LỄ THĂNG THIÊN 13.05.2018

 

Anh chị em rất thân mến,

Qua các bài Thánh Kinh chúng ta vừa nghe, chúng ta có thể thấy ngay từ đầu đã có nhiều tường thuật khác nhau về biến cố Chúa Lên Trời để làm sáng tỏ ý nghĩa của mầu nhiệm kỳ diệu này, nhưng tất cả đều tùy thuộc vào những chứng nhân được sai đi.

Thánh Luca, tác giả sách Tông đồ Công vụ quan tâm đặc biệt đến vai trò của Chúa Thánh Thần nơi các chứng nhân “những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần” và là những người “sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”. Thánh Gioan cũng đã ghi lại Lời của Chúa trong bữa Tiệc ly : “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng”. Điều này chỉ có thể xẩy ra khi Người về cùng Cha “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” Tuy Thánh Marcô không trực tiếp nói tới Chúa Thánh Thần như là mục đích của việc Lên Trời của Chúa Giêsu nhưng ông có cách diễn tả riêng khi các môn đệ “đi rao giảng khắp mọi nơi” thì các ông “có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo” mà thánh Phaolô nói đó là “Thần Trí khôn ngoan và mạc khải”, là “hành động của sức mạnh quyền năng Người”.

Từ những suy nghĩ ấy, chúng ta phải nói gì về Đức Trinh Nữ Maria, Người Nữ đầu tiên đã loan báo và làm chứng cho Chúa Giêsu, ngay từ lúc Người mới thụ thai trong lòng dạ Mẹ? Sứ Thần Gabriel đã có lời giải đáp “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”. Và điều sứ thần nói chỉ sẩy ra sau lời của Mẹ “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa”. Và trước mỗi biến cố vượt qua sức hiểu của trí khôn, của con tim trong hơn 30 năm sau đó thái độ của Mẹ được Tin Mừng ghi nhận “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” thái độ chờ đợi “Thần Trí khôn ngoan và mạc khải”, Đấng được hứa “sẽ ngự xuống trên bà” để hiểu và xin vâng con đường Mẹ được kêu gọi đến “Đứng gần thập giá Đức Giê-su”. Nếu như các môn đệ đã được như thánh Marcô nói “có Chúa cùng hoạt động với các ông” “bằng những phép lạ kèm theo”, nhưng hầu như chúng ta không còn thấy nhiều bằng chứng vào các thế hệ sau đó, riêng với Đức Mẹ, trải qua 2000 năm, cách riêng vào các thế kỷ cận đại, hoạt động của Đức Mẹ diễn ra trên mọi miền thế giới với những phép lạ lớn lao làm chứng cho điều thánh Phaolô đã viết “để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin”. Mầu nhiệm Chúa Lên Trời có một ý nghĩa sâu xa nhưng được tỏ bày rất cụ thể trong chính việc Mẹ là Đấng Duy Nhất nay đã được về trời cả hồn lẫn xác. Ý nghĩa đó nằm trong chính cuộc sống tại thế của Chúa Giêsu cũng như của Mẹ : cuộc sống luôn TÌM VÀ XIN VÂNG “Thần Trí khôn ngoan và mạc khải” là Chúa Thánh Thần.

Anh chị em thân mến,

Mỗi khi chúng ta Hành Hương đến với Mẹ, chớ gì anh chị em hãy bắt chước các môn đệ sau ngày Chúa Lên Trời, đã tụ họp bên Đức Mẹ, để cầu nguyện và để Mẹ hướng dẫn xin Thánh Thần đến trong trí lòng, và cùng Mẹ thưa lời “XIN VÂNG” trong mọi hoàn cảnh Chúa gởi đến cho chúng ta, vì đó là ĐƯỜNG CHỨNG NHÂN CỦA HY VỌNG, CẬY TRÔNG VÀ VINH QUANG.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ B