HÀNH TRÌNH NÊN MỘT

+++

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Chúng ta đọc : Mt 19, 3-9.

 

          Những người biệt phái luôn theo sát Chúa Giêsu mà tìm mọi cơ hội để bắt bẻ Ngài. Ở đây những người biệt phái đặt ra câu hỏi về việc ly dị để gài bẫy Ngài :”Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng(Mt 19,3) ? Đặt ra câu hỏi đó  vì ông Maisen cho phép làm giấy ly dị  và cho ly dị.  Sở dĩ có luật cho ly dị là vì sự cứng lòng của họ mà ông đã viết ra điều đó.

 

          Chúa Giêsu muốn nêu ra tính tạm thời của luật Maisen qui định việc ly dị như thế là vì sự bướng bỉnh cứng đầu, thiếu quảng đại của dân Do thái, khiến không thể qui định được ý muốn của Thiên Chúa, trong lúc chưa thể làm khác thì ông cho phép làm thủ tục ly dị như vậy đó thôi.

 

          Để kiện tòan Lề Luật trong lãnh vực này, Chúa Giêsu đã trưng dẫn ra câu Kinh Thánh nói về sự  vĩnh viễn của hôn phối :”Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình và hai người sẽ nên một huyết nhục”(St 2,24).

 

          Ý định của Thiên Chúa là sáng tạo một người nam và một người nữ, nhưng việc kết hợp với nhau để trở thành một huyết nhục là khế ước tình yêu giữa người nam và người nữ. Hiệu quả của khế ước này là sự trở nên làm một với nhau. Điều này chứng tỏ việc ly dị là phủ nhận khế ước tình yêu  giữa nam và nữ, đồng thời cũng nói lên sự bất phục tùng ý định của Thiên Chúa.

 

          Như vậy, Chúa Giêsu xác định là Thiên Chúa không cho phép ly dị vì :”Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, lòai người không được phép phân ly”(Mt 19,6).

 

II. TỪ NGỮ LÀ VÀ TRỞ NÊN.

 

 Ngày nay tiếng Anh rất thịnh hành, ai biết tiếng Anh đi đâu cũng được vì dễ giao dịch. Vì vậy người ta học tiếng Anh rất nhiều.

 

          Động từ mà người mới học tiếng Anh là động từ TO BE có nghĩa là LÀ hay THÌ như Iam, you are, he is… Rồi học thêm nữa chúng ta có động từ TO BECOME có nghĩa TRỞ NÊN.

 

          Hôm qua, tình cờ tôi đọc trên một tấm ảnh cưới có câu này bằng tiếng Anh :”Vì thế người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và luyến ái vợ mình, và cả hai trở nên một thân xác”(Mt 19,6): And the two shall become one  flesh.  Trong câu này người ta không dùng động từ TO BE mà dùng  TO BECOME : trở nên.

 

          Đúng thế, quen quá rồi, nghe không biết bao nhiêu lần. Nhưng chính vì quá quen, ta đã không hiểu được nội dung Lời Chúa. Ta cứ nghĩ NÊN MỘT có nghĩa là khi kết hôn, lập tức hai vợ chồng  đã LÀ một, THÀNH một. Nhưng không phải thế. Không phải LÀ (to be) một, mà TRỞ NÊN (to become) một. Và động từ TRỞ NÊN đã cung cấp một cách nhìn rất khác về hôn nhân.

          Động từ TRỞ NÊN diễn tả một quá trình, một họat động  chứ không phải một tình trạng tĩnh. Như thế, không phải cứ nói lời giao ước hôn nhân xong và sau đêm tân hôn, hai người đã nên một hòan tòan. Nhưng ngày kết hôn mới là khởi điểm cho một hành trình, để mỗi ngày đôi vợ chồng nên một với nhau nhiều hơn : nên một trong tâm tư tình cảm, nên một trong ý hướng cuộc sống, nên một trong trách nhiệm gia đình, nên một trong cảm thức đức tin… Một hành trình dài. Thật dài, Suốt cả cuộc đời.

 

III. MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH DÀI.

 

          1. Hôn nhân chưa vẹn tòan.

 

          Chưa ai có cuộc hôn nhân hòan hảo mà còn phải kiện tòan, mỗi ngày phải làm cho vững chắc và phong phú hơn. Có người mừng lễ bạc, lễ vàng hôn phối mà vẫn chưa sống đời hôn nhân cho đầy đủ. Họ còn phải nỗ lực hòan hảo hóa đời hôn nhân vì hôn nhân luôn ở thể động, ở thể chuyển dịch.

 

          Trong tiệc cưới, chúng ta thường chúc cô dâu chú rể :”Trăm năm hạnh phúc, đầu bạc răng long, đa tử đa tôn, đa phú quí, làm ăn phát tài, giầu sang mãi mãi…” Trong những lời chúc ấy, có lẽ câu “Trăm năm hạnh phúc” được nhiều người ưa thích nhất.

 

          Cầu mong hạnh phúc thì ai cũng muốn, nhưng để có được hạnh phúc quả thật không dễ chút nào. Bởi hôn nhân không phải là chuyện tháng ngày, mà là chuyện cả một đời. Rất cần có sự cố gắng, keo sơn, chung thủy, nhịn nhịc và tha thứ cho nhau.

 

          Có một câu thơ khá phổ biến, như một điệp khúc dễ thương :”Mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai”. Trước đây, vợ chồng thường xưng hô với nhau :”Mình ơi mình”, còn ngày nay, các bạn trẻ lại thi vị gọi người bạn đời là :”Một nửa mình của tôi ơi”.

 

          2. Hôn nhân là khởi điểm.

 

          Ý thức rằng hôn nhân mới là khởi đầu cho một chuyến đi xa, ta sẽ không ngỡ ngàng và thất vọng khi khám phá mình và người bạn đời tuy đã nên một nhưng vẫn còn là hai trong quan điểm, trong cách sống, trong công việc… Không ngỡ ngàng và thất vọng, nhưng bình tĩnh và kiên tâm tháo gỡ những khó khăn dị biệt.

 

          Khi yêu nhau, người ta phải hy sinh. Đó là qui luật của muôn đời. Chúa Giêsu phán :”Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”(Ga 15,13). Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng nói:”Yêu và hy sinh là một, không hy sinh thì chưa gọi là yêu”.

 

          Đức Gioan-Phaolô II đã khẳng định trong Tông huấn về Gia đình:”Chỉ có tinh thần hy sinh cao cả mới gìn giữ và kiện tòan sự hiệp thông gia đình”.

 

          Trong một số tiệc cưới, thay vì chỉ cắt bánh ngọt, đôi tân hôn đã lặp lại phong tục của người Việt, là cho nhau nếm muối mặn và gừng cay, để diễn tả những cay  đắng mà cả hai sẽ phải đương đầu. Vì thế mới có câu ca dao :

 

                                      Tay bưng bát muối chấm gừng

                                      Gừng cay, muối mặn xin dừng bỏ nhau.

 

          3. Hôn nhân là một hành trình dài.

 

          Ý thức rằng hôn nhân là một hành trình dài sẽ thúc đẩy người ta ĐI TỚI và ĐI MÃI.  Ngỡ tưởng rằng  cứ lấy nhau là hòan tòan nên một để tạo cho người ta tâm lý dừng chân hưởng thụ. Đang khi đó, cha Ruy MERMET nói :”Hôn nhân không phải là một món tiền bỏ vào ngân hàng và mỗi tháng cứ đến lĩnh tiền lời, nhưng hôn nhân là kiến trúc cần xây dựng mỗi ngày”.

 

          Tác giả Nguyễn tầm Thường đã viết trong tác phẩm Nước mắt và Hạnh phúc rằng :”Tình yêu không tách rời khỏi thời gian, mà thời gian thì luôn đổi mới, bởi thế, tình yêu không thể chọn lựa một lần là xong, cưới nhau một lần là đủ, tình yêu cần rửa tội mỗi ngày, cưới nhau mỗi sáng”.

         

          Cố vấn hôn nhân Allan Peterson nói :”Đa số người kết hôn tin vào một huyền thọai  : cuộc hôn nhân ấy là cái hộp đẹp chứa mọi vật mà người ta khao khát : đời sống lứa đôi, sự thỏa mãn về tình dục, sự thân mật, tình bạn.

 

          “Sự thật là cuộc hôn nhân ấy lúc bắt đầu là một cái hộp rỗng. Bạn phải bỏ vào một cái gì đó trước khi bạn có thể lấy ra một cái khác. Trong hôn nhân không có tình yêu, tình yêu ở trong hai người và hai người đặt tình yêu vào hôn nhân. Không có chuyện tình lãng mạn trong hôn nhân; người ta phải pha trộn sự thơ mộng vào hôn nhân của họ.


            “Một đôi tân hôn phải học nghệ thuật ấy và hình thành thói quen cho nhau, yêu nhau, phục vụ nhau, ngợi khen nhau để giữ cho cái hộp được đầy. Nếu bạn lấy ra nhiều hơn bạn bỏ vào, cái hộp sẽ rỗng không”.

 

          Chúng ta có thể kết luận : Sự nên một trọn vẹn chỉ có trong Thiên Chúa, tuy Ba Ngôi riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng sự hiệp nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi để hướng đời sống hôn nhân về đó và cố gắng kết hợp với nhau nên một.  Nếu muốn có sự kết hiệp mật thiết trong hôn nhân, chúng ta hãy kết hiệp với Chúa. Nếu chúng ta kết hiệp với Chúa thì chúng ta cũng sẽ kết hiệp với  nhau, đặc biệt là Thánh Thể. Thánh Thể Chúa sẽ nối kết hai người lại với nhau vì hai người cùng chịu một Chúa Kitô là mối giây liên kết các tín hữu.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Về trang Mục Lục