NHỮNG KHÍA CẠNH CỦA MỘT THẦN HỌC CƠ BẢN

Suy tư và luận chứng của Irénée xoay quanh những trục lớn, và có thể coi như là những căn bản tư tưởng của Ngài.

·      Đứng trước những lập luận vừa tùy tiện, vừa kỳ bí của ngộ đạo, thần học của Ngài là một thần học về "truyền thống" Giáo Hội theo nghĩa năng động của từ Hy Lạp (Paradosis): Truyền thống là sự thông truyền đức tin cách sống động, đồng thời là sự thông truyền công khai, theo cơ chế vì được bảo đảm bằng sự "kế tục" của Giám Mục đoàn kể từ thời các Tông Đồ; chính trong truyền thống sống động này mà chúng ta tiếp nhận Thánh Kinh chính thực. Về điểm này, chứng từ của Justin có tính chất quyết định vì nó đề ra những yếu tố căn bản giúp biện biệt giáo lý; chúng ta có thể tìm thấy tiếng vọng của chứng từ ấy trong Hiến chế về Mạc Khải (Dei Verbum) của Công Đồng Vatican II.

·      Đứng trước quan niệm nhị nguyên của Ngộ Đạo, thần học của Irénée là một thần học về "Tính duy nhất" trên rất nhiều bình diện và theo một ý nghĩa đặc biệt phù hợp với các vấn đề đặt ra: Đó là sự bác bỏ mọi chia cắt mà ngộ đạo thuyết chủ trương. Tính duy nhất của Thiên Chúa và của công trình của Ngài. Kính Tin Kính mà chúng ta đọc trong phụng vụ hầu như lấy lại các kiểu nói của Irénée: Chỉ một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo dựng mọi vật mọi loài, vật chất và thiêng liêng, hữu hình và vô hình, nhờ Con và Thánh Thần. Một chương trình duy nhất của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ vì con người và tạo dựng con người là để kết hiệp với Thiên Chúa; một mục đích duy nhất mà Đấng Tạo dựng theo đuổi từ khởi nguyên, bất kể tội lỗi của con người, và Đức Kitô đảm nhận tạo vật để đưa tạo vật tới đích mà ngay từ đầu Thiên Chúa đã nhằm đến. Vì thế, có sự duy nhất của Mạc khải trong hai Giao Ước. Sự duy nhất của Đức Kitô, Đấng mà qua việc nhập thể, đã thực hiện thực sự nới chính hữu thể mình ("Thiên Chúa thật" và "người thật") sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người. Cuối cùng là tính duy nhất của hữu thể con người, thần xác và linh hồn, ơn cứu độ nhắm đến toàn thể bản tính con người, cũng giống như các bí tích dùng các yếu tố "lấy từ trong tạo vật" thánh hóa toàn diện con người.

·      Cuối cùng, đứng trước thần học ngộ đạo, có thể nói thần học của Irénée là một thần học, dù chưa hoàn bị, về lịch sử cứu độ, một ơn cứu độ được thực hiện không phải bên ngoài không gian và thời gian của chúng ta, cho dù nó dẫn vào một thế giới khác, nhưng là ơn cứu độ được Thiên Chúa chuẩn bị và đã thực hiện trong thời gian, qua những giai đoạn liên tiếp và tiệm tiến (đó là giải đáp của Irénée cho những vấn nạn nêu ra về sự tương phản giữa hai giao ước. Irénée dứt khoát loại bỏ cám dỗ giản lược Mạc khải thành một tri thức phi thời gian và cứu độ thành một biến thể của sự "trở về muôn thuở" (retour éternel), trong đó không có chỗ cho vai trò của thời gian và lịch sử.

Một chủ đề khác được Irénée ưa thích, vừa liên quan, vừa diễn tả lại tất cả những điều trên bằng một ngôn ngữ khác: Đó là chủ đề "thâu họp" (récapitulation) vạn vật trong Đức Kitô. Đức Kitô thực hiện ơn cứu độ bằng cách thâu họp (từ ngữ này đã có nơi thánh Phaolô), nghĩa là thâu lại, họp lại và hoàn tất nhân loại và lịch sử nhân loại nơi chính mình Ngài, nhất là những biến cố nguyên thủy dựa theo sự song đối (parallélisme antithétique) giữa Đức Kitô và Ađam, Maria và Eva. Cũng thế, Đức Kitô thâu họp nơi mình Ngài toàn bộ thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi: Đây là một cách để loại bỏ mọi thuyết ảo thân. Như thế, Irénée đã đặt những nền tảng cho sự đánh giá hết sức tích cực về tạo dựng, về các thực tại trần thế, về Nhập Thể như là con đường cứu độ. Ngài nhận thức rất rõ mối liên hệ chặt chẽ nối kết các dữ kiện lớn lao của Đức Tin: Việc tạo dựng vạn vật bởi Thiên Chúa, việc nhập thể thực sự của Ngôi Lời vào thế giới tạo vật, việc phục sinh thân xác, sự trung gian của các bí tích Kitô giáo, và tính hữu hình của Giáo Hội, đến nỗi, dưới mắt Ngài, hủy hoại một trong những dữ kiện đó là hủy hoại mọi dữ kiện khác.

THÁNH KINH VÀ TRUYỀN THỐNG

Truyền thống Tông Đồ là nguồn của Thánh Kinh, các sách Phúc Aâm nằm trong truyền thống đó, và việc lưu truyền được bảo đảm trong Giáo Hội nhờ sự kế tục của các Giám Mục. Những người Ngộ đạo đã thay thế Truyền Thống tông đồ bằng truyền thống riêng của họ.

"Chúa của vạn vật đã ban cho các Tông đồ của Người quyền loan báo Tin Mừng, và chính nhờ họ mà chúng ta biết chân lý, nghĩa là giáo huấn của Con Thiên Chúa. Vì chưng không phải nhờ những kẻ khác mà chúng ta biết được nhiệm cục cứu độ; nhưng là nhờ những người mà qua họ Tin Mừng đã đến với chúng ta. Tin Mừng này mới đầu họ rao giảng, sau đó, do thánh ý Thiên Chúa, họ đã truyền lại trong các sách Thánh Kinh, ngõ hầu Tin Mừng đó trở thành nền tảng và cột trụ của đức tin chúng ta. Trong khi chúng ta nại tới Truyền Thống đến từ các Tông Đồ, và là truyền thống được giữ gìn trong Giáo Hội nhờ sự kế tục các Trưởng lão (nghĩa là các Giám Mục) thì họ chống lại Truyền thống đó: Nghĩ mình khôn ngoan hơn các Trưởng lão, thậm chí hơn cả các Tông Đồ, họ chắc rằng mình đã tìm thấy chân lý tinh tuyền, vì lẽ các Tông đồ đã pha trộn những qui tắc của Lề Luật vào trong Lời của Đấng Cứu Thế: và không chỉ các Tông Đồ, mà ngay chính Chúa cũng nói ra những lời lúc thì đến từ vị "Tạo Hóa", lúc thì từ vị "Trung Gian" khi thì từ "Quyền lực tối cao": Còn về phần họ, họ biết được mầu nhiệm bí ẩn cách chắc chắn, không chút nghi ngờ, không mảy may pha trộn và trong tình trạng nguyên tuyền. Và đây quả là lời lộng ngôn phạm thượng trâng tráo nhất đối với Đấng tạo dựng nên họ! Vì thế mới có việc họ không còn nhất trí với các Sách Thánh cũng như với Truyền Thống".

Nếu vạn nhất không có các Sách Thánh do các Tông Đồ soạn đi nữa thì chúng ta vẫn còn truyền thống sống động:

"Giả sử ngay cả việc các Tông Đồ không để lại cho chúng ta các Sách Thánh thì lúc đó chúng ta lại không phải theo trật tự của Truyền Thống mà các Ngài truyền lại cho những ai được các ngài ủy thác Giáo Hội hay sao? Chính đó là trật tự mà rất nhiều dân tộc man di tin vào Đức Kitô đã ưng thuận: Họ được ơn cứu độ, viết không phải bằng giấy mực nhưng là bằng Thánh Thần trong tâm hồn họ và họ giữ gìn chu đáo Truyền Thống cổ xưa, tin vào chỉ một mình Thiên Chúa độc nhất, Đấng tạo dựng trời, đất và tất cả những gì chúng chứa đựng, tin vào Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng, vì tình yêu sung mãn của Ngài dành cho tác phẩm Ngài nắn đúc, đã thuận tình để được sinh ra bởi Đức Nữ Trinh, hầu hiệp nhất con người với Thiên Chúa nơi chính mình Ngài, Đấng đã chịu nạn dưới thời Ponce Pilate, đã phục sinh và được cất lên trong vinh quang, Đấng sẽ đến trong vinh quang với tư cách là Đấng Cứu Độ của những ai sẽ được cứu độ và là Thẩm phán của những kẻ sẽ bị phán xử".

Irénée, Chống lạc giáo III. Lời tựa 1, 2, 4. Dịch theo Sources Chrétiennes n. 211, p. 21, 27-29, 47-49.

SỰ NỐI KẾT GIỮA CÁC MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

Thật vô lối, hoàn toàn vô lối, những kẻ bác bỏ tất cả nhiệm cuộc của Thiên Chúa, phủ nhận việc cứu độ thân xác, coi thường việc tái sinh của thân xác, vì cho rằng nó không thể đón nhận sự bất hoại. Nếu không có việc cứu độ thân xác, thì Chúa cũng đã không cứu chuộc chúng ta bằng máu Ngài, chén Tạ Ơn không phải là sự thông hiệp máu Ngài và bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là sự thông hiệp thân mình Ngài. Vì chưng, máu chỉ có thể trào vọt từ mạch máu, từ xác thịt và từ tất cả những gì làm nên bản thể con người, và chính vì để thực sự trở thành tất cả những điều đó mà Ngôi Lời Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta bằng máu Ngài. Và bởi vì chúng ta là chi thể Ngài và được dưỡng nuôi bằng tạo vật - tạo vật mà chính Ngài ban cho chúng ta, qua việc làm cho mặt trời mọc lên và mưa rơi xuống tùy theo thánh ý Ngài - Chén, lấy từ tạo vật, Ngài tuyên bố đó là chính máu Ngài, và bánh, lấy từ tạo vật, Ngài đã công bố đó là chính thân mình Ngài, nhờ đó mà thân xác chúng ta được bổ sức.

Vậy, nếu chén đã pha và bánh được làm ra đón nhận lời của Thiên Chúa và trở thành Thánh Thể, nghĩa là Mình và Máu Đức Kitô, và nếu nhờ Mình và Máu đó mà bản thể thân xác chúng ta được bổ sức và nên vững mạnh, làm sao những kẻ đó lại có thể cho rằng thân xác không thể đón nhận ơn sống đời vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Irénée, Chống lạc giáo, V. 2, 2-3, Sources Chrétiennes, n. 153, p. 31-35

VINH QUANG CỦA THIÊN CHÚA, LÀ CON NGƯỜI.

Vậy, ngay từ khởi thủy, Con là Đấng Mạc khải Cha, vì ngay từ khởi thủy Ngài đã ở với Cha: các thị kiến của các tiên tri, các ân sủng khác nhau, các thừa tác vụ, việc tôn vinh Cha, tất cả những điều đó, vào thời đã định và vì lợi ích con người, Ngài đã trải ra trước mặt loài người như thể một giai điệu hài hòa, tuyệt tác. Thực vậy, ở đâu có sáng tác, ở đấy có giai điệu; ở đâu có giai điệu, ở đấy có thời đã định, có lợi ích. Vì vậy, Ngôi Lời đã làm người phân phát ân sủng của Cha vì lợi ích nhân loại, vì họ, Ngài đã thực hiện những biến cố cứu độ lớn lao, biểu lộ Thiên Chúa cho loài người và trình diện con người với Thiên Chúa, vừa bảo vệ sự vô hình của Cha, ngõ hầu con người không đi đến chỗ khinh thường Thiên Chúa và để con người luôn luôn phải hành trình tiến về với Người, và đồng thời làm cho Thiên Chúa nên hữu hình trước mắt nhân loại, bằng nhiều hành vi cứu độ, vì e rằng, nếu hoàn toàn thiếu Thiên Chúa, con người có nguy cơ mất đi chính sự hiện hữu. Vì chưng, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu sự tỏ hiện của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng mà ban sự sống cho mọi vật trên mặt đất thì sự Mạc Khải của Cha nhờ Ngôi Lời còn ban sự sống cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa đến ngần nào!

Irénée, Chống Ngộ đạo IV, 20,7, Dịch theo Sources Chrétiennes, n. 100, p. 647-649

Mỗi khía cạnh trong tư tưởng của Irénée đều hàm chứa những viễn tượng đó. Chẳng hạn "nhãn quan" của Ngài về con người. Đối nghịch với mọi quan điểm nhị nguyên bi quan, nhãn quan này đem lại giá trị cho con người cụ thể và vũ trụ của nó, giá trị chỗ đứng của con người trong chương trình của Thiên Chúa, nhất là vai trò nhân tính của Đức Giêsu trong ơn cứu độ. Đó chính là điều được cô đọng trong công thức hay được trích dẫn nhất của Irénée: "Vinh quang của Thiên Chúa, là con người sống", nghĩa là vinh quang của Thiên Chúa tương hợp với sự triển nở "sự sống" của con người. Nhưng Irénée nói thêm: "Sự sống của con người, đó là được nhìn thấy Thiên Chúa" và Ngài còn có một công thức bổ túc: "Vinh quang của con người, chính là Thiên Chúa". Kitô giáo không buộc chọn giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa muốn con người được hoàn tất trong tư cách là người, nhưng sự hoàn tất trọn vẹn chỉ có thể có trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Như vậy, nhân học của Irénée là một cách thức định vị con người trong tương quan với Thiên Chúa, nghĩa là:

·      Là hữu thể được Thiên Chúa tạo dựng: Không phải một tinh thần thuộc thượng giới sa xuống, cũng không phải là một mảnh thần linh, nhưng là một thụ tạo giữa lòng vũ trụ, khác biệt cách tuyệt đối với Đấng Tạo Dựng. "Thiên Chúa làm, con người được làm ra". Con người, với cả linh hồn và thân xác, là công trình của Thiên Chúa: "Những tinh thần không có thân xác sẽ không bao giờ là những con người thần thiêng, nghĩa là những Kitô hữu thành toàn", Irénée gạt bỏ mọi chủ thuyết thần bí phiếm thần, hoặc xuất thể (désincarné), mọi quan niệm tôn con người thành thiên thần (angélisme).

·      Là hữu thể được tạo dựng "để sống": "Với vị Thiên Chúa hằng sống, cần phải có những con người sống" bằng sự sống được thổi vào Adam và được mời gọi triển nở trong sự chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa trong Đức Kitô và Thánh Thần. Theo Irénée, "con người hoàn hảo" là một hữu thể mang ba chiều kích: Thân xác, linh hồn và thần khí, thần khí ở đây là sự tham dự vào Thiên Chúa, đây là ba chiều kích được Đức Kitô phục hồi và sẽ triển nở trong sự phục sinh. Nói cách khác, ơn cứu độ hoàn tất nơi con người, vừa là "hình ảnh" vừa là "họa ảnh" mà theo đó con người đã được dựng nên. "Họa ảnh" ở đây là ơn huệ của Thánh Thần đã mất đi do tội. Trước khi phạm tội, Adam có cả hai, nhưng chỉ mới phôi thai và mong manh, vì lẽ con người là một hữu thể đang tăng trưởng và trở thành.

·      Là hữu thể đang trở thành: Là tạo vật khác với Thiên Chúa, từ ban đầu, con người là một hữu thể chưa hoàn tất: "Thiên Chúa là. con người trở thành" theo một "luật tăng trưởng", một sự "tiến triển", một "quá trình trưởng thành" nằm trong thân phận con người. Vì vậy, thân phận này hướng đến sự phát triển trên bình diện hiện hữu cá nhân cũng như trên bình diện lịch sử tâm linh của nhân loại, và cuối cùng hướng đến một sự siêu việt. Đôi khi Irénée diễn tả viễn tượng này bằng cách trình bày Adam lúc phạm tội như đang còn trong tình trạng thơ ấu: lúc ban đầu, nhân loại trải qua thời thơ ấu, con người thần thiêng hay hoàn hảo chỉ có thể là kết quả của một sự chín mùi lâu dài. Khi đặt sự hoàn hảo của con người không phải ở khởi điểm nhưng là ở tận điểm lịch sử của nó, viễn tượng này thực sự mới mẻ so với não trạng cổ thời, một não trạng thường coi trọng những gì thuộc về khởi thủy. Chúng ta thấy Mạc khải Thánh kinh và Kitô giáo đã khởi đầu một sự giải thích về con người và về thế giới như thế nào: thể xác, vũ trụ đều liên kết với vận mệnh của con người; thời gian và lịch sử được cảm nghiệm không phải như là điều khiến ta mỏi mòn, mất kiên nhẫn, nhưng như là không gian cho sự chín mùi, trong đó ý định của Thiên Chúa được hoàn thành.

·      Là hữu thể tự do và có trách nhiệm: Theo Irénée, tự do của hữu thể con người trước vận mệnh của mình là một khía cạnh của hình ảnh Thiên Chúa nơi con người: con người được tự do như Thiên Chúa là Đấng tự do. Thiên Chúa đã dựng nên con người như thế, "có quyền riêng của mình như là linh hồn mình", và Ngài tôn trọng cách toàn vẹn tự do này. Vậy sự hoàn hảo của con người sẽ không có được nếu con người không thuận theo chương trình của Thiên Chúa. Thế nhưng, khi sử dụng tự do, con người có nguy cơ phạm tội, và thực tế con người đã phạm tội. Tội lỗi không phá vỡ chương trình của Thiên Chúa nhưng làm cho con người không thể tiến tới ơn gọi làm con cái Thiên Chúa. Từ đây, chỉ duy Đức Kitô mới có thể khai thông con đường tiến tới này. Hành động của Thiên Chúa, vì nhắm tới một hữu thể tự do, đang trở thành, sẽ là một giáo dục nhân loại từng bước: đề tài "đường lối sư phạm" của Thiên Chúa là một chủ đề cổ điển nơi các Giáo Phụ, một đàng, nó nói lên sáng kiến của Thiên Chúa, đàng khác, nói lên sự tôn trọng tự do của thụ tạo và những giai đoạn cần thiết của hành trình đi tới. Ngôi Lời và Thần Khí, "hai bàn tay" của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, là những tác viên của đường lối sư phạm này qua dòng lịch sử. Ở đây, Irénée tiếp nối những quan điểm của justin về sự hiện diện và hoạt động phổ quát của Ngôi Lời.

Như ta thấy, tư tưởng của Irénée, tuy được diễn tả trong một ngôn ngữ còn ít chuyên môn, nhưng là một tư tưởng hết sức tích cực, năng động và dù có một khoảng cách lịch sử, nó phù hợp với ý tưởng của khoa học ngày nay về nguồn gốc con người nhiều hơn là với các thần học phát sinh sau thời Irénée, và có khuynh hướng coi Adam như nguyên mẫu đã thành toàn của hữu thể con người. Irénée là một trong những Giáo Phụ mà con người thời nay dễ "thông cảm" hơn cả.

CON NGƯỜI, MỘT HỮU THỂ MANG BA CHIỀU KÍCH

"Con người hoàn hảo, đó là sự hòa lẫn và là sự kết hợp của linh hồn đã đón nhận Thần Khí của Cha và được hòa trộn với thân xác, được nắn đúc theo hình ảnh Thiên Chúa. Ba điều đó phải được phục hồi và kết hợp lại và chỉ có một và cùng một ơn cứu độ cho chúng. Vì chưng, những tinh thần không có thân xác sẽ không bao giờ là những người thần thiêng, nhưng chính bản thể của chúng ta, nghĩa là hợp thể linh hồn và thân xác, một khi đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa, mới làm nên con người thần thiêng".

Irénée, Chống lạc giáo, V.6.1:8.2, Sources Chrétiennes, n. 153, p. 73, 79-81.91

SỰ TĂNG TRƯỞNG CỦA CON NGƯỜI

Ở đây, hẳn người ta sẽ bác bẻ: Sao? Thiên Chúa lại không thể làm ra con người hoàn hảo ngay từ khởi thủy ư? Hãy biết rằng, đối với Thiên Chúa, Đấng, luôn luôn đồng nhất với chính mình và là Đấng bất thụ tạo, thì mọi sự đều có thể, nếu chỉ xét về phía Ngài. Nhưng các hữu thể thụ tạo, xét rằng chúng chỉ khởi đầu hiện hữu là nhờ đón nhận về sau, nên tất yếu chúng thấp hơn Đấng đã dựng nên chúng. Vì không phải là những hữu thể bất thụ tạo, chúng ở bên dưới sự hoàn hảo: vì, xét rằng chúng mới được tạo thành, chúng là những trẻ nhỏ và, xét là những trẻ nhỏ, chúng chưa quen cũng như chưa già dặn trong đời sống hoàn hảo. Về phần Thiên Chúa, Ngài có thể ban sự hoàn hảo cho con người ngay từ đầu, nhưng con người không có khả năng đón nhận vì mới chỉ là một em bé. Và cũng vì thế, Chúa chúng ta, trong thời sau hết, khi Ngài thâu họp mọi sự nơi Ngài, sẽ đến với chúng ta, không phải như Ngài có thể, nhưng như chúng ta có thể nhìn thấy Ngài: quả vậy, Ngài hẳn có thể đến với chúng ta trong vinh quang khôn tả của Ngài, nhưng chúng ta vẫn chưa đủ khả năng chịu nổi sự lớn lao của vinh quang Ngài.

Đó là trình tự, đó là nhịp độ, đó là tiến trình qua đó con người thụ tạo và được nắn đúc trở thành theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa bất thụ tạo: Chúa Cha quyết định và điều khiển. Chúa Con thi hành và nắn đúc, Thánh Thần nuôi dưỡng và làm tăng trưởng, con người tiến bộ dần dần và vươn đến sự hoàn hảo, nghĩa là đến gần Đấng bất thụ tạo, vì chỉ có Đấng bất thụ tạo mới hoàn hảo, và Đấng đó là Thiên Chúa. Về phần con người, tiên vàn nó phải được dựng nên, khi đã trưởng thành thì nó tăng bội, khi tăng bội thì nó nên mạnh mẽ, khi đã nên mạnh mẽ thì nó được tôn vinh và cuối cùng khi đã được tôn vinh thì nó nhìn thấy Chúa của mình: vì chưng, ngày kia nó phải được nhìn thấy Thiên Chúa, và việc nhìn thấy Thiên Chúa mang lại sự bất hoại và "sự bất hoại cho ta được ở bên Thiên Chúa".

Irénée, Chống Ngộ đạo IV, 38,1và 3, Sources Chrétiennes, n. 100, p. 943-947; 955-957

KITÔ HỮU CON NGƯỜI ĐỨNG THẲNG

Tự do của con người

(Khi lên án tội ngay cả trong sự ao ước, Đức Kitô): "qua đó muốn dạy chúng ta hiểu rằng, chúng ta phải trả lẽ cho Thiên Chúa không những về các hành vi của mình, như những kẻ nô lệ, mà còn cả về những lời lẽ và tư tưởng của chúng ta, như những người đã lãnh quyền tự do nhất là vì chính trong sự thực thi quyền đó mà ta nghiệm ra con người có kính trọng và yêu mến Chúa hay không: Chính vì vậy Phaolô nói rằng chúng ta có tự do không phải để che đậy ác tâm của mình, nhưng là để đức tin của chúng ta được thử luyện và hiện tỏ".

Việc hiến dâng của lễ trong Giáo Hội là hiến dâng của những con người tự do lên Thiên Chúa, theo Irénée đây là điểm phân biệt giữa lễ dâng của Giáo Hội với các lễ dâng của Cựu Ước.

"Xét về giống (genre) các lễ tế đã không bị hủy bỏ, ở kia có lễ tế thì ở đây cũng có; có những hy tế trong dân, thì trong Giáo Hội cũng có như thế. Chỉ duy về loại là thay đổi: không còn phải là những nô lệ, mà là những con người tự do hiến dâng của những kẻ nô lệ có một đặc tính riêng và lễ tế của những người tự do có một đặc tính riêng, ngõ hầu, dấu đặc trưng của tự do cũng được tỏ lộ ngay trong việc dâng lễ: vì, không một điều gì là vô ích hay vô nghĩa đối với Ngài".

Con người tự do như Thiên Chúa là Đấng tự do

"Lời nói: "Đã bao lần ta muốn tập họp con cái các ngươi và các ngươi đã không muốn" minh họa rất rõ luật xa xưa về tự do của con người. Vì chưng, Thiên Chúa dựng nên con người tự do, ngay từ ban đầu đã có quyền tự chủ thuộc về mình, giống như linh hồn thuộc về mình, để nghe theo lời khuyên của Thiên Chúa cách tự nguyện và không bị cưỡng ép. Quả vậy, không có sự cưỡng bách về phía Thiên Chúa, nhưng nơi Ngài luôn luôn có lời khuyên tốt lành. Và vì vậy, một đàng, Ngài ban lời khuyên cho mọi người, đàng khác, Ngài đặt vào con người    quyền lựa chọn, như Ngài đã từng thực hiện đối với các thiên thần, vì các thiên thần cũng là loài có lý trí.

Con người tự do ngay từ ban đầu, vì Thiên Chúa cũng là Đấng tự do, và con người đã được dựng nên giống như Ngài; vì thế con người luôn được khuyên hãy giữ điều lành, điều này được thực hiện nhờ sự tuân phục đối với Thiên Chúa."

Irénée, Chống Ngộ đạo IV, 16.5; 18.2; 37.1 và 4, Sources Chrétiennes, n. 100, p.573-574; 599. 919-921, 933.


Trở về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà