PHIÊU LƯU

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : St 12,1-12.

 

          Đọc sách Sáng thế, chúng ta được biết Thiên Chúa đã chọn ông Abraham làm tổ phụ một dân tộc đông như sao trời cát biển. Để được làm một tổ phụ lớn lao như thế, ông còn phải bị thử thách.  Cuộc thử thách đó là rời bỏ quê hương đến một nơi xa lạ mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Rời bỏ quê hương yên lành mà đến một nơi chưa quen biết, quả là một cuộc phiêu lưu vì không biết tương lai sẽ ra sao, chỉ còn biết phó thác cho Thiên Chúa.

 

          Cuộc phiêu lưu ấy bắt đầu với việc Thiên Chúa kêu gọi đích danh ông Abraham. Đức Chúa phán với ông Abraham:”Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi đến đất ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi”(St 12,1-2). Được lệnh lên đường, ông Abraham đã 75 tuổi tức tốc lên đường. Ông đã đem theo vợ là bà Sara, cháu là ông Lót, và mọi tài sản đã gây dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Khanan. Họ ra đi đến đất Canaan.

 

          Như chúng ta thấy, ở bước đầu của mọi cuộc phiêu lưu đều có sự tự do, lựa chọn và đoạn tuyệt. Cuộc phiêu lưu không phải được thực hiện với sự mù quáng hoặc không hiểu biết gì. Trước tiếng gọi của Thiên Chúa, Abraham đã biết trước cuộc ra đi mang tính cách nguy hiểm, bấp bênh và mơ hồ vì không biết Canaan như thế nào, nhưng Abraham đầy lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, cứ cất bước lên đường, còn tương lai sẽ trao phó cho Chua.

 

II. HÔN NHÂN LÀ MỘT CUỘC PHIÊU LƯU  ?

 

          Cuộc ra đi của Abraham đến xứ sở mới làm cho ta liên tưởng đến việc kết hôn:”Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắn khít với vợ mình”(St 2,24).  Ra đi là chết trong lòng một ít vì đòi có sự đoạn tuyệt. Đó cũng là tiếng gọi mà tất cả chúng ta  đã nghe vào lúc hứa hôn.

 

          Mọi cuộc hôn nhân, ở bước đầu là sự đáp trả trước một lời mời nọc, mời mọc lao vào một cuộc phiêu lưu, chẳng còn giấu diếm gì, đi đến một xứ sở mà mình chưa biết và nơi đó, chúng ta biết chứ, mình sẽ phải băng qua hoang mạc… Đức tin là hành động nền tảng cho mọi ơn gọi vợ chồng. Đón nhận người kia từ tay Thiên Chúa đòi hỏi phải có sự tự do, sự đón tiếp và quyết tâm, nhưng cũng bao hàm một sự xâu xé, một nguy cơ. Trong hôn nhân không bao giờ có “Bảo-hiểm-cho-đời-sống”, vì không có gì để bảo đảm là nó sẽ thành công cả…

 

III. TẢN MẠN VỀ HÔN NHÂN.

 

          1. Phiêu lưu là gì ?

 

          Phiêu lưu là bị gió dập sóng dồi, là trôi dạt theo sóng gió, là lênh đênh không biết về đâu như  “phiêu lưu đất khách quê người”. Còn theo nghĩa rộng thì phiêu lưu là làm một việc nguy hiểm, không chắc thành công mà còn có hại, ví dụ : Hãy đặt kế hoạch hẳn hoi, không nên phiêu lưu như vậy.

          2. Hôn nhân và lựa chọn.

 

          Mỗi người phải lựa chọn cho mình một cuộc sống thích hợp. Lựa chọn đã bao hàm sự tự do, mà tự do lựa chọn là một cuộc phiêu lưu, vì không bao giờ người ta nắm chắc được tương lai như  2 với 2 là 4. Nhưng không vì thế mà người ta không dám dấn thân chọn lựa sau khi đã suy xét cẩn thận, có đủ lý do để hành động theo sự lựa chọn đó, vì phiêu lưu không đồng nghĩa cới liều lĩnh :

 

                                                Một liều ba bảy cũng liều

                                         Cầm bằng con trẻ chơi diều đứt dây.

 

          Nếu chỉ chọn cho mình một nghề nghiệp thì sự lựa chọn đó ít nguy hiểm vì ta có thể thay đổi mà không ảnh hưởng sâu xa tới đời sống. Nhưng nếu lựa chọn cho mình một hướng đi cho cả cuộc đời thì sự lựa chọn đó càng nguy hiểm, phải dấn thân bước lên như ngày thụ phong Linh mục, ngày khấn dòng, ngày kết hôn.

 

          Sống là phải lựa chọn. Cuộc sống bầy ra trước mắt chúng ta nhiều con đường, nhiều lý tưởng, nhiều giá trị.  Vấn đề là ta phải lựa chọn cho đúng đường mà đi, nếu không sẽ phải hối hận suốt đời.

 

                                      Truyện : Lựa chọn sai lầm.

          Người ta kể một giai thoại về Hoàng đế Charles Quint của Đức như sau : Sau nhiều năm tận tụy hy sinh phục vụ Hoàng đế, một vị trung thần của ông ngã bệnh và đang phải chiến đấu với tử thần. Để tỏ lòng biết ơn và cảm mến đối với một con người đã suốt đời trung thành với mình, Hoàng đế đã đích thân đến bên giường của ông. Cầm tay vị trung thần, Hoàng đế nói :

          - Khanh đã hết lòng phục vụ trẫm, nay trẫm xin được đền đáp. Khanh hãy cho trẫm biết  khanh mong ước điều gì, trẫm sẽ thỏa mãn yêu cầu của khanh.

Trong hơi thở đứt quãng, vị trung thần tâu :

          - Thần ước ao được nhận  từ tay bệ hạ một ân huệ.

          Đôi mắt Hoàng đế như sáng lên. Ôâng hỏi nhanh :

          - Khanh cứ nói, ân huệ gì trẫm cũng ban cho khanh.

          Người hấp hối nói một cách chua xót :

          - Xin bệ hạ ban cho thần được sống thêm một ngày, chỉ một ngày mà thôi.

          Nghe xong lời cầu khẩn của vị trung thần, Hoàng đế lắc đầu nói :

- Trẫm đã được xem là quân vương quyền thế nhất trên thế gian này, nhưng điều khanh xin hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của trẫm. Sự sống thì chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban mà thôi.

          Trong tiếng thở dài, vị trung thần mới thốt lên :

- Thật là vô ích cho tôi, vì tôi đã điên rồ đến độ không biết dành nhiều thời gian hơn để phục vụ Chúa mà lại hoang phí thời giờ để phục vụ các vua chúa trần gian. Tôi đã không biết chọn lựa cho đúng, tôi đã lựa chọn sai lầm.

 

          3. Lựa chọn là một mối lo.

 

          Hôn nhân là một việc quan trọng  vì nó là một khúc quặt có liên hệ đến cả cuộc đời, ai mà không lo ? Trong xã hội nông nghiệp của ta ngày xưa, người ta cũng nói lên mối lo đó :

 

                                      Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà,

                                   Trong ba việc ấy thật là khó thay.

          a) Cha mẹ lo :

 

          Mỗi khi liệu cho con cái đi lấy vợ lấy chồng, người ta thường dùng từ “LO” thay cho từ “cưới”, ví dụ : cuối năm nay tôi sẽ “lo” cho cháu.

 

          Lấy vợ lấy chồng là truyện vui vẻ hỉ hoan, tại sao lại gọi là LO ? Gọi là lo vì trong việc cưới xin có đủ mọi thứ phải lo như ta đã có kinh nghiệm để tránh được cảnh “ma chê cưới trách”. Người ta nói :

                                       Thật là lo bảy lo ba,

                             Lo cau đều quả, lo trà đậm hương.

                                       Cưới về lo tủ, lo giường,

                             Tết lo đỗ đường để gói bánh chưng.

 

          b) Cô gái lo.

 

          Người con gái bị thua thiệt, phải lệ thuộc vào đàn ông, mình không có quyền quyết định nên lo lắng cho tương lai :

                                       Lênh đênh một chiếc thuyền tình

                                Mười hai bến nước biết gửi mình về đâu ?

 

          Nếu gặp được người chồng tốt thì được nhờ, bằng không thì đành chịu cho số phận dun dủi, chỉ biết thở than trong lo âu :

                                      Thân em như giếng giữa đàng,

                                Người khôn rửa mặt, người quàng rửa chân.

 

          c)  Hai người cùng lo.

 

          Hôn nhân là một cuộc lựa chọn gay gắt, mà lựa chọn là dấn thân. Dấn thân hay nhập cuộc là thân phận của con người. . Dấn thân không có nghĩa là liều lĩnh, không biết suy tư, tính toán , trái lại phải tìm hiểu, đắn đo, suy nghĩ, bàn hỏi với những người khôn ngoan đầy kinh nghiệm để can đảm bước vào cuộc sống hôn nhân.

 

          4. Hôn nhân và thề hứa.

 

          Khi thề hứa không ai có thể hoàn toàn nắm chắc tương lai của mình, bởi vì hoành cảnh, tính tình, tình cảm có thể thay đổi. Vậy có nên thề hứa chăng , nhất là phải thề hứa thương yêu nhau và trung thành với nhau suốt đời ?  Hay thề hứa và thêm vào đó một hoặc những điều kiện ? Chẳng hạn : “Anh sẽ yêu em mãi mãi nếu…”

 

          Nhưng chúng ta thường biết trong đời sống không như vậy. Ta luôn luôn hứa, từ những việc nhỏ đến những chuyện quan hệ, lớn lao. Không thể có đời sống xã hội nếu luôn luôn hứa hẹn với điều kiện. Đối với những người yêu mến nhau thì thề hứa là chuyện hết sứ hiển nhiên…

                   (Cf Nguyễn hồng Giáo, báo Nhà Chúa, 1971)

 

          Giờ đây trước mặt cộng đoàn giáo xứ và hai họ, hai người hãy thề hứa một cách dứt khoát nhận nhau làm vợ làm chồng và hứa yêu thương và trung thành với nhau mãi mãi suốt đời. Lời hứa ấy phải vô điều kiện. Đi kèm theo với lời hứa ấy là trao cho nhau chiếc nhẫn kỷ niệm : nói lên tình yêu và lòng chung thủy. Nếu để hai chiếc nhẫn kề nhau thì nó sẽ giống hình cái còng số 8 nối kết hai người lại với nhau một cách vĩnh viễn.

 

5. Hôn nhân và tử đạo.

 

          Phụng vụ Chính thống giáo tuyệt vời của bí tích hôn phối nói lên điều đó qua nghi thức đội “mũ miện”.  Mỗi người (chồng và vợ) nhận một vương miện. Mũ miện trong Giáo hội Chính thống là dấu chỉ của sự vinh quang, vương quyền của Thần Khí và cũng là dấu chỉ của việc tử đạo luôn đi kèm. Khi người nam và người nữ được kiên kết với nhau qua bí tích  Linh mục ban cho họ, nghi thức này đến nhắc nhở họ rằng mỗi người phục vụ sự thánh thiện của người kia, và đòi họ phải dâng hiến, tự trao ban.

 

          Linh mục đọc trong khi đặt mũ miện lên đầu người chồng sắp cưới :”Tôi tớ của Thiên Chúa ông X nhận nữ tì của Thiên Chúa Y làm mũ miện, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Linh mục lại đọc trong khi đội mũ miện lên đầu người vợ sắp cưới :”Nữ tì của Thiên Chúa Y, nhận tôi tớ X của Thiên Chúa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Mỗi người nhận mũ miện nhân danh người kia, với ý nghĩa là mỗi người sẽ là triều thiên tử đạo cho người kia và không được tách sự đau khổ với vinh quang.

 

          Sau đó đôi vợ chồng đầu đội mũ miện theo sau Linh mục, đi vòng quanh sách Tin mừng ba  lần để chỉ là từ nay cuộc sống chung của họ sẽ đặt Đức Kitô và Tin mừng của Ngài làm trung tâm. Đôi tân hôn uống cùng một chén của cuộc sống chung, và cộng doàn hát :”Oâi ! Lạy các thánh tử đạo, những vị đã chiến đấu anh dũng mà nay đã được đội mũ triều thiên trên trời, xin cầu Thiên Chúa đến cứu linh hồn chúng tôi”.

 

          Đôi vợ chồng bây giờ đã trở thành một “Giáo hội vi mô theo lời của thánh Gioan Kim khẩu, được dành riêng để biểu lộ – cũng như Thánh Thể – “mối tình lớn” của Thiên Chúa cứu nhân độ thế

                   (Georgette Blaquìere, Dám sống tình yêu, tr 94-95)

 

          KẾT LUẬN

 

          Mẹ Maria đã làm một cuộc phiêu lưu (Lc 1,26-38) khi thưa câu “Xin vâng”. Nghe đơn giản nhưng cả là một cuộc mạo hiểm táo bạo, một cuộc phiêu lưu đúng nghĩa. Phiêu lưu ở chỗ nào ?

          - Giải thích thế nào cái bào thai trong bụng ? Không khéo sẽ bị ném đá.

          - Phiêu lưu vì tương lai mịt mờ vô định : Gái đồng trinh – chưa ăn ở với đàn ông mà lại sinh con  - Đứa con ấy lại là Con Đấng Tối Cao ? Cứ như chuyện cổ tích !

          Thế mà Mẹ Maria đã dám  “Xin vâng” và dấn bước trong tin tưởng phó thác.

          Hãy theo gương Đức Mẹ mà tiến lên.

 

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát

                                                                             Đà lạt

         

         


Về trang Mục Lục