XÉT XỬ KHOAN DUNG

+++

 

I. MỌI NGƯỜI ĐỀU PHẢI CHẾT

 

          Người đời quan niệm rằng cuộc đời con người thường phải đi qua bốn giai đoạn là sinh, lão, bệnh, tử. Có sinh thì có diệt, không có cái gì vĩnh viễn trên đời này. Chính vì  vậy, người xưa đã đặt một dấu hỏi :”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” : người ta xưa nay ai mà không chết. Biết bao đế quốc hùng mạnh, biết bao vĩ nhân lừng danh, biết bao anh hùng cái thế đã qua đi, có chăng chỉ còn trong sử sách.

 

          Người ta đã nhọc công đi tìm những phương pháp để làm cho cuộc sống trở thành trường sinh bất tử, nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm đã thất bại, con người đành phải bó tay trước cái định mệnh nghiệt ngã này. Người ta chỉ còn giương đôi mắt nhìn sự sống qua đi trong tiếc nuối :

 

                                       Thời gian rót từng giọt buồn tê tái,

                                       Sự sống đi như hương bỏ hoa chiều.

 

          Con người bồi hồi xao xuyến :

 

                                       Tôi muốn tắt nắng đi

                                       Cho mầu đừng nhạt mất.

                                       Tôi muốn buộc gió lại

                                       Cho hương đừng bay đi.

                                                 (Xuân Diệu)

 

          Trong ngày thứ Tư lễ Tro, chúng ta đã từng hát :”Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro,  một mai người sẽ trở về bụi tro”.  Con người được dựng nên từ tro bụi thì  cũng sẽ phải trở về cùng tro bụi, điều đó không ai có thể thay đổi được, nhưng chỉ có một điều được an ủi là thân xác chúng ta tuy là tro bụi nhưng là tro bụi tuyệt vời, vì một ngày kia sẽ được cùng hồn sống lại để được hưởng vinh quang đời đời.

 

          Tuy nhiên, con người không phải chỉ có thân xác mà còn cả linh hồn nữa. Hồn xác hợp lại với nhau để làm nên một con người toàn vẹn. Số phận thân xác của con người là vậy, còn linh hồn thì sao ? Đối với một Kitô hữu thì linh hồn mới là quan trọng.

 

          Khi học về tứ chung, chúng ta được biết có bốn điều phải quan tâm ví nó có liên quan đến số phận của mỗi người, đó là sự chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Số phận sau cùng của chúng ta là thiên đàng hay hỏa ngục, tùy theo cuộc sống của mỗi người ở trần gian này. Muốn cho số phận sau cùng ấy được tốt đẹp, hằng ngày chúng ta hãy suy nghĩ đến sự chết và phán xét. Chính những suy nghĩ này sẽ chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta.

 

Truyện : Một cuộc thách đố.

 

          Vị Linh mục ngồi tòa giải tội ngạc nhiên khi nghe những lời này :”Thưa cha, con không muốn xưng tội. Con vào đây vì có người đánh đố, họ sẽ phải trả cho con 500.000 đồng, nếu con dám vào tòa giải tội.

          Cha giải tội ngạc nhiên :

- Con không biết phép giải tội là một bí tích à ?

- Con biết chứ, nhưng con chẳng thắc mắc về điều này.

Vị Linh mục cảnh cáo :

 - Chúa sẽ phạt con về sự diễu cợt đó.

          Anh thanh niên cười :

- Con cũng chẳng quan tâm.

Sau một chút suy nghĩ, vị Linh mục ôn tồn :

- Thôi được, con đã chấp nhận cuộc thách đố, vậy con phải hoàn tất để thắng cuộc. Đây là việc đền tội của con : Hai tuần liền, mỗi tối con phải tự nói với mình câu này :”Một ngày nào đó tôi sẽ chết, nhưng tôi bất chấp. Một ngày nào đó tôi sẽ bị phán xét, nhưng tôi bất chấp”.

          Cậu ta tìm cách thoái thác, nhưng vị Linh mục khéo léo buộc cậu phải làm…

          Khi trở về với đám bạn, cậu ta nói về việc đền tội mà vị Linh mục kia dạy phải làm, thì lũ bạn đều nhất trí là : bắt cậu ta phải làm y như thế, thì mới được coi là thắng cuộc.

          Nhưng, mỗi đêm, cậu thấy càng lúc càng khó đọc những câu này.

          Chưa hết hai tuần, cậu đã trở lại tòa giải tội.

          Lần này không phải để giải quyết cuộc thách đốù, mà để giải quyết phần linh hồn của cậu : Cậu đã xưng tội rất thành khẩn (Theo GM Arthur Tonne).

 

II. MỌI NGƯỜI PHẢI BỊ PHÁN XÉT.

 

1.    Quan niệm chung của mọi người.

 

Mọi người đều quan niệm rằng :”Thiện ác đáo đầu chung hữu báo” : việc lành việc dữ đều có quả báo, nghĩa là làm lành thì được thưởng, còn làm dữ thì phải phạt, theo đúng nguyên tắc “Hữu công tắc thưởng, hữu tội tắc trừng”.  Đây là một quan niệm rất phổ biến, không cần phải họ là những người có tôn giáo.  Ngay từ xưa, người ta đã áp dụng nguyên tắc này cho những kẻ chết, đặc biệt cho các vị vua chúa của nước cổ Ai cập.

 

Truyện : Xử tội các vị vua.

 

Người Ai cập cổ thời có một tục rất hay, khả dĩ nhắc cho các vị vua chúa biết rằng họ có nhiệm vụ, có bổn phận, họ không thể hành động theo sở thích hay lòng ham muốn riêng của mình; nhưng phải tự coi mình như là những người bảo vệ công lý và mưu cầu hạnh phúc cho thần dân.

          Mỗi khi có một vị vua băng hà, người ta đem bầy xác vị vua đó trên bờ một cái hồ ở nơi ranh giới của cõi sống và cõi chết. Tại đó, một tòa án được thiết lập và gồm có 43 viên thẩm phán.

          Một phát ngôn viên tiến ra và kêu lên trước xác chết :

-          Xin ông cho chúng tôi biết lúc sống ông đã làm những việc gì ?

Một ông bộ trưởng của vị vua quá cố, đứng lên thân oan cho nhà vua và kể lại những công trạng của nhà vua lúc sinh thời, những lệ luật đã ban hành, những ích lợi đã đem lại cho dân.

Đoạn, một người dân có thể đứng ra kết tội nhà vua và tự do kể lể trước mặt 43 vị thẩm phán những điều mình oan ức muốn phàn nàn.

Tòa cân nhắc công và tội của nhà vua. Nếu xét ra tội nhiều  hơn công, tòa kết án nhà vua. Người ta đem bôi lọ tên tuổi của vị vua đó đi, ghi vào trong sử sách, còn xác nhà vua thì, trước kia được kính trọng như một vị thần minh, bây giờ không được chôn cất, sẽ đem vứt ra bờ bãi để cho diều tha, quạ mổ (Vũ Bằng,  Đông Tây cổ học tinh hoa,  1969, tr 18).

 

2. Theo quan niệm thông thường.

 

          Theo quan niệm thông thường của người Kitô hữu, khi linh hồn lìa khỏi xác thì phải đến trình diện Chúa Giêsu.  Ngài sẽ phán xét về mọi công việc của người ấy từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, không có một việc nào bị bỏ sót.  Chúa sẽ cân nhắc tội phúc và quyết định số phận của người ấy : hoặc là vào thiên đàng, hoặc là vào hỏa ngục hay lửa luyện ngục. Như vậy, mọi người coi việc xét xử này như hình thức một tòa án.

 

3. Theo quan niệm Đức Hồng y Billot.

 

Theo chủ trương của Đức Hồng y Billot thì “ngay khi linh hồn lìa khỏi xác, trong phút chốc thì cuốn sách lương tâm liền mở ra, làm cho ta nhận thức ngay một trật về toàn bộ các việc ta đã làm khi còn sống”.

 

Chính ta sẽ phán xét ta, bởi tình trạng quá hiển nhiên công khai không thể chối cãi được. Công trạng và lỗi lầm sẽ xuất hiện trước mắt ta trong ánh sáng chói lọi, đồng thời cũng cho thấy những phần thưởng và hình phạt tương xứng với ta. Như thế, chính ta sẽ tuyên án cho ta và quan tòa khoan dung hay khắc nghiệt không có gì ảnh hưởng đến bản án đó, thiên thần và quỉ dữ có trổ tài hùng biện cũng không thể thay đổi bản án đó (Parvillez, Niềm vui trước sự chết, tr 57).

 

4. Nhưng Thiên Chúa yêu thương và khoan dung

 

Trong thánh lễ an táng, chúng ta hát thánh vịnh đáp ca :

 

          Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu,

          Ngài đại lượng và chan chứa tình thương,

          Ngài không xử  với ta như ta đáng tội

          Và không trả cho ta theo lỗi của ta.

                      (Tv 102,8-10)

 

Tư tưởng của bài Thánh vịnh này làm cho chúng ta được tràn đầy an ủi vì Chúa luôn thương yêu ta, tuy ta có lỗi thật  nhiều nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, Ngài không xử với ta như ta đáng tội.  Tuy ta tự lên án cho mình, nhưng Chúa cũng giúp chúng ta bớt khắt khe với mình để tự giảm án cho ta.

 

III. CHUẨN BỊ CHO GIỜ PHÁN XÉT.

 

          1. Phải lo cho tương lai.

 

          Những người khôn ngoan phải luôn biết lo xa. Chẳng những phải lo cho cuộc sống của mình trong hiện tại mà còn phải lo cho cả tương lai, nghĩa là phải sống làm sao để khi đã chết rồi mà vẫn còn danh thơm tiếng tốt như người ta nói :

 

                                      Người đời hữu tử hữu sinh,

                             Sống lo xứng phận, thác dành tiếng thơm.

                                                (Ca dao)

                             Hoặc:

                                      Hổ tử lưu bì :

Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

 

          Cổ nhân cũng đã khuyên bảo mọi người phải biết lo xa để tránh những hậu quả xấu có thể xẩy ra.  Chữõ “lo xa” đây cũng có nghĩa là phải để lại danh thơm tiếng tốt :

 

                                       Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu.

                             Người không biết lo xa, ắt phải buồn gần.

                                                 (Luận ngữ)

 

          2. Gieo giống nào gặt giống ấy.

 

          Sự sống và tình yêu vĩnh cửu của con người chỉ có thể có nếu chúng đã được gieo trong tại thế này, và sự gieo trồng ấy dĩ nhiên phải qua giai đoạn quyết liệt là hạt giống cần phải thối rữa, cần phải  chết đi, nghĩa là phải “hết hiện hữu là hạt giống”. Nhưng công việc trồng cấy đó cần đến yếu tố thời gian :

                                      Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc

                                      Thập niên chi kế mạc như thụ mộc

                                      Bách niên chi kế mạc như thụ nhân.

 

          Người ta chỉ có gặt khi có gieo, và ai gieo giống nào thì gặt giống đó : gieo giống tốt thì gặt lúa tốt, gieo giống xấu thì gặt lúa xấu. Kẻ chỉ say sưa cuộc đời và tình yêu tại thế sẽ chẳng gặt được sự sống và tình yêu trong Nước Chúa, bởi lẽ họ đã không gieo. Chỉ có những ai biết sống, biết yêu trong đời này, nhưng vẫn khao khát sự sống và tình yêu đời đời, chỉ những người đó mới thấy viên mãn của sự sống và tình yêu Thiên Chúa.

                             (Thiện Cẩm, báo Nhà Chúa, số 8, 4/1968, tr 21)   

 

          3. Phải xét mình hằng ngày.

 

          Muốn chuẩn bị cho ngày ra đi vĩnh viễn, ta phải xét mình hằng ngày để biết mình đang sống như thế nào. Phải biết mình thì mới điều chỉnh con người của mình được.  Chúng ta phải bắt chước ông Trình Tử mà nói :”Nhất nhật tam tỉnh ngô thân” : mỗi ngày ta phải xét mình ta ba lần.

          Trên những tầu buôn qua Đại tây dương, người ta có thói quen bắt một thủy thủ lên chòi canh, nhìn tứ phía, lúc mặt trời sắp lặn, trước khi hành khách vào khoang ngủ. Sau khi quan sát chung quanh kỹ lưỡng, người thủy thủ đó hô ta :”Bình yên cả – Các ngài yên trí đi ngủ”.

                             (Tihamer Toth, Chí khí người thanh niên, tr 170)

 

          Cần phải xét mình để nhắc nhở cho mình sống tốt để khỏi bị phàn nàn. Một vị nhà Nho kể lại : thời xưa,  có câu :”Tức vị tri quan” : nghĩa là khi một nhà vua lên ngôi, thì trước tiên phải làm một quan tài và đặt kế cạnh phòng vua ngủ, mục đích là để vua luôn luôn nghĩ đến sự chết, và nhận thức rằng danh vọng một ngày kia sẽ qua đi.

 

          Trong tinh thần phải xét mình để biết sống tốt, tôi xin giới thiệu một cuốn sách cổ đã đưa ra những phương thế để giúp chúng ta dọn mình chết lành và được hạnh phúc đời đời :

         

          - Muốn có hạnh phúc trong một ngày ? Hãy mua một chiếc áo mới.

- Muốn có hạnh phúc trong một tuần ? Hãy giết một con heo.

          - Muốn có hạnh phúc trong một tháng ? Hãy được một vụ kiện.

          - Muốn có hạnh phúc trong một năm ? Hãy cưới vợ lấy chồng.

          - Muốn có hạnh phúc cả đời ? Hãy sống làm người tử tế .

          - Muốn có hạnh phúc đời đời ? Hãy làm người có đạo tốt.

          (T. Toth – Phêrô Thông, Tôn giáo với thanh niên, 1949, tr 268)

 

          Muốn có một giờ chết tốt lành, muốn có một lương tâm bình tĩnh để ra trước tòa Chúa phán xét, ta hãy nghĩ về sự chết. Nghĩ về sự chết không làm cho chúng ta bi quan nhưng là làm cho chúng ta tin chắc rằng mình đang đi đúng hướng, mình đang đi đến phần rỗi, như thế nghĩ tới sự chết càng làm cho chúng ta vững tâm để sống.

 

Truyện : Nhạc sĩ Mozart và sự chết.

 

          Mozart, một nhạc sĩ danh tiếng Âu châu, từ trần vào năm 35 tuổi, đã viết :

Suy nghĩ cho kỹ thì sự chết là cùng đích của cuộc sống. Từ nhiều năm tôi đã quen thân với cái chết, người bạn của tôi, đến nỗi hình bóng sự chết không còn là một điều làm tôi sợ hãi, mà trái lại không có gì êm dịu và an ủi hơn.

 

“Tôi cảm ơn Chúa đã cho tôi nhận biết  sự chết như chìa khóa mở hạnh phúc đích thực. Không khi nào tôi đặt mình xuống giường mà lại không nghĩ là ngày mai tôi sẽ chẳng dậy được nữa. Tuy nhiên không ai trong số những người quen biết tôi có thể nói được rằng ý nghĩ về cái chết đã làm cho tôi lo buồn. Tôi cảm ơn Chúa mỗi ngày  vì đã ban cho tôi hạnh phúc đó và tôi thành thực cầu chúc mọi người anh em tôi được như vậy”.

 

          Ước gì chúng ta có một tinh thần vui tươi như  Tú Mỡ. Ông là một thi sĩ trào phúng luôn có tinh thần lạc quan, biết đem niềm vui đến cho đời. Ông tự hào về cuộc sống trong tuổi già của ông vì ông đã được mãn nguyện. Chớ gì chúng ta cũng có một đời sống tươi đẹp trước mặt Chúa, không có điều gì phải phiền trách và chỉ mong chờ được về bên Chúa để được lĩnh phần thưởng đời đời trên thiên quốc.

 

 

                                      Rồi vùn vụt đến ngày tuổi tác,

                                      Đến khi ta tóc bạc da mồi.

                                      Vuốt râu ôn lại sự đời,

                                      Đời ta đầy đủ, thảnh thơi tự hào.

                                      (Tú Mỡ, Giòng nước ngược)

 

          Hy vọng rằng chúng ta sẽ kết thúc cuộc đời không phải với những chiến công hiển hách,  với những công trình vĩ đại, với tiếng tăm lừng lẫy, nhưng chỉ với những công việc tầm thường nhưng được làm với một lòng mến lớn lao như thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã làm theo nguyên tắc “Communia, non communiter” : làm việc tầm thường với một cung cách khác thường:  Thiên Chúa không tìm những huy chương hay bằng cấp chúng ta đạt được, nhưng Ngài đếm những vết sẹo trong cuộc đời của chúng ta”(Elbert Hubbard).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục