HÀN GẮN

---

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Ga 17.20-26.

 

          Đọan Tin mừng chúng ta vừa nghe là lời Đức Giêsu cầu nguyện cho những kẻ tin vào Ngài nhờ lời rao giảng và giáo huấn của các môn đệ, nghĩa là Chúa cầu nguyện cho  hết mọi thành phần trong Hột thánh. Mục đích Đức Giêsu cầu nguyện là để mọi người tin vào Ngài được hiệp nhất với nhau. Chính sự hiệp nhất này là sức mạnh  và có tính thuyết phục thế gian tin vào Đức Giêsu là Đấng Cứùu thế.

 

          Có một chân lý của Đạo mà ai cũng biết, đó là mầu nhiệm “một Chúa Ba Ngôi”, ở đâu có Cha là có Con và Chúa Thánh Thần. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã dâng lên Cha một lời cầu thiết tha cho sự hiệp nhất của các tông đồ, của mọi tín hữu trong mọi thời và mọi nơi. Chúa nói :”Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ỡ trong Con, để cho họ được hòan tòan nên một như chúng ta là một”, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con”.

 

          Đức Giêsu đã làm cho mọi tín hữu thành chỉ thể Ngài, mỗi người có khả năng riêng, đòan sủng riêng, nhưng tất cả là để xây dựng cho cộng đòan là Hội thánh (x. 1Cr 12,4-27).

 

          Là người Kitô hữu, chúng ta có bổn phận làm chứng cho Chúa Giêsu đến tận cùng trái đất. Bài Tin mừng hôm nay cũng trao cho vợ chồng  sứ mạng giữa trần gian là làm chứng cho sự hiệp nhất của Chúa và Hội thánh; một điều kiện để thế gian tin rằng “Cha đã sai Con”, để thế gian tin rằng “Cha đã yêu thương họ như đã yêu Con”.

 

          Nên một” là một lý tưởng của đôi vợ chồng. Nhưng để có sự “hòa hợp nên một”, Hội thánh khuyên vợ chồng :”Yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”. Tôn trọng sự khác biệt giữa mỗi phái, sự hòa hợp chỉ nên một tập hợp phong phú khi âm là âm và dương là dương. Đàn ông phát huy nam tính : chủ gia đình, cột trụ cho vợ con; là người vợ trở thành trái tim của gia đình, lửa mến ấm cúng của gia thất.

 

II. HÒAN CẢNH CỦA MỖI GIA ĐÌNH.

 

          Hòan cảnh gia đình càng ngày càng phức tạp và khó khăn do áp lực của cuộc sống. Một năm chỉ có bốn mùa xuân hạ thu đông, chia đều thành quí. Nhưng một đời hôn nhân lại có hơn bốn mùa. Còn có mùa “giông bão”, mùa “hạn hán”, mùa “gió chướng”. Đối với nhiều đôi, đông hạ thì quá dài mà xuân thu lại quá ngắn.

 

          Khi nói về người đàn bà trong gia đình, tôi thấy trong báo “Tuổi trẻ cười” có một câu hỏi xem ra cũng hay hay :”Phụ nữ là mùa gì” ?

 

          - Thưa giáo sư, người ta thường ví phụ nữ là “mùa xuân”, còn bản thân tôi với những đụng chạm thực tế, tôi thấy phụ nữ là “mùa nắng”, quan niệm của tôi có sai không ? Theo giáo sư, phụ nữ là gì nếu không phải là mùa xuân ?

 

          Giáo sư trả lời :

          - Nếu tôi nhớ không lầm thì chẳng có ai dại dột ví tòan bộ cuộc đời của phụ nữ là mùa xuân. Những nhà thơ lãng mạn, những nhạc sĩ trữ tình, những nhà văn ướt át thì cũng chỉ ngợi ca , ví von cái… quãng đời giữa của phụ nữ (khỏang từ mười mấy đến hăm mấy) là tuổi thanh xuân, thời xuân sắc, thuở xuân tình vv… Việc bạn cho phụ nữ là mùa nắng thì không có gì sai pháp luật, và còn làm cho tôi nhớ đến câu ngạn ngữ của Sudan :”Phụ nữ như là cái mền trong mùa hè, đắp thì nóng, mà mở ra thì… lạnh”. Riêng tôi, tôi ví phụ nữ cả … bốn mùa gộp lại, đến mức dù có một trạm khí tượng thủy văn  với hàng tỉ thiết bị tiên tiến vẫn không thể nào… dự báo được (Tuổi trẻ cười, số 133, th 2/95, tr 8).

 

          Trong gia đình, vợ chồng luôn bị thử thách trước sự hiệp nhất, nguy cơ chia rẽ luôn rình chờ. Vợ chồng phải đề cao cảnh giác. Tuy không dùng lời nói để gây chiến tranh với nhau, nhưng những cử chỉ hằng ngày cũng có thể tạo ra một cuộc chiến phá vỡ sự hiệp nhất để đi đến sự chia lìa.

                                      Truyện : vợ chồng câm.

          Anh câm chị cũng câm, thế mà vẫn tìm hiểu nhau và đi đến hôn nhân như mọi người khác ! Không những thế, gia đình còn làm ăn khấm khá và dần dần sinh được 6 người con. Xóm giềng thấy thế ai cũng mừng cho gia đình câm và rỉ tai nhau :”Câm cũng khổ và cũng hay, khỏi có lời qua tiếng lại, cũng chẳng phải nghe tiếng nặng tiếng nhẹ, bớt được nhiều vụ va chạm xích mích”.

 

          Ai ngờ đâu, con người có thật lắm cách để bầy tỏ tình cảm của mình ! Vợ chồng câm mà vẫn cơm không lành, canh không ngọt. Cả hai cùng đưa nhau ra tòa ly dị. Thiên hạ hiếu kỳ lại được dịp đi xem. Tòa chấp thuận cho ly dị nhau và quyết định mỗi bên phải nuôi 3 đứa, cứ mỗi tháng hai bên gặp nhau một lần để cho con cái thăm bố mẹ và anh chị em thăm nhau.

 

          Thế nhưng vẫn không xuôi, lại cùng nhau ra tòa lần nữa, vì mấy lần gặp nhau cả hai vợ chồng vẫn có chuyện xích mích  trong lúc con cái thì tíu tít vui vẻ. Tòa xử :”Từ đây 3 tháng mới gặp nhau một lần”.

 

          Được một thời gian, gia đình câm ấy lại… dắt nhau ra tòa ! Vì vợ chồng vẫn tiếp tục sinh sự. Tòa án phải đi đến một giải pháp sau hết :”Từ đây, con đi thăm mẹ và anh chị em  thì bố đừng đi theo; mà con đi thăm bố và anh chị em thì mẹ phải ở nhà. Chừng ấy mới yên được”.

(Trên đường lữ hành tr  207-208).

 

III. PHẢI HÀN GẮN LẠI NHỮNG ĐỔ VỠ.

 

          1. Hàn gắn vật chất.

 

          Đồ vật được dùng lâu dễ bị hư hỏng : bị vỡ, bị thủng, bị rách. Đồ dùng bị hỏng là do thời gian qúa lâu, hoặc ta vô ý hay cố tình làm hỏng. Không có đồ dùng nào dễ bị hỏng mà dùng được mãi. Đồ dùng hỏng cũng có cấp độ : hoặc hỏng nặng, hoặc hỏng vừa, hoặc hỏng sơ sơ.

Khi đồ dùng đã bị hư hỏng ai cũng muốn sửa chữa ngay bằng cách hàn gắn lại. Nếu bị hư hỏng nặng, đồ dùng bị bỏ đi; nếu hỏng vừa thì có thể sửa chữa được, nếu hỏng sơ sơ thì càng dễ sửa. Sửa chữa càng sớm càng tốt. Kết quả của sự hàn gắn sau khi đã sửa chữa thì có thể dùng lại được, nhưng không chắc chắn bằng lúc còn lành lặn và cũng không đẹp bằng lúc trước.

 

 

          2. Hàn gắn tinh thần.

 

          Nếu đồ dùng bị hư hỏng mà người ta còn sửa chữa để dùng, huống hồ những vết thương lòng còn quan trọng gấp mấy sao lại không sửa ?

 

          a) Những va chạm trong đời sống vợ chồng.

 

          Trong đời sống vợ chồng, có rất nhiều mối bất hòa có thể đi đến chỗ xung đột, mất hạnh phúc. Những mối bất hòa ấy do nhiều nguyên nhân : kinh tế, xã hội, tâm lý. Nhưng nếu để ý kỹ đến trạng thái của sự bất hòa xung đột giữa vợ chồng, chúng ta sẽ thấy có hai lọai khác nhau :

          - Một là sự bất hòa bùng nổ.

          - Hai là sự bất hòa ngấm ngầm.

 

          Thường thì những cuộc bất hòa bùng nổ do các nguyên nhân tài chính tiền bạc hoặc những sai phạm rõ rệt của vợ hoặc chồng như cờ bạc, lăng nhăng. Bản chất của lọai này thường sôi động ầm ĩ, nhưng nếu giải quyết xong, hoặc qua cơn sóng gió thì trời lại yên, gia đình lại trở về mức bình thường.

 

          Lọai bất hòa thứ hai mang bản chất nhẹ nhàng hơn, sâu kín hơn, âm thầm hơn và có khi lại gây đau khổ trường kỳ cho vợ chồng  mà một trong những nguyên nhân chính là nguyên nhân tâm lý, nghĩa là những khác biệt về tâm lý nam nữ.

 

          b) Phải hàn gắn vết thương lòng.

 

          Khi vợ chồng đã va chạm nhau nặng thường để lại những dấu ấn trong tâm hồn. Nếu va chạm nặng thì để lại một vết thương lòng, mà nếu không biết hàn gắn lại thì sẽ đi đến chỗ tan vỡ, sau này khó hàn gắn :

                                      Khi  tình yêu một lần phản bội

                                      Hết mong được nở lại hoa yêu.

                                                (Xuân Diệu)

 

          Oâng La Rochefoucauld cũng nói như thế :”Khó mà yêu thương được lần thứ hai người mà mình đã hết yêu thương”.

 

          Tuy nhiên, không phải hòan tòan thất vọng, nếu cố gắng vẫn có thể cứu vãn được tình thế :

                                      Tuy rằng đá nát thì thôi

                                 Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng.

                                                (Ca dao)

 

IV. NHỮNG PHƯƠNG CÁCH HÀN GẮN.

 

          Có nhiều cách hàn gắn, mỗi trường hợp lại có những cách thế khác nhau, nhưng ở đây chúng tôi chỉ đưa ra ba phương cách mà ai cũng có thể áp dụng được.

 

 

 

          1. Nhận lỗi và xin lỗi.

 

          Nhận lỗi là bước đầu để đi đến hòa giải. Thực ra ai cũng có lý và ai cũng muốn bênh vực lý của mình, nhưng phải nói rằng lý của chúng ta còn phiến diện, chỉ đúng một phần nào, trong khi đó lý của người khác cũng có tính cách thuyết phục. Lúc đó tốt hết thi cứ nói :

                             Tại anh, tại ả, tại cả hai bên.

 

                             Truyện : Phong tục người Dahomey.

Người xứ Dahomey có phong tục đáng khen ngợi : khi hai vợ chồng giận nhau, mỗi người ngồi một góc nhà. Sau một lúc, người chồng đứng dậy nói với vợ :

          - Tôi là một đứa điên.

          Lúc sau, người vợ cũng đứng dậy nói với chồng :

          - Tôi là một đứa điên.

          Sau cùng, cả hai vợ chồng ra giữa nhà và nói :

          - Chúng ta là những người điên.

          Rồi hai người nhìn nhau thông cảm tặng cho nhau những nụ cười khả ái, duyên dáng tươi vui và bầu khí hòa bình đã trở lại.

 

          2. Nhường nhịn nhau.

 

          Nhường nhịn là chìa khóa thành công trong đời sống chung, đặc biệt là trong đời sống gia đình. Người ta thường nói :”Một sự nhịn chín sự lành”, vợ chồng nhường nhịn nhau chẳng có gì là đáng xấu hỏ vì người ta thường nói :Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Trong cuộc sống vợ chồng, ai cũng có lý và ai cũng muốn bảo vệ cái lý của mình và bắt đối phương phải chấp nhận lý ấy, điều đó chỉ đưa đến xung đột không giải quyết được gì cả. Nhường nhịn là giải pháp tối ưu.

 

                                      Truyện : ai cũng có lý.

          Ở Đông phương, trong vô số truyền thuyết về Hotgia Nacretdin, có một câu chuyện như sau : Đi qua một làng nọ, nghe thấy tiếng cãi cọ của một cặp vợ chồng, người thông thái bèn gọi người chồng ra và nói nhỏ một câu vào tai ông ta. Ông này gật đầu đồng tình và thôi không cãi nhau với vợ nữa. Sau đó, Hotgia Nacretdin lại thầm thì với người vợ khiến bà này nở một nụ cười tươi rói. Nhà thông thái có câu “thần chú” gì mà tài tình vậy ? Thực ra thì  ông chỉ nói mỗi câu đối với cả hai người :”Tôi biết ông (bà) có lý. Nhưng ông (bà) là người thông minh nên thừa biết rằng khó mà thuyết phục một kẻ ngu ngốc, vậy nên nhường nhịn ông (bà ) ấy. (Kiến thức gia đình, số 104, tr 55).

 

          3. Yêu thương và tôn trọng nhau.

 

          Tôn trọng theo nguyên ngữ La tinh, bởi động từ Respicere, có nghĩa là “nhìn vào”. Như vậy, tôn trọng là nhìn một người với tất cả hiện trạng của họ và như một cá vị độc nhất. Nói cách khác, tôn trọng là nhận định người khác, cũng có thể tiến triển như chính mình. Tôi muốn người tôi yêu lớn lên, phát triển, không phải để làm lợi cho tôi, nhưng cho chính người tôi yêu. Tôi yêu nàng  và cảm thấy là một với nàng, nhưng vì nàng là nàng, chứ không phải là điều tôi muốn nàng trở thành, để làm lợi cho tôi. Tình yêu, như thế, thật vô vị lợi. Đức Kitô cũng đã yêu ta  bằng tình yêu đó, Ngài đã cứu ta, đã cho ta tất cả, nhưng chẳng lấy lại gì. Khi cứu chuộc, Ngài cũng không áp đặt, nhưng hòan tòan tôn trọng con người của chúng ta , tự do của ta.

 

                                      Truyện : Tìm ra khía cạnh tốt.

          Mới đây, một viên giám đốc của một hiệu buôn lớn có nói rằng : một trong những điều khó chịu thuộc nghề của ông là phải nghe lời than phiền liên lỉ  của khách hàng. Lúc nào họ cũng thấy khuyết điểm trong việc tiếp khách, trong hàng hóa và thấy các cô bán hàng thiếu lễ độ.

          Một hôm, có một thiếu phụ muốn gặp ông ta. Ông ta tự nghĩ : lại phiền trách. Nhưng lần này ông ta lầm to. Người đàn bà nói với ông :

          - Tôi đến để thưa với ông là tôi rất thích đến mua hàng ở tiệm này. Tôi mới đến đây, và tôi nghĩ  nếu tất cả đồng bào trong thành phố này đều tử tế lịch sự  như các cô bán hàng của ông, thì tôi thấy sống ở đây rất dễ chịu (cf J. Keller, Just for today).

 

          Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết quên đi những lỗi lầm mà chỉ thấy cái hay, cái tích cực của người khác. Xin Chúa giúp chúng ta dùng nhiều thời giờ để phô bầy sự thiện ra , hơn là để phiền trách những sai lầm.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục