Gợi Ý Giảng Lễ :

Chúa Nhật  VI PS – C

 

          Một người sắp ra đi lại hứa ở lại mãi mãi với người mình sắp rời xa! Thật ra người ta cũng có thể hứa liên lạc với nhau thường xuyên, mail cho nhau mỗi ngày, xa mặt nhưng không cách lòng... Thế nhưng có khi liên lạc bớt dần, mail thưa thớt đi, không phải vì người ta « cách lòng », nhưng vì tại nơi ở mới, người ta có những quan hệ mới do công việc, do sinh hoạt, những bận tâm mới. Với các môn đệ Đức Giêsu, hoàn cảnh còn đáng buồn hơn : Đức Giêsu sắp đi chịu chết ! Phải chăng lời Người hứa « ở lại mãi mãi » chỉ là một ước mơ vô vọng và một lời an ủi suông cho các môn đệ?

          Hẳn là như thế, nếu như Đức Giêsu đã không sống lại. Nhưng Người đã sống lại.  Chúng ta đã có năm tuần lễ để củng cố xác tín này. Đây là điều hết sức hệ trọng, bởi vì nếu Đức Giêsu không sống lại, thì những lời rao giảng của Người, hấp dẫn thật đấy, cũng chỉ là những lời giảng của một vị thầy yếu đuối, giới hạn, không giúp chúng ta nhìn xa hơn cuộc sống trần gian này, không bảo đảm gì cho tương lai sau cái chết. Nhưng Đức Giêsu đã sống lại ! Người thật là Cứu Chúa, là Đức Chúa, là Thiên Chúa. Do đó, những điều Người nói về Thiên Chúa là Cha, về Thánh Thần, và về Người là Con Thiên Chúa, tất cả đều đúng, đều thật, đều hệ trọng cho cuộc sống hôm nay và mai sau của chúng ta.

          Vậy Đức Giêsu nói về cách Người thật sự ở lại với chúng ta thế nào ? Người bảo rằng Người hiện diện giữa các môn đệ bằng « lời » của Người. Nếu các môn đệ « giữ lời Người », thì « Chúa Cha và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy » (Ga 14,23). « Lời » đây là lời loan báo của Người và nhận biết bằng đức tin những gì Người đã yêu cầu (x. 14,15.21.23), « giữ lời » là đáp lại bằng trọn cuộc đời dấn thân thực tế và quảng đại. Hơn nữa, theo quan niệm của người Sêmít, « lời nói » cũng như tên gọi, diễn tả chính người nói, người mang tên ấy. Lời nói là một phương tiện tốt nhất đảm bảo cho mối dây liên lạc với người khác được sống động. Như thế, « giữ lời » Đức Giêsu cũng là gắn bó với Đức Giêsu, mà lời của Đức Giêsu chính là « lời của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy » (14,24), nên cũng là gắn bó với Chúa Cha và gặp gỡ Ngài.      

          Sự hiện diện đặc biệt của Đức Giêsu và Chúa Cha trong lời của Đức Giêsu cũng là lời của Chúa Cha có sức sống phong phú làm nảy sinh mầm tươi tốt trong các môn đệ cũng như xưa qua các chặng lịch sử dân Israel. Bây giờ Thiên Chúa còn hiện diện đầy tràn trong con tim mỗi người đang chờ ngày được sống mãi với Ngài.

          Nhưng chúng ta không đủ sức để hiểu và nhất là sống được « lời » của Đức Giêsu. Chính Thánh Thần, là sức mạnh và tình yêu Thiên Chúa, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ các giáo huấn của Đức Giêsu và gắn bó với Người và với Chúa Cha. Khi đó, chúng ta có shalôm, sự bình an, của ĐG và Chúa Cha. Khi đó chúng ta bình thản trong mọi sóng gió cuộc đời, tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt thắng được mọi trở ngại, vì Đức Giêsu đã nói : « Hãy tin tưởng, Thầy đã thắng thế gian » (Ga 16,33).

          Có Thiên Chúa Ba Ngôi ở cùng, chúng ta trở nên « Giêrusalem mới », « có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi » (Kh 21,22-23).   

          Tất cả những điều này là lý do khiến các môn đệ vui mừng. Dù sao, bao giờ cũng cần có đức tin, bởi vì thời nào thì cũng có nguy cơ to lớn là chỉ biết Đức Giêsu bên ngoài, biết bằng xác thịt và không sống nhờ tình thân thiết với Người theo Thánh Thần (x. 2 Cr 5,16). Hôm nay chúng ta nhớ lại lời Đức Giêsu đã nói với Tôma : « Phúc cho những ai không thấy mà tin » (Ga 20,29). Đức Giêsu không chỉ hiện diện với các môn đệ Người trong các thị kiến lạ thường, lại càng không ở trong những cuộc hiện ra sau Phục Sinh, chỉ dành cho một vài chứng nhân, nhưng Người hiện diện không ngừng và khắp nơi đối với những ai có đức tin đang tìm kiếm Người. « Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế » (x. Mt 28,20).

          Chỉ với nỗ lực sống với Thiên Chúa như thế, chúng ta mới có thể sống với nhau đúng tình huynh đệ, trong lòng Hội Thánh. Đang ở trong tháng 5, hướng về Đức Mẹ, chúng ta nhớ tới di chúc thiêng liêng Mẹ đã để lại cho chúng ta : « Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo » (Ga 2,5). Đức Giêsu, Con của Mẹ, đã dạy chúng ta nhiều điều, các điều ấy đã được Hội Thánh truyền đạt lại cho chúng ta dọc theo 21 thế kỷ lịch sử này. Chúng ta « đã làm theo » lời Người dạy với sự tha thiết nào, với sự tận tụy nào ? Nếu không tha thiết, tận tụy làm theo Đức Giêsu bảo, làm sao Đức Giêsu và Chúa Cha ở lại với chúng ta ? Không có Chúa Cha và Đức Giêsu ở lại, làm sao có thể là ánh sáng để giới thiệu về Thiên Chúa cho người khác ? Với lại, làm sao mong được là chính chúng ta có niềm vui và sự an tâm để bước tới ? Khi đó, lại còn sợ rằng chúng ta chỉ gây khó khăn cho người khác do một lối giữ đạo vụ hình thức, như bài sách Công vụ hôm nay lưu ý chúng ta.

 

Lm. Fx Vũ Phan Long, OFM


GỢI Ý GIẢNG LỄ C