GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXI THƯƠNG NIÊN NĂM C

 

Vấn đề cứu độ là một vấn đề rộng lớn, có nhiều khía cạnh.

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi “số người được cứu thoát thì ít, có phải không? Mà một người kia nêu lên với Ngài có lẽ chỉ mới thỏa mãn thắc mắc của người ấy, chứ chưa giải quyết rốt ráo và toàn bộ  vấn đề cứu độ. Bởi vì, theo câu Chúa trả lời, cửa vào ơn cứu độ là một lối rất hẹp và thời gian để vào có giới hạn nhất định, chỉ kéo dài một thời gian, đến khi “chủ nhà” đóng cửa lại. Chúa nói như thế có vẻ cõi trời, nơi con người sẽ hưởng ơn cứu độ là một nơi chốn khá chật hẹp, và việc được cứu độ hay được vào cõi trời là điều hết sức khó khăn, ít người đạt tới.

Thật ra, chiếu theo toàn bộ mạc khải của Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước, Thiên Chúa là người Cha đầy tình yêu thương và chỉ muốn cứu độ hết mọi người mà Người đã ban cho có mặt trên đời. Người không hề muốn trông thấy một người con nào của Người bị hư đi đời đời, nghĩa là Người không bao giờ có ý định loại bỏ bất cứ người nào. Và như Chúa Giêsu nói “trong nhà Cha Ta, có nhiều chỗ ở” gợi ý rằng cõi trời là một nơi chốn rộng mênh mông, có thể đón tiếp nhiều người vô kể.

 Ta nghe nói đến “thuyết tiền định” theo đó từ đời đời Thiên Chúa đã định trước cho người này về sau được lên thiên đàng, cho kẻ kia về sau bị xa hỏa ngục. Nếu một người được Thiên Chúa tiền định cho lên thiên đàng, nghĩa là cho hưởng ơn cứu độ, thì đời sống người đó thế nào đi nữa, dù người đó đạo đức hay phạm muôn vàn tội tầy đình, người đó rồi ra vẫn được lên thiên đàng. Ngược lại, ai đã bị Thiên Chúa định trước là phải xa hỏa ngục, thì cho dù người đó sống tốt lành, làm nhiều việc thiện, nhưng rồi ra sẽ phải xuống hỏa ngục, không thể khác được. Về điểm này, ta có thể nhận ý tưởng tiền định cho hưởng ơn cứu độ là đúng, còn ý tưởng tiền định cho phải xa hỏa ngục thì không chấp nhận được. Vì Thiên Chúa là Đấng tốt lành, chứ không phải là Đấng độc ác.

Thiên Chúa muốn cứu hết mọi người, đó cũng là lời của Chúa qua ngôn sứ I-sai-a trong bài đọc 1: vì yêu thương dân Do thái, kể cả sau khi họ phản bội Thiên Chúa sống ngược Giao ước của Chúa và bị đi lưu đầy hoặc phân tán qua các quốc gia khác, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi họ, trái lại sẽ quy tụ họ về quê cũ, và còn dẫn đưa mọi dân tộc khác, từ đông tây nam bắc, về núi Thánh, đồng thời sai nhiều người đi loan báo vinh quang của Thiên Chúa… nghĩa là giúp cho mọi người gần xa nhận biết Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ về núi thánh là Giêrusalem, để dâng của lễ cho Thiên Chúa và để được cứu độ.

Theo mạc khải, ơn cứu độ là hồng ân Thiên Chúa muốn ban cho con người. Nhưng điều này không có nghĩa là Thiên Chúa ép buộc mọi người phải đón nhận, trái lại Người để cho mỗi người hoàn toàn được tự do đáp lại ơn ban của Người, nghĩa là mỗi người có quyền đón nhận hoặc không đón nhận hồng ân Người muốn ban. Có thể nói, Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con Người một cách tuyệt đối: Người không ép ai phải lên thiên đàng, nếu người ta không muốn, Người cũng không đầy ai xuống hỏa ngục.

Đức Giêsu cũng cho biết mỗi người phải tự quyết định bằng đời sống và hành vi cá nhân của mình, phải cố gắng chiến đấu như trong một cuộc tranh tài, để vào được một cái cửa hẹp, có nhiều người đang tuốn đến và chen chúc giành giật. Chúa không chập nhận người ta nại vào những lý do khác để bắt Chúa phải ban ơn cứu độ cho mình. Cụ thể là, như Chúa nói trong bài Tin Mừng, người ta không thể nại cớ đã từng ăn uống với Chúa, đã từng thấy Chúa đi lại và giảng dạy trên các đường phố của mình, thậm chí đã là chính bà con thân nhân của Chúa. Vì đối với Chúa việc người ta nghe, thực hành lời Chúa, sống công chính mới là yếu tố quyết định và có giá trị trước mặt Chúa. Người ta cũng không thể tự hào mình là Dân riêng của Thiên Chúa, là nhóm người biết Chúa và tin theo Chúa trước những người khác, vì như Chúa nói, nhiều kẻ biết Chúa sau, nhiều người thuộc Dân ngoại thậm chí thuộc hạng đàng điếm, nghĩa là những người kể như đứng ở hàng chót lại trở nên những người được lên hàng đầu và được hưởng ơn cứu độ cùng với tổ phụ Abraham và các ngôn sứ, còn nhóm tự hào vì đã tin Chúa kia thì bị xua đuổi, không được hưởng sự sống đời đời và phải khóc lóc nghiến răng.

Cứu độ là vấn đề sinh tử cho con người. Moi người chúng ta hãy ý thức về sự cần thiết của ơn cứu độ. Làm người, được Thiên Chúa chia sẻ sự sống, mà không được cứu độ thì đời sống thật vô nghĩa, thậm chí là thật bất hạnh. Nhưng trong vấn đề cứu độ, một mặt ta hãy tin tưởng vào lòng quảng đại của Chúa Đấng sẵn sàng ban sự sống đời đời của Ngài cho chúng ta, nhưng mặt khác ta cũng phải nhớ rằng phía mình, chúng ta phải mở ngỏ đón nhận hồng ân Chúa ban và đích thân góp phần với Chúa qua việc sống đạo hạnh, trung thành thực thi lời Chúa dạy, và sẵn sàng đón nhận những gian khó thử thách Chúa gởi đến để uốn sửa, rèn luyện chúng ta, giúp ta trở thành những người con xứng đáng với hồng ân và tình thương của Người (bài đọc hai). Bởi vì, Thiên Chúa có thể tạo dựng chúng ta không cần có chúng ta, nhưng Người không thể cứu độ chúng ta, nếu không có sự đóng góp và đón nhận phía chúng ta.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C