CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY B

VINH QUANG NƠI THẬP GIÁ

+++

A. DẪN NHẬP.

 

          Con người có nhu cầu cần phải yêu và được yêu, chỉ trừ khi chết mới hết yêu.  Sống mà được yêu thương là hạnh phúc. Con người mà được Thiên Chúa yêu thương thì còn hạnh phúc nào bằng. Giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và loài người là một giao ước tình yêu, nhưng nhiều lần loài người đã phá vỡ giao ước ấy, nghĩa là chối bỏ, không chấp nhận tình yêu ấy nữa.  Nhưng Thiên Chúa vẫn không nản lòng, Ngài đã nhờ các tiên tri loan báo cho loài người biết là Ngài sẽ ký kết một giao ước mới và vĩnh cửu. Và để cho ai nấy được rõ, Ngài đã muốn giao ước được ký trong máu Con của Ngài đổ ra trên thập giá. Chính Đức Giêsu đã nói:”Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình  của kẻ chết vì người mình yêu”.  Ngài đã chết cho chúng ta. Giờ khổ nạn của Chúa là giờ của tình yêu mà Ngài đã loan báo trước, đồng thời cũng là giờ Ngài được tôn vinh.

 

          Phụng vụ hôm nay nhắc cho chúng ta phải thi hành giao ước tình yêu mà Chúa đã ký kết với chúng ta trong máu Con của Ngài trên thập giá. Đáp lại tình yêu cao vời ấy, chúng ta hãy đón nhận “giờ” của Chúa là giờ của ta chúng ta, nghĩa là chúng ta sẵn sàng đón nhận  những gian nan thử thách, thi hành thánh ý Chúa, chu toàn giữ lề luật Chúa như lời Chúa nói qua miệng tiên tri:”Ta sẽ đặt lề luật Ta trong lòng chúng, Ta sẽ ghi khắc luật đó vào trái tim chúng”.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          + Bài đọc 1 : Gr 31,31-34.

 

          Khi dân Do thái thoát ách nô lệ của Ai cập, Thiên Chúa đã ký kết với dân một Giao ước ở chân núi Sinai, qua trung gian ông Maisen. Theo đó, Thiên Chúa sẽ là Chúa của họ và bảo vệ họ, còn họ là dân riêng của Ngài, họ phải trung thành phụng sự Ngài là Chúa tể duy nhất.  Giao ước đó đã được khắc lên hai bia đá.

 

          Nhưng qua thời gian, dân Chúa đã phản bội Ngài, phá bỏ Giao ước đã ký kết, và kết quả là họ bị quân địch đến tàn phá đất nước, dân chúng phải đi lưu đầy ở Babylon.

 

          Tuy thế, Tiên tri Giêrêmia loan báo cho họ biết Thiên Chúa sẽ lập một giao ước mới với dân Ngài. Giao ước đó sẽ không còn ghi trên bia đá nữa, mà khắc ghi ngay trong lòng họ. Giao ước này là giao ước tình yêu. Để cho ai nấy được rõ, Ngài đã muốn cho giao ước này được ký kết trong máu của Con Ngài đổ ra trên thập giá. Giao ước mới và vĩnh cửu này nói lên tình thương lớn lao và sự tha thứ không bờ bến của Ngài:”Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lầm lỗi của chúng nữa”(Gr 31,34).

 

 

 

          + Bài đọc 2 : Dt 5,7-9.

 

          Đức Giêsu Kitô với thân phận làm người đã hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa Cha, Ngài đã sẵn lòng chịu đau khổ đến mức tận cùng để cứu chuộc loài người bằng chính máu mình đổ ra trên thập giá. Tác giả thư Do thái hiểu rằng cuộc chịu nạn của Đức Giêsu là “căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài”.

 

          + Bài Tin mừng : Ga 12,20-33.

 

          Nhân cơ hội có sự hiện diện của mấy người ngoại giáo gốc Hy lạp muốn gặp Đức Giêsu để tìm hiểu về Ngài, hoặc muốn trình bầy điều gì đó, nhân dịp này Ngài nói với họ về“Giờ của Ngài”. Giờ của Ngài tức là lúc Ngài bị treo trên thập giá, giờ mà Ngài được tôn vinh.

 

          Nói theo ngôn ngữ người đời thì đó là một điều nghịch lý, nhưng với cái nhìn đức tin, thì đó lại là một niềm vinh dự vì qua cái nhục trong một thời gian vắn, một cái nhục vô lý, Đức Giêsu sẽ chiến thắng vẻ vang  nhờ cuộc phục sinh của Ngài, cũng như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác:”Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Ta”(Ga 12,33).

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                               Vinh quang trong khổ nhục        

I. ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC TÔN VINH.

 

          Đức Giêsu nói:”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”(Ga 12,22). Ngài được tôn vinh như thế nào ? Đức Giêsu được tôn vinh không phải bằng sự giầu sang, danh vọng, quyền thế, vinh quang thế gian, Ngài được tôn vinh chính lúc bị treo trên thập giá vì Ngài đã vâng theo thánh ý Cha Ngài, Ngài chiến thắng vẻ vang trong khổ nhục .

 

          1. Giờ của Đức Giêsu.

 

          Đức Giêsu đã cầu nguyện cùng Cha:”Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đến”. Giờ này là giờ nào ? Phải chăng là lúc ký giao ước mới  trong máu của Ngài đổ ra trên thập giá?  Đúng như vậy !

 

          Lịch sử cứu độ qua các mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại, ta thấy có nhiều giao ước đã được thay đổi : Từ giao ước Adong (St 3,15), với Noe (St 9,1-17), với Abraham (St 17,1-27) đến lời hứa giao ước mới mà Thiên Chúa dùng tiên tri Giêrêmia loan báo (Gr 31,31-34) : tất cả những lời giao ước đó đều thấy thực hiện viên mãn trong GIỜ của Đức Giêsu. Giao ước mới quả đã thực hiện lời Thiên Chúa hứa với nguyên tổ (St 315) đem lại chiến thắng cho con người, và tái lập tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và loài người.

 

          Đức Giêsu nói:”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Những lần khác, Đức Giêsu nhắc đến “Giờ chưa đến”(Ga 2,4 ; 7,30 ; 8,20), nhưng ở đây Ngài lại nói đến “Giờ đã đến”. Vậy “Giờ” ở đây không phải là giờ vinh quang cho bằng là “Giờ hiến tế” đem lại vinh quang cho Ngài : Giờ vinh quang của Con Người là giờ tử nạn và phục sinh của Ngài.

 

          2. Sự vâng phục của Đức Giêsu.

 

          Khi chấp  nhận mục nát như hạt giống gieo vào lòng đất với cuộc Vượt Qua trên thập giá, Đức Giêsu đã sống trọn vẹn mầu nhiệm tự hủy nơi bản thân mình. Mầu nhiệm này đã bắt đầu bằng việc Nhập Thể và kéo dài trong suốt cuộc sống của Ngài. Sự tự hủy này trước hết, hệ tại ở sự vâng phục hoàn toàn của Đức Giêsu trước thánh ý của Chúa Cha. Tâm tình tuân phục đó của Đức Giêsu cũng được tỏ lộ cách cụ thể qua lời Ngài thưa với Chúa Cha, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay:”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin làm vinh danh Cha”

 

          Mặc dù luôn đặt ý Cha trên hết mọi sự, nhưng trong bản tính của một con người, đứng trước con đường thập giá, Đức Giêsu cũng không khỏi sợ hãi, xao xuyến, ngần ngại. Ngài sợ hãi vì trước mắt, thập giá chính là “một điều điên rồ đối với dân ngoại, là cớ vấp phạm cho người Do thái”(1 Cr 1,23). Vì thế, khi biết rằng sắp đến “giờ” của Ngài, Đức Giêsu đã phải thốt lên:”Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”.

 

          Lắng nghe lời tâm sự tha thiết tự đáy lòng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng : sống vâng phục không phải là một điều dễ dàng. Sự vâng phục này  đòi hỏi Đức Giêsu một sự cố gắng, kiên trì để vượt qua bản thân, sẵn sàng đón nhận các biến cố vui buồn Thiên Chúa gửi đến từng ngày trong cuộc sống ; hay nói cách khác , Đức Giêsu cũng đã phải học để có thể sống vâng phục, như lời tác giả thư Do thái viết:”Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài (Đức Giêsu) đã học vâng phục do những đau khổ Ngài chịu”. Thế nhưng, chính nhờ sự vâng phục trọn vẹn đó mà Đức Giêsu khi hoàn tất”Ngài đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Ngài”.

 

          3. Đức Giêsu chấp nhận thập giá.

 

          Với tư cách là con người như chúng ta, Đức Giêsu cũng cảm thấy sợ hãi trước đau khổ. Trong vuờn Cây Dầu Ngài cũng đã xao xuyến (x. Mt 26,38) và phải kêu xin cùng Cha:”Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”(Mt 26.39). Theo tính tự nhiên, Đức Giêsu muốn trốn tránh sự đau khổ, nhưng Ngài lại muốn tuân theo thánh ý Cha để cho Cha định liệu. Và ý của Chúa Cha là  muốn cho Con Ngài chịu chết trên thập gia để cứu chuộc nhân loại.

 

          Bài Tin mừng hôm nay cho ta thấy rõ quan niệm của Chúa đối với đau khổ, đối với mọi thánh giá trên đời.

          Đức Giêsu dùng cây thánh giá như bậc thang tới vinh quang “Per Crucem ad lucem”. Quan niệm đó mới nhìn qua là một nghịch lý, song Ngài đã giải thích bằng một dụ ngôn vắn tắt và đầy ý nghĩa : dụ ngôn hạt giống:”Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất, mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình,  nhưng nếu nó thôi đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất và ai ghét mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời”(Ga 12,24).

 

          Cây thánh giá còn là phương tiện chinh phục. Ngài cho biết, Ngài được giương lên cao thì cũng sẽ có nhiều người cùng được lên cao với Ngài:”Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”(Ga 12,32). Lịch sử đã chứng minh cho lời Chúa. Biết bao người đã tin theo Ngài vì cái chết đau thương đầy tình thương xót của Ngài. Biết bao người đã bỏ tất cả và cảm mến tấm lòng thương xót của Ngài. Thập giá Chúa đã in sâu vào trong lòng người ta.

 

Truyện : Ông đóng khố cởi trần.

 

          Người ta kể rằng : Tin mừng Chúa được gieo rắc tại Nhật bản từ hồi thế kỷ 16 do các vị thừa sai ngoại quốc đem đến.  Giáo hội Nhật tuy còn non trẻ mà đã bị cấm cách giết hại. Các vị thừa sai, vị thì bị giết, vị thì phải trục xuất, không còn một vị thừa sai nào ở lại để tiếp tục dạy giáo lý, củng cố đức tin cho họ. Ai cũng tưởng rằng Giáo hội Nhật bản đã bị xoá sổ vì suốt trong ba trăm năm không còn ai đến dạy dỗ họ. Nhưng không ngờ, khi các nhà thừa sai được phép truyền giáo lại ở Nhật, có người xưng mình là Kitô hữu. Khi được hỏi về giáo lý thì họ mù tịt, chẳng hiểu biết gì. Nhưng khi được hỏi là họ thờ ai, thì họ đã mạnh dạn thưa :”Thờ ông đóng khố cởi trần trên thập giá”!

 

II. CHÚNG TA SẼ ĐƯỢC TÔN VINH.

 

          Những người theo Đức Kitô sẽ được tôn vinh, nhưng muốn được tôn vinh thì cũng phải có điều kiện, phải nói được như thánh Phaolô : vinh quang của ta là thánh giá Đức Kitô. Chúng ta sẽ tìm được vinh quang trong sự tự hủy, trong việc cho đi và chấp nhận thánh giá trong đời.

 

          1. Sống theo con đường tự hủy.

 

          Thánh Phaolô đã vinh tụng Đức Giêsu trong bài thánh ca:”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chất trên cây thập tự”(Pl 2,6-8).

 

          Đức Giêsu đã tự chọn lấy cái chết để chiếm lấy sự sống. Mới nghe thì ai cũng cho là phi lý vì chếtsống trái ngược nhau, làm sao có thể dung hòa được, nhưng chết và sống không hẳn là hai điều luôn đối nghịch nhau, nhiều khi chúng liên kết hỗ trợ nhau : sự chết nuôi sự sống và sự sống có thể sống được là nhờ sự chết. Ta có thể đưa ra vài ví dụ :

 

          - Nơi thực vật : những thứ được dùng làm phân bón phải chết đi thì mới trở thành chất bổ dưỡng cho cây.

          - Nơi sinh vật : các thức ăn phải “tiêu” mới “hoá” thành lương thực.

          - Trong cõi nhân sinh : những người già chết đi để nhường đất và hoa mầu của đất cho các thế hệ sau dùng đó mà sống.

          - Ngọn nến : sáp nến phải chảy ra và bị đốt thì ánh sáng mới bùng lên.

          Đức Giêsu chết để cho con người sống. Sự chết của Ngài là nguồn sự sống cho chúng ta.

                             (Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 165)

 

          Theo như Flor McCarthy thì “Chết là một phần của sống. Chúng ta sinh ra là để chết, hầu có thể sống sung mãn hơn”. Thực vậy,

          - mỗi một hành vi khiêm tốn là một phần tính kiêu ngạo chết đi.

          - mỗi một hành vi can đảm là một phần tính hèn nhát chết đi.

          - mỗi một hành vi dịu dàng là một phần tính hung hăng chết đi.

          - mỗi một hành vi yêu thương là một phần tính ích kỷ chết đi.

          Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa dần dần sống mạnh.

 

          Nói một cách cụ thể để áp dụng vào cuộc sống, chúng ta thử đưa ra vài trường hợp cho việc tự hủy, tức là bỏ ý riêng của mình đi để theo ý Chúa :

 

          - Giả sử cuộc hôn nhân của chúng ta bị tan vỡ và chúng ta cần sự trợ giúp ở bên ngoài, nhưng vì quá kiêu căng chúng ta không muốn yêu cầu điều ấy. Như vậy “bắt ý riêng chết đi” có nghĩa là bắt lòng kiêu ngạo của ta chết đi và sẵn sàng tìm kiếm sự trợ giúp.

 

          - Hoặc giả như chúng ta được bạn bè thân tín cho biết chúng ta đang ngày càng bê tha rượu chè, nhưng chúng ta cứ tiếp tục không nghe dù tình trạng bê tha gia tăng rõ ràng. Như thế “chết cho ý riêng”có nghĩa là nhìn nhận vấn đề của chúng ta và tìm kiếm phương thuốc điều  trị.

          - Giả như một bạn bè hoặc một người thân trong gia đình xúc phạm đến chúng ta một cách nào đó, khiến chúng ta cứ giữ mãi mối ác cảm với người ấy. Thì “Chết cho ý riêng mình” có nghĩa là thật lòng tha thứ cho người ấy và lại tiếp tục dùng tình thương cử xử với y. Không ai nói rằng : Chết cho ý riêng mình là điều dễ dàng.

                              (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm B, tr 97

 

          2. Sống là phải biết cho đi.

 

          Với con đường tự hủy, Đức Giêsu đã chứng minh một chân lý xem ra có vẻ nghịch lý:”Cho là nhận” và “Chết là con đường đưa tới sự sống”.  Thật vậy, với kinh nghiệm thường ngày, chúng ta cũng có thể nhận ra điều này. Mỗi khi chúng ta mở bàn tay để cho là lúc chúng ta có thể nhận được, và sẽ trở nên phong phú. Còn nếu chúng ta cứ nắm bàn tay lại để giữ cho chính mình, thì cũng đồng thời, chúng ta không có thể đón nhận được bất cứ điều gì. Như thế chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn và cô đơn.

 

          Tương tự, một người buôn bán cứ phải bỏ tiền ra để mua hàng hoá  khiến tiền bạc bị hao hụt đi, nhưng nhờ vậy có hàng bán ra để thu tiền vào và có lời, khiến tiền bạc ngày càng gia tăng và trở nên giầu có. Nếu người ấy không chịu bỏ tiền ra để đầu tư, cứ giữ khư khư số tiền mình có, thì làm sao gia tăng số tiền ấy lên được ? Vậy, điều cần thiết để có là phải cho ra hay cho đi.

 

          Cảm nghiệm sâu sắc chân lý từ mầu nhiệm tự hủy của Đức Giêsu, thánh Phanxicô Assisi, trong lời kinh Hoà bình, đã ca lên :”Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

 

Truyện : Thánh Maximilien Kolbe.

 

          Cha Maximilien Kolbe làm gương cho chúng ta về cung cách sống của người môn đệ Chúa : Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Oswiccim của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên “Ôi vợ và các con tôi”.

          Hàng trăm dẫy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dẫy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trại trưởng. Mọi người nín thở : chuyện chưa từng có ! Viên trưởng trại đặt tay lên súng :

          - Anh muốn gì ?

          - Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.

          Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho kẻ có vợ và các con đang đợi ở nhà.  Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp  nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đo chính là Maximilien Kolbe, một Linh mục công giáo. Cha đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 10.10.1982.

 

          3. Chấp nhận thánh giá trong đời.

 

          Đau khổ và hạnh phúc luôn gắn liền và đi đôi với nhau. Bài Tin mừng hôm nay giúp chúng ta áp dụng định luật ấy vào đời sống, vào cuộc hành trình đi đến hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của ta.  Đức Giêsu cho biết :”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Và Ngài cho biết lý do nào khiến Ngài được tôn vinh. Hay nói cách khác, Ngài phải sống hay làm thế nào mới được tôn vinh:”Thầy bảo thật anh em, nếu hạt giống gieo xuống đất...” Ngài còn diễn tả chân lý ấy theo kiểu khác:”Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

 

          Qua những lời ấy, Đức Giêsu cho thấy sự song đôi tất yếu của một cặp yếu tố trái ngược nhau : chết đi và sinh ra, hạnh phúc và đau khổ. Hạt lúa có thể chết đi mới sinh ra những hạt khác. Con người có đau khổ mới làm cho mình và người khác hạnh phúc.  Thật vậy, nếu người ta cứ sống mãi không chết, làm sao thế giới có đủ chỗ và tài nguyên cho các thế hệ con cháu sinh ra sau ?  Do đó, chết là điều kiện tất yếu của sống, và đau khổ là điều kiện tối yếu của hạnh phúc.  Thật vậy, trên đời, có hạnh phúc nào mà không được xây dựng trên đau khổ, hoặc của chính mình, hoặc của người khác ?  Người ta nói không sai :

 

                                      Có khó mới có miếng ăn,

                             Không dưng ai bỗng đem phần chia cho.

                                                (Ca dao)

 

          Trong Kinh thánh có rất nhiều câu nói lên sự đi đôi giữa sống và chết, giữa đau khổ và hạnh phúc, trong đó có vài câu chúng ta thường nghe như :

          “Người đi trong nước mắt, đem hạt giống gieo trên ruộng đồng,

          Người về miệng vui ca , tay ôm bó lúa ngào ngạt hương”(Tv 126,6).

hoặc:

          Nếu ta cùng chết với Ngài, nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị với Ngài”(2Tm 2,11-12; x. Rm 6,8; 8,17).

 

Truyện : Thập giá chỉ đường.

 

          Phi trường quốc tế Pensylvania là một trong những sân bay lớn nhất, hiện đại nhất trong các sân bay của Hoa kỳ. Cách sân bay chỉ khoảng cây số có một ngôi thánh đường nằm đúng vào hướng bay cuối một trong những phi đạo nhộn nhịp đón nhiều chuyến bay nhất.

 

          Sợ tháp chuông có thể gây nguy hiểm cho các máy bay mỗi lần đáp xuống phi đạo, toàn thể giáo dân ở đây đã đồng lòng quyết định sẽ đặt trên đỉûnh tháp chuông một bóng đèn nê-ông lớn bằng hình cây thánh giá. Từ đó, mỗi lần chuẩn bị đáp xuống phi đạo vào ban đêm, các phi công đều dựa vào ánh sáng tỏa ra từ cây thánh giá như thể đó là một ngọn hải đăng chỉ đường cho các con tầu cập bến an toàn.

 

“Lạy Chúa Giêsu, Thánh giá Chúa là một mầu nhiệm mà lý trí chúng con khó hiểu, và đứng trước mầu nhiệm này, tình cảm chúng con hoảng sợ và khước từ. Xin Chúa ban ánh sáng soi dẫn ý nghĩa cho chúng con. Xin ban cho chúng con nghị lực chấp nhận nó với tất cả những đòi hỏi của nó. Xin ban cho chúng con  vui sống mầu nhiệm ấy với Chúa, ngõ hầu Nước Cha trị đến trong chúng con và khắp trần gian đến muôn thuở muôn đời”. Amen.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Về trang Mục Lục