bản văn đó, để khi thuận tiện, tôi sẽ đọc cho chép lại một cách chính xác hơn. Ðức Grégoire nhận thấy nơi các bản văn này có những chỗ ý nghĩa bị biến đổi đi. Sau cùng về "Các bài giảng về sách Ézéchiel", ngài thuật lại : "Tám năm sau (.) tôi đã lưu tâm thu lại những tấm phiếu (scheda) của các thư ký và đã sửa chữa lại các tấm phiếu đó". Về công trình này, R. Etaix đã cho thấy là truyền thống gián tiếp còn giữ lại những bản đôi

 

khi khác nhau và bổ túc cho nhau, chắc chắn là của Ðức Grégoire.

(M.G.H, Epist II, Lettre XII, 6 À Jean, Sousdiacre de Ravenne, p. 353, 1, 6 - 10 ;

p. 352, 1, 15 - 19 ; Lettre XII, 16a, p. 363, 1 - 5 ; cf. PL 76, 785A.

Toàn bộ các thư này không có ở trong Migne)

 

Ý NGHĨA CỦA KINH THÁNH.

 

Xung quanh đoạn sách Ez 1, 19 - 20 và Xh 3, 2 - 3.

 

9. "Thần Khí định đi đâu thì, khi Thần Khí cất lên, các bánh xe cũng cất mình lên theo". Tâm trí độc giả hướng đến đâu thì bản văn Thánh cũng sẽ vươn đến đó, vì chưng, nếu anh em dùng ánh mắt, dùng tâm hồn tìm kiếm nơi Sách Thánh một cái nhìn cao rộng nào đó, thì nó cũng vươn rộng, vươn cao cùng với anh em.

 

Nói về các bánh xe rằng chúng "đi theo Thần Khí" thì quả đúng. Nếu tâm trí độc giả tìm trong các bản văn những sự kiện lịch sử và bài học đạo đức của chúng, thì ý nghĩa đạo đức của lịch sử sẽ xuất hiện ngay lập tức. Ðộc giả muốn tìm ý nghĩa tiên trưng (sens tipique) chăng ? Ngôn ngữ hình bóng (langage figuré) sẽ giúp nắm bắt được ngay một đối tượng để chiêm niệm ? Tức khắc các bánh xe dường như chắp cánh và được đưa lên các tầng mây : ý nghĩa thần thiêng của các từ ngữ trong bản văn thánh tỏ lộ "Thần Khí đi đâu thì, khi Thần Khí cất lên, các bánh xe cũng cất mình lên theo". Các bánh xe đi theo Thần Khí bởi vì, như đã được nói đi nói lại, điều có thể lĩnh hội được trong những lời lẽ của bản văn Thánh sẽ lớn lên tùy theo mức sẵn sàng của tâm trí độc giả.

 

10. Khi đọc cùng một câu Kinh Thánh, người này tìm được lương thực cho mình trong sự kiện mà câu Kinh Thánh thuật lại ; người khác lại tìm thấy ở đó ý nghĩa tiên trưng ; người khác nữa, xuyên qua hình ảnh tiên trưng gặp được ý nghĩa thiêng liêng, bí nhiệm (sens anagogique). Và như đã nói thường thường người ta có thể gặp cả ba ý nghĩa trong cùng một câu. Khi nghe tiếng gọi phát ra từ bụi gai bốc cháy, Môsê đã lại gần để nhìn xem thị kiến, và này đây, bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu hủy ! Thật là kỳ diệu ! Nếu độc giả là người chỉ quan tâm đến sự kiện lịch sử thì ông ta sẽ tìm được lương thực nuôi dưỡng tâm hồn mình khi nhìn thấy ngọn lửa bốc cháy trong bụi gai mà không thiêu hủy bụi gai. Nếu độc giả tìm ý nghĩa tiên trưng, thì ngọn lửa lại chẳng biểu thị Lề Luật, như có lời chép : "Trong tay hữu Ngài, là Lề Luật lửa thiêng" đó sao ? Và bụi gai lại không chỉ dân Dothái, một dân mọc đầy gai nhọn tội lỗi hay sao ? (.) Biết đâu xuyên qua hình ảnh tiên trưng, một người khác nữa lại ao ước nhìn ngắm trong cảnh tượng này những thực tại cao cả hơn ? Trí tuệ của người ấy lớn rộng khi cất cao lên thế nào, thì các bánh xe cũng vươn lên cao như vậy (.)

 

Có thể một người khác nữa lại nhờ vào lịch sử mà đi tìm một bài học đạo đức, và tìm một đối tượng để chiêm niệm nhờ vào nghĩa ẩn dụ.

(Hom. sur Ézéchiel 1, 9 - 10, SC no. 327,

p. 247 - 249 ; Trad. Chalcédoine. Morel).

 

ÐƯỜNG HOÀN THIỆN CHO MỖI NGƯỜI.

 

Như chúng ta đã biết, Ðức Grégoire không soạn những khảo luận về tín lý. Công trình của ngài có vẻ như chủ yếu là về chú giải, nhưng thực tế là về luân lý và đời sống thiêng liêng. Vị Giám Mục tuy không phải không chú trọng đến nghĩa đen của bản văn (sens littéral) nhưng ngài nhanh chóng vươn lên ý nghĩa tiên trưng và ẩn dụ (sens typologique et allégorique) để rồi đi từ Cựu Ước sang Tân Ước, và thường đưa ra một lối giải thích theo hướng luân lý. Chính tựa đề tác phẩm "Những bài học đạo đức trong sách Job" cũng đã nói lên điều đó. Mặc dù luôn sống nếp sống đan tu, và dù có viết riêng cho các đan sĩ, ít ra là như thế, tác phẩm "Những bài học đạo đức" và phần chính trong bộ Bài giảng về Ézéchiel", viết cho giáo sĩ của mình cuốn "Mục vụ" (Pastoral), nhưng Ðức Grégoire vẫn coi sự hoàn thiện Kitô giáo là lý tưởng của cả bạc sống hoạt động, của những người sống bậc hôn nhân, với điều kiện là họ biết thực thi sự từ bỏ, không dính bén. Nếu sống được như thế thì phẩm giá của họ không hề thua kém gì những người sống bậc chiêm niệm, những người "tiết dục" (Ðộc thân, trinh nữ, nữ đan sĩ, ẩn sĩ, đan sĩ sống cộng đoàn).

Dường như ngài coi Giáo Sĩ là bậc sống cao hơn, nhất là những Giáo Sĩ có trách nhiệm trong Giáo Hội mà thực chất, đó là những "nhà giảng thuyết" (prédicateurs). Nơi những vị này có sự nối kết giữa đời hoạt động và chiêm niệm [đời hoạt động, vie active bao hàm việc thực hành các nhân đức và hoạt động mục vụ]. Chiêm niệm tự nó có giá trị cao hơn, là điều kiẹn và là nguồn suối của hoạt động. Thông thường, chiêm niệm phải triển nở, hướng đến việc phục vụ tha nhân [trong tác phẩm "Mục Vụ", Ðức Grégoire trách những nhà chiêm niệm thu mình lại, từ chối phục vụ và loan báo cho anh em].

 

Trong số những phương thế hoàn thiện vừa tầm với mọi người, Ðức Grégoire nhấn mạnh đến sự tử đạo thiêng liêng. Tôn dương một truyền thống đã có từ lâu đời, ngài tuyên bố : thời thái bình cũng có những vị tử đạo của mình. Cùng với các vị tiền nhiệm, ngài quan niệm có thể thay thế việc đổ máu bằng đức khiết tịnh và đời sống đan tu, được thể hiện trong tình yêu và bằng cả đức kiên nhẫn mà ngài nói đến với cung giọng khá riêng biệt của mình, đức kiên nhẫn "là cội rễ và là người gìn giữ mọi nhân đức". Ngài đặt đức kiên nhẫn vào trong quan niệm về con người, nhờ kiên nhẫn, lý trí làm chủ tâm hồn và tâm hồn làm chủ thân xác. Ngài xác định cách tinh tế những đòi hỏi của đức kiên nhẫn : tiên liệu mọi sự dữ có thể xảy ra để không bao giờ phải ngạc nhiên sửng sốt, yêu thương kẻ thù chứ không phải chỉ là chịu đựng kẻ thù, chuyện đã qua thì đừng bao giờ lấy làm buồn bực trong lòng, kẻo như thế sẽ làm mất đi những lợi ích khi đã vượt qua được cơn thử thách . chiến thắng chính mình vì lòng mến đem lại cho chúng ta "cùng một vinh quang như cái chết tử đạo". Ngài giải thích điều này khá dài trong cuốn Bài giảng về Tin Mừng", trong tác phẩm này ngài đưa ra một câu nói thường xuyên được trích dẫn trong nhiều thế kỷ qua : "Cả chúng ta nữa ., chúng ta cũng có thể là những vị tử đạo, nếu chúng ta thực sự giữ đức kiên nhẫn trong lòng". Ðó là sự tử đạo thiêng liêng bằng lòng nhẫn nhục.

 

ÐỨC KIÊN NHẪN VÀ SỰ TỬ ÐẠO.

 

"Chính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi" (Lc, 11,9). Như thế, chúng ta có giữ được linh hồn mình hay không là nhờ ở đức kiên nhẫn, vì đức kiên nhẫn là cội rễ và là người gìn giữ mọi nhân đức (.) Ðức kiên nhẫn hệ tại ở việc chịu đựng những đau khổ do người khác gây nên với một tâm hồn bình lặng, không hề cảm thấy nỗi đau đớn căm hận đối với người gây ra đau khổ cho mình. Bởi lẽ, kẻ hứng chịu những tai ác do tha nhân gây ra, nếu vừa thinh lặng chịu đựng, vừa tìm thời cơ báo trả đích đáng, thì người đó đã không sống đức kiên nhẫn bên trong, nhưng là trải nó ra bên ngoài (.) Ðức kiên nhẫn không thể tìm nơi sự phô bày ra bên ngoài, nhưng là trong tâm hồn (.) Người thực sự giữ đức kiên nhẫn, là người khi gặp phải đau khổ do người khác gây ra, biết chịu đựng mà không cảm thấy đau xót, rồi khi ngẫm lại những đau khổ đó, người ấy lại vui mừng vì đã chịu đựng những nghịch cảnh như vậy : vì thế, người biết giữ đức kiên nhẫn trong buổi đảo điên thì sẽ không mất đi niềm hạnh phúc trong lúc thanh bình.

 

Bởi hôm nay chúng ta mừng lễ một vị thánh tử đạo, nên thưa anh em, chúng ta không nên nghĩ rằng đức kiên nhẫn đó không liên quan gì đến mình. Thật vậy, nếu, với ơn Chúa, chúng ta gắng sức thực thi đức kiên nhẫn, thì dù sống trong thời Giáo Hội được thanh bình, chúng ta vẫn lãnh nhận được vinh quang tử đạo. Bởi lẽ có hai loại tử đạo : tử đạo trong tâm hồn và tử đạo vừa trong tâm hồn vừa thực sự bên ngoài. Như thế, chúng ta có thể là những vị tử đạo ngay cả khi chúng ta không quỵ ngã dưới lưỡi gươm nào của những kẻ bách hại (.) như thánh gioan), cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể theo gương ngài, trở thành những vị tử đạo mà không bị gươm đao.

 

(Tiếp đến, ngài thuật lại câu chuyện về Ðan Viện Phụ Étienne de Rieti, người đã cải hóa những kẻ công kích mình trở thành bạn hữu).

 

Con người đó đã không hề ngã gục dưới lưỡi gươm nào, thế nhưng khi chết lại nhân được triều thiên của đức nhẫn nại mà mình hằng giữ trong tâm hồn. Mỗi ngày chúng tacảm nghiệm được sự thật trong lời người xưa : Giáo Hội thánh thiện là khu vườn đầy bông những kẻ được tuyển chọn, Giáo Hội gặt hái những đóa huệ trắng ngần trong buổi bình an và những bông hồng đỏ thắm trong thời ly loạn.

(Homélies sur lÉvangile II, 35. 4 - 8 ; PL 76, 1261D - 1264C.

Ðoạn cuối của trích đoạn ám chỉ thánh Cyprien).

 

CHIÊM NIỆM.

 

Nhưng trên tất cả, Ðức Grégoire là một nhà chiêm niệm. Niềm say mê cảm mến Thiên Chúa và đời sống nội tâm toát ra nơi toàn bộ tác phẩm của ngài. Ngài coi khiêm nhường - là thái độ trong đó con người xác tín về sự vô tri của mình, biết đặt mình đúng vị trí trước mặt Ðấng Tạo Dựng, và sự khổ chế thanh luyện, hòa với tâm tình ăn năn hối tiếc, với nước mắt yêu mến và tấm lòng thống hối, là những thái độ căn bản nhờ thế tâm hồn sẽ lắng dịu, và trong sự an tĩnh, tâm hồn cảm thấy một khoảng trống, một khoảng ngăn cách khơi lên khát vọng về "nơi mà tâm hồn chưa được đến". Ngược lại, chính niềm khao khát càng khơi sâu thêm sự trống vắng, càng cảm thấy thiếu thốn, muốn được lấp đầy : Những hoan lạc thiêng liêng . càng nếm chúng ta lại càng đói khát và càng đói khát lại càng thưởng nếm". Nếu niềm khát khao mở ra một con đường, thì cuộc gặp gỡ lại được Ðức Grégoire diễn tả bằng những từ ngữ thuộc về ánh sáng và sự nhìn ngắm hơn là bằng các hình ảnh của sự kết hiệp. Hẳn nhiên, tâm hồn vẫn còn ở trên bình diện đức tin và ánh sáng thần linh tự bản chất vẫn là vô hình. Nhà chiêm niệm chỉ nhìn thấy một ánh sáng lờ mờ, "như thể xuyên qua một lỗ châu mai", nhưng tia phản quang này đã đủ làm cho người đó vui thỏa.

 

Theo truyền thống, chỉ có Ðức Giáo Hoàng Léon và Ðức Grégoire được gọi là "Cả". Xác nhận thực tế đó, Ðức Boniface VII công bố Ðức Grégoire là vị tiến sĩ thứ tư của Giáo Hội Latinh, bên cạnh thánh Ambroise, thánh Jérome và Augustin. Tất nhiên, Ðức Grégoire không có được sự uyên bác cũng như sự dữ dội của thánh Jérome, không có thiên tài như Augustin là tác giả mà ngài dựa vào rất nhiều, nhưng ngài đã chia sẻ niềm say mê Thiên Chúa của Augustin. Công trình trước tác của ngài không thể sánh với công trình của thánh Ambroise, nhưng ngài đã thực thi chức vụ Giáo Hoàng với cùng một phẩm cách và lòng tận tuỵ như thánh Ambroise, và cũng tại Tòa Roma, Ðức Grégoire, trong sự khiêm hạ thẳm sâu, đã tôn dương quyền bính của Tòa Roma đối diện với đế quốc hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào khác. Ngài đã trực tiếp chuẩn bị cho những học thuyết và các cuộc đấu tranh vào thời Trung Cổ. Nhưng nhất là, kho tàng ngài kín múc không phải là nền văn hóa cổ điển (Antiquité classique) nhưng là truyền thống Giáo Hội, và đã để lại một nền văn hóa Kitô giáo làm di sản vừa tầm tay của Dân Chúa, như Cl. Dagens đã cho thấy, theo ông, trong lĩnh vực chú giải, Ðức Grégoire là "Bậc thầy tư tưởng chính của Tây phương trong suốt thời kỳ Thượng - Trung Cổ" (Haut - Moyen Age).

 

TỪ VÔ TRI ÐẾN CHIÊM NIỆM.

 

Những kẻ tự phụ là thông thái thì không thể chiêm ngắm được khôn ngoan của Thiên Chúa, vì càng thiếu khiêm tốn họ càng xa ánh sáng của ngài, bởi lẽ khi lòng kiêu ngạo càng lớn trong tâm trí họ, thì nó càng choáng mất cái nhìn chiêm niệm . Vậy nếu chúng ta ao ước thực sự trở nên những người khôn ngoan và được chiêm ngắm chính khôn ngoan, thì chúng ta hãy khiêm tốn nhận biết sự rồ dại của chúng ta. Chúng ta hãy từ bỏ sự khôn ngoan đáng tội đó, và hãy học biết sự điên dại rất đáng ngợi khen. Vì có lời viết : "Thiên Chúa đã chọn những điều thế gian coi là điên rồ để bêu nhuốc hạng khôn ngoan" (1Cor 1, 27), và còn lời này : "Nếu trong anh em có ai nghĩ mình là kẻ khôn ngoan trên đời này, người ấy hãy trở nên điên rồ để được trở thành khôn ngoan" (1Cor 3, 18). Bản văn Tin Mừng cho thấy Zachée, vì đám đông che khuất, không thể nhìn thấy gì, nên đã trèo lên một cây sung để được nhìn Chúa đi ngang qua . Nếu Zachée nhỏ thó trèo lên cây sung và đã thấy Chúa, thì đó là vì những ai khiêm tốn chọn điều thế gian coi là điên rồ sẽ được chiêm ngắm tỏ tường khôn ngoan của chính Thiên Chúa . Quả thật ở trên đời này, không tìm lại điều mình đã mất, để tài sản của mình rơi vào tay quân trộm cắp, không đem lại lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa thì còn gì điên rồ hơn ?. Nhờ cây sung, ta nhìn thấy Chúa đi qua, được thấy qua khôn ngoan của Thiên Chúa, tuy chưa phải là nhìn thấy trọn vẹn khôn ngoan, nhưng đã là một sự nhìn ngắm trong ánh sáng của chiêm niệm.

(Livres moreaux sur Job, XXVII, 79 ; PL 444C - 446A ;

Trad. Cl. Dagens. Saint Grégoire le Grand, p. 46).

 

QUA "NHỮNG CỬA SỔ NHƯ LỖ CHÂU MAI" CỦA ÐỀN THỜ (cf. Ez 40, 16).

 

Nơi những cửa sổ xây như lỗ châu mai (trong thị kiến về đền thờ của É`zéchiel), ô cửa qua đó ánh sáng lọt vào chỉ là một khung nhỏ hẹp, nhưng phần đón nhận ánh sáng bên trong lại rộng lớn. Tâm hồn những người chiêm niệm cũng vậy, họ chỉ nhìn thấy một luồng sáng lờ mờ yếu ớt của ánh sáng đích thực, thế nhưng nơi tâm hồn họ, tất cả dường như đều mở rộng . Khi chiêm niệm, điều mà các tâm hồn đó thấy được về vĩnh cửu thì hầu như chẳng là gì, nhưng cũng đủ để làm cho thế giới nội tâm của họ lớn rộng hơn, làm tăng thêm lòng sốt sắng, tăng thêm tình yêu. Khi đón nhận ánh sáng chân lý xuyên qua những lỗ châu mai, tất cả dường như đều trở nên lớn rộng nơi các tâm hồn đó.

(Hom. sur Ézéchiel II ; PL 76, 995 AB.

Trad. O. Clément, Sorces., p. 214).

 

SÁCH NGHIÊN CỨU THÊM.

 

1. VỀ THỜI KỲ NÀY :

 

P. COURCELLE, Les lettres grecques en Occident de Macrobe à Cassiodore, Paris 19643.

 

E. L. FORTIN, Christianisme et culture philosophique au Ve siècle. La querelle de lâme humaine en Occident, Paris, 1959.

 

P. COURCELLE, Histoire littéraire des grandes invasions germaniques, Paris 19643.

 

P. RICHÉ, Éducation et culture dans lOccident barbare, Paris, 19672.

 

2. VỀ CÉSAIRE DARLES.

 

P. CHRISTOPHE, Cassien et Césaire, prédicateurs de la morale monastique, Gembloux, 1969.

 

C. VOYEL, Césaire dArles, Paris, 1964 (Étude et choix de textes).

 

Aux Sources chrétiennes :

-      Semons au peuple (no. 175, 243 et 330) ;

-      Oeuvres monastiques, I. Pour les moniales (no. 345).

 

3. VỀ SIDOINE APOLLINAIRE :

 

A. LOYEN, Sidoine Apollinaire et lesprit précieux en Gaule aux derniers jours de lEmpire, Paris 1943.

 

Dans la Coll. des Univers de France, par A. Loyen, Poèmes, 1960 ; Lettres, 2 vol. 1970.

 

4. VỀ BENOIT DE NURSIE :

 

CL.- J. NESMY, Saint Benoit et la vie monastique, Paris, 1959.

 

G. M. OURY, Les moines, Paris, 1987, pp. 93 - 106.

 

Aux Sources chrétiennes : La Régle (no. 181 - 186 et 186 bis), avec du longs commentaires ; plus récemment, édition du XVe cantenaire, Paris, 1980.

 

5. VỀ BOÈCE :

 

P. COURCELLE, La consolation de philosophie dans la radition littéraire, Paris, 1967.

 

6. VỀ ISIDORE DE SÉVILLE :

 

J. FONTAINE, Isidore de Séville et la culture classique dans lEspagne wisigothique, 3 vol., Paris, 1959 et 1983.

 

 

7. VỀ LÉON LE GRAND :

 

G. HUDON, "Léon le Grand (saint)", Dict. Sp., col 597 - 611.

 

Aux Sources chrétiennes : Sermons (no. 22 bis, 49 bis, 74 bis et 200).

 

8. VỀ GRÉGOIRE LE GRAND :

 

J. FONTAINE et al. (sous la direction de), Grégoire la Grand, Coll. Colloques Internationaux, Paris, 1987.

 

CL. DAGENS, Saint Grégoire le Grand, Culture et axpérience chrétiennes, PAris, 1977.

 

R. GILLET, "Grégoire le Grand (saint)", Dict. Sp., col 872 - 910.

 

Aux Sources chrétiennes : neuf vol. Quon ne peut préciser (no. 32 bis, 212 et 221 ; 251, 260 et 265 ; 314 ; 327 ; 351).

 


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà