GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA THỨ XXI THƯỜNG NIÊN NĂM A

          Đức Giêsu là một mầu nhiệm khôn dò. Ngài vừa là Ngôi Hai trong ba ngôi Thiên Chúa, vừa là một con người. Ngài có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Ngài không thể được xếp loại như những người khác, vì Ngài trổi vượt trên mọi người và khác biệt với mọi người. Không con người nào có thể biết đầy đủ về Ngài, mà chỉ một mình Chúa Cha mới biết.

Bởi đó, khi Ngài hỏi các tông đồ về suy nghĩ của những người khác về Ngài, hay dư luận bàn tán chung quanh Ngài, các tông đồ chỉ biết trả lời rằng người thì bảo Ngài là Gioan tẩy giả hoặc Giêrêmia, kẻ lại bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó thời Cựu ước tái xuất hiện. Bởi vì khi tiếp xúc với Ngài hoặc theo dõi lối sống và hành vi của Ngài người thì thấy nơi Ngài có thái độ giống như thái độ của Gioan tẩy giả: đó là nhiệt thành với sứ mạng loan báo về Nước Trời sắp đến và dọn đường cho Nước Trời, qua việc kêu gọi mọi người sám hối, canh tân và chẩn chỉnh đời sống, giống như dọn sẵn một con đường rộng rãi bằng phẳng cho Thiên Chúa ngự đến. Có người gặp Đức Giêsu lại nghĩ ngay đến Ê-li-a, vị ngôn sứ mạnh mẽ bảo vệ cho Thiên Chúa, bênh vực uy thế của Người và thẳng thắn lên án những quan niệm lệch lạc. Người ta cũng nghĩ Đức Giêsu là Ê-li-a, vì theo Cựu ước, Ê-li-a là vị ngôn sứ chỉ biến mất một thời gian và sẽ trở lại khi Nước Trời đến. Còn một số người khác so sánh Đức Giêsu với ngôn sứ Giêrêmia, có lẽ vì thấy Ngài là con người gặp phải nhiều chống đối thu ghét như ngôn sứ Giêrêmia vào thời Dân chọn bị mất nước và phải lưu đầy sang Babilon dĩ nhiên những nhận xét đó của thiên hạ chỉ đúng một phần, chứ chưa bao trùm được tất cả mầu nhiệm của Đức Giêsu.

Đến đây Đức Giêsu muốn hỏi các tông đồ về chính suy nghĩ của họ, chứ không chỉ muốn họ nói theo nhận xét của những người chung quanh. Đây là một vấn đề rất quan trọng, nó cho thấy sự tiến triển của các tông đồ trong việc hiểu biết về Ngài, để căn cứ vào đó, Ngài có thể dẫn họ đến một giai đoạn mới, cũng như dẫn họ đi sâu hơn vào việc hiểu biết về Ngài, về tinh thần và đường lối của Ngài, về phương cách Cứu Thế. Trước câu hỏi của Ngài, thánh Phêrô đã tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Theo câu trả lời ấy, Phêrô nhìn nhận Ngài chính là Con Thiên Chúa, đồng thời là Đấng được sức dầu, để làm Đấng Cứu Thế, Đấng do Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện việc cứu độ nhân loại. Và Đức Giêsu cho biết Phêrô trả lời được như thế là do chính Chúa Cha soi sáng, chứ không phải do trí thông minh của một người phàm. Vì trí khôn của con người không thể thấu triệt tất cả mầu nhiệm Đức Giêsu, mà chỉ có thể đạt tới một mức độ hay một khía cạnh nào đó, như dư luận của thiên hạ đã cho thấy.

Điều này phù hợp với một suy nghĩ của thánh Phaolô: đó là những ai được Thiên Chúa tiền định, thì Người cũng kén chọn và kêu gọi. Bởi đó, ngay khi Phêrô vừa trả lời, Đức Giêsu đã hiểu là Chúa Cha quý thương và kén chọn Phêrô một cách đặc biệt, và Đức Giêsu liền báo trước về tương lai của thánh nhân. Người sẽ là tảng đá, là nền mỏng của Hội Thánh Ngài. Phêrô cũng được chia sẻ quyền buộc tội hay tha tội và quyền quản lý chìa khóa Nước Trời, giống như trong thời Cựu ước, Thiên Chúa đã loại Sép-na, tể tướng triều đình và chọn En-gia-kim thay thế. Thiên Chúa sẽ tước áo thụng, cân đai của Sép-na và chìa khóa cửa thành mà trao cho ông, như bằng chứng cất nhắc ông lên địa vị mới. Sự kiện quá khứ cũng xác nhận những suy nghĩ của thánh Phaolô tông đồ: đó là mọi sự đều do Thiên Chúa an bài và quyết định. Người là Đấng tự do trong các quyết định của Người, trong việc kén chọn người này, loại trừ kẻ nọ. Người hành động khác con người và không ai có thể biết trước hay chi phối những hành động của Người.

          Lời Chúa hôm nay mời gọi tất cả chúng ta nhìn lại thái độ và mức hiểu biết của chúng ta đối với Đức Giêsu. Biết bao người trong chúng ta rất mù mờ về Đức Giêsu và về Đạo, do yếu kém về Giáo Lý. Xin Chúa giúp chúng ta ngày càng biết đào sâu giáo lý của đạo, nhất là biết tăng cường tình mến đối với Chúa và biết nhiệt thành bước theo Chúa và làm việc cho Chúa, như các tông đồ ngày xưa.

          Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ A