Kỳ 13

Người thợ mộc thành Na-da-rét

 

Đoàn người hành hương đã rời Ai-cập được sáu ngày. Họ đã ra đi vào buổi sáng ngày đầu tuần, và ngày tiếp theo đây là một ngày Sa-bát, họ phải nghỉ ngơi theo luật định. Họ là những gia đình Do-thái đã sống lâu năm tại đất Ai-cập, có lẽ từ ngày đế quốc Rô-ma đặt ách nô lệ mới trên dân tộc Ít-ra-en.

Trời về chiều. Một làn gió mát từ phía tây thổi tới vừa làm cho mọi người cảm thấy sảng khoái, vừa báo cho họ biết con đường về đất tổ tiên không còn xa. Chẳng mấy chốc bóng đêm ụp xuống bao trùm vạn vật. Cũng như các gia đình khác, Giu-se đã cùng Ma-ri-a dựng căn lều nhỏ của mình bên cạnh những căn lều to lớn hơn của những người khá giả. Để được an tâm khi phải nghỉ qua đêm giữa đồng vắng, các gia đình đã dựng lều thành vòng tròn sát cạnh nhau, cửa lều quay vào phía trong. Họ ăn bữa tối vội vàng và đi ngủ sớm vừa để khỏi tốn dầu vừa để khỏi gây sự chú ý cho muông thú hay kẻ bất lương nào lang thang trong hoang địa. Họ tổ chức có những người đàn ông luân phiên canh gác ban đêm, đề phòng mọi bất trắc.

Giu-se còn trẻ, thường nhận phiên gác từ giữa đêm đến sáng. Nhưng Ma-ri-a ít khi để chàng thức một mình. Và trong khi Giu-se được đánh thức chỗi dậy ngồi nhìn vào đêm tối của sa mạc, canh giữ an toàn cho tất cả mọi người, thì Ma-ri-a cũng đã tỉnh giấc, sẵn sàng tiếp ứng nếu có nhu cầu. Suốt năm đêm liền nàng đã làm như thế mà Giu-se chẳng hay biết gì. Những lúc thao thức như vậy, Ma-ri-a không thể nào không nghĩ đến cuộc xuất hành của tổ tiên ngày xưa, cuộc xuất hành mà hằng năm người gia trưởng có bổn phận phải kể lại cho con cái trong bữa ăn tối áp lễ Vượt Qua. Nàng đã nhiều làn mỉm cười trong đêm tối khi ví chuyến đi trở về của gia đình nàng với cuộc vượt hoang địa về miền đất hứa của tổ tiên.

Hai ngày trước khi ra đi, Ma-ri-a đã cùng chồng và bé Giê-su đi thăm từ giã những gia đình mà vợ chồng nàng đã kết thân trong những tháng năm sống trên đất Ai-cập. Tính hiền lành, khiêm tốn, kết hợp với tinh thần sẵn sàng phục vụ mọi người không những đã gắn bó vợ chồng nàng với các gia đình xung quanh mà còn làm cho họ trở thành gương mẫu cho các đôi vợ chồng khác noi theo. Có những đôi vợ chồng trước đây sống với nhau không ra gì, vợ không tôn trọng chồng, chồng coi vợ như con ở, đánh đập chửi bới mỗi khi lên cơn nóng giận; nhưng từ ngày được Ma-ri-a lui tới thăm viếng, được Giu-se giúp sửa sang vật nọ vật kia, họ đã bị cảm hóa lúc nào không hay và đã trở nên những cặp vợ chồng biết được yêu thương nhịn nhục nhau là gì, và nhờ đó đã tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nhiều gia đình Do-thái vì sống xa quê cha đất tổ, đã dần dần quên đi các tập tục của tổ tiên; nhưng khi Giu-se và Ma-ri-a đến sống giữa họ, tuy nghèo nàn cơ cực nhưng trung thành thờ kính Gia-vê Thiên Chúa, họ đã từ từ thay đổi nếp sống, gây không ít ngạc nhiên cho những gia đình Ai-cập láng giềng.

Chính những gia đình Do-thái này sau khi nghe Giu-se bàn chuyện trở về Giê-ru-xa-lem dự lễ Vượt Qua đã vui vẻ cùng chàng lên kế hoạch cho chuyến đi. Giu-se đã không dám nói cho họ biết mục đích thật sự của gia đình chàng, khi chàng thấy nỗi vui mừng phấn khởi của họ vì được hành hương về Đền thánh sau bao nhiêu năm xa cách. Còn Ma-ri-a, mặc dầu nàng đã nói với chồng là nàng không sợ cô độc nếu chỉ có ba người vượt hoang địa trở về quê hương, nhưng khi nghe Giu-se nói có nhiều gia đình Do-thái muốn được cùng gia đình họ về Giê-ru-xa-lem mừng lễ Vượt Qua, nàng đã không giấu được nỗi vui sướng. Nàng nghĩ đến Giê-su khi có các bạn nhỏ cùng đi sẽ không còn biết đến mệt mỏi vất vả của đường dài, nàng nghĩ đến Giu-se sẽ vui hơn khi có những vị gia trưởng khác để mà nói chuyện; nhưng nàng nghĩ nhiều hơn đến việc có dịp giúp đỡ những người lớn tuổi, tạo niềm hân hoan cho mọi người bằng chính niềm hân hoan của nàng khi hướng về miền đất tổ tiên, về Đền thánh của Thiên Chúa. Và đúng như nàng dự đoán, nhiều phụ nữ và người già, vì không quen đi xa nên chỉ mới được một ngày đường đã tỏ ra bực dọc, lê bước một cách uể oải, thậm chí có người còn tỏ ý muốn trở lui. Chính những lúc ấy, sự tươi trẻ và hăng hái của Ma-ri-a đã tiếp sức cho họ.

Đêm đầu tiên cắm lều giữa đồng vắng, một vị gia trưởng hơi có tuổi đã nói với mọi người:

– Tôi có điều này muốn nói với bà con.

Ai nấy ngạc nhiên, chăm chú lắng nghe trong khi vị gia trưởng kia đảo mắt qua lại như muốn tìm một người nào. Cuối cùng ông nói:

– Tôi muốn cảm ơn vợ chồng anh Giu-se, và nhất là cảm ơn chị Ma-ri-a. Thật tình mà nói, nếu không có anh chị, bằng những cử chỉ và lời nói nhẹ nhàng, khích lệ chúng tôi trong chuyến đi này, thì tôi e rằng không ít người trong chúng tôi đã bỏ cuộc.

Ma-ri-a hích tay Giu-se, bảo chàng lên tiếng, nhưng Giu-se lắc đầu rồi lại ra hiệu bảo nàng nói. Ma-ri-a chưa biết phải nói gì thì một bà đã nói trước:

– Ông Gia-ai nói đúng lắm. Chị Ma-ri-a vừa đẹp lại vừa hiền, nhưng lời chị nói sao mà có sức thu hút như vậy! Tôi nói thật, không có chị ấy thì tôi đã ngồi lì trên đường rồi, làm gì mà tới đây được? Nghe giọng nói của chị ấy, cảm được bàn tay chị ấy đặt trên vai, thế là tôi hết cả mệt. Tôi cám ơn chị lắm, chị Ma-ri-a à, chị có nghe tôi nói không đó?

Ma-ri-a cảm thấy bị bắt buộc phải lên tiếng, nàng nói:

– Dạ, em nghe đây ạ. Nhưng thưa bà, có gì đâu, em thấy em còn trẻ và khoẻ, lại quen đi bộ, nên em đã làm thế thôi. Nếu có phải cảm ơn, chúng ta hãy cảm ơn Gia-vê Thiên Chúa đã dẫn dắt chúng ta đến hôm nay.

Có ai đó nói to:

– Phải đấy, nào chúng ta cùng đứng lên hát Thánh vịnh tạ ơn đi!

Mọi người, già trẻ lớn bé, đều cùng đứng nhưng chẳng nghe ai khởi xướng. Bấy giờ người vừa nói, lại lên tiếng:

– Xin anh Giu-se bắt đầu để chúng tôi cùng hát theo; chứ lâu nay ít có dịp hát, chúng tôi không biết bắt đầu làm sao.

***

Và đêm thứ sáu đã xuống từ lâu. Trên trời, một nửa vầng trăng lạnh lùng hắt một thứ ánh sáng trắng đục xuống trên hoang địa đang chìm sâu trong yên lặng. Xa xa, văng vẳng tiếng sủa của mấy con linh cẩu đi săn đêm. Giu-se đã được đánh thức để thay phiên gác. Cũng như những đêm trước, chàng cùng mấy vị gia trưởng trẻ đi một vòng quanh trại trước khi chia tay nhau, mỗi người đến ngồi giữa hai vách lều, cách khoảng ba bốn lều một người. Họ ngồi thế cho đến sáng, bảo vệ sự an toàn cho cả trại, trong đó có vợ con họ đang yên giấc.

Giu-se luôn ngồi cạnh lều của gia đình chàng, cái lều nhỏ nhất và có vẻ nghèo nhất. Chàng không sao không nghĩ đến gia cảnh của mình, không phải để than thân trách phận nhưng là vì chàng luôn suy ngẫm về vai trò của vợ chồng chàng đối với sứ mạng của Giê-su, người con tuy không phải do huyết nhục của chàng nhưng chàng yêu mến hơn hết mọi sự trên đời và nguyện sẽ bảo vệ bằng chính mạng sống của mình. Nhưng chàng vẫn thường thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại chọn cho Con của Ngài một con đường sống lạ lùng như vậy! Ngoài ba vị khách sang trọng đến bái lạy hài nhi tại Bê-lem năm nào, những người gần gũi với Giê-su – cha, mẹ, họ hàng, bạn bè – đều là những người nghèo khó thấp hèn. Rồi còn nơi cư ngụ – hang đá lạnh lẽo ngoài đồng tại Bê-lem, túp lều nghèo nàn ở Ai-cập – chẳng có nơi nào xứng đáng với cuộc sống của một con người bình thường, nói gì đến cuộc sống của một vị hoàng tử. Nhưng cảnh nghèo khó không làm cho tâm hồn Giu-se đau đớn bằng việc đứa con nhỏ bé của vợ chồng chàng bị săn đuổi như một tên gian phi, đang đêm phải trốn khỏi Bê-lem, sống chui nhủi nơi đất khách quê người. Tại sao phải như thế? Người mà thiên sứ loan báo là Con Đấng Tối Cao, sẽ làm Vua để giải thoát dân Thiên Chúa khỏi nô lệ tội lỗi, sao lại phải như thế?

Gần như lúc nào ở một mình, không phải bận bịu với công việc đục đẽo cưa bào, Giu-se cũng đều ngẫm suy về những điều bí ẩn đó, đến độ như bị ám ảnh...

***

Một vệt sáng màu đỏ càng lúc càng lan rộng ở chân trời phía đông báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu. Giu-se đứng lên, vươn vai hít không khí trong lành của hoang mạc...

(Còn tiếp)

 


Mục Lục: Người Thợ Mộc Thành Na-Da-Rét
Trở Về Trang Nhà