CHIẾN TRANH

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 5,1-12a.

 

          Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, thánh Matthêu ghi lại phần đầu bài giảng trên núi của Đức Giêsu nói về những mối phúc thật như là một Hiến chương Nước Trời. Khi Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng thì có đông đảo dân chúng từ khắp nơi tuốn đến nghe Ngài giảng. Thánh Matthêu dùng từ “đông đảo” có ý nói lên tính cách phổ quát của sứ điệp  và giáo huấn của Đức Kitô, đồng thời cũng ghi lại hình ảnh toàn dân tập hợp lại lúc ban lề luật trên núi Sinai, và như vậy“đoàn lũ đông đảo” ở đây là hình ảnh dân mới của Đức Giêsu tuyển chọn tức là Giáo hội.

 

          Đức Giêsu lên núi, ngồi xuống giảng dạy cho dân theo kiểu các bậc thầy. Thánh Matthêu lại dùng từ “núi” nói lên mức quan trọng của bài diễn văn này. Đức Giêsu nói với tính cách như một người có quyền, vì Ngài là Tiên Chúa, và đồng thời cũng nhắc lại việc ban lề luật trên núi Sinai (Xh 24,9). Chúng ta có thể gọi bài diễn từ này là “Hiến chương Nước Trời”.

 

          Bản Hiến chương này gồm có 9 mối phúc, nhưng thánh Matthêu qui vào 8 mối phúc vì cái phúc cuối cùng chỉ diễn giải và áp dụng mối phúc thứ 8. Trong tám mối phúc này, hôm nay chúng ta chỉ nói tới mối phúc thứ 7 là xây dựng hòa bình:”Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”(Mt 5,9).

 

          Đây là một đức tính có tính cách xã hội, vì thế nó không chỉ nhằm tới thái độ nội tâm như các mối phúc khác, song là một hành vi bên ngoài.  Làm một con người hiền hòa, yêu mến, thuận hòa bất cứ nơi nào có bất hòa ngự trị (x. Mt 5,23-24). Lời hứa được gọi là con Thiên Chúa có nghĩa là trở thành con Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Chúa hòa bình (2Cr 13,11). Do đó mà ai gây bất hòa, gây chia rẽ là gây chiến tranh, và ai gây ra chiến tranh thì không đáng được gọi là con Thiên Chúa, không được hưởng mối phúc mà Chúa ban cho kẻ hiếu hòa. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vấn đề đang nóng bỏng, đó là CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH.

 

II. CHIẾN TRANH TRÊN THẾ GIỚI.

 

          1. Thống kê.

 

          Theo sự khám phá của một sử gia thì trong khoảng 5700 năm (tức từ năm 3600 trước TC đến năm 1970) thế giới chỉ hưởng thái bình có 292 năm, còn lại 5278 năm phải chịu 14.531 cuộc chiến lớn nhỏ, sát hại 3,5 tỉ người. Riêng thế chiến thứ hai giết hại 60 triệu ngườ, không kể nhưng người bị thương, những người mất nhà mất của. Như vậy chiến tranh hoặc lớn hoặc nhỏ không khi nào ngưng xẩy ra trên thế giới.

 

          2. Các loại hình chiến tranh.

 

          a) Trận địa chiến và du kích chiến.

          * Trận địa chiến là chiến tranh qui mô ký kết giữa hai phe, có chuẩn bị cho cuộc chiến, bên nào mạnh thì thắng do võ khí tối tân và tài chỉ huy, như trận Waterloo do Napoléon chỉ huy.

 

          * Du kích chiến là thứ chiến tranh không qui mô, không qui ước, luôn đánh lừa hoặc lợi dụng yếu tố sơ hở hoặc bất ngờ để diệt đối phương. Thứ chiến tranh này thường dùng cho kẻ yếu. Tuy thế, thứ chiến tranh du kích này rất khó tiêu diệt.

 

          b) Chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh.

 

          * Chiến tranh nóng là thứ chiến tranh được thực hiện giữa hai bên đối đầu bằng võ khí. Thứ chiến tranh này thực sự gây tại hại về người và của. Thứ chiến tranh này thường chỉ kéo dài một thời gian khi một bên thua một bên thắng hay hai bên ký hòa ước ngưng chiến thì chiến tranh mới chấm dứt.

 

          * Chiến tranh lạnh là thứ chiến tranh không dùng đến võ khí mà dùng đến đòn cân não. Hai bên luôn căng thẳng với nhau, âm thầm chuẩn bị chiến tranh. Người ta phập phồng lo sợ không biết khi nào chiến tranh xẩy ra.

 

          c) Chiến tranh khủng bố.

 

          Đúng ra, đây không phải là chiến tranh như chúng ta thường hiểu, nhưng trong thực tế, khủng bố làm cho nhiều người chết như trong chiến tránh nóng và làm cho người ta nơm nớp lo sợ, không bao giờ được yên ổn, vì cái chết có thể ập tới bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Người ta dự đoán rằng sẽ không có chiến tranh nguyên tử giữa các quốc gia, nhưng sẽ có khủng bố khắp nơi mà hậu quả của nó cũng tàn khốc, không khác gì chiến tranh thông thường.

 

III. CHIẾN TRANH TRONG GIA ĐÌNH.

 

          Thử hỏi : Ngoài xã hội đã có nhiều cuộc chiến tranh, còn trong gia đình có chiến tranh không ? Điều đó không ai chối cãi được, không gia đình nào có thể tránh được chiến tranh không lớn thì nhỏ, tuy không dùng đến võ khí.

 

          1. Lý do chiến tranh.

 

          Trong đời sống vợ chồng, có rất nhiều mối bất hòa có thể đi đến chỗ xung đột, gây mất hạnh phúc. Những mối bất hòa ấy do nhiều nguyên nhân như vấn đề kinh tế tài chính, vấn đề xã hội và vấn đề tâm lý nam nữ khác nhau. Nhưng nếu để ý kỹ đến trạng thái của sự bất hòa xung đột giữa vợ chồng, chúng ta thấy có hai loại bất hòa khác nhau :

                   - Bất hòa bùng nổ.

                   - Bất hòa ngấm ngầm.

 

          a) Bất hòa bùng nổ.

 

          Thường thì những cuộc bất hòa bùng nổ do nguyên nhân tài chính hoặc những sai phạm rõ rệt của vợ hoặc chồng như cờ bạc, lăng nhăng. Bản chất của loại này thường sôi động. Aàm ĩ, khó kìm hãm được như vợ chồng chửi nhau ỏm tỏi, đập phá hoặc dùng đến võ khí “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”,  Tuy sôi nổi như thế, nếu giải quyết xong, hoặc qua cơn sóng gió thì trời lại yên, gia đình lại trở về mức bình thường.

 

          b) Bất hòa ngấm ngầm.

 

          Loại bất hòa này mang bản chất nhẹ nhàng, sâu kín hơn, âm thầm hơn và có khi lại gây đau khổ trường kỳ cho vợ chồng mà một trong những nguyên nhân chính đó là sự khác biệt nhau về tâm lý mà vợ chồng chưa tìm hiểu được nhau, hoặc biết mà không thông cảm. Đây là trường hợp mà công nương Diana và thái tử Charles nước Anh đã mắc phải.

 

          Nói về những định luật khác biệt giữa nam và nữ, chúng ta thấy có  5 định luật về sự khác biệt ấy, ở đây chúng ta chỉ nói tới định luật phân cách. Theo định luật phân cách :

                   Nơi người nam : trái tim có nhiều ngăn

                   Nơi người nữ : trái tim chỉ có một ngăn.

 

          Đối với người nam, trái tim có 4 ngăn :

                   . Ngăn 1 : dành cho chị và các con, anh rất yêu chị.

                   . Ngăn 2 : dành cho công việc. Đôi khi anh say mê công việc mà không lo cho vợ con.

                   . Ngăn 3 : dành cho lý tưởng. Anh thích tham gia chính trị, xã hội, đoàn thể…

                   . Ngăn 4 : dành cho giải trí.

          Đôi khi các ngăn này như biệt lập với nhau, khiến chị không hiểu anh nổi.

 

          Ai không ước mong được làm thái tử Charles và công chúa Diana của nước Anh ? Họ phải sống hạnh phúc lắm chứ ? Không ! Họ đã ly dị, gây scandal lớn cho nước Anh.

          Tại sao họ ly dị ? Vì Charles quá đam mê trong những trò chơi thể thao và mối quan tâm về môi sinh đến độ quên đi những chiều chuộng, săn sóc công chúa Diana đang chờ đợi nơi ông.

          Nhưng thiết tưởng người ta cũng cần hiểu biết rằng thái tử Charles muốn thể hiện nhân cách của ông qua những hoạt động ấy. Oâng muốn cho mọi người thấy mình là người đàn ông dũng mạnh và là con người biết lo cho đại sự. Hẳn hơn ai hết ông cũng mong được người vợ chia sẻ những sở thích và thể thao của ông.

 

          2. Các loại chiến tranh.

 

          a) Chiến tranh nóng

 

Khi vợ chồng bất hòa với nhau đến độ bùng nổ trong lời chửi rủa, đập phá, đánh đập. Có khi đuổi nhau cả ngoài đường, mọi người đều hay biết. Thứ chiến tranh này ít khi xẩy ra.

 

          b) Chiến tranh lạnh

 

Đây là một thứ chiến tranh thường xẩy ra trong các gia đình ngay trong các gia đình được coi là hạnh phúc. Làm sao có thể thấy được  một gia đình mà vợ chồng hoàn toàn đồng ý với nhau về mọi vấn đề trong cuộc sống ? Nếu có khác nhau, ắt có va chạm, nếu có va chạm, ắt có chiến tranh. Nhiều khi vợ chồng tức bực làm vẻ lạnh nhạt với nhau, không thèm chào hỏi, không thèm nói chuyện, bầu khí gia đình trở nên tẻ nhạt và buồn thảm. Tình trạng này kéo dài thì có thể biến gia đình thành một bãi tha ma cô tịch.

IV. KÝ HIỆP ƯỚC HÒA BÌNH.

 

          Muốn kết thúc chiến tranh, thì một bên thắng, một bên thua hoặc ký kết một hòa ước với nhau. Như thế chẳng ai thắng, chẳng ai thua.Trong gia đình cũng thế, muốn được trên thuận dưới hòa hãy giải hòa giữa hai vợ chồng, phải từ bỏ tính tự ái, tính vị kỷ để chỉ nghĩ đến hạnh phúc chung là gia đình. Vợ chồng phải ý thức rằng chẳng ai là người hoàn thiện, ai cũng còn lầm lỗi hay thiếu sót và phải công nhận lời thiên hạ nói:”Tại anh, tại ả, tại cả hai bên”.

 

                                       Truyện : Cái bánh và chiếc lá khô.

          Người Ấn độ có câu chuyện ngụ ngôn như sau : một hôm cái bánh ướt và chiếc là khô  rủ nhau hành hương đi thánh địa Benares. Biết rằng gió và mưa là những kẻ thù có thể làm hại mình, chúng đã cẩn thận vạch ra một chương trình hành động để tự vệ : khi gặp gió thổi đến thì cái bánh ướt sẽ che cho chiếc lá khô khỏi bị bay; còn khi gặp mưa thì chiếc lá khô sẽ che cho cái bánh ướt khỏi bị nhão. Kế hoạch tiến hành thành công. Nhưng một hôm trời vừa gió lại vừa mưa, không đứa nào che cho đứa nào nữa. Chiếc là bị gió thổi đi mất, còn cái bánh bị mưa làm tan rã.

 

          Nếu trong gia đình vợ chồng người nào cũng khăng khăng giữ phần thắng về mình, chỉ lo cho cá nhân mình, chỉ biết tìm hạnh phúc cho riêng mình thì gia đình sẽ tan rã. Hãy lo bảo vệ nhau, lo cho hạnh phúc của nhau, bỏ đi tất cả những gì làm cho gia đình trở nên lỏng lẻo, thì gia đình sẽ bền chặt và hạnh phúc.  Hãy nhớ lại lời khuyên của thánh Phêrô:

 

Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa để đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc”(1Pr 3,8-9).

 

                                                Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                   Giáo xứ Kim phát

                                                                   Đà lạt


Về trang Mục Lục