CHÚA NHẬT 30 TN C 2019

 

Có lẽ tất cả chúng ta, tất cả các gia đình đều đã nhiều lần cảm nghiệm được điều Thánh Phaolô đã cảm nghiệm trong đoạn thư gởi cho Timôthêu chúng ta vừa nghe : “chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha” trong những hoàn cảnh khốn cùng của mình. Nhưng chúng ta lại chẳng được như thánh Tông Đồ nhận ra “Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha” vì thế chúng ta thường rơi vào cảnh cô đơn, vào nỗi thất vọng. Lý do là vì chúng ta đã không “chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin” như Thánh Tông Đồ.

Trong những nỗi gian truân, cùng khổ kể cả lúc phải đối diện với sự chết, khi đó chúng ta đích thật là “người nghèo khó… kẻ bị áp bức… kẻ mồ côi… người goá bụa… hồn đắng cay” chúng ta hãy “kêu cầu… khẩn nguyện… bày tỏ lời than van” lên Thiên Chúa với tâm hồn “khiêm nhường” vì “Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát”.

Tâm hồn khiêm nhường là tâm hồn của người thu thuế “đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'”, là tâm hồn như của Thánh Tông Đồ nhận ra rằng nhờ những gian truân khổ cực mà ngưới đã chiến đấu trong sự kiên trì “giữ vững đức tin” mà “lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe”. Có nghĩa là nhờ biết đón nhận gian khổ cùng cực không chỉ là để xin lòng thương xót của Chúa tha thứ tội lỗi cho mình mà còn để loan báo lòng thương xót ấy cho mọi người.

Nhưng nếu chúng ta nại tới những công lao của mình như người biệt phái “không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi” để cầu Chúa trả lại cho mình những gì mình phải được thì chính Chúa nói “ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống”.

Chúng ta hãy chiêm ngưỡng sự cầu nguyện của chính Chúa Giêsu, Ngài luôn cầu nguyện, nhưng có 3 lần sự cầu nguyện của Người là mẫu mực cho sự cầu nguyện của chúng ta :

1.   Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” sự cầu nguyện chuẩn bị cho cuộc đời công khai, là cuộc đời phải đối diện với mọi cám dỗ của Satan, để nhận ra được sự chiến thắng chỉ có khi Người khiêm nhường nhận từ bỏ tất cả qua việc ăn chay để mặc lấy sức mạnh từ Lời Thiên Chúa.

2.   Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. … Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến…Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ." 

3.   Nhưng phải nói rằng tuy cả cuộc sống của Người đều là cầu nguyện, nhưng tất cả cuộc sống ấy hướng về “Giờ” của Người. Đó là Giờ Người hiến thánh mình trên Thánh Giá cho Chúa Cha, và bầy tỏ Vinh Quang của Lòng Thương Xót của Cha cho nhân loại. Không ai là “người nghèo khó… kẻ bị áp bức… kẻ mồ côi… người goá bụa… hồn đắng cay” tột cùng hơn Người trên Thánh Giá. Và vì vậy Người đã được nhận lời. Trước đó Người đã muốn cho Giờ Hiến Thánh này được lưu truyền cho đến tận thế khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể.

Từ đó mọi lời cầu nguyện của Hội Thánh và của chúng ta phải được thông hiệp với Lời Cầu Nguyện Hiến Tế của Chúa Giêsu trong việc TIN, CẬY, MẾN đối với Bí Tích Tình Yêu này. Tách lời cầu nguyện của chúng ta ra khỏi Lời Cầu Nguyện Hiến Tế của Chúa làm cho việc cầu nguyện của chúng ta không đáng Thiên Chúa nhậm lời.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C