VÁ LƯỚI

***

 

I. CÁC ÔNG ĐANG VÁ LƯỚI DƯỚI THUYỀN

 

          Chúng ta đọc : Mt 4,18-22 ; Mc 1,16-20.

 

          Theo tục lệ thời xưa, các nhà hiền triết như  Socrate, Platon, Aristote. Lão Tử, Khổng Tử và các vị sáng lập tôn giáo như Phật Thích Ca đều có một số đồ đệ đi theo. Đức Giêsu cũng theo truyền thống đó. Ngài muốn chọn cho mình một số đồ đệ để làm cán bộ nồng cốt cho việc truyền bá giáo thuyết của Ngài.

 

          Ngài không vào trong các đô thị văn minh để chọn những người thông thái hay ít ra những người có kiến thức trung bình, nhưng Ngài lại ra bãi biển chọn những người dân chài ít học nhưng đơn sơ chất phác để làm môn đệ.  Trước hết Ngài gọi hai anh em ông Sinmon và Anrê đang thả lưới dưới thuyền, rồi đi xa hơn một chút, gọi thêm hai anh em con ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đang vá lưới dưới thuyền. Tất cả những người được gọi đều bỏ nghề chài lưới và cha mẹ mà đi theo Ngài.

 

II. TẠI SAO PHẢI VÁ LƯỚI ?

 

          Các ông này quanh năm chỉ sống bằng nghề chài lưới loanh quanh bờ biển để kiếm ăn từng ngày. Việc vá lưới trên thuyền chứng tỏ rằng họ là những người nghèo phải kiếm ăn từng bữa, không có vốn để mở công ty hay phải có những chiếc tầu lớn để đánh bắt cá xa bờ. Phương tiện của họ rất thô sơ chỉ có một chiếc thuyền nhỏ và một tấm lưới vét.

 

          Họ buộc lòng phải vá lưới vì chiếc lưới phải dùng hằng ngày, sợi gai hay sợi chỉ dễ bị mục, nhất là gặp những vật cản như chà rào hay một vật gì cứng thì lưới sẽ dễ bị rách.  Kinh nghiệm cho hay lưới rách đến đâu phải vá đến đó, nếu để lâu, miếng rách sẽ rách thêm, cá lọt ra ngoài và chiếc lưới sẽ trở nên vô dụng. Vì thế, họ phải kiểm tra lưới hằng ngày, rách đến đâu vá đến đó, lưới sẽ ở trong tình trạng tốt và có thể dùng được bất cứ lúc nào.

 

          Tâm trạng người vá lưới rất phức tạp : họ lo âu, buồn chán, mong mỏi, hy vọng, tin yêu.  Họ biết rằng cuộc đời chài lưới của họ rất vất vả, gặp nhiều nguy hiểm của sóng gió. Họ mong mỏi một ngày mai tươi sáng hơn, họ luôn hy vọng và tin yêu để đời sống hiện tại vươn tới tương lai tốt đẹp.

 

III. TẤM LƯỚI CUỘC ĐỜI HÔN NHÂN.

 

1. Hôn nhân là một tấm lưới.

 

          Khi học về Bí tích Hôn phối, chúng ta đã biết mục đích của hôn phối là vợ chồng thương yêu nâng đõ nhau và sinh sản con cái. Yêu thương và sinh sản con cái đều nhằm đến Hạnh phúc, mục tiêu mà mọi người muốn vươn tới. Hôn nhân là phương tiện để cho người ta đạt tới Hạnh phúc. Nhưng Hạnh phúc chưa có ngay sau khi thành lập gia đình. Chúng ta có thể coi Hôn nhân như một cái hộp rỗng phải bó gì vào nó mới đầy.

 

          Ta hãy nghe cố vấn Hôn nhân Allan Peterson nói với ta :

“Đa số người kết hôn vì tin vào một huyền thoại : cuộc hôn nhân ấy là một cái hộp đẹp chứa mọi vật mà người ta khao khát : đời sống lứa đôi, sự thỏa mãn về tình dục, sự thân mật, tình bạn.

          “Sự thật là cuộc hôn nhân ấy lúc bắt đầu là một cái hộp rỗng. Bạn phải bỏ vào đó một cái gì  đó trước khi bạn có thể lấy ra một cái khác. Trong hôn nhân không có tình yêu, tình yêu ở trong hai người và hai người đặt tình yêu vào hôn nhân. Không có chuyện tình lãng mạn trong hôn nhân ; người ta phải pha trộn sự thơ mộng vào hôn nhân của họ.

          “Một đôi tân hôn phải học nghệ thuật ấy và hình thành thói quen cho nhau, yêu nhau, phục vụ nhau, ngợi khen nhau để giữ cho cái hộp được đầy. Nếu bạn lấy ra nhiều hơn bỏ vào, cái hộp sẽ rỗng không” (Bel San Louis, Vui sống với nụ cười, tr 88).

 

          Hôn nhân có thể được coi như một tấm lưới mà vợ chồng bủa vây xuống để vây bắt hạnh phúc như người ta thả lưới vây bắt cá. Không phải Hôn nhân cung cấp ngay hạnh phúc cho ta, nhưng trái lại, hôn nhân chỉ là phương tiện để chúng ta nắm bắt hạnh phúc. Hôn nhân có hạnh phúc hay không là do vợ chồng tạo ra và giữ lấy.

 

          2. Tấm lưới có thể bị rách.

 

          Hôn nhân có thể đưa tới hạnh phúc, cũng có khi làm ngăn trở hạnh phúc như văn hào Honoré de Balzac nói :”Hôn nhân là con đường đưa ta tới thiên đường hoặc dẫn ta tới địa ngục”. Có những nguyên nhân làm cho tấm lưới hạnh phúc hôn nhân bị rách nát.

 

          a) Phía hai vợ chồng.

 

          Tại sao ngày nay có nhiều cuộc hôn nhân bị tan vỡ, có nơi lên tới 50% và một số nơi khác còn tệ hơn nữa ! Tại sao vậy ? Thưa , gia đình không có hạnh phúc là vì vợ chồng không tạo ra được hạnh phúc, hoặc là đã có hạnh phúc nhưng không biết nắm giữ để hạnh phúc để nó bay đi.  Có thể gia đình tan vỡ vì vợ chồng không dung hòa được những khác biết hay những xung khắc về tính tình, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, kinh thế khó khăn... Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng khư khư giữ lấy ý kiến của mình, bắt người khác phải theo ý mình, nhất là tệ hơn nữa, khi có “đệ tam nhân” xen vào thì tấm lưới hôn nhân có thể bị rách dễ dàng.  Người ta không yêu nhau nữa, người ta muốn quay sang một ngõ khác thì tình thế sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm :

                                      Khi tình yêu một lần phản bội

                                      Hết mong gì nở lại hoa yêu.

 

          Ông La Rochefoucauld cũng nói tương tự như thế :”Khó mà yêu thương được lần thứ hai  người mà mình đã hết yêu thương”.

          Nếu vợ chồng không biết vá lại mà còn xé to ra thì tấm lưới hôn nhân sẽ bị rách nát. Nếu thế, làm thế nào có thể nắm bắt được hạnh phúc ?

          b) Phía những người khác.

 

          * Cha mẹ chồng : Theo kinh nghiệm nhân gian, cha mẹ chồng, nhất là mẹ chồng cũng là một nguyên nhân gây đổ vỡ cho đôi hôn nhân. Người ta thường nói về mẹ chồng :

 

                                      Thật thà cũng thể lái trâu,

                             Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

 

          Trong thực tế, ít khi mẹ chồng ưa nàng dâu, nếu mẹ chồng nào thương nàng dâu như con gái thì hạnh phúc cho nàng dâu ấy. Khi đã không ưa thì sẽ sinh ra nhiều chuyện  không hay, đôiâ lúc xúi con trai xử tệ với vợ mình vì “Không ưa thì dưa có dòi”.  Tình yêu vợ chồng đang hé nở như bông hoa, có thể bị héo tàn.

 

          * Các nàng o : Ngoài mẹ chồng ra, có thể đến các nàng o. Ít khi các nàng o ưa chị hay em dâu, dễ sinh ra xích mích trong đời sống gia đình mới :

 

                                      Một trăm ông chú không lo,

                                      Lo vì  một nỗi mụ o nỏ mồm.

 

          * Hàng xóm láng giềng : Những người hàng xóm láng giềng, những người quen biết, những bạn bè có thể cũng là nguyên do gay đỗ vỡ cho vợ chồng. Không thiếu gì những tiếng gièm pha của những người vô tình phá hoại hạnh phúc gia đình người ta.

 

          3. Có thể vá lại được.

 

          Những nguyên nhân chủ quan hay khách quan làm cho hôn nhân tan vỡ thì rất nhiều, nó luôn rình rập hạnh phúc gia đình. Vợ chồng phải đề cao cảnh giác, nếu tình thế bất trắc xẩy ra thì cần có nỗ lực hàn gắn. Công việc này đòi hỏi thiện chí của cả hai người, dẹp bỏ tự ái, thành thật nhận những khuyết điểm của mình để hòa hợp . Thôi thì

                                                Tại anh tại ả

                                                Tại cả hai bên.

 

          Hãy nhớ lại lời thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Colossê :”Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em  người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”(Cl 3, 12-13).

 

                                      Truyện : Hoà giải trước vị thần.

          Một trong những đền thờ cổ nói lên tinh thần của người Roma xưa, đó là đền thờ dâng kính nữ thần  có sứ mệnh hòa giải loài người vớiù nhau, nhất là những đôi vợ chồng bất hoà.

          Người Roma xưa xem định chế hôn nhân là điều quan trọng trong sinh hoạt chính trị, xã hội; do đó, họ rất quan tâm đến việc bảo toàn gia đình. Khi hai vợ chồng bất hoà va ønhư vậy có thể nguy hại cho đời sống gia đình, người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hoà giải.

          Nghi thức diễn ra trước nữ thần rất đơn sơ : mỗi người có thể trình bầy lý lẽ, phơi bầy những bất công mà mình phải gánh chịu trong đời sống gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói một lúc, hễ ai ngắt lời người kia hoặc cả hai cùng nói một lúc thì điều đó bị coi như phạm thánh.

          Nghi thức này có thể mang đến những kết quả phi thường : sau khi trình bầy lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, bác bỏ mọi lời buộc tội, hai vợ thồng thường làm hoà với nhau trước mặt vị thần (Mỗi ngày một tin vui, tr 240).

 

                   4. Cần sự hỗ trợ của Thiên Chúa.

 

          Muốn cho tấm lưới của hôn nhân được nguyên vẹn, cần phải có ơn trợ lực của Thiên Chúa. Không bao giờ Thiên Chúa từ chối những lời cầu xin của chúng ta khi những lời cầu xin ấy phù hợp với thánh Chúa và ý Chúa muốn cho gia đình được hạnh phúc. Như vậy ta hãy cầu xin, chắc chắn sẽ được vì điều đó phù vợp với thánh ý Chúa :”Hãy xin thì sẽ được”(Mt 7,7).

 

Song song với ơn Chúa, cần sự nỗ lực công tác của hai vợ chồng trong việc gìn giữ tấm lưới hạnh phúc gia đình. Sự cộng tác của ta là sự cần thiết và có thể nói là điều kiện “sine qua non”. Người ta nói “mưu sự thại nhân, thành sự tại thiên” rất đúng. Nếu chúng ta đã bắt đầu vế thứ nhất “mưu sự tại nhân” thì Thiên Chúa sẽ thực hiện vế sau “thành sự tại thiên”, nghĩa là Chúa sẽ ban ơn dồi dào để gia đình tiến tới hạnh phúc.

 

                                      Truyện : viên ngọc qúi của nhà vua.

          Một vị vua kia thích sưu tầm ngọc qúi đủ mầu sắc, đủ kích cỡ từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó, có một viên ngọc to như quả trứng. Mỗi khi đưa ra ánh sáng, nó phản chiếu đủ mầu sặc sỡ làm nhà vua rất say mê.

          Nhưng một hôm, trong lúc hãnh diện khoe cùng các vị khanh tướng, nhà vua đã nhận ra việc ngọc có một kẽ nứt.  Ông vô cùng tiếc xót, buồn bã. Từ hôm ấy, ngài truyền cho khắp dân gian ai chữa được viên ngọc đó y như trước sẽ được trọng thưởng. Các thợ đá qúi lành nghề ra vào hoàng cung tấp nập nhưng đều lắc đầu chịu thua.

          Ngày kia, có người vào yết kiến và xin nhà vua cứ để cho mình sửa chữa tùy ý. Đang lúc tuyệt vọng, nhà vua đồng ý, vì đàng nào viên ngọc cũng mất giá trị rồi.

          Anh thợ đá qúi đem viên ngọc về, ngày đêm dùng những đồ nghề tinh xảo để sửa chữa viên ngọc. Chẳng bao lâu, anh đem viên ngọc dâng lên đức vua. Nhà vua vô cùng kinh ngạc vì trên viên ngọc điểm một bông hồng rất xinh đẹp, được chạm trổ một cách công phu, mà cánh hoa xinh tươi chính là dấu nứt của viên ngọc trước kia. Cánh hoa hồng xin đẹp  đã làm tăng giá trị của viên ngọc lên gấp bội, bằng chứng là mọi người đều trầm trồ khen ngợi.

 

          Mỗi lần gây gỗ bất hoà trong đời sống gia đình là một rạn nứt trong đời sống gia đình.  Đừng bao giờ nản lòng thất vọng mỗi khi có những vết nứt trong gia đình. Nếu biết lợi dụng nó thì những vết nứt kia sẽ là khởi điểm cho một cuộc sống mới tươi đẹp hơn khi mình biết khéo léo và kiên nhẫn sửa chũa.

                             HÃY NỖ LỰC RỒI CẬY TRÔNG.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

 

         


Về trang Mục Lục