GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM A

          Nước sạch cùng với không khí và thực phẩm là ba yếu tố tối cần thiết cho sự sống thể lý của con người. Từ lâu và ở rất nhiều nơi, nước sạch trở thành một vấn đề lớn, như vấn đề thiếu nước sạch, vẫn đề nước bị ô nhiễm.. Ngày nay, do dân số toàn cầu ngày càng gia tăng và do sự kiện trái đất nóng lên, nhiều nơi đang bắt đầu lo ngại về vấn đề khan hiếm nước uống, nước sinh hoạt, thậm chí lo ngại những cuộc chiến tranh dành nguồn nước.

          Lời Chúa hôm nay đề cập đến nước. Trước hết, bài đọc một kể lại giai đoạn Dân Israel vừa ra khỏi Ai cập và phải đi băng qua sa mạc rộng lớn để tiến về Đất Hứa. Đây là lúc họ gặp phải những nơi hoàn toàn thiếu nước và họ bị cơn khát khô cổ họng hành hạ. Lần đó, họ kêu trách Thiên Chúa, dọa ném đá Môsê, khiến Môsê phải vội vã nài van với Thiên Chúa và Người đã ban nước uống chảy ra từ một tảng đá lớn.

          Bài Tin Mừng cũng nói về nước, bắt đầu từ cơn khát của Chúa sau mấy giờ di chuyển cùng với nhóm môn đệ của mình. Theo sự tường thuật của tác giả Gioan, Đức Giêsu đã từng bước dẫn dắt người phụ nữ Samari đi đến nhiều nỗi khát khác nhau. Ban đầu, Đức Giêsu xin một ít nước uống cho đỡ khát, nhưng liền đó, Ngài gợi cho người phụ nữ về thứ nước hằng sống, nghĩa là thứ nước quý hơn thứ nước dưới cái giếng của tổ phụ Giacop, con người và thú vật có uống no nước này thì rồi ít lâu sau vẫn lại bị khát, còn thứ nước Ngài ban là thứ nước sẽ mang lại sự sống đời đời. Lời khác lạ của Ngài khiến người phụ nữ mong ước được có thứ nước Ngài nói, để không còn khát và không còn phải ngày ngày ra giếng này để múc nước.

          Đến đây Đức Giêsu nghĩ đến một nỗi khát về mặt tâm lý nơi người phụ nữ: chị ta chưa được thỏa mãn trong tình yêu và Ngài gợi cho chị nhớ đến nỗi khát đó, qua việc bảo chị ta về gọi chồng mình. Nghe thế chị phải thú nhận là mình không có chồng. Đức Giêsu nói rõ là tuy chị đã có năm đời chồng và hiện đang sống với người thứ sáu, nhưng tất cả đều không phải là chồng chính thức. Nhận xét chính xác này của Đức Giêsu đưa chị đến nhận thức rằng Đức Giêsu phải là một ngôn sứ, vì biết rõ ngọn nguồn và hiện trạng đời sống của chị. Từ linh cảm Đức Giêsu là một vị ngôn sứ, một vị có thể hướng dẫn người ta về đạo đức, chị nêu thắc mắc về vấn đề thờ phượng Thiên Chúa, vì người Do Thái cho là phải thờ phượng Thiên Chúa tại Giêrusalem, còn người Samari lại cho là phải thờ phượng Thiên Chúa tại Bêten. Đức Giêsu giải đáp thắc mắc này của chị, qua việc cho biết Thiên Chúa  không cần con người thờ phượng Người ở một nơi nào, nhưng cần nhất là thờ phượng Người trong Thần Khí và sự thật. Người phụ nữ có lẽ chưa thỏa lòng và chưa hết thắc mắc sau câu trả lời đó của Đức Giêsu. Chị ta chỉ còn biết trong chờ ngày Đấng Mê-si-a ngự đến, vì chính Ngài sẽ làm sáng tỏ mọi sự. Đắp lại chờ mong của chị, Đức Giêsu đã mạc khải Ngài chính là Đấng Mê-si-a mà chị trồng chờ.

          Vậy Lời Chúa nhắc đến nhiều nỗi khát, khát về thể lý, khát về tâm lý. Nhưng mục đích chính là qua cuộc trò chuyện với người phụ nữ Samari, Đức Giêsu muốn gợi đến một nỗi khát rất sâu xa mà con người ít khi nghĩ đến: đó là khát khao được biết sự thật về Thiên Chúa, về cách thức thờ phượng Thiên Chúa, về bổn phận tôn thờ của con người đối với Thiên Chúa và về việc gặp gỡ chính Thiên Chúa cũng như chính Đấng Mê-si-a.

          Thánh Phaolô, trong bài đọc hai, có thể nói cũng gợi đến một nỗi khát sâu xa, đó là con người khát khao ân sủng và vinh quang. Thế nhưng nỗi khát khao này cũng đã được thỏa mãn nhờ tình thương mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng kẻ tin và nhờ Đức Giêsu đã chết vì kẻ tin, ngay khi mọi người còn là tội nhân và chưa có công nghiệp gì.

          Vậy các đoạn Kinh Thánh hôm nay giúp ta ý thức hơn về một thái độ mà nhiều kẻ tin trong chúng ta dễ mắc phải: đó là chỉ lẩn quẩn với những chuyện thuộc thế gian, chứ không hướng lòng về những thực tại cao siêu và quý giá, như ơn cứu độ, ân sủng và sự sống đời đời. Mùa Chay nhắc chúng ta về những ơn đó, những ơn mà Đức Giêsu là Đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài. Chúng ta cảm tạ Chúa và dọn lòng để xứng đáng nhận những hồng ân cao cả vượt trên mọi thực tại trần gian đó.

          Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ A