CHÚA NHẬT 3 TN 2019

Anh chị em thân mến,

Nơkhêmia, là con cháu người Do Thái bị lưu đầy, nhưng được vua cho làm quan chước tửu của Vua, ông rất được lòng Vua, và hơn thế ông còn có lòng kính mến Thiên Chúa của tổ tiên ông. Ông biết ngay tại quê cha đất tổ “Ở miền đó, những người sống sót sau thời gian tù đày đang thật là khốn khổ nhục nhằn”. Ông đã cầu nguyện xin Thiên Chúa nhìn đến Dân Ngài, và ông xin nhà Vua cho trở về quê hương một thời gian để kiến thiết lại. Ông được nhận lời và được phong làm tổng trấn Giuđêa.

Ông hiểu rằng do sự phản bội của dân và của tổ tiên đã không tuân giữ luật Chúa truyền qua MôSê, nên sau khi xây lại Giêrusalem, ông đã triệu tập đại hội và công bố sách Luật đã được tìm thấy trong đền thờ bị tàn phá, như bài đọc chúng ta vừa nghe. Bởi vì ông khẳng định “bàn tay của Thiên Chúa …, bàn tay nhân lành, đã che chở …” ông cũng sẽ che chở những kẻ tin vào Ngài.

Câu chuyện của Nơkhêmia cũng đem lại cho các gia đình hôm nay đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn hiểu được rằng Thiên Chúa nhân lành không bao giờ bỏ rơi họ, miễn là họ tha thiết khẩn cầu Ngài, và chính Thiên Chúa mới có thể tái thiết gia đình hạnh phúc cho họ.

Nhưng câu chuyện của Nơkhêmia cũng còn chỉ cho chúng ta thấy một điểm quan trọng khác nữa : dù Thiên Chúa toàn năng, nhưng Ngài lại muốn con người cộng tác với Ngài để đem lại hạnh phúc cho gia đình và cho Dân Ngài. Khi xưa qua lời kêu gọi của Nơkhêmia “Nào, chúng ta cùng xây tường thành Giê-ru-sa-lem!” và nay qua lời các tông đồ, cách riêng thánh Phaolô “trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác” và “để các chi thể đồng lo công ích cho nhau”. Thánh Phaolô cũng từng nói “thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô”, Người là Đầu và chúng ta là chi thể của Người. Do đó chúng ta trong đức tin nhận biết rằng mỗi người không được sống dửng dưng đối với anh chị em của mình.

Chính Chúa Giêsu cũng nói rằng “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. Chúng ta, mọi kitô hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và nhất là khi được Thêm Sức, chúng ta cũng lãnh nhận Một Thánh Thần của Đức Kitô, chúng ta cũng được sai đi như chính Người. Vì thế chúng ta đều có trách nhiệm với các gia đình đang có hoàn cảnh khó khăn để nâng đỡ và giúp họ nhận được hồng ân cứu độ.

Đáng tiếc là phần lớn chúng ta lại tỏ ra có lối sống tự kiêu tự đại xa lánh anh chị em đang bị giam cầm trong cảnh mù lòa đức tin, bị giam cầm trong các đam mê… giống như người biệt phái luật sỹ thời Chúa Giêsu, không những xa lánh người họ cho là tội lỗi, mà còn lên án cả Đấng đến để thuyên chữa… Cho dù chỉ có Chúa mới có thể giải thoát và chữa lành, nhưng như Tin Mừng cho thấy, mặc dù Chúa làm nhiều phép lạ chữa lành, nhưng chỉ khi Hội Thánh được thiết lập, và có sự đồng lao cộng khổ với Người của các tông đồ, thì Tin Mừng giải thoát và chữa lành mới thực sự quy tụ lại được một Dân Mới theo ý định nhân lành của Chúa.

Chờ gì lời Chúa nói “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”, mở lòng trí chúng ta để chúng ta nhận ra trách nhiệm đồng lao cộng khổ của chúng ta từ bản thân, gia đình và nhất là trong Giáo Xứ, làm cho lời ấy thành hiện thực giữa chúng ta hôm nay.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C