D Â N G     H I Ế N

_______________________________________

Yêu là trao ban

 

I. LỜI CHÚA : Ga 3,16-17;  1Cr 13,7.

 

        Trong việc Ngôi Hai xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại đã được thánh Gioan tông đồ mô tả lại trong Phúc âm :

        “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngừoi xuống thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

 

        Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Người đã làm mọi sự cho nhân loại, Người không tiếc gì với chúng ta đến nỗi đã trao ban cà Con Một của Người để cứu chuộc thế gian.

 

        Do đó, ta có thể nói như nhiều người thường nghĩ : “Yêu là trao ban, là dâng hiến”.

 

II. TÌNH YÊU LÀ GÌ ?

 

          1. Không định nghĩa được.

        Cho tới nay chưa ai định nghĩa được tình yêu một cách thỏa đáng.  Càng nói càng khó hiểu vì nó chỉ có thể để cảm nghiệm, chứ không phải để nói :

 

                                Yêu là khó nói cho xuôi,

                        Bởi ai hiểu được sao trời lại xanh,

                                (Hồ Dzếnh)

 

        2. Thánh Gioan tông đồ.

        Ngài chỉ có thể nói :”Căn cứ vào điều này, chúng ta biết tình yêu là gì : đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16).

 

        3. Thánh Phaolô tông đồ.

        Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Ngài nói :”Yêu là CHO tất cả, nhận tất cả và chịu đựng  tất cả” (x. 1Cr 13,7)

 

        4. Một số bạn trẻ.

        Các bạn trẻ định nghĩa tình yêu về nhiều phương diện, nhưng có một câu định nghĩa mà nhiều bạn rất thích :”Yêu là DÂNG HIẾN”.

 

III. YÊU LÀ DÂNG HIẾN.

 

        1. Trong văn chương Việt nam.

        Tư tưởng này rất quen thuộc và đã có trong nền văn chương Việt nam mà hầu như ai cũng đã thuộc lòng hay ít ra đã được nghe :

                                Yêu nhau cởi áo cho nhau,

                               Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

                                        (Ca dao)

                hoặc :

                                Yêu nhau xé lụa may quần

                              Ghét nhau kể nợ kể nần nhau ra.

                                        (Ca dao)

 

        2. Phải chăng một cuộc trao đổi ?

 

        Tình yêu không bao giờ được so đo tính toán hơn thiệt mà chỉ nhằm hạnh phúc cho người mình yêu. Vì thế, tình yêu không phải là một cuộc trao đổi có tính toán sòng phẳng, mà là một sự chia sẻ vô vị lợi; hay nói đúng hơn, là một sự trao tặng, một sự dâng hiến :

 

“Tình yêu đích thực sở dĩ nhận được là nhờ nơi dấu hiệu không bao giờ sai lầm này : nó dâng tặng mà không bao giờ mong nhận được cái gì cả”.

                        (Roger Godel)

 

        3. Giá trị của quà tặng.

 

        Món quà trao tặng càng có giá trị khi nó động chạm đến thân mình, trường hợp bà góa trong Phúc âm chỉ bỏ vào hòm tiền có ¼ xu đã chúng minh điều đó :

 

“Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.

                                        (Chân phước Têrêsa Calcutta)

                       

                        Truyện : cách hiến dâng.

        Chuyện kể rằng : ông kia có nuôi một con chó, một con gà và một con heo.

        Con chó nói :”Mỗi sáng tao sẽ kêu gâu gâu để đánh thức ông chủ dậy”.

        Con gà nói :”Còn tao sẽ đẻ hai quả trứng và làm ốp-la cho ông chủ”.

        Con heo nói :”Còn tao, tao sẽ nướng thịt ba rọi cho ông chủ ăn”.

 

        Qua câu chuyện đó chúng ta thấy : con chó kêu gâu gâu, nó hiến dâng bằng tiếng kêu ; con gà để trứng, nó dâng hiến một phần của nó ; con heo nướng thịt ba rọi : nó sẽ chết vì nó hiến dâng tất cả.

        Dâng hiến bằng lời nói, bằng một phần mình, hay bằng tất cả con người là ba cách trong nhiều cách dâng hiến.  Mức hiến dâng tột độ vẫn là dám chết vì yêu như Chúa Giêsu đã dạy và đã làm :”Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).

 

        4. Vợ chồng phải biết trao tặng.

 

        Tình yêu vợ chồng phải là tình yêu vị tha, mà tình yêu vị tha là cho đi không lấy lại. Tình yêu cao qúi này khiến kẻ mang nó sẵn sàng hy sinh tất cả để tạo hạnh phúc cho người yêu.

 

        Tuy nhiên hạnh phúc hôn nhân không phải là mục đích ta tìm kiếm, mà là kết quả của quá trình sống.  Nó còn là đường đi, là cách sống dâng hiến và hy sinh cho nhau, hạnh phúc sẽ tìm đến ta.

        Biết trao tặng là biết chia sẻ với nhau như Alain nói :

”Hình thức cao nhất của tình yêu là chia sẻ với nhau một số phận cho đến tận cùng. Không chỉ khi tôi trao ban mới có tình yêu, mà cả khi tôi đón nhận nữa.  Khi trao đổi ta làm phong phú lẫn nhau, khi đối thoại ta thông hiệp với nhau”.

 

        Một cách cụ thể, trong cuộc sống vợ chồng, ta thử nghiên cứu một kinh nghiệm về tình yêu của một số người đã viết trong “Những bức thư tình hay nhất” :

“Nghệ thuật yêu là biết trao tặng người yêu những tặng phẩm. Khi người đàn bà khen anh ấy tốt là anh ấy biết săn sóc, biết chiều chuộng, biết mua cho nàng những tặng phẩm rất thơm”.

                        (Những bức thư tình hay nhất, tr 223)

       

        Trong tình yêu vợ chồng, dâng hiến, trao ban là việc rất quan trọng.  Không những chỉ trao tặng nhau những của cải vật chất mà còn cả tinh thần, sức khỏe, thời giờ và thậm chí cả đến con người của mình, vì dâng hiến đòi hỏi hy sinh :

 

                                Anh còn có mỗi cây đàn,

                            Anh đem bán hết để theo cô nàng.

                                         (Ca dao)

 

        KẾT LUẬN

 

        Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu yêu mến Chúa bằng một tình yêu nồng nàn tha thiết, Ngài đã dâng hiến cho Chúa tất cả mà không cần tính toán, vì tình yêu thật  thì không bao giờ so đo tính toán hơn thiệt.

        Hy vọng cô dâu chú rể hãy bắt chước thánh  nữ mà yêu Chúa bằng chính cuộc sống hôn nhân của mình như mấy câu thơ do thánh nữ sáng tác :

       

                        Sống yêu đương chính là CHO tất cả,

                        Trên đời này không đòi trả công lao.

                        Không tính toán, không kể cho là bao,

                        Vì đã yêu có khi nào suy tính.

                                  (Thánh Têrêsa Hài đồng)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim Phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà