Chúa Nhật Tuần 16 TN 2022

1.   Chúng ta đi từ câu chuyện của bài Tin Mừng : Câu chuyện trao đổi giữa chị Martha và Chúa Giêsu, khi Martha thưa Chúa “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”. Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". Có lẽ tất cả chúng ta cũng có lối suy nghĩ như chị Martha, cho dù là những con người rất bận rộn và hiếu khách nên dẽ trách cứ những con người chỉ thích như “Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người”. Và cho rằng những người như thế là trốn tránh trách nhiệm với gia đình và xã hội. Nhưng nếu chúng ta chịu ngồi lại để nghiên cứu lịch sử sự phát triển của nhân loại có lẽ chúng ta mới nhận ra điều Chúa nói cũng như Maria, những ai “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người” đều là những người đã “chọn phần tốt nhất” để đem lại cho gia đình và xã hội sự phát triển bền vững.

2.   Những người như Maria đã làm gì để nói được là đóng góp cho sự phát triển bền vững cho gia đình và xã hội? Câu trả lời có thể tìm thấy trong lời Thánh Phaolô : họ là những người nhờ thấm nhuần Lời Chúa dạy, họ “bổ khuyết nơi thân xác họ những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Đức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ”. Không phải vì cuộc thương khó của Chúa thiếu sót, mà là nơi những người trong gia đình hay xã hội chưa nhận biết hay chưa chấp nhận trở “nên hoàn hảo” như chính CON NGƯỜI ĐỨC GIÊSU. Từ những dân tộc man-ri mà cuộc sống luôn phải đối đầu với những thế lực thù địch, họ phải tồn tại nhờ thứ văn hóa loại trừ. Những con người được Lời Chúa dạy bảo đã hình thành những cộng đoàn sống tinh thần HÒA GIẢI VÀ PHỤC VỤ, những cộng đoàn được nuôi dưỡng bằng TÌNH YÊU HÒA GIẢI VÀ PHỤC VỤ của Đức Kitô, họ đã biến đổi môi trường sống bằng việc “loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong Đức Giêsu Kitô”. Và lịch sử chứng minh họ đúng, vì nhờ họ loài người đã biết sống theo VĂN HÓA TÌNH THƯƠNG, kiến tạo NỀN HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI.

3.   Hiển nhiên một nỗ lực như vậy tất yếu cũng đòi hỏi họ như Phaolô phải mang nơi bản thân “những đau khổ phải chịu vì anh em”, và không ít người trong họ cũng đã không đủ kiên trì. Chớ gì Lời Chúa nói với Abraham trong bài sách Sáng Thế “Đối với Thiên Chúa có gì khó đâu khi hứa cho Ông và Sara, dù đã không còn khả năng sinh sản, “Ta trở lại thăm ông và Sara được một đứa con trai”, và điều đó đã thành SỰ THẬT trong lịch sử Dân Chúa, cũng sẽ giúp những ai đã “chọn phần tốt nhất” hãy TIN vào GIAO ƯỚC CHÚA ĐÃ KÝ KẾT VỚI HỌ, để như Phaolô mà “rao giảng đầy đủ lời Chúa” mà họ đã lãnh nhận nơi Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


GỢI Ý GIẢNG LỄ C