GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, A

Mùa Vọng luôn gợi lại cho chúng ta về niềm đợi chờ của dân Do Thái. Suốt nhiều thế kỷ trước công nguyên, trước khi Con Thiên Chúa đến trần gian, Dân chọn liên lỉ hướng về tương lai. Từ khi họ được các vị đại diện của Thiên Chúa dạy họ về Thời Thiên Sai và giới thiệu về Đấng Thiên Sai, lòng trí họ càng sôi sục một niềm hy vọng cháy bỏng. Họ được nghe nhắc đi nhắc lại trong các buổi hội họp, khiến họ ghi sâu trong trí nhớ những lời tiên báo về Đấng Thiên sai sẽ đến: Đấng ấy sẽ xuất thân từ dòng họ Đavit, giống như một mầm non móc ra từ gốc cây là Gie-sê, ông tổ vua Đavit. Đấng ấy sẽ đầy các ơn của Thần Khí, sẽ thương riêng hạng  người thấp cổ bé miệng, sẽ bênh vực kẻ nghèo hèn. Ngài cũng sẽ mang lại một kỷ nguyên thái hòa, trong đó những thú dữ như sư tử, cọp beo, gấu cái, rắn lục sẽ không còn làm hại ai, vì đâu đâu cũng đầy sự hiểu biết Chúa.

Đồng thời, từ khi có ngôn sứ Êlia, vị ngôn sứ lớn lao, đã được ngựa bằng lửa và xe bằng lửa kéo lên trời, để trở lại như dấu hiệu báo trước lúc Đấng Thiên sai sắp đến, dân chọn chỉ luôn chờ đợi sự kiện Êlia trở lại đó. Bởi vậy, như đoạn Tin Mừng tường thuật, lúc Gioan tẩy giả xuất hiện,  rao giảng về Nước Trời và làm phép rửa bằng nước để những người lãnh nhận tỏ lòng sám hối, mọi người thời ông thì càng phấn khởi, như nắm chắc Tin mừng Nước Trời sắp đến. Với lòng phấn khởi và hy vọng tràn trề, người ta từ khắp nơi tuốn đến với Gioan, khiêm tốn lãnh nhận phép rửa bởi tay ông và muốn thực tâm sám hối. Nhiều người thuộc nhóm Pharisêu và nhóm Xa đốc cũng từ bỏ tội lỗi theo lời nhắc nhở thẳng thẳn của ông.

Trong hiện tại, người công giáo chúng ta là người sống sau biến cố Đấng Thiên sai đến trần gian. Chúng ta không còn phải nóng lòng chờ đợi như dân Do Thái thời Cựu ước vì chúng ta đã đạt được điều nhân loại chờ mong. Thế nhưng chúng ta vẫn còn phải giữ mãi một niềm chờ mong khác: đó là chờ mòng cuộc ngự đến lần thứ hai của Đức Kitô. Trong hiện tại, chúng ta được mời gọi cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã thương xót chúng ta, và sống chan hòa tình bác ái huynh đệ đối với nhau, để xứng đáng là những người đã được hưởng ơn cứu độ của Đức Kitô, Đấng Thiên sai mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại từ ngàn xưa.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt, DCCT


GỢI Ý GIẢNG LỄ A