SỰ TỬ NHƯ SỰ SINH

+++

 

         Ngày thứ Tư Lễ Tro, chúng ta đã lãnh nhận được một chút tro trên đầu cùng với lời nhắc nhở :”Hỡi con, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về cùng tro bụi” (St 3,19).  Chúng ta hãy suy nghĩ về lời nhắc nhở đó để chuẩn bị cho  ngày ra đi vĩnh viễn của cuộc đời mỗi người.

 

I. SUY NGHĨ VỀ SỰ CHẾT

 

         NgườI ta thường nói : Ai sống trên trần gian này củng phải đi qua bốn cửa ải. Đó là sinh, lão, bệnh, tử : sinh ra, già đi, bệnh tật rồi chết.  Đôi lúc có những người chỉ đi qua hai cửa ải, đó là sinhtử. Đây là trường hợp của những đứa trẻ chết non.

 

         Bình thường mỗi người đều phải đi qua bốn cửa ải đó, có người sớm, có người muộn.  Cho nên con đường sinh tử là mẫu số chung cho tất cả mọi người sống trên trần thế này.

 

         Vậy chết là gì ?

 

         Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngưng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của mọi cơ thể.

 

         Tuy nhiên, một định nghĩa cho sự chết còn tuỳ thuộc vào các quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng cũng như lãnh vực liên hệ.

 

         Trong y học, chết là giai đoạn cuối cùng của sự sống.  Môn khoa học nghiên cứu về sự chết  đã trở thành ngành học riêng gọi là “tử vong học” (thanatology).

 

         Cái chết trong cái nhìn của người Việt nam thì người ta vẫn quan niệm  sống gửi, thác về”, xem cuộc sống trên mặt đất chỉ là cõi tạm bợ, chết không phải là hết.

 

                                   Sống làm vợ khắp người ta

                           Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.

                                     (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

 

         Tín ngưỡng dân gian tin vào linh hồn, người chết rồi thì linh hồn sẽ sống ở cõi âm, cũng sinh hoạt như người dương thế.  Do đó, có tục lệ đốt vàng mã, nhà cửa, xe cộ, đầy tớ, áo quần, tiền đôla âm phủ v.v… để “viện trợ” cho người chết.

 

         Ngoài ra, rằm tháng bảy âm  lịch, trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo, là ngày xá tội vong nhân, người ta cúng cô hồn để bố thí thức ăn cho những hồn ma lang thang.

 

         Người Việt nam chúng ta coi “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn” : chết mà vẫn sống, mất mà vẫn còn.

 

         Suy nghĩ như vậy nên người ta mới dùng những từ ngữ khác để diễn tả cái chết.  Tuy từ ngữ khác nhau, nhưng ý nghĩa thì giống nhau, đều có ý nghĩa tích cực.

 

         1. Qua đời : tại sao lại dùng từ “qua đời” thay vì chết ? Đó là người ta muốn nói rằng người chết đã vượt qua đời tạm này để về đời sau.  Bởi vì chết không phải là huỷ diệt nhưng là một sự chuyển đổi : mặc lấy sự bất tử (1Cr 15,51).

         2. Mất :  Từ ngữ “mất” thì vẫn còn tương đối, có thể mất nơi mình mà lại còn ở nơi người khác, ví dụ mất cái đồng hồ. Còn chữ mất ở đây diễn tả sự mất mát ở đời này nhưng còn tồn tại ở đời sau. Rõ mất mà lại còn.

 

         3. Sinh thì :  Sinh thì là lúc được sinh ra.  Sở dĩ gọi giờ sinh thì là chết vì lúc chết ở đời này thì đồng thời lại sinh ra ở trên trời. Cho nên có thể gọi ngày chết là ngày sinh nhật trên trời.

 

II. NHƯNG CHẾT RỒI SẼ RA SAO ?

 

         1. Những người ngoài Kitô giáo

 

         Người ngoài Kitô giáo cũng coi cuộc sống ở trần gian này là một cuộc sống tạm bợ, không chắc chắn vững bền. Cho nên, ngay từ xưa ông Hoài Nam Tử đã nói :”Sinh ký, tử qui” : sống là gửi và chết là về”.  Chết là về nhưng về đâu, ông chưa tìm được câu trả lời. Câu trả lời còn bỏ lửng cho người thời nay bàn luận.

 

         Nhiều người cho chết là về với ông bà tổ tiên, chết là xuống suối vàng, chết là tiêu diêu nơi cực lạc, chết là về nơi chín suối,  là vào Niết bàn… Tất cả những kiểu nói đó đều bao hàm ý tưởng là có đời sau, chứ chết chưa phải là hết.

 

         Thi sĩ Hồ Dzếnh  cũng xác định rằng : chết nhưng hồn vẫn còn sống và không hư nát khi ông nói :

                                   Nát thân không nát nổi hồn,

                               Lẩn trong cái chết vẫn còn cái đau.

 

         Nhà văn Nhất Linh, một ngày bâng khuâng, ông tự hỏi mình :

         - Chết rồi sẽ ra sao nhỉ ?

         Nghĩ ngợi một chút, rồi ông lại tự trả lời lấy :

         - Hồi hai Bà Trưng, tôi chưa ra chào đời.  Thế khi ấy tôi ở đâu ? Chết, là trở về với tôi hồi ấy.

         Nhà văn Nhất Linh chưa  tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của mình. Bế tắc ?  Nhưng qua đó ta thấy ông không chủ trương chết là hết, chết mà vẫn còn, nhưng chưa biết còn như thế nào, chưa biết “trở về với tôi hồi ấy” ra sao !

 

         2. Đối với người không có niềm tin

 

         Ngày nay có một số người tin rằng :”Thiên Chúa trốn xã hội này”.  Người khác lại buông câu chắc nịch :”Thiên Chúa chết rồi”, như nhà thơ vô thần đã viết :

 

                                   Thượng Đế chết rồi, chỉ còn mình ta

                                   Còn cụm tre xanh với trái đất già.

                                                   (Tố Hữu)

 

         Nhìn ra các nước ngoài, chúng ta cũng thấy có những người chủ trương và truyền bá học thuyết :”Thiên Chúa đã chết” , ví dụ như ông Feuerbach, Karl Marx, Nietszech, Sigmund Freud, Albert Camus, Jean Paul Sartre…

 

         Triết gia hiện sinh vô thần Jean Paul Sartre của Pháp chủ trương : “La vie est absurde”  : đời là phi lý.  Tại sao ông ta cho đời là phi lý ? Bởi vì ông chưa tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống.  Ông băn khoăn tự hỏi : tại sao tôi sinh ra trong đau khổ, sống trong đau khổ và chết cũng trong đau khổ ?  Nếu cuộc sống là phi lý thì cái chết lại càng trở nên vô nghĩa hơn.

 

                                   Truyện : Ông sẽ đi về đâu ?

 

         Sau những năm tháng cần cù, khôn khéo làm ăn, hãng của ông Hãnh đã phát triển không ngừng.  Từ một nhóm người làm việc  trong nhà xe của ông thuở trước, nay hãng ông đã thu nhận hơn trăm công nhân. Và ông, từ một đồng nghiệp cần cù, khiêm tốn, trở thành một chủ nhân ông, một CEO, quá hãnh diện với thành quả của mình đến độ trở nên kiêu hãnh, khoe khoang, và coi thường nhân viên.

 

         Hôm tiệc tất niên, sau khi thưởng tiền Tết cho nhân viên, và nghe lời chúc Tết trộn lẫn lời tâng bốc của đại diện nhân công, ông Hãnh cao hứng đáp lời :

         - Nếu hôm nay tôi chết, không biết hãng ta sẽ đi về đâu ?  Các bạn sẽ đi về đâu nhỉ ?

         Một anh nhân viên trai trẻ tính tình bộc trực, đáp ngay :

         - Thưa ông chủ, câu hỏi ông chủ thật thâm thuý, đáng cho toàn thể công nhân viên hãng ta suy niệm suốt năm mới. Nay năm hết, Tết đến, xin phép cho tôi mượn lời ông chủ để soạn thành hai câu đối Tết, treo ngay cổng vào hãng ta .

         - Được lắm. Vậy anh đối làm sao ?

         - Thưa ông chủ, tôi xin đối như sau :

         “Nếu hôm nay ông chết, không biết hãng ta sẽ đưa đám ai ?  Còn ông sẽ đi về đâu “?

         Ông chủ :  - ???

 

         3. Đối với người Kitô hữu

 

         Văn hào Paul Claudel đã thuật lại, hồi nhỏ, đã nhiều lần ông thắc mắc hỏi mẹ ông :”Chết là gì “ ?      Nhưng mẹ ông chỉ im lặng, nhìn ông mà không chịu nói gì. Thế rồi , một hôm, bên cạnh nhà ông có người chết, ông tò mò quan sát từ lúc xác người này còn ở trên giường, cho đến lúc được khâm liệm vào quan tài, và đóng nắp quan tài lại. Ông về nhà năn nỉ hỏi mẹ cho bằng được :”Chết là gì” ?

 

         Ông thuật tiếp :”Có lẽ, mẹ tôi cho là tôi đã đủ khôn lớn, nên mẹ tôi vào tủ sách của gia đình, lấy cuốn Thánh Kinh ra.  Mẹ tôi mở chương 13 sách Phúc âm theo thánh Gioan, mẹ tôi thong thả đọc :”Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của người đã đến, giờ phải rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha…” rồi mẹ tôi âu yếm nhìn tôi và nói “Con ạ, chết là bỏ thế gian để trở về với Chúa Cha”.

 

         Thật là một câu định nghĩa đầy tinh thần đạo đức, đầy hy vọng, đầy an ủi cho mỗi người chúng ta.  Mỗi người chúng ta sẽ chết, và sẽ được trở về với Thiên Chúa là Cha của chúng ta.  Người là Cha đang lo lắng mọi sự cho ta, và sẽ đón chúng ta, trong giây phút sau cùng, về sống cuộc đời vĩnh viễn với Ngài.

 

         Như vậy, chết đối với người Kitô hữu chỉ là sự chuyển đổi. Chết là lên đường về nhà Cha.  Cuộc đời con người như một cuộc hành trình về quê hương nên mới nói rằng :

         - Sinh ra là lên đường

         - Sống là tiến bước trên đường

         - Chết là tới quê hương.

 

         Do đó, đối với chúng ta, chết là kết thúc cuộc lữ hành ở trần gian để về nhà Cha.

 

         “Về nhà Cha”, cụm từ này, trước hết mang tính chất niềm tin. Nhưng cao cả hơn, nó còn là một lời tuyên xưng đức tin.  Rõ ràng khi nói “Về nhà Cha”, nghĩa là chúng ta tin rằng, sau cái chết không phải là hết. Đúng hơn, đó là một sự trở về : Từ giã cõi sống tạm này để về nhà Cha, về với Cha, về cõi vĩnh hằng, và cũng là được Cha gọi về, được Cha triệu hồi về.

 

         Cũng vào khoảng cuối mùa Phục Sinh, Hội thánh long trọng mừng lễ Chúa Giêsu về trời, Chúa về trời là về cùng Cha, về nhà Cha.

 

         Chúng ta nhớ lại, ngay trước lúc chịu tử nạn, Chúa từ giã các môn đệ :”Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

 

         Khi mà Chúa sắp bước vào cuộc thương khó, cái chết đang gần kề, lòng các môn đệ rối bời xao xuyến vì ngỡ như mình mất đi nơi nương tựa vững chắc, vậy mà chính giây phút ấy,  Chúa Giêsu lạ nói :”Lòng các con đừng xao xuyến”, rồi lại “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở’, để bây giờ, chính Thầy đã về nhà Cha mà dọn chỗ cho các con.  Thầy dọn chỗ như thế, là để cuối cùng, các con cũng sẽ về nhà Cha cùng với Thầy.  Những lời an ủi ấy cần thiết biết bao trong giờ phút lo âu này. Nó mang lại hơi ấm, phần nào giúp các môn đệ khỏi ngã lòng.

 

         Chúa Giêsu về trời, nghĩa là Ngài về nhà Cha. Ta biết mình sẽ  được về trời với Chúa Giêsu, vì thế mà biết  mình sẽ về nhà Cha như Ngài, vì Ngài đã hứa :”Thầy sẽ trở lại đưa các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó”.

 

         Nghĩ về cái chết, người Kitô hữu không bi quan, nhưng phải lạc quan, sự lạc quan trong đức tin. Nhờ thái độ của đức tin, họ nói về cái chết không như một kết thúc của cuộc sống, nhưng như cái đích phải đến ở phía cuối cuộc hành trình trở về nhà Cha của một đời người.

 

                                   Truyện : Vui ngày chết

 

         Thánh Ambrôsiô kể rằng dân chúng Thrace khóc và thốt lên những tiếng kêu thảm thiết khi có một người sinh ra, và trái lại,  họ vui mừng hát những bài ca hân hoan khi có người qua đời. Họ tin – và họ có lý -  rằng tất cả những ai đi vào trong thế giới này, một thế giới tràn đầy đau khổ, đều đáng thương hại; và khi họ thoát khỏi nơi lưu đầy buồn khổ này, người ta phải vui lên mừng cho họ.“Melior est dies mortis die nativitatis” : Ngày chết là ngày đáng ưa thích hơn ngày sinh ra.

 

III. CHUẨN BỊ CHO NGÀY VỀ NHÀ CHA

 

         Thi hào Victor Hugo kể rằng : một hôm vào mùa xuân, ông thấy chỉ còn có một con chim trong cái chuồng rộng lớn, ông vào bắt nó : phải vất vả lắm mới bắt được, rồi ông ra gần ban công thả nó đi. Cảm hứng trước cảnh tượng ấy, ông viết :”Nhìn con chim được phóng thích và đang bay đi. Ngắm con vật đáng thương ấy đang khuất dạng ngoài khơi, tôi trầm ngâm, bụng bảo dạ rằng : cái chết của tôi cũng như thế”.

 

         Trong đám tang nhà văn hào Honoré de Balzac, ông đã dõng dạc tuyên bố :”Không, tôi không chán lặp lại điều ấy, không, đó không phải là đêm tối, đó là ánh sáng. Đó không phải là tận cùng, đó mới chỉ là khởi nguyên. Đó không phải là hư vô, đó là vĩnh cửu” (Parvilliez. Niềm vui trước sự chết, tr 28).

 

         Sống chết là hai đầu mối của đời người : ta vào đầu này, ta ra cửa kia, không thể nào khác được.

         Triết gia Heidegger gọi hiện hữu của con người là “hiện hữu qui tử”.  Nhưng thi sĩ Tagore lại coi việc sống chết như hai bầu sữa mẹ : bú xong bên này thì bú sang bên kia :

                  “Khi mẹ giằng con khỏi vú bên này, con oà khóc,

                  “Nhưng liền đó lại thấy nguồn an ủi ở bầu vú bên kia”.

 

         Vì thế nên

 

                           Con yêu đời trong kiếp sống trần gian

                           Thì con cũng yêu cả giờ ly trần

                           Sống chết là chi, khi đời vẫn tiếp :

                           Sự sống đời đời chính Chúa tặng ban.

 

         Luôn tâm niệm cuộc sống ở trần gian chỉ là cuộc hành trình đi về nhà Cha, người Kitô hữu sống trong lạc quan chờ đợi.  Đau khổ và cả cái chết cũng không làm cho họ chùn bước.

 

         Ông Baruel  trong cuốn “Sử ký hàng giáo sĩ thời cách mạng” có ghi lại câu nói sau đây của Viollet, người đã đưa 124 linh mục lên máy chém :”Tôi thực sự không kềm nổi, tôi rất đỗi ngạc nhiên từ đó đến nay, tôi không hiểu được Linh mục của các ông đã đi tới sự chết với một vẻ bình tĩnh như thể họ đi ăn cưới vậy”.

 

         Chúng ta bước vào thời gian ngay lúc vừa mở mắt chào đời, và ra khỏi đó khi giờ chết đến. Khi suy nghĩ về thời gian, ta thường gặp cám dỗ chính đó là thái độ thoái thác. Tất cả chúng ta quen có cái khuynh hướng nhắm tới tương lai hay lại quay về với quá vãng một cách thái quá. Do đó, ta trở nên những kẻ bạo tợn hoặc nản lòng.

 

         Một thanh niên đã nói :”Lúc này ta cứ ăn chơi cho đã… sau này sẽ sống nghiêm túc hơn. Một ông già, với quá khứ rỗng không công nghiệp và đầy tràn tội lỗi, đã kêu lên :”Giờ này thật đã quá muộn ! Tôi đã làm hỏng mất cuộc đời”!

 

         Nhưng, trước mặt Chúa, không khi nào quá sớm, không bao giờ quá muộn… giây phút hiện tại là hồng ân  cần nắm giữ. Đó là giây phút cứu độ. Bí quyết thành công của con người, của ơn Chúa, là can đảm và tin tưởng chấp nhận thời gian trước mắt.

 

         Thời gian hiện tại sẽ đáp ứng nhu cầu thiêng liêng và trần thế của ta cách chính đáng hơn. Nhờ đó, ta đón nhận từng giọt sự sống và tìm cách làm phong phú đời mình.

 

         Phương thế hữu hiệu để khỏi làm hỏng đời mình, là dù lúc nào, tuổi nào,  ta cũng dính kết trọn vẹn vào giây phút hiện tại, như chốt cắm điện dính vào với dòng điện, để phát toả ánh sáng và sức mạnh (Charles Lebrun, Vượt qua cõi hồng trần, tr 20).

 

         Thi sĩ Chateaubriand nói : “Chính trong cái chết mà người Kit ô hữu chiến thắng”.

 

         Cái chết dưới cái nhìn đức tin, không thể là một điều khủng khiếp như người ta quen tưởng tượng.  Tín hữu cần nhìn tới khía cạnh tốt đẹp của sự chết : kết thúc cuộc lưu đầy, thoát khỏi tội lỗi, được Chúa Kitô đón tiếp.

 

         Nhìn như thế, cái chết xuất hiện như một ngày đẹp nhất của cuộc đời, ngày sinh nhật vào đời sống vĩnh cửu.  Thánh Têrêsa thành Avila hiểu sâu sắc điều đó, đến nỗi đôi lúc ngài tỏ ra buồn phiền vì chưa được chết. Ngài kêu lên :”Ôi cái chết, làm sao phải ngần ngại vì trong ngươi đã thấy sự sống ! Tôi chết đi được, vì chưa được chết”.

 

         Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta :”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng chờ đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Cuộc sống của chúng ta  là một cuộc chuẩn bị cho ngày về quê hương vĩnh cửu.  Hãy tin tưởng. Hãy phấn khởi và sẵn sàng  , nỗ lực chuẩn bị cho ngày sau hết của đời mình  : “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”.

 

                                                              Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                              Giáo xứ Kim phát

                                                              Đà lạt