CHÚA NHẬT 14 TN 2020

Trên mạng xã hội từ nhiều ngày qua ở nhiều nơi trên thế giới nổi lên những hiện tượng chống phá tôn giáo cách riêng đạo Công Giáo : Từ Trung Quốc đến ngay tại Hoa Kỳ, kể cả ở Đức, ở Tiệp Khắc. Và tại Việt Nam một vài nhà thờ cũng bị đốt phá mà nghe nói bởi người tâm thần. Song song đó cũng có những tiếng nói đòi hỏi Giáo Hội phải mạnh mẽ, can đảm lên tiếng phản đối, và cần có những biện pháp bảo vệ người tín hữu trước pháp luật.v.v.v. có lẽ chúng ta cũng đồng tình? Và cũng còn những tiếng nói phê phán Giáo Hội không đủ mạnh mẽ, thậm chí không sống trung thực với Tin Mừng.

Ngay từ ngàn xưa các tiên tri đã loan báo việc Thiên Chúa can dự vào LỊCH SỬ Dân Chúa và nhân loại một cách dứt khoát khi sai Con Một Ngài đến để hướng dẫn nhân loại như một vị VUA CỦA DÂN NGÀI. Nhưng là vị Vua khi đến, tuy là “Đấng công chính và là Đấng cứu độ” nhưng lại là “Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ”. Người không dùng “chiến xa”, không dùng “ngựa”, không dùng “Cung tên chiến trận”, nhưng chỉ bằng việc “công bố hoà bình cho các dân tộc”.

Theo Tin Mừng Con Một Thiên Chúa khi đến trong trần gian chỉ được nhận biết và đi theo Người như là thần dân của Người chỉ là “những kẻ bé mọn” không phải “những người hiền triết và khôn ngoan”. Người đã tuyên bố công khai Người là Vua trước tổng trấn Philatô, nhưng lại chấp nhận bị kết án tử để làm chứng cho SỰ THẬT là Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã trao nộp Người. Và Người đòi hỏi thần dân Người phải lấy ÁCH CỦA NGƯỜI, ách ấy là sự “dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng”. Đấy là ách DỊU HIỀN VÀ KHIÊM NHƯỜNG CỦA THẬP GIÁ chấp nhận bị bách hại vì lẽ CÔNG CHÍNH.

Vì thế Giáo Hội trong lịch sử chứng tỏ rằng chính trong những thời điểm “không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần” và “nhờ Thánh Thần Người ngự trong” Giáo Hội, cũng là những thời điểm GIÁO HỘI BỊ BÁCH HẠI, bị truy lùng, bị giết, lại là những thời điểm Giáo Hội được sống cách sung mãn. Ngược lại vào những thời điểm Giáo Hội có nhiều vinh quang trần thế, sống theo xác thịt và hành động theo xác thịt, thì Giáo Hội rơi vào cảnh sa sút và phân tán. Nói cách khác việc Giáo Hội phải “công bố hoà bình cho các dân tộc” phải đi từ nhận thức thân phận tội lỗi và yếu hèn của chính mình để có HÒA BÌNH VỚI THIÊN CHÚA nhờ Tình Yêu Tha Thứ của Chúa trong mầu nhiệm Thánh Giá của Đức Kitô. Như thế HÒA BÌNH mà Giáo Hội phải rao giảng là HÒA BÌNH CỦA THẬP GIÁ, không phải hòa bình của đấu tranh, của súng đạn. Đó là ý nghĩa trong lời thánh Phaolô “chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt” nhưng chính là chúng ta mắc nợ Thập Giá Đức Kitô, nợ sự hòa bình của TÌNH YÊU THA THỨ mà Người ban tặng cho chúng ta cách nhưng không. Bởi vì “Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên” do “Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng”.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ A