THÁNH LỄ MỒNG 2 TẾT

Quan sát hay theo dõi thế giới quanh ta, ta nhận thấy nơi nhiều loài vật, sự hy sinh và công khó của những con bố, con mẹ thật lớn lao. Để sinh ra một con con hoặc một bầy con, con thú mẹ phải trải qua một thời gian cưu mang, rồi cho con bú, sáng chiều đi tìm thực ăn cho con, rồi tập tành cho con biết đi lại, tìm mồi, đạt đến những thói quen của loài mình, cho đến ngày chúng khốn lớn và có thể tự lập. Nơi con người quá trình khởi từ khi cưu mang đến khi sinh dưỡng, dạy dỗ và giúp cho con nên người khôn lớn là cả một quá trình đầy khó nhọc, đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh quảng đại. Gần mỗi cá nhân nhất và cần thiết cho sự sinh tồn cũng như phát triển, đó chính là cha mẹ, rồi ông bà nội ngoại và xa thêm nữa là thế hệ cụ kỵ hoặc tổ tiên. Mỗi cá nhân là một sự kết tụ của biết bao hy sinh gian khó của rất nhiều thế hệ đi trước. Và do đó, thái độ phải có của mỗi cá nhân là phải sâu xa biết ơn cha mẹ ông bà mình và các thế hệ đã hiện hữu trước mình.

Về công lao của các bậc tiền nhân thì có thể kể ra rất nhiều:

-    cụ thể là họ đã được có mặt tại một miền đất, nói đúng hơn, chính Thiên Chúa đã ban cho họ được sinh ra và hiện hữu trên đời, được đặt vào một nơi chốn, được thừa hưởng một khu vực,

-    chính họ đã vất vả khai phá mở mang nơi họ sinh sống

-    với thời gian, họ sinh sản ngày càng thêm nhiều và làm thành những nhóm người ngày một đông hơn

-    với tư cách một tập thể gắn bó với nhau, cùng sinh sống và làm việc với nhau, họ thiết lập ra những thôn xóm, rồi buôn làng hay quận huyện, thành phố cũng như quốc gia

-    họ tiếp tục lao động và theo thời gian, dần dần khai phá những đường đi lối lại, những nhà cửa vườn tược để chính mình sử dụng và để trối lại cho các thế hệ sau đó.

Thế hệ chúng ta hiện nay đang có mặt trên đời là do được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và do ông bà cha mẹ sinh ra.

          Sau khi sinh chúng ta, ông bà cha mẹ lấy những điều bản thân mình đã hấp thụ từ thế hệ đi trước để áp dụng cho việc hưởng dẫn đào luyện chúng ta. Từ đây việc dưỡng nuôi chúng ta về phần xác, hưởng dẫn đời sống tinh thần của ta, nghĩa là giúp ta ngày càng có những sự hiểu biết, những thói quen hay những đức tính để ta trở thành một con người là cả một công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, rất nhiều sự săn sóc tỉ mỉ, rất nhiều sự hưởng dẫn tận tình, phức tạp hàng trăm lần hơn việc nuôi dưỡng, dìu dắt, huấn luyện một con vật từ lúc nó sinh ra đến khi nó khôn lớn.

          Chưa hết. Con người còn phải được đón nhận đức tin, phải hiểu biết dần dần và thấm nhuần đức tin ngày một hơn. Đây là công việc vừa do ơn huệ và tác động của phía Thiên Chúa và Giáo hội, vừa do công lao của cha mẹ. Trong công việc cao trọng này, chẳng những cha mẹ phải hưởng dẫn sửa dạy nhắc bảo con, để con hiểu và sống theo những đòi hỏi của đức tin, mà chính bản thân cha mẹ phải là gương mẫu trọn hảo trước khi dạy dỗ con. Điều này đòi hỏi họ phải hy sinh rất nhiều, phải hạn chế biết bao sở thích cá nhân, phải từ bỏ bao nhiêu khiếm khuyết để trở nên khuôn đúc cho đức tin của con cái.

          Tóm lại cha mẹ hay nói rộng ra, các thế hệ đi trước cần sống đạo đức gương mẫu để giúp thế hệ con cháu mình ngày càng phát triển về các mặt thể xác, trí khôn và trở nên một con người có đầy đủ những đức tính nhân bản, trở nên một Kitô hữu có một lối sống thấm nhuần ảnh hưởng của đức tin, theo đòi hỏi và chờ mong của Thiên Chúa, nhất là theo mẫu mực lý tưởng là chính đức Kitô.

          Vì ý thức về công lao to lớn, về nhiệm vụ cam go với biết bao hy sinh gian khổ của bậc cha mẹ, ông bà và tiền nhân, nên trong ngày mồng 2 Tết Nguyên Đán hôm nay, theo mong muốn của giáo hội, chúng ta thành tâm và sâu xa biết ơn các thế hệ đi trước. Đa số họ đã đi vào thế giới bên kia, nhưng dù có những người ta không biết hoặc không còn nhớ thì chắc chắn mỗi người trong họ đều đã góp một phần rất quan trọng vào sự tồn tại và thực trạng hay hạnh phúc của ta hôm nay. Theo lời Chúa dạy, ta hãy là những người con ngoan hiếu trong gia đình nhỏ bé của mình, trong cách cư sử với bậc cha mẹ ông bà, nhất là những vị cao tuổi và yếu đau, đang cần đến sự giúp đỡ và sự quan tâm ân cần của ta. Ta cũng không được mượn cớ phải thờ kính Thiên Chúa mà bê trể tình nghĩa đối với cha mẹ ông bà. Chúa muốn ta vừa kính thờ Chúa vừa yêu mến ông bà cha mẹ, chứ không được bắt chước nhóm Pharisêu và kinh sư trong dân Israel thời Đức Giêsu: họ bịa ra điều luật lễ phẩm dâng cho Chúa để không giúp đỡ cha mẹ, bằng cách tuyên bố với cha mẹ là những phẩm vật này, con không lấy để giúp cha mẹ được nữa, vì con đã dành riêng để kính dâng Thiên Chúa rồi. Đó là một lời dạy rất  mạnh và rất thẳng thắn của Đức Giêsu, để vạch trần thói đạo đức giả và bất hiếu của Pharisêu và kinh sư thật sự Đức Giêsu không hề muốn các kẻ tin thờ kính Cha Ngài, đến độ dẹp bỏ bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ trần gian của mình.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ A