GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XVII NĂM C (2016)

Chắc chắn chỉ có con người, khi hiện diện trên mặt đất, mới ý thức mình không chỉ sống chung và có liên hệ với những người khác, mà còn đối diện và có liên hệ với một thế giới vượt trên mình, với một Đấng vô hình hiện hữu trong thế giới ấy. Đó là ý thức người ta có tự bẩm sinh hoặc do những người khác cũng như do thế hệ đi trước gây ý thức và truyền đạt cho. Cùng với ý thức về thế giới vô hình, con người có một sinh hoạt tâm linh đặc thù: đó là cầu nguyện.

Sự cầu nguyện có nhiều sắc thái và nhiều mục đích khác nhau. Giữa con người với nhau, không có sự cầu nguyện, mà chỉ có sự cầu xin, kêu nài, van lơn. Giữa con người với các Đấng vô hình mới có sự cầu nguyện.

Sự cầu nguyện có thể nhắm tới việc đạt một mục đích nằm ngoài khả năng hoặc vượt quá khả năng của con người. Cụ thể như trường hợp Abraham mong muốn cho hai thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra được Thiên Chúa khoan hồng tha thứ, nghĩa là không trừng phạt và tiêu diệt. Đó là điều nằm ngoài khả năng của ông và là điều chỉ do chính Thiên Chúa quyết định. Cũng như những lời xin ở phần thứ hai của kinh Lạy Cha (xin cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy, xin tha tội cho chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ) gợi đến những điều vượt quá khả năng của con người chúng ta, nhật là việc tha tội vì chỉ một mình Thiên Chúa mới tha thứ được cho kẻ xúc phạm đến Người, việc khỏi sa trước cám dỗ, một việc rất khó đối với sự hèn yếu của con người.

Để dễ đạt được điều mình mong muốn, người ta phải có sự cầu nguyện dạn dĩ và kiên trì. Trong sự kiện Abraham can thiệp với Thiên Chúa để hai thành Xơ-đơm và Gô-mô-ra được khoan hồng, ta thấy Abraham thật dạn dĩ và kiên trì: ban đầu ông xin Thiên Chúa tha cho hai thành ấy nếu trong đó có 50 người công chính, sau đó, ông cầu xin thêm, hạ dần số người công chính xuống còn có 10. Như Kinh Thánh cho thấy, trong thực tế hai thành đó đã bị tiêu diệt, chắc chắn vì dân cư trong đó quá xấu xa tội lỗi. Nghĩa là lời cầu xin của Abraham đã không có kết quả như ông mong muốn. Tuy thế sự kiện Abraham cầu nguyện đó đã làm nổi bật  sự tin tưởng và mạnh bạo lạ lùng của ông trong khi cầu nguyện. Và đó là điều đáng nên gương sáng khích lệ tất cả chúng ta.

Hơn sự kiện đó, trong câu chuyện Chúa Giêsu kể về người bạn ban đêm đến xin bánh với một người hàng xóm để về đãi khách, lời van xin của người đó đã có kết quả: do sự kiên trì của người đó. Và thái độ kiên trì này của người đó cũng đáng là tấm gương sáng cho ta khi cầu nguyện.

Nhưng tiếp tục suy nghĩ về lời Chúa hôm nay, ta gặp những điểm qủa thật đáng kinh ngạc: chính Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa lại là Đấng liên lỉ sống trong sự cầu nguyện. Đối với Ngài, cầu nguyện là hơi thở, là lẽ sống, là lương thực. Trong thời gian còn tại thế, tuy mọi lúc hằng mật thiết kết hợp nên một với Cha, không ngày nào Ngài không dành nhiều giờ để tâm giao nghĩa là cầu nguyện với Cha, để gặp gỡ, thủ thỉ yêu mến, tôn thờ. Rồi qua lời kinh Ngài dạy cho môn đệ của mình, khi họ được thu hút bởi gương thường xuyên cầu nguyện của Ngài và ao ước cũng biết cầu nguyện như Ngài, Ngài đã cho thấy điều trước tiên Ngài nghĩ đến không phải là những nhu cầu của Ngài, nhưng là những điều thuộc về Cha Ngài, những điều mà Ngài coi là còn quan trọng hơn những nhu cầu thực tế của mình gấp bội.

Điểm đáng kinh ngạc thứ hai ta gặp đó là sự tin tưởng tuyết đối của Đức Giêsu đối với lòng nhân hậu của Cha Ngài: Ngài xác tín Cha Ngài tốt lành hơn mọi người Cha trong nhân loại và cha Ngài sẽ nhậm lời những ai kiên trì cầu xin với Người. Chẳng những Người đáp ứng và phú ban những điều cần thiệt, mà thậm chí còn ban đến ơn huệ tuyệt vời là chính Thánh Thần.

Nói theo gợi ý của đoạn thư Cô-lô-xê, chính điều quý giá vô cùng mà chưa ai trong chúng ta giám nghĩ tới, giám ước mơ và cầu xin, lại đã được Thiên Chúa Ba Ngôi ban sẵn cho ta rồi, trước khi ta cầu xin: đó là được Cha tha thứ tội lỗi, được cứu độ trong Đức Kitô, được cùng chia sẻ thân phận vinh quang của Ngài. Và đó mới chính là kết quả tột đỉnh của mọi sự cầu nguyện của con người.

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C