MỒNG HAI TẾT NHÂM THÌN

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

 

          Hôm nay Giáo hội Việt nam kính nhớ ông bà tổ tiên nhân dịp đầu năm mới.  Kính nhớ các bậc tiền nhân chính là thể hiện tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt nam “Uống nước nhớ nguồn”.  Các ngài đã tận tụy nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta nên người, đặc biệt là giúp chúng ta  biết Chúa là Đấng đáng tôn thờ và yêu mến.

 

          Công ơn của tiền nhân đòi hỏi chúng ta  phải báo hiếu bằng cách cầu nguyện cho các ngài trong dịp đầu xuân này;  đồng thời tiếp tục những gì các ngài đã làm : hãy tận tâm săn sóc dạy dỗ con cháu chúng ta nên người.

 

          Chúng ta hãy dâng Thánh lễ hôm nay đặc biệt cầu cho ông bà tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo vì “đó chính là của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Cl 3,20)

 

I. NÓI VỀ ĐẠO HIẾU

 

          1. Ý nghĩa đạo hiếu.

 

          Truyền thống cha ông chúng ta coi trọng chữ Hiếu. Để đánh giá tư cách của một người nào, các cụ ngày xưa thường dựa vào cách người đó đối xử với cha mẹ, anh chị em theo “tinh thần hiếu đễ”.  Thậm chí các cụ coi việc báo hiếu  còn quan trọng hơn cả việc đi tu :

                                            Tu đâu cho bằng tu nhà

                                      Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.

 

          Hơn nữa, việc thảo kính cha mẹ, xét về mặt tự nhiên, cũng là hợp lẽ công bằng, bởi vì cha mẹ là người  đã có công sinh thành, dưỡng dục,  giúp ta khôn lớn thành người trong xã hội.

 

          Đã làm con thì phải chu toàn chữ Hiếu và người ta đã nâng nhiệm vụ của con cái đối với cha mẹ lên hàng Đạo :”ĐẠO LÀM CON”.   Chúng ta tìm được tư tưởng này ngay trong ca dao tục ngữ :

 

                                       Công cha như núi Thái Sơn

                             Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

                                       Một lòng thờ mẹ kính cha

                             Cho tròn chứ Hiếu mới là “Đạo con”.

 

          Thế đó, thật nhẹ nhàng, nhưng từ lời ru của bà mẹ Việt nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày dần đã đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên tâm thức của từng người Việt nam tâm tình hiếu thảo, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là “hiếu” đứng đầu trăm nết :”Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”.   Do đó đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất.  Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trong 5 tội.  Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất”  (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, tr 326).

 

          Ở Việt nam, chữ “Hiếu” được nêu cao, nhắc nhở cái đạo làm con.  Đó là căn bản của đạo đức gia đình, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 

Nhắc chữ “Hiếu” có khi người ta còn nói tới “Đức cù lao” hay “Chín chữ cù lao” có nghĩa là nhắc nhớ đến chín điều cha mẹ nuôi nấng gánh chịu vì con : sinh, cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt), xúc (cho bú), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (săn sóc dạy bảo), phúc (bảo vệ).

 

          Trong Kinh Thi có câu :”Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” có nghĩa là thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc.

 

          Trong bài thứ năm, dạy học trò ở cho phải đạo, sách Gia huấn của Nguyễn Trãi có viết :

                                      Chữ rằng sinh ngã cù lao

                                Bể sâu khôn ví, trời cao khôn bì.

 

          2. Thể hiện lòng hiếu thảo.

 

          Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ.

 

          Trong đêm giao thừa, người ta có lễ Trừ tịch. Trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm.  Lễ Trừ tịch cử hành lúc giao thừa là lúc cũ mới giao tiếp.  Hết giờ Hợi sang giờ Tý vào lúc nửa đêm, là bắt đầu sang ngày khác âm lịch. Đêm 30 Tết lúc này là giao thừa, người ta làm lễ Trừ tịch  tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới, cũ giao lại công việc, mới tiếp nhận.

 

          Trong lễ Trừ tịch con cháu khấn với ông bà cha mẹ ví dụ như lời khấn đêm trừ tich sau đây :

Thời gian thấm thoát, ngày xuân sắp hiện

Nhờ công tiên tổ, phù hộ ở trên.

Nghĩa nặng ân sâu, lòng buồn khôn nén.

Uống nước nhớ nguồn, muốn tỏ tình riêng,

Cơm canh trầu rượu, hoa quả dâng lên

Báo gốc nhớ công, bộc bạch tâm thiêng

Cúi mong lượng trên soi chiếu

Ngõ hầu hiếu tâm không thẹn.

                   Cẩn cáo

 

          Sáng sớm ngày mồng một Tết, người ta pha trà cúng gia tiên, mọi người làm lễ trước bàn thờ theo thứ tự cha trước con sau, anh trên em dưới. Sau đó, con cháu mới đến chúc tuổi mới ông bà cha mẹ.  Con cháu chúc ông bà, cha mẹ những lời tốt đẹp nhất trong năm mới, sau đó người ta ăn Tết.

 

II. ĐẠO HIẾU ĐỐI VỚI CHÚNG TA

 

          1. Đạo hiếu, một giới răn.

 

          Đối với người Kitô hữu, việc thảo kính cha mẹ không chỉ là một bổn phận tự nhiên, nhưng còn là một đòi hỏi của Thiên Chúa. Nhìn lại bản Thập giới, chúng ta thấy ngay sau ba giới răn nói về bổn phận con người đối với Thiên Chúa, thì giới răn “Thảo kính cha mẹ” được đặt đầu tiên trong các giới răn nói về mối tương quan con người đối với nhau.  Điều đó cho thấy việc hiếu thảo đối với cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người Kitô hữu.

 

          Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cũng đã lặp lại giới răn này và khẳng định đó chính là ý muốn từ ban đầu của Thiên Chúa và con người không có quyền thay đổi.  Chúa Giêsu nói :”Thiên Chúa dạy : ngươi hãy thờ kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).

 

          Còn thánh Phaolô thì nói :”Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này”.

 

          Như thế, việc chúng ta thảo kính cha mẹ không tùy thuộc vào ý thích cá nhân của chúng ta , nhưng là thánh ý của Thiên Chúa.

 

          2. Sách Thánh nói về chữ Hiếu.

 

          Nếu như truyền thống Việt nam ghi nhận rằng, ai tôn kính cha mẹ, người đó được hưởng công đức cha mẹ mình để lại, rồi cho con cháu, thì Thánh Kinh xác định :”Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3,3-5).

 

Như vậy nếu trong ngày Tết chúng ta thường chúc nhau : Phúc, Lộc, Thọ, thì ai thờ cha kính mẹ, sẽ được hưởng cả ba điều cầu chúc này.

 

          Chẳng những thế, điều quan trong là “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20). Bởi vì,  Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con” (Hc 3,2); đồng thời lời cầu nguyện của người con sẽ được nhận lời.

 

          3. Hãy biểu lộ lòng thảo hiếu.

 

          Chúng ta phải bày tỏ lòng hiếu thảo đối với các ngài bằng cách nào ?  Hãy tôn kính các ngài bằng tấm lòng quí trọng và chân thành. Đừng báo hiếu vì lợi danh, vì ý định cá nhân.  Và nếu có thể, hãy làm với tinh thần vượt lên trên bổn phận (vì bổn phận chì dừng lại là báo đáp, là công bằng), mà báo hiếu đâu phải là sự vay – sự trả, nhưng đó là sự đáp trả của tình yêu.

 

          Chính Chúa Giêsu đã phê bình các luật sĩ :”Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn chủa Thiên Chúa ? Quả thật,  Thiên Chúa dạy : người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo :”Ai nói với cha mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” (Mt 15,3-6).

 

          Chúa Giêsu đã vạch trần sự ngụy biện của các luật sĩ.  Và qua đó cho thấy, lòng tôn kính cha mẹ cần xuất phát từ tấm lòng yêu thương, đồng thời điều đó phù hợp với thánh ý, với điều răn của Chúa chứ không hề ngược lại.

 

          Hãy thể hiện sự hiếu thảo, lòng tôn kính bằng việc quan tâm, lo lắng và săn sóc cha mẹ trong mọi hoàn cảnh.  Nghĩa là không chỉ hiện diện với cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ trong lúc cha mẹ vui vẻ, hạnh phúc, mạnh khỏe, mà còn cả trong lúc ốm đau, bệnh tật, trở chứng :”Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.  Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi con” (Hc 3,12-14).

 

          Một lần nữa, chúng ta phải ý thức về lòng hiếu thảo của chúng ta đối với ông bà cha mẹ vì đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.  Hãy tri ân các ngài và luôn thể hiện tâm tình “Uống nước nhớ nguồn” :

                                     

                             Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn

                             Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.

                             Người ta có gốc từ đâu

                             Có cha có mẹ rồi sau có mình.

 

                                      Truyện : Hiếu thảo của con gái

 

          Một bà quí phái La mã bị kết án vào tội tử hình và bị giam trong ngục tối để chờ ngày chịu tội.

          Tên gác ngục có nhiệm vụ phải treo cổ bà lên, thương tình không nỡ ra tay và có ý để cho bà nhịn ăn rồi cứ thế rạc dần dần đi cho đến khi nào chết thì thôi.

          Hằng ngày, tên gác ngục ấy cho phép đứa con gái bà vào thăm, nhưng cấm không cho mang đồ ăn, và khám xét nghiêm ngặt lắm.

          Nhiều ngày qua đi, vậy mà nữ tù nhân vẫn sống. Người gác lấy làm lạ lắm, tự hỏi không biết người nữ tù làm thế nào mà cứ sống dai dẳng như thế được.  Y bèn để tâm rinh mò và sau biết  tất cả sự thực. Cô con gái người nữ tù nuôi mẹ bằng cách đưa vú cho bẹ bú.

          Cảm động vô cùng, người gác bèn đem việc đó báo cho các nhà chức trách và chẳng mấy lúc đến tai tòa án.  Các quan tòa, cảm động vì lòng hiếu thảo của người con gái, truyền tha tội cho bà quí phái La mã nọ.

          Còn cảnh tương nào cảm động bằng thấy con gái cho mẹ bú và vì thế mà người mẹ được tha (Vũ Bằng, Đông Tây kim cổ tinh hoa, tr 59).

 

          “Uống nước nhớ nguồn” – Cội nguồn của chúng ta là ở nơi Thiên Chúa và được trải dài nối tiếp nơi ông bà tổ tiên và các tiền nhân. Hôm nay chúng ta hân hoan đón mừng xuân mới trong hạnh phúc cũng là nhờ công lao của ông bà tổ tiên chúng ta để lại.  Chúng ta cùng nhau xin dâng một nén hương, một lời cầu nguyện và một tấm lòng hoài niệm lên ông bà cha mẹ chúng ta. Xin Chúa nhờ Thánh lễ vô giá này mà trả công bội hậu cho các ngài.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim Phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục