CHIẾC   NHẪN

_______________________________________________

Chữ nhẫn là chữ tương vàng.

Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.

 

I. LỜI CHÚA : 1Ga 15,12-16.

 

        Đức Giêsu nhắc cho môn đệ một điều rất quan trọng :”Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

 

        Điều răn của Chúa là chúng ta phải yêu thương nhau ; nhưng làm sao người ta có thể yêu thương nếu không có một động lực, một nguồn yêu thương ngay từ trong lòng mình phát xuất ra ?  Làm sao có được nguồn yêu thương ấy ?

 

        Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (1Ga 4,7) nên chính Thiên Chúa là nguồn yêu thương (2Cr 13,11). Vì thế, muốn yêu thương, con người phải kết hợp làm một với Thiên Chúa, nguồn yêu thương. Kết hợp với Thiên Chúa là luôn ý thức rằng mình là “hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27; 9,6 ; Ep 4,24) và “được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (2Pr 1,4) một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương (x. 1Ga 4,8 . 16).

 

        Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, mà ta giống Ngài, là hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính Ngài, tất nhiên bản chất của ta cũng là yêu thương. Ta không yêu thương hay không yêu thương đủ, là ta sống không đúng với bản chất của ta.

 

        Yêu thương không phải chỉ ở trong tinh thần mà còn phải thể hiện ra bằng những việc làm cụ thể mà trong lễ cưới hôm nay có một nghi thức tượng trưng : trao nhẫn cưới.

 

II. CHIẾC NHẪN NGÀY CƯỚI.

 

        1. Trong nghi lễ hôn phối, ta thấy có nghi thức làm phép nhẫn và xỏ nhẫn cho nhau.

 

        a) Làm phép nhẫn : trong khi làm phép nhẫn Linh mục đọc :”Xin Thiên Chúa chúc phúc cho những chiếc nhẫn này mà hai người trao cho nhau để làm bằng chứng tình yêu và trung thành”.  Như vậy, chiếc nhẫn tượng trưng cho tình yêu và lòng trung tín của hai người.

 

          b) Trao nhẫn cho nhau :  trong khi xỏ nhẫn vào ngón tay nhau, đôi tân hôn đều đọc :”Anh (em) hãy nhận chiếc nhẫn này để làm bằng chứng tình yêu và trung thành của anh (em). Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

 

        Xỏ nhẫn cho nhau nói lên sự ràng buộc và trung thành với nhau suốt đời.  Chúng ta để ý xem hai chiếc nhẫn để sát vào nhau sẽ thành hình số 8.  Đấy là cái còng số 8 mà công an hay dùng để còng tội phạm.  Hôm nay hai người tự nguyện còng tay nhau mà không bao giờ có thể tháo ra được.

        c) Nghi lễ tấn phong Giám mục  : trong nghi lễ tấn phong, Đức tân Giám mục cũng được đeo nhẫn, điều đó nói lên ý nghĩa ngài đã kết hôn với giáo phận nên phải luôn trung thành với giáo phận được trao phó.

        Các chị nữ tu khấn trọn cũng được đeo nhẫn để nhắc cho các chị là các chị đã được kết hôn với Chúa Giêsu nên suốt đời phải trung thành với Ngài nghĩa là phải luôn trung thành với những lời đã khấn hứa.

 

        2. Nguồn gốc tục đeo nhẫn.

 

        Chiếc nhẫn cưới hình tròn. Vòng tròn tượng trưng cho lời khấn hứa bất diệt, điều nguyện cầu vô tận.  Đó là một tượng hình bắt đầu từ Ai cập.

 

        Theo tập tục của dân Anglosaxons,  khi làm lễ đính hôn thì lễ vật nhà trai mang đến nhà gái phải có một chiếc nhẫn đính hôn để vị hôn phu đeo cho vị hôn thê trước mặt đại diện hai họ.  Sau khi được vị hôn phu tự tay đeo nhẫn đính hôn cho mình rồi, vị hôn thê mới lấy một chiếc nhẫn đính hôn khác mà cô đã để sẵn trong túi áo để đeo vào tay người cô yêu.

 

        Nhẫn đính hôn được đeo vào ngón giáp  út của bàn tay trái cho đến ngày làm lễ cưới.  Tới ngày cưới, cô dâu chú dể sẽ tháo chiếc nhẫn đính hôn từ tay trái để đeo vào tay phải cho nhau.

 

        Dân Mỹ, Tô cách lan và dân theo đạo Thiên Chúa giáo hiện nay theo tục đeo nhẫn cưới vào ngón giáp út của bàn tay trái.

 

        Tín đồ Thiên Chúa giáo bắt đầu có tục lệ cô dâu chú rể đeo nhẫn cưới cho nhau kể từ năm 800, nghĩa là được 1200 năm rồi.

                (Hoàng Thảo, 1001 câu hỏi và giải đáp... tr 63-64)

 

          3. Hai chiếc nhẫn.

 

        a) Nhẫn cưới :  là một thứ kim loại qúi bằng vàng, bằng bạc hay kim cương. Cái đó không quan trọng,  có thể làm bằng nhưạ cũng được, cái cần nhất là ý nghĩa của nó : tình yêu và lòng trung thành với nhau.

 

        b) Nhẫn nhục : Trong những ngày trăng mật, mỗi thứ mỗi hay, mọi việc đều tốt.  Đời chỉ là mầu hồng. Nhưng sau đó,  cuộc đời không êm ả như nước mặt hồ thu mà có những sóng gió bão táp.  Người ta thường nói : bá nhân bá tính, không ai giống ai,  không thể có đồng nhất mà chỉ có hợp nhất trong đời sống vợ chồng. Phải biết trước thế nào cũng xẩy ra cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, những sự trái ý, sự va chạm sẽ xẩy ra liên tiếp... Trong những trường hợp này ta cần phải có sự NHẪN NHỤC,  nhẫn nhục là phải nhịn nhục nhau, phải bỏ ý riêng của mình.  Cho nên người ta mới nói là : đã nhẫn thì phải nhục.  Nhưng cái nhục ở đây là có ý thức, do tự nguyện, đó là “nhịn mày tốt tao”.

 

        Tôi xin hỏi anh chị em : khi hai vợ chồng đang xung khắc nhau, đang to tiếng, lời qua tiếng lại, thì ta nên làm gì ?  Ta nên làm gì ? Theo tôi nghĩ là nên làm... thinh !

 

        Người đời ai cũng khen người biết nhịn nhục,  có nhịn nhục cũng không hèn vì là cái chịu nhục có ý thức, cái nhục tự nguyện, làm vinh dự cho con người :

 

                        Chữ nhẫn là chữ tương vàng,

                        Ai mà nhẫn được thì càng sống lâu.

                                (ca dao)

 

        4. Chiếc nhẫn nhắc sự trung tín.

 

        Ngày nay người ta quá chú trọng vào đời sống vật chất, muốn được hưởng thụ nhiều.Sự giầu sang phú qúi và ngay sự đói nghèo cũng làm cho người ta xa lìa nhau :

 

                        Có ăn thiếp ở cùng chàng,

                        Không ăn thiếp tếch, cơ hàn thiếp lui.

                                    (ca dao)

 

        Vợ chồng cần phải trung thành với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ như lời hứa mà hai anh chị sắp đọc trong nghi thức hôn phối.

                       

                        Truyện minh họa.

        Năm 1028, khi thấy mình sắp chết đến nơi rồi, vua Constantin IX ở La mã cho vời nhà quí tộc Romanuus đến, để đồng thời vừa truyền ngôi, vừa gả công chúa Théodora cho nữa.

        Romanus tâu vua : mình hết lòng cảm ơn lòng thương của vua, song mình đã có vợ.

        Không đếm xỉa gì đến lời tâu, vua truyền cho ông, nếu không lấy con vua thì sẽ bị khoét cả hai con mắt : muốn chọn đàng nào thì chọn. Rồi nhà vua cho ông một ngay để suy nghĩ.

        Tới ngày hẹn, ông Romanus vào chầu.  Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn.  Nhưng Romanus can đảm tâu vua :  dây hôn phối ràng buộc ông với vợ, do Thiên Chúa buộc, và thế gian không ai có quyền tháo gỡ. Vua ra sức ép nài nhưng vô ích.

        Ông Romanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật của Thiên Chúa.

                        (Trần công Hoán, Truyện hay 5, tr 54-55)

 

        Hôm nay hai người đã ý thức được việc mình làm và hai người hãy nhìn vào nhau, nói với nhau một cách đanh thép :

 

                        Dầu mà trời đất phân chia,

                        Đôi ta như khóa với chìa đừng rơi.

                                (ca dao)

 

          KẾT LUẬN

 

        Trong cuộc sống gia đình không thiếu gì những khó khăn, những gian nan thử thách, nhưng chúng ta biết rằng lúc nào cũng có Chúa trong gia đình chúng ta, Ngài sẽ nâng đỡ an ủi, ban sức mạnh để chúng ta thắng vượt vì qua  sóng gió bão táp thì trời lại sáng , gia đình lại yên vui.  Vợ chồng phải luôn tâm niệm rằng :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không thể phân ly” (Mt 19,6).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giao xứ Kim phát

Tháng 12 / 2002


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà