CHÚA NHẬT 22 TN 2019

Qua Lời Chúa trong thánh lễ này, chúng ta có thể xác định đối tượng của Lòng Thương Xót của Chúa là ai?

Bài sách Đức Huấn Ca thì nói đến những người “hiền hoà… hạ mình trong mọi sự… khiêm nhường”. Thánh vịnh đáp ca lại nói đến những “kẻ mồ côi… người quả phụ… người bị bỏ rơi… người tù tội…người mệt mỏi… kẻ cơ bần” và dụ ngôn Tin Mừng thì đó là những người “đi ngồi vào chỗ rốt hết” khi được mời dự tiệc, và những người mời “những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù” vào dự tiệc. Thánh Phaolô nhắc nhở cho tín hữu Corintô “Thưa anh em, anh em cứ thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái.

Những Lời Kinh Thánh trên đây thức sự mở ra trước mắt mọi Kitô hữu một cánh cửa hẹp, và có lẽ đa số giống với người thanh niên giàu có trong Tin Mừng trước lời mời của Chúa “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. ” đã sụ mặt bỏ đi. Nhưng những ý nghĩa của những Lời trên đây đã mãi mãi trở thành HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI trong tám mối phúc, và cũng là những nét nổi bật trong chân dung của chính Đức Giêsu Kitô mà mở đầu với 2 mối phúc căn bản :

"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

4Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”

Nhất là sống trong hoàn cảnh hôm nay ở mọi cảnh vực của cuộc sống : bệnh viện, trường học, công xưởng, thương trường, tòa án, và kể cả trong ngành nông nghiệp đâu đâu cũng thấy muốn tồn tại, nói gì muốn vươn lên, đều phải mạnh đồng tiền, thì CỬA HẸP mà Chúa mời gọi làm sao có thể chấp nhận bước vào.

Vấn đề Lời Chúa đặt ra cho chúng ta là “Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.” Trong dụ ngôn Chúa Giêsu đã nói tới lý do duy nhất để chúng ta bước vào CỬA HẸP chính là “sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”. Thánh Phaolô đã nói “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. ”. Và để được sống lại thì phải dìm mình trong sự chết của Đức Kitô. Có nghĩa là phải học cùng Ngài sống “hiền lành và khiêm nhường…học vâng phục và vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá…” để yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.

Thiên Chúa khi tạo dựng con người, Người tạo dựng trong Tình Yêu Thánh Thiện của Người : Tình Yêu muốn cho mọi người được sống hạnh phúc, nhưng “mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết”, và do tội mà loài người rơi vào tình cảnh khốn cùng và cùng cực của nó là sự chết. Trước Chúa Giêsu ngay lịch sử Dân Chúa đã muốn khẳng định rằng khi con người biết hoán cải quay về với Thiên Chúa thì họ được mọi sự sung túc dù họ đang ở trong tình cảnh nô lệ, và khi họ lại đi theo vết xe tội lỗi thì lập tức mọi sự trở thành hoang tàn. Và dù trong tình huống nào họ vẫn không chiến thắng được sự chết. Kể cả thời đại khoa học và sung túc hôm nay, không ai đã thắng được sự chết.

Vì yêu thương và để cứu độ con người, Thiên Chúa đã cho CON MỘT NGƯỜI xuống làm người, để mang trên con người của Ngài mọi số phận của kẻ có tội : nghèo, bị bách hại, bị chối bỏ, bị giết…chỉ vì muốn vâng phục và yêu thương cho đến cùng. Nhờ đó Người là Đấng duy nhất chiến thắng sự chết, mở ra SỰ SỐNG MỚI, sự sống vĩnh cửu cho loài người. Để ai tin vào Người cũng được sự sống mới này.

 Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C