CHÚA NHẬT 33 NĂM B

Kính trọng thể các thánh Tử đạo Việt Nam

(xin chọn các bài Kinh thánh Lễ tử đạo như sau : Đnl 30, 15-20)

Đáp ca : tv 33, 2-3,4-5,6-7,8-9

Cl 1, 23-29

Ga 12, 24-26

 

Nói lúc đầu lễ : Hôm nay, toàn thể Hội thánh, cách riêng Giáo Hội  Việt Nam chúng ta, hân hoan mừng kính 117 thánh tử đạo, gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 15 thấy giảng, 1 chủng sinh, 15 giáo dân và 1 á thánh, là những vị đã được Hội thánh tôn phong, chưa kể hàng trăm ngàn vị khác đang được cứu xét…

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội  Việt Nam chúng ta  một hồng ân đặc biệt và ban cho các thánh Tử Đạo Việt Nam một diễm phúc thật lớn lao…

 

Bài giảng lễ : Có nhiều lý do khiến các thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta đổ máu vì Đạo thánh.

Theo sử liệu và hạnh tích các  Ngài, có thể hiểu các Ngài  là nạn nhân của một hoàn cảnh lịch sử và xã hội  : một là các Ngài gặp phải ác cảm và sự thù ghét của một số tín đồ các Đạo khác, khi họ dị ứng với một tôn giáo mới lạ, có một giáo lý và những quan niệm, những lời dạy khác biệt với niềm tin truyền thống của họ - hai là người công giáo bị chính quyền lúc bấy giờ hiểu lầm, coi họ là nhóm người vừa lầm lạc vì đi theo một tôn giáo của Tây phương, vừa là nhóm người nguy hiểm, đang đi với ngoại bang, tiếp tay cho ngoại bang trong ý đồ thôn tính nước ta. Hai lý do vừa nói đã biến các Ngài thành đối tượng của một lòng căm thù và quyết tâm khử trừ các Ngài và đẩy các Ngài đến cái chết đau thương. Các Ngài trở thành nạn nhân của một số phận hẩm hiu.

Thế nhưng đối với chúng ta, các Ngài đã không mất mạng sống mình chỉ vì bất lực trước kẻ thù, và chết một cái chết thụ động. Bởi lẽ bên cạnh việc đổ máu vì những lý do bên ngoài vừa nói, các Ngài – như Lời Chúa hôm nay gợi ý – đã chết với tư cách là những con người sáng suốt, đã anh dũng chọn Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu, cho dù phải hy sinh một cuộc sống êm ấm trong gia đình, phải bỏ lại những người thân yêu, bỏ lại mọi cơ ngơi sán nghiệp. Các Ngài đã giống như ông Môsê và Dân Israel ngày xưa, nhất quyết chọn Thiên Chúa – giống như thánh Phaolô tông đồ miệt mài xả thân vì công việc rao giảng Tin Mừng đã được mạc khải nơi Đức Kitô để nhiều người Dân Ngoại được cứu độ - và giống như chính Đức Yêsu, tuy đầy quyền năng để tự cứu mình khỏi chết, đã chấp nhận cuộc Khổ nạn, trở thành như hạt lúa mì mục nát đi dưới lòng đất.

Khi ngẫm nghĩ về cái chết của các Ngài, chúng ta thấy cái chết của các Ngài rất khac với nhiều cái chết, ví dụ cái chết của những người tự tử hoặc tự thiêu. Những người kia chết, có thể vì một lý tưởng (như tranh đấu cho Dân tộc mình được tự do) : các thánh Tử Đạo Việt Nam cũng chết vì một lý tưởng, nhưng là lý tưởng trung thành với đức tin, lý tưởng thực thi Lời Chúa dạy (“Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất…” “ Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi thì nó chỉ trơ trọi một mình”) và lý tưởng nên giống Đức Kitô, Chúa của mình.

Đàng khác, trong khi rất nhiều người khác tự tử để phản đối một chuyện gì hoặc tự thiêu để thể hiện một  lập trường, một quan điểm,  thường chết trong nỗi căm thù và bất mãn, thì các thánh Tử Đạo luôn luôn chết trong tình mến, thiết tha yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa và quyền định đoạt về sự sống hay sự chết của Người, các Ngài chết mà không thù ghét những kẻ giết hại mình, chết trong xác tín về sự hiện hữu của Nước Trời, về giá trị trổi vượt của Nước Trời.

Tại sao các thánh Tử Đạo Việt Nam  – đa số là những  giáo dân quê mùa ít học – đã chết tử đạo được ? Đó là vì các Ngài đã có một đức tin mạnh mẽ, xuất phát không phải từ những hiểu biết thần học thâm sâu mà từ một tình thần đơn sơ cởi mở, đón nhận những lời dạy của Chúa Yêsu và của Hội thánh, một đức tin được nuôi dưỡng hằng ngáy bằng những việc đạo đức thông thường, những thực hành bình dân, và được nâng đỡ bởi ơn sức Chúa Thánh Thần.

Mừng kính các Ngài hôm nay, chúng ta hãnh diện về bậc cha anh của mình, trong đó có nhiều vị thánh là người cùng làng, cùng gia tộc với người này người kia ở đây. Chúng ta nhìn lại con đường hay phương thế đã đưa các Ngài đến phúc tử đạo và tự suy nghĩ : hiện nay đức tin của tôi đang như thế nào, tôi có thể hiện đức tin tôi bằng một đời sống đạo đức sốt sắng và những việc đạo đức thường xuyên hay không ? Tôi đang có tư cách người công giáo thế nào ? Và liệu tôi có thể có những  hy sinh lớn lao vì Chúa như bậc cha anh của mình hay không ? Khi bắt đầu trả lời  cho những câu hỏi đó bằng một đời sống đạo đức đáng khen, đó là khi chúng ta mừng kính các Ngài một cách thiết thực và đúng nghĩa.

 

Antôn Trần thế Phiệt, DCCT


GỢI Ý GIẢNG LỄ B