CN 22 TN – C       Hc 3,19…; Hr12,18…; Lc 14,1.7-14

 

          Tôi thấy Đức Giêsu  mỉm cười!

          Dường như hôm nay Đức Giêsu nói với giọng bông đùa, khôi hài, về những vấn đề thuộc lãnh vực giáo dục nhân bản? về ứng xử trong đời thường? Với hai bài học: 1) về khiêm tốn để khỏi bẽ mặt; 2) về chia sẻ quảng đại? Thật ra, chỉ nhân tiện vấn đề nhân bản, Đức Giêsu nói đến chuyện của Thiên Chúa. Chính hai câu nối kết hai dụ ngôn cho thấy vậy: (1) “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 11) = Thiên Chúa hạ xuống, Thiên Chúa tôn lên. (2) “Ông sẽ được đáp lễ” (c. 14) = Thiên Chúa sẽ đáp lễ ông.

          Đúng là chuyện của Thiên Chúa! Vì Đức Giêsu đang nói theo kinh nghiệm và với cung cách của Người là Con Thiên Chúa và nói về lối xử sự của Chúa Cha.

          - Là Con Thiên Chúa, Người đã đến thi hành sứ mạng và sống khiêm nhường, bỏ chỗ nhất để lấy chỗ chót trong cuộc Nhập thể (x. Pl 2,6-8). “Người đã chỉ vẽ cho chúng ta con đường khiêm nhường… đã làm nên con đường đó…” (Bài giảng của thánh Âutinh).

          - Chúa Cha đã xử sự như người chủ mời mọc kẻ tàn tật… vào Nước Trời. So với Chúa Cha, chúng ta ngàn lần đui mù què quặt.

          Nếu thế, tinh thần của bài Tin Mừng này tương tự tinh thần của bài Hai con nợ. Vì ta đã được Thiên Chúa làm cho, ta phải làm lại cho người khác. Vậy, ta tự hỏi: Trong tương quan với người khác, ta xử sự giống với Chúa Con hoặc Chúa Cha thế nào?

          Cần đối chiếu con tim ta với trái tim Thiên Chúa. Có bao giờ bạn hạ mình để làm cho người khác được hạnh phúc, dù họ không có gì đáp lại? Phải chăng chúng ta còn xử sự theo quy tắc trần thế? – Chiếm chỗ cho mình, do khéo léo, do quyền lực… Theo thói thường, người ta khẳng định chính mình bằng cách ở trên người khác! Luật của Nước Trời là Luật tình yêu: chỗ nhất thuộc về ai cần sự thông cảm, tình yêu nhất. Phải mở ra với sự nhưng-không và vô vị lợi.

          Như vậy, địa vị ta có trong xã hội không phải là một phương tiện để thống trị, và một nguồn những đặc quyền, nhưng là một vị trí để phục vụ những người nhỏ bé và nghèo khó.

          Mỗi người là què quặt đui mù so với Thiên Chúa. Nhưng ta cũng phải coi anh em là những người … đui mù què quặt, không phải để khinh bỉ, nhưng để săn sóc họ, đưa họ lên chỗ nhất, tức là kính trọng và lưu ý tới họ, mà không chờ đợi một sự đáp ơn (có qua có lại!). Suy nghĩ về lối sống của chim cánh cụt: Tại Nam Cực, nóng nhất là -10 độ C, băng dày hơn 2.000m, tại Mawson Coast, khi bão tuyết, 11.000 con chim cánh cụt đứng thành một khối, thỉnh thoảng những con ở trong lại ra ngoài đẩy những con đứng ngoài vào để luân phiên sưởi ấm cho nhau.

          Giêrusalem là thế: nơi có sự bình an, có tình yêu, có Thiên Chúa.

FX Long, ofm


GỢI Ý GIẢNG LỄ C