CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG B

CHÚA ĐẾN MANG LẠI NIỀM VUI

+++

A. DẪN NHẬP.

 

          Người ta thường nói : đời là bể khổ hoặc đời là thung lũng nước mắt. Đối với chúng ta đời không hẳn là như thế, mà ta có thể nói : cuộc đời có rất nhiều đau khổ, đầy gian nan thử thách, và chúng ta có thể biến tất cả thành niềm vui nếu chúng ta biết đặt niềm tin vào Chúa, Đấng là nguồn vui bất tận.

 

          Qua các bài đọc Chúa nhật hôm nay, Giáo hội mời gọi ta sống trong niềm vui chờ đợi Giáng sinh. Chúa sẽ đến cứu chúng ta, ngày giờ Chúa đến không được xác định. Trong thời gian chờ đợi có lẽ chúng ta lo âu, buồn phiền và nghĩ  rằng hy vọng của mình có thể là ảo tưởng, niềm tin của mình xem ra hão huyền.

 

          Không, chúng ta hãy vững tin, đừng thất vọng. Thánh Phaolô thúc giục chúng ta :”Anh em hãy vui mừng luôn mãi”(bài đọc 2). Tuy trên bước đường chờ đợi có gặp nhiều khó khăn, nhiều gian nan thử thách, nhưng chúng ta là Kitô hữu, hãy cứ mạnh tiến, với tâm hồn tin tưởng và phấn khởi. Đức Kitô đang ở đó, vẫn âm thầm hiện diện, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài ở cuối đường. Sống trong Mùa Vọng, chúng ta hãy sống với tư tưởng này : Chúa đã gần đến, nên ta hãy trút mọi phiền sầu và hãy vui lên.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          +  Bài đọc 1 : Is 61,1-2a.10-11.

 

          Dân Israel bị bắt đi lưu đầy ở Babylon 70 năm trường. Vài năm trước khi kết thúc cuộc lưu đầy, tiên tri Isaia đã loan tin mừng cho dân, báo cho họ biết là sắp được giải thoát, họ sẽ không còn bị đè nén, ức hiếp bởi kẻ thù nữa.

 

          Họ sẽ được trở về quê cha đất tổ của mình, tuy còn là những người nghèo khổ, đụng phải những khó khăn nghiêm trọng, hoàn toàn thiếu phương tiện vật chất, bị những người lân cận sách nhiễu và thù ghét, nhưng trước mặt Thiên Chúa, họ không còn là những người bị ruồng rẫy, trái lại, họ mới là chính đối tượng Thiên Chúa dành cho mối tình âu yếm.

 

          Như vậy, tiên tri Isaia đã đem đến cho những người khốn khó này một sứ điệp hy vọng, nhằm an ủi họ và cũng khơi dậy niềm vui trong họ, là những kẻ được Thiên Chúa yêu hơn cả :”Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao(Is 61,10) .  Sau này, trong bài Magnificat, Đức Maria đã lấy lại tâm tình này, và Đức Giêsu, tại hội đường Nazareth, cũng áp dụng ý tưởng này cho bản thân mình.

 

          + Bài đọc 2 : 1 Tx 5,16-24.

 

          Trong thư gửi cho tín hữu Thessalonica, thánh Phaolô nhắc nhở họ hãy vui tươi vì đã được Thiên Chúa cứu độ :”Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không  ngừng”.  Nhưng dù sao, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải quan tâm đến ngày Quang lâm hay ngày Chúa trở lại.  Phải chuẩn bị cho ngày đó .

 

          Phải chuẩn bị bằng cách nào ? Theo thánh Phaolô,  phải chuẩn bị bằng cách sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong bình an và vui tươi nhờ cầu nguyện, theo đuổi điều thiện hảo, tin tưởng nơi Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.  Nếu làm được như thế là chúng ta đã sẵn sàng đón tiếp Đức Kitô, cho dù không biết ngày nào Ngài trở lại.

 

          + Bài Tin mừng : Ga 1,66-8.19-28.

 

          Trong bài Tin mừng tuần trước, thánh Gioan Tẩy giả đã hô hào dân chúng dọn đường cho Chúa đến,  hôm nay, Ngài tự giới thiệu cho người Do thái Ngài chỉ là người làm chứng và sửa soạn cho Chúa đến.  Gioan đi rao giảng phép rửa thống hối, từng đoàn người tấp nập kéo đến bờ sông Giorđan xin chịu phép rửa. Việc này chứng tỏ ảnh hưởng của Gioan đã lan rộng khắp vùng, làm cho các nhà chức trách phải thắc mắc : Ông này là ai ? Ông có ý đồ gì không ?

 

          Vì thế, nhà chức trách gửi một số tư tế và mấy Lêvi đến điều tra xem Gioan là ai ? Câu hỏi chỉ xoay quanh tư tưởng chủ chốt : “Ông có phải là Đấng Messia không” ? Gioan đã trả lời thẳng thắn : Ông không phải là Đấng Messia, cũng không phải là Elia, thậm chí cũng không phải một trong các tiên tri thời xưa trở lại.  Ông chỉ khẳng định : Ông là sứ giả có trách nhiệm dọn đường cho Chúa thôi.  Còn phép rửa của ông làm chỉ là dọn đường mở  lối cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu thế.  Nhưng ông nhấn mạnh cho họ tư tưởng này : Đấng Cứu thế đang ở giữa họ, mà họ không biết.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                                Làm chứng cho Chúa

I. GIOAN, ÔNG LÀ AI ?

 

          Đã từ 400 năm, tiếng nói tiên tri đã im bặt, bây giờ với Gioan, tiếng nói ấy lại vang lên.  Qua đó một số người đã ngưỡng mộ ông Gioan Tẩy giả đến độ dành cho ông địa vị cao hơn địa vị thích đáng, còn cao hơn cả Đức Giêsu. Tiếng nói của Gioan đã vang dội và đánh động nơi nhiều người.

 

          Cấp lãnh đạo Do thái sợ Gioan chiếm mất địa vị của mình, đã sai mấy tư tế và Lêvi đến điều tra xem Gioan là ai.  Họ sợ ông là Êlia sống lại, người đã thiêu sống hơn 500 tư tế của hoàng hậu  Giêzabel thời vua Achab. Họ sợ ông là một tiên tri, như bao tiên tri của Thiên Chúa, đến đe dọa họ, đưa những tin làm đảo lộn thời thế, làm mất quyền lợi địa vị của họ. Họ phải đề phòng, kiểm soát, canh chừng mọi bất trắc xẩy ra. Họ đã biết có nhiều người được dân coi là Đấng Cứu thế, nổi lên chống ngoại bang, làm cho bao nhiêu người phải chết lây, nhất là tầng lớp lãnh đạo tôn giáo lại càng sợ đế quốc tiêu diệt.

 

          Vì vậy, cấp lãnh đạo tôn giáo sai tư tế và Lêvi đến đặt câu hỏi, yêu cầu Gioan phải trả lời cho ho biết : Ông là ai ?

 

          1. Gioan là Đấng Messia ?

 

          Tâm lý chung của các nước các dân bị trị đều mong có một vị cứu tinh nào đến giải phóng họ khỏi cảnh kìm kẹp của ngoại bang.  Dân Do thái đang sống trong tâm trạng đó. Họ tin rằng  họ là dân tuyển chọn của Giavê, họ không nghi ngờ gì về việc chẳng chóng thì chầy Thiên Chúa sẽ can thiệp để cứu dân Ngài.  Không phải chỉ có một quan niệm về Đấng Messia : có người tin rằng Đấng Messia sẽ đem lại hòa bình cho cả thế giới. Có người trông chờ Ngài sẽ cai trị đất nước bằng sự công chính. Có người trông chờ có một siêu nhân đến từ Thiên Chúa. Nhưng đa số trông mong một vị tướng lãnh vô địch sẽ cầm đầu quân đội quốc gia Do thái đi chinh phục cả thế giới.

 

          Trước câu hỏi đó, Gioan hoàn toàn bác bỏ danh xưng Messia, nhưng lại tiết lộ một phần khác.  Trong tiếng Hy lạp có vẻ như Gioan muốn nói : “Tôi không phải là Đấng Messia, nhưng Đấng Messia đang có mặt ở đây mà các ông không biết”.

 

          2. Gioan là tiên tri Êlia ?

 

          Người Do thái tin rằng tiên tri Êlia và ông Hênốc đã được đưa về trời trên chiếc xe bằng lửa, và khi Đấng Messia giáng lâm, Êlia sẽ trở lại để loan báo trước, và chuẩn bị cho thế gian tiếp rước Ngài.  Họ tin rằng Êlia sẽ đến sắp xếp lại mọi công việc cho người Do thái : dàn xếp những bất hòa, đem lại sự đoàn kết và nối lại các gia đình.  Niềm tin rằng Êlia phải đến trước Đấng Messia bắt nguồn từ Malakia 4,5.  Người ta còn tin rằng chính Êlia xức dầu cho Đấng Messia làm vua cũng như cho tất cả các vị vua được xức dầu. Nhưng Gioan tẩy giả đã bác bỏ mọi vinh dự đó.

 

          3. Gioan là một tiên tri nào đó ?

 

          Nhiều người Do thái tin Isaia và đặc biệt là Giêrêmia hoặc một trong các vị anh hùng cứu nước như Samuel, Maisen... sẽ có ngày trở lại.  Niềm tin đó dựa vào sách Đệ nhị luật (18,15) nói có vị tiên tri sẽ xuất hiện.  Đó là lời hứa dân Do thái không khi nào quên. Họ chờ đợi sự xuất hiện của một nhân vật sẽ là tiên tri vĩ đại nhất.  Họ hỏi Gioan có phải là một trong các vị tiên tri được hứa trong sách Đệ nhị luật không ? Một lần nữa, Gioan Tẩy giả trả lời là “không”.  Sự thực ngài cũng là tiên tri, nhưng không phải là tiên tri theo sách Đệ nhị luật nói.

 

          4. Gioan là người làm chứng ?

 

          Để trả lời cho họ, Gioan không trả lời trực tiếp : Tôi là Tiền sứ của Chúa Cưu thế vì ông khiêm tốn nhưng ông mượn lời tiên tri Isaia :”Tôi chỉ là tiếng hô trong hoang địa : hãy dọn đường cho Chúa.

 

          Muốn hiểu rõ câu nói đó của Gioan Tẩy giả, ta nên nhớ rằng những con đường ngày xưa chỉ có một ít là trải sỏi hoặc đá, còn đa số là những con đường lầy lội. Khi một vị vua muốn đi thăm một tỉnh nào đó trong vương quốc của mình, ông sẽ sai một người “tiền hô” tới đó trước để báo cho dân chúng lấp đầy những hố, những vũng bùn, và làm cho những con đường thẳng thắn lại.  Người  “tiền hô” còn một điều nữa phải làm là dạy cho dân chúng những nghi thức tiếp tân thích hợp để đón nhà vua tới.  Gioan Tẩy giả cũng lưu ý tới thái độ tiếp tân cần phải có để đón Chúa tới. Ông nói :”Hãy ăn năn hối cải tội lỗi mình và hãy lãnh nhận phép rửa”.

 

          Tóm lại, chúng ta có thể diễn đạt toàn bộ sứ điệp của Gioan như sau :”Tôi không phải là Đấng Cứu thế, nhưng tôi là người “tiền hô” cho Ngài. Hãy chuẩn bị vì Ngài sắp đến”. Gioan đã làm những gì mà mọi vị lãnh đạo tôn giáo đích thực phải làm. Ông không để cho người ta chú ý tới ông, mà hướng mọi sự chú ý của họ vào Đức Giêsu.

 

          Còn một điều khác làm cho phái đoàn Do thái thắc mắc : Gioan lấy quyền gì mà làm phép rửa ? Nếu ông là Đấng Messia, là Êlia hay là một tiên tri thì ông mới có quyền làm !  Nhưng bằng một giọng thản nhiên, Gioan  nói rõ : ông là tiên tri dọn đường Chúa Cứu thế thì cố nhiên phép rửa của ông cũng chính là phép dọn đường mở lối cho phép rửa chính thức của Đấng Cứu thế.  Và ông nhấn mạnh thêm : Chúa Cứu thế đã đến rồi và hiện  nay đang ở giữa họ, thế mà họ đã không nhận ra Ngài.

 

II. KITÔ HỮU, NGƯỜI LÀ AI  ?

 

          1 . Là chứng nhân của Chúa

 

Kitô hữu là người được mang danh Chúa Kitô, danh hiệu này đã được thánh Phaolô lần đầu tiên gọi các tín hữu ở Antiochia. Kitô hữu là người thuộc về Chúa Kitô, được đồng hoá với Chúa Kitô đang sống giữa chúng ta.  Chúng ta không như người Do thái phải mất mấy thế kỷ  mong đợi Đấng Cứu thế đến.  Hơn nữa,  cũng không phải sống lại những biến cố đã qua. Đức Kitô đã đến. Ngài đang có đó. Liên tục hiện diện giữa chúng ta để loan báo Tin mừng cho người nghèo, để chữa lành các tâm hồn bị tan vỡ và giải thoát những kẻ bị xiềng xích.

 

Tuy Chúa Cứu thế đã đến rồi và ở giữa chúng ta,  nhưng trong thực tế , chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Ngài không ?  Phải chăng lời khiển trách của Gioan Tẩy giả lại không nhằm đến chúng ta, cũng như những người Do thái đời ông :”Giữa các ngươi có một Đấng , mà các ngươi không biết”. Do đó, lời mời gọi khẩn thiết được trao gửi cho ta, giúp chúng ta dễ chấp nhận những nỗ lực và hy sinh cần thiết, để từ bỏ mọi kiêu căng, thoát khỏi những lố lăng trần thế, hầu nhận biết Đức Kitô.

 

Truyện : Tình nghĩa vợ chồng.

 

Tại một trung tâm bài phong, đa số các bệnh nhân đều buồn chán, vì cảm thấy bị bỏ rơi và bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, có một người vẫn còn biết cười và vẫn còn tiếp tục tạ ơn khi được giúp đỡ.  Vị nữ tu coi sóc trung tâm muốn tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân của phép lạ này.  Sau nhiều ngày theo dõi, vị nữ tu mới khám phá rằng, xuyên qua một lỗ nhỏ trên vách tường ngăn cách trung tâm với thế giới bên ngoài, ngày ngày có một người đàn bà đến nhìn vào và mỉm cười rất trìu mến.  Đó là tất cả sức mạnh và niềm hy vọng của người đàn ông xấu số. Mỗi ngày ông chờ đợi nụ cười ấy, khuôn mặt người đàn bà khi xuất hiện, mỉm cười và biến mất.  Người đàn ông duy nhất còn biết cười nơi trung tâm bài phong đó đã giải thích cho vị nữ tu đó như sau :

 

          “Người đàn bà ấy chính là vợ tôi ; trước khi tôi đến đây, nàng đã tìm đủ mọi cách để chữa chạy cho tôi. Mỗi ngày nàng lau chùi một khoảng nhỏ trên khuôn mặt tôi và đặt lên đó một cái hôn.  Nhưng cuối cùng nàng không thể giữ tôi lâu hơn, người ta đã đến đưa tôi vào trung tâm này, nhưng vợ tôi đã không bỏ tôi, mỗi ngày nàng đến nhìn qua vách tường và mỉm cười với tôi.  Nhờ nàng, tôi biết rằng tôi vẫn còn sống, nhờ nàng, tôi vẫn còn muốn sống”.

 

          Người vợ đã làm sống lại niềm tin của chồng. Ông ta không còn thất vọng, không bi quan, không chán đời và còn muốn sống vì đã được tình thương của người vợ ấp ủ. Chính tình yêu của người vợ đối với chồng đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.

 

          Người Kitô hữu cũng là chứng nhân của Đức Kitô trong cuộc sống. Về điểm này, nhaThần học Teilhard de Chardin đã ví von rất sống động :”Ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán được có Đức Kitô”.

 

 Người vợ trong câu chuyện kể trên  phản ảnh một tấm gương sáng ngời về lòng thương người, luôn quan tâm tới người khác, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân vì tình yêu Đức Kitô như thánh Phaolô nói :”Caritas Christi urget me” : Tình yêu Đức Kitô thúc đẩy tôi.

 

          Mục sư Martin Luther King nói :”Chúng ta không làm chứng chỉ bằng lời nói, mà còn làm chứng bằng cả cuộc sống của mình”, đúng như người ta nói :

         

                                      Lời nói như gió lung lay,

                                      Gương bày như tay lôi kéo.

 

          Có những tâm hồn dần dần được cải hóa nhờ việc làm của ta, nhưng chính ta lại không ngờ.

          J. Basquin nói :”Sống chứng nhân không phải là đuổi theo các tâm hồn, mà là sống làm sao để các tâm hồn chạy theo ta”.

 

          Ước gì nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người có thể nói như đã nói về thánh Gioan Vianney :”Tôi đã thấy Thiên Chúa trong một người”.

 

          2. Chờ  đợi ngày Chúa trở lại.

 

          Người Kitô luôn nhớ lời Chúa hứa mà phấn khởi trong cuộc sống :”Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến, và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các conb cũng ở đó

(Ga 14,3).

 

          Trong suốt Mùa Vọng, Giáo hội hướng lòng chúng ta về Chúa Kitô như một điểm qui chiếu. Giáo hội hành động giống như vị “tiền hô” của Ngài.  Và cuối cùng Giáo hội giải thích cho chúng ta phải chuẩn bị đón Ngài như thế nào.

          Mùa Vọng nói với chúng ta về việc Đức Giêsu đến. Ngài không phải chỉ đến trong dòng lịch sử như chúng ta vẫn mừng và kỷ niệm ngày lễ Giáng sinh, mà còn đến lần chót vào cuối dòng lịch sử nữa, để lúc ấy sẽ có trời mới đất mới.

 

          Và việc Chúa sẽ trở lại lần thứ hai với loài người trong ngày chung thẩm, Tin mừng thánh Matthêu còn ghi rõ :”Khi con người đến với tư cách là vị Vua, Ngài sẽ ngồi trên ngai vàng của Ngài, và toàn dân thiên hạ đều qui tụ trước mặt Ngài. Lúc đó Ngài phân chia họ ra thành hai nhóm, y như người chăn tách chiên ra khỏi dê... Nhà Vua sẽ nói với những người ở bên phải : Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc ! Hãy đến và lãnh lấy Nước Trời làm cơ nghiệp... Rồi Ngài nói với những người ở bên trái : Hãy đi khỏi mặt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25,34-41).

 

          3. Chờ đợi trong niềm vui.

 

          Đối với Kitô hữu, cuộc sống ở trần gian này là thời gian chờ đợi Chúa đến.  Chúa đến trong ngày chung thẩm và Chúa đến với ta trong ngày sau hết của đời mình. Đời là một cuộc lữ hành đi về trời.  Trong cuộc lữ hành đó có buồn vui sướng khổ xen lẫn nhau. Nhưng trong bài Thánh  thư hôm nay, thánh Phaolô khuyên tín hữu Thessalonica :”Anh em hãy vui mừng luôn  mãi”(Tx 5,16).

 

          Tại sao Ngài khuyên chúng ta “hãy vui mừng luôn mãi” ? Ngài bảo chúng ta hãy vui mừng  vì chúng ta đã được Thiên Chúa cứu độ :”Linh hồn tôi nhảy mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Ngoài ra, chúng ta là con cái Chúa, con cái Chúa thì phải vui luôn, vui trong lúc buồn, vui trong lúc khổ, vui trong thất bại vì tất cả nằm trong thánh ý Thiên Chúa.

 

          Làm sao chúng ta mang một nét mặt buồn rầu khi chúng ta đến gần Chúa là nguồn vui, như lời thánh vịnh nói :”Tôi sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, Đấng làm cho tuổi thanh xuân tôi được vui tươi”. Chúa là nguồn vui, tại sao gần nguồn vui mà lại buồn ? Ta hãy bắt chước thánh Têrêsa Hài đồng mà chấp nhận trong vui tươi :

                            

                             Vâng, con sẽ hát, con còn hát mãi

                             Dù trăm gai con vẫn hái hoa hồng.

                             Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong

                             Gai càng dài, lời ca càng thánh thót.

                                       (Têrêsa Hài đồng)

 

Truyện : kịch sĩ hài lại buồn

 

          Người ta cho biết tại một thành phố kia có một kịch sĩ nổi tiếng vì tài nhạo cười. Ai buồn đến đâu, khó tính đến mấy nếu nghe kịch sĩ này pha trò thì thế nào cũng phải bật cười.

          Cũng trong thành phố ấy có một nhà tâm lý nổi tiếng chữa được hầu hết mọi tâm bệnh. Ngày nọ một người đàn ông đứng tuổi, mặt mày rầu rĩ đến xin gặp nhà tâm lý.

          Được nhà tâm lý hỏi nguyên do, ông trả lời :

          - Thưa bác sĩ, tôi là một người thiếu hạnh phúc, cuộc đời tôi quá buồn khổ. Bác sĩ có cách nào làm cho tôi vui được không ?

          Nhà tâm lý hỏi :

          - Ông có quá túng thiếu về tiền bạc  không ?

          Ông đáp :

          - Thú thật với bác sĩ, tôi là người khá giầu.

          Nhà tâm lý hỏi tiếp :

          - Thế vợ con ông ra sao ?

          Ông ta gật đầu nói :

          - Tôi có một người vợ vừa hiền vừa đẹp và mấy đứa con rất dễ  thương.

          Sau khi hỏi thêm một vài điều khác, nhà tâm lý đề nghị :

          - Tôi nghĩ ông nên đến nghe kịch sĩ  nổi tiếng trong thành phố chúng ta. Thế nào ông cũng quên đi được nỗi buồn chán và tìm lại được niềm vui.

          - Thưa bác sĩ, tôi xin cám ơn lời khuyên của bác sĩ. Nhưng... Tôi lại chính là kịch sĩ đó !

 

          Nghe câu chuyện có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tế là vậy. Một con người có biệt tài làm cho người khác dù buồn chán đến đâu cũng phải vui lên được mà chính mình lại là nạn nhân của sự buồn rầu.  Cái mâu thuẫn đó dễ hiểu vì kịch sĩ  đó ngay trong tâm hồn  không có nguồn vui thì làm sao mình cảm thấy vui được ? Niềm vui đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là chính niềm vui vĩnh cửu cho chính Ngài và từ nơi Ngài, niềm vui ấy được trao ban cho con người.

         

          Chúa Giêsu chính là hiện thân niềm vui của Thiên Chúa. Từ cung lòng Chúa Cha, Ngài đến báo tin vui cho nhân loại và giải thoát con người khỏi mọi sầu khổ đau thương gây nên bởi tội lỗi và sự chết.  Ngài đã đem niềm vui đó đến với nhân trần trong đêm Giáng sinh tại Belem : Vinh danh Thiên Chúa tên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.

 

          Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy đến với Chúa. Gặp gỡ Chúa là đến với nguồn vui bất tận,  có niềm vui Thiên Chúa trong lòng mình, chúng ta sẽ làm cho người khác hưởng được niềm vui chân thật và bền vững.

 

          Chúng ta hãy nhớ một câu trong bản nhạc rất hay của nhạc sĩ trứ danh Sebastian Bach :

Lạy Chúa Giêsu su, xin cho niềm vui của con luôn tồn tại, để niềm vui đó đem lại niềm vui cho những người khác”.

 

 Lạy Chúa, xin hãy đến : Maranatha, xin viếng thăm và ban cho chúng con niềm vui Giáng sinh bất tận.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

         

 


Về trang Mục Lục