GỢI Ý GIẢNG L Ễ  

SÁNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH 2011

 

Tất cả những người dự cả hai lễ - tối hôm qua và sáng hôm nay – đều dễ có suy nghĩ và cảm nhận rằng lễ sáng nay không long trọng bằng lễ tối hôm qua. Lễ tối hôm qua hoành tráng, đánh động và gợi cảm hơn hẳn, do các nghi thức, do số lượng các bài đọc, do bầu khí nhà thờ. Thật ra cả hai lễ đều mừng kính một mầu nhiệm Phục sinh, tuy cách tổ chức và sắc thái có khác nhau.

Một điểm nữa là hôm đầu Tuần Thánh, lấy theo sự kiện mới xảy ra ở Nhật Bản, có người đã gọi những hành vi của Đức Giêsu trong Tuần Thánh là một sự kiện vĩ đại, có thể gọi là một thứ siêu su-na-mi nghĩa là siêu sóng thần và động đất về mặt siêu nhiên.

 

Gọi như thế vừa không đúng vừa chính xác.

Không đúng bởi vì trận động đất và sóng thần là một sự kiện quá hiển nhiên, quá vĩ đại, với sức tàn phá khủng khiếp và để lại một cảnh tượng kinh hoàng với những hậu quả đang hiện rõ và biết bao hậu quả trong tương lai xa xôi nữa.

Có lẽ có thể nói cuộc Xuất Hành ngày xưa của dân Dothái là một biến cố “siêu động đất” thì được như ta vẫn nói “kinh thiên động địa”. Bởi vì chuyện mấy trăm ngàn người Dothái từ nhiều miền trong nước Aicập cùng một lúc nườm nượp kéo nhau lên đường đúng là một biến cố khiến vua quan và dân chúng Aicập phải thực sự ngỡ ngàng, bấn loạn và kinh hoàng.

 

Trái lại, sự kiện Đức Giêsu phục sinh có vẻ không có gì rầm rộ, vĩ đại. Theo đoạn Tin Mừng của thánh Gioan mà ta vừa nghe, sự kiện đó xảy ra lúc “trời còn tối” mà hình như người biết chuyện chỉ có 3 mà thôi : chị Madalêna và hai tông đồ, cùng lắm là vài phụ nữ nữa, dựa vào chữ chúng tôi “không biết người ta để xác Thầy ở đâu”. Rõ ràng khó có thể gọi phục sinh là biến cố “siêu su-na-mi”, biến cố “kinh thiên động địa”.

 

Thế nhưng mặt khác, ta vẫn có thể dùng chữ “kinh thiên động địa” để nói về cuộc phục sinh của Đức Kitô.

 

+  Trước hết, đối với thế giới vô hình, đối với Ma quỷ và hỏa ngục, cuộc phục sinh chắc chắn là biến cố vô cùng vĩ đại, làm cho Ma quỷ phải bấn loạn, hoảng sợ và tuyệt vọng. Vì từ nay, đã có kẻ mạnh thế hơn nó, tấn công và chiến thắng nó, đập tan ách thống trị và chận đứng sự hoành hành bấy lâu của nó.

+ Đối với nhân loại, phục sinh cũng là biến cố vô cùng vĩ đại, vì đảo lộn mọi sự và để lại một cục diện hoàn toàn mới mẻ. Đồng ý là Phục Sinh êm ả, kín đáo, không như sóng thần, không như sự kiện dân Dothái rầm rộ lên đường rời bỏ Aicập, nhưng tâm trạng các tông đồ không thể như trước được nữa: Phêrô đến mộ sau Gioan, nhưng do tính nóng nảy, phản ứng nhanh, chạy thẳng vào mộ, thấy các vải liệm xác Thầy sắp xếp đâu ra đó, Phêrô không thể bình thản, vì biết đang đối diện với một sự kiện quá bất ngờ và khác lạ. Gioan đến mộ trước nhường quyền ưu tiên cho Phêrô, khi vào trong mộ chứng kiến những gì đang có trong mộ, đã tin ngay và dĩ nhiên không thể còn nghĩ, còn suy như khi trước được nữa. Các ông chưa hiểu hết vì còn bần thần ngỡ ngàng nhưng linh cảm ngay là đã có một Tin mừng vĩ đại mà dân Chúa đã mong đợi từ lâu, đó là Đấng Thiên Sai đã đến, Thời Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và thiết lập Nước Trời đã đến.

 

 

Kế đó, như vết dầu loang, nhiều người khác sẽ được biết cố chưa bao giờ có, như hôm thánh Phêrô gặp người Dothái và làm chứng về biến cố phục sinh. Theo thời gian, Tin mừng Phục sinh cứ lan rộng ngày một xa hơn.

+ Cuối cùng, tuy êm ả, nhưng trận “su-na-mi Phục sinh” đã và sẽ còn nhiều di chấn, nhiều đợt sóng không kể xiết. Đó là sự kiện có những con người tin nhận Đức Kitô. Có những con người đổi mới đời sống, có những con người giã từ quá khứ tội lỗi, bước vào một giai đoạn mới, thoát khỏi “nền văn minh sự chết” của Ma quỷ, thế gian, xác thịt, để đi vào “nền văn minh sự sống”.

 

Vậy theo một nghĩa rất thật, cuộc Phục sinh của Đức Kitô đã và còn là một biến cố siêu đẳng về mặt siêu nhiên, làm đảo lộn thế giới và lãnh vực của sự Tội và sự Chết, vùi lấp cơ đồ của Ma quỷ và mở ra một Cục Diện hoàn toàn mới, Cục Diện trong đó Thiên Chúa và Đức Kitô thống trị, tiếp tục cứu rỗi, và phú ban Sự Sống đích thực và vĩnh cửu.

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa quyền năng và đích thân tham dự vào biến cố vĩ đại chưa từng có- tham dự bằng đức tin chân thành, bằng sự đổi mới thực sự và bằng sự kiên trì gắn bó với Đấng Phục Sinh, sống chết cho Đấng Phục Sinh.

 

Antôn Trần thế Phiệt

22.04.2011

 


Về Trang Mục Lục