TUẦN THÁNH 2011

CHỦ ĐỀ : “ĐỨC YÊSU, ĐẤNG SIÊU ĐẲNG VỀ MẶT SIÊU NHIÊN”

 

 

GỢI Ý GIẢNG CN LỄ LÁ

 

  1. TRƯỚC KHI KIỆU LÁ

 

Tuần Thánh của Đạo công giáo chúng ta năm nay diễn ra trong bối cảnh mới có sự kiện động đất sóng thần tại Nhật Bản. Nhiều  bản tin gọi đây là “siêu sóng thần và động đất (siêu su-na-mi)”. Trong  lúc được yên ổn cử hành Tuần Thánh, chúng ta không quên tạ ơn Chúa  đã không để đất nước chúng ta rơi vào đại họa ấy, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những anh chị em nạn nhân và cho cả một quốc gia còn đang phải rất lo âu về những hậu quả nguy hại do phóng xạ nguyên tử.

Đặc biệt trong bối cảnh này, chúng ta có thể tưởng niệm và mừng kính cuộc Vượt Qua của Đức Yêsu và nghĩ về  các hành vi thái độ của Ngài trong Tuần Thánh này như là sự kiện cũng vô cùng vĩ đại trong lãnh vực siêu nhiên. Chúng ta có thể “cập nhật” lối nói từ một biến cố thời sự và nóng hổi, để gọi cuôc Vượt Qua của Đức Yêsu là “một siêu Su-na-mi về mặt siêu nhiên” theo nghĩa Đức Yêsu đã có những thể hiện và để lại những hậu quả hay cục diện vượt tầm mức thông thường.

Ta có thể nói về Ngài trong Tuần Thánh năm nay như “Đấng siêu đẳng về Tình Mến” : một Tình Mến được chứng tỏ bằng sự vâng phục, bằng lòng bác ái, bằng sự xả thân hy sinh và bằng sự vinh thắng trên tội lỗi và sự chết.

Trong ngày Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh hôm nay, chúng ta cùng nhìn ngắm Ngài như “Đấng siêu đẳng về tinh thần vâng phục”. Đoạn Tin Mừng ta vừa nghe kể lại hôm Đức Yêsu đến làng Bêtania và từ đó di vào thành Yêrusalem. Nhiều người kháo láo bàn tán với nhau, coi Ngài là một ngôn sứ. Họ trả lời cho những người đang thắc mắc về Ngài : Đấy là ngôn sứ Yêsu, người Nagiaret, xứ Galilê đấy. Các môn đệ và dân chúng thì nhìn nhận Ngài là Con vua Đavit, là một vị hoàng đế đang oai phong tiến vào Yêrusalem nhân danh Thiên Chúa. Chính bản thân Ngài biết rõ mình là Chúa, là Con Thiên Chúa, Đấng  thật sự có địa vị cao vời. Thế nhưng tâm trí Ngài chỉ có một ý nghĩ : đó là hoàn toàn vâng phục tôn ý và chương trình của Đức Chúa Cha. Người ta muốn đón tiếp Ngài như đón tiếp  một hoàng đế bằng cách rải lá rải hoa và trải cả áo cả khăn trên đường Ngài đi. Người ta muốn tung hô Ngài như một đại diện của Đấng Tối Cao. Phần Ngài, Ngài chỉ nghĩ và chỉ muốn là Người Con thẳm sâu khiêm tốn và ngoan hiếu của Thiên Chúa Cha mà thôi. Bề ngoài, Ngài vừa dung dị vừa oai phong lạ lùng. Nhưng trong cõi lòng sâu kìn, Ngài chỉ đang sung sướng với cương vị là Con bé nhỏ của Chúa Cha, chỉ đang sung sướng với ý nghĩ làm mọi sự để cho đẹp lòng Chúa Cha, để đề cao Chúa Cha, Đấng Ngài yêu mến trên hết mọi sự..

 

Giờ đây, chúng ta hãy cầm cành lá và tiến bước trong tâm tình hiệp thông với Ngài, thán phục thái độ tùng phục thẳm sâu của Ngài.

 

B. GIẢNG SAU BÀI THƯƠNG KHÓ TRONG LỄ

 

Tất cả lịch sử nhân loại đã đổ vỡ, điêu tàn chỉ vì con người kiêu ngạo, không chịu tuân phục. Không tuân phục chính là tội đầu sỏ, từ đó sinh ra các thứ tội khác và biết bao hậu quả tệ hại. Theo sách Sáng thế, ngay ở lúc khởi đầu lịch sử, hai nguyên tổ loài người đã không nghe lời Thiên Chúa, đã đưa tội vào trần gian và một chuỗi dài vô tận những đau khổ cho con cháu.

Để cứu chuộc con người, Con Thiên Chúa trước hết đã phải đi con đường vâng phục tuyệt đối. Thế nhưng ta cần nói ngay là có thứ tùng phục của hạng người thuộc hạ, cấp dưới và có thứ tùng phục của những người sống trong tình yêu. Sự vâng phục của Đức Yêsu  một mặt bắt nguồn từ thân phận con người là loài thụ tạo, thấp hèn hơn Thiên Chúa, phải tùng phục Thiên Chúa, Đấng ban mọi sự cho mình, Đấng cho mình được hiện hữu, Đấng cao xa hơn mình ngàn trùng, và mặt khác do tình mến tuyệt đối của Ngài đối với Đức Chúa Cha. Trong  tình mến, người ta chỉ nhắm mang lại hạnh phúc cho nhau, chỉ muốn hoàn toàn tùy thuộc nhau, thi hành ý muốn của nhau, do đó trong  tình mến, cũng có một thứ tùng phục. Đức Yêsu đã sống cả hai khía cạnh ấy của sự tùng phục.

Theo các bài Kinh Thánh vừa rồi, với tư cách là con người, Đức Yêsu đã làm một người môn đệ, sáng sáng lắng nghe  Chúa Cha. Thiên Chúa đã mở tai Ngài và Ngài không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Do con người quá đề cao cái tôi và ý riêng của mình, Đức Yêsu đã hoàn toàn bỏ mình, thậm chí hủy mình ra không, nghĩa là từ bỏ phận ngang hàng với Thiên Chúa, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, và hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá như một tử tội ô nhục.

Cũng vậy, theo bài Thương Khó của thánh Matthêô, Đức Yêsu đã tuyệt đối đi theo chương trình của Đức Chúa Cha

+ trong cương vị một người Do thái, Ngài đã tuân giữ luật Đạo như mọi người Do thái : cũng ăn lễ Vượt Qua, cũng cử hành các nghi thức trong Đạo mình

+ với tư cách là Con của Cha, Ngài ngoan ngùy đi theo mọi an bài hay dắt dìu của Cha. Ngài đón nhận mọi sự kiện lớn nhỏ xảy đến, Ngài chấp nhận lời nói, hành vi, cách xử sự của mọi con người mà Cha bắt Ngài đối mặt : từ Caipha, Philatô, Hêrôđê, cho đến cả những tên lính hung hăng, những tên đầy tớ Thầy Thượng Tế hay đám dân cuồng nhiệt. Cha muốn điều khiển những ngày giờ cuối cùng của đời Ngài thế nào, Ngài đều tùng phục hết. Ngài chỉ muốn duy nhất một điều :  vâng theo ý Cha, dù cho phải uống Chén Đắng, dù cho phải chết.

     + Trong suốt cuộc Thương Khó, Ngài chỉ biết có Cha, chỉ mở miệng khi phải công khai tuyên bố sự thật về Ngài, khi Cha muốn Ngài phải mạc khải, để trung thành với Sứ Mạng Cha đã trao phó.

Ngoài ra, Ngài không đối đáp với kẻ đối diện, nếu những câu hỏi của họ chỉ là chuyện thế gian. Ngài không cự cãi với đám đối thủ, vì ý thức đây là giờ hoành hành của Sự Dữ mà Cha cho phép diễn ra.

Chính thái độ tuyệt đối vâng phục đó của Ngài đã tiêu diệt tội kiêu ngạo và bất tuân của nhân loại chúng ta và nhờ đó đã cứu chuộc chúng ta. Nhìn vào Ngài, chúng ta không thể không nghĩ lại về thái độ và phản ứng của chúng ta.

    + biết bao ngl ngày nay đang ngạo mạn trước Thiên Chúa, đang coi ý riêng của mình là tất cả, đang xử sự như mình là Chúa, là Ông Trời.

     + biết bao người đang khinh thường những đòi hỏi của Chúa, những giáo huấn của Hội thánh

+ biết bao người trong chúng ta đang khó chịu, tức tối, oán trách khi phải sống theo luật Chúa hay đường lối Hội thánh, quan niệm rằng sống như thế khác nào chúng ta bị coi như trẻ con, như chưa trưởng thành, Chúng ta muốn và thực sự cố ý thoát ly tất cả , gạt bỏ tất cả, để làm theo ý thích của mình và xu thế chung của thời đại, của xã hội.

 

Chúng ta hãy suy nghĩ về thái độ, về lối sống tùng phục của Đức Yêsu - một sự tùng phục trong khiêm nhường và tình mến sâu thẳm, và nhớ về Ngài như Đấng  vừa đang phán xét và lên án chúng ta, vừa đang kêu mời chúng ta đi vào tinh thần của Ngài, để nên giống Ngài và được hưởng ơn cứu độ mà Ngài muốn phú ban.

 

Lm. Ant Trần thế Phiệt, DCCT