GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXIII THƯƠNG NIÊN NĂM C

Trong thế kỷ XX  và thế kỷ chúng ta đang sống, năm nào cũng có nhiều cuộc tranh tài được tổ chức trên thế giới. Và cứ 2 năm một lần, lại có một cuộc tranh tài quốc tế: ví dụ năm 2016 là năm tổ chức thế vận hội Olympic rồi năm 2018 là năm diễn ra cúp bóng đá thế giới, đến năm 2020 lại có thế vận hội Olympic, và năm 2012 sẽ diễn ra cúp bóng đá thế giới... Bên cạnh đó, còn có các trận đấu cấp châu lục hoặc cấp quốc gia giữa các đội bóng quốc gia hoặc giữa các câu lạc bộ bóng đá.  Mà tất cả chúng ta đều biết, để chuẩn bị tham gia vào các cuộc tranh tài này, mỗi vận động viên đều phải tập luyện lâu ngày, phải trải qua rất nhiều hy sinh khổ chế mới mong đạt huy chương vàng, huy chương bạc nghĩa là mới nhận được những món tiền thưởng lớn và những sự khen tặng của mọi người.

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật hôm Đức Giêsu và các môn đệ đang tiến về Giêrusalem. Đây là giai đoạn cuối cùng Ngài sống ở cõi thế. Không bao lâu nữa, như có lần Ngài báo trước, Ngài sẽ bị bắt, bị kết án, bị giết chết rồi sẽ sống lại. Hôm nay, Ngài cũng tuyên bố rõ với nhóm Mười Hai và những người đang cùng đi là: ai không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, cũng không vác thập giá mình thì không thể làm môn đệ Ngài được. Ngài cũng nêu ra trường hợp những kẻ muốn xây tháp hoặc một ông vua muốn giao chiến với một ông vua khác, thì phải tính toán và cân nhắc. Những lời Ngài nói đó ám chỉ hai vấn đề: một là con đường mà Ngài cùng với các môn đệ sắp đi là một con đường bí ẩn và khác thường, không như người ta tưởng nghĩ. Hai là việc đi theo Ngài là việc sẽ có nhiều khó khăn thử thách.

Trước hết, tương lai và con đường Ngài có nhiều bí ẩn, khác tưởng nghĩ thông thường. Cho đến lúc đó, mặc dù có lần đã nghe thấy Ngài báo trước về cuộc Khổ Nạn, nhưng nhóm Mười Hai chỉ luôn nghĩ rằng con đường Thầy mình sắp đi là con đường thênh thang và suông sẻ, bởi vì nhiều lần họ đã thấy Ngài đầy quyền năng và làm các phép lạ một cách dễ dàng. Nên họ nghĩ, cùng với Ngài, họ sẽ đạt đến vinh quang một cách dễ dàng. Thật ra, theo kế hoạch của Đức Chúa Cha Ngài sẽ phải đi qua đau khổ, phải mang thân phận Người Tôi Tớ thống khổ. Trí khôn tự nhiên của các Tông đồ sẽ không thể hiểu được vì sao để cứu thế, Con Thiên Chúa lại phải trải qua một thực tế và bao nhiêu thử thách đắng cay. Đó là điều các Ông sẽ chỉ hiểu được, nếu được Thiên Chúa ban sự Khôn Ngoan, như tác giả đoạn sách Khôn ngoan cho thấy. Nếu không có ơn soi sáng của Thiên Chúa, trí khôn của con người khó có khả năng hiểu được các bí ẩn thuộc hạ giới và càng bất lực không tài nào hiểu được những điều thuộc thượng giới, như đường lối của Thiên Chúa, cách hành động của Thiên Chúa.

Vậy con đường Chúa đi chẳng những khó hiểu mà còn có nhiều khó khăn thử thách, chứ không thông thoáng trơn tru như các Tông đồ mường tượng. Chắc chắn nhiều lúc các ông và những kẻ theo Chúa sẽ phải đối diện với những vấn đề khó khăn nan giải, thậm chí khiến người ta phải nhức đầu và không biết giải quyết như thế nào. Cụ thể như trường hợp thánh Phaolô mà bài đọc thứ hai nói đến. Người đang bị cầm tù và trong thời gian ở trong tù, Người đã gặp Ô-nê-xi-mô, anh nô lệ của Phi-lê-môn đã bỏ trốn. Thánh Phaolô đã rửa tội cho anh, từ đó anh trở thành Kitô hữu, trở thành đồng đạo của thánh Phaolô và Phi-lê-môn. Theo luật lệ thời đó, mọi người chủ nắm quyền sinh sát đối với các nô lệ của mình. Một nô lệ bỏ trốn hoặc có lỗi gì nặng, có thể bị người chủ hành hạ, thậm chí giết chết, để trừng phạt. Thánh Phaolô dựa vào đòi hỏi của đức tin đã ngỏ lời với Phi-lê-môn và tế nhị xin anh một đặc ân là tha thứ cho Ô-nê-xi-mô và nhận lại anh cũng như đối xử với anh như một người anh em trong đức tin.

Bởi đó, Chúa Giêsu xin những kẻ muốn theo Ngài hãy suy nghĩ cho kỷ, giống như hãy tự lượng sức mình trước khi theo Ngài. Dĩ nhiên Chúa không nói như thế để dọa dẫm những người có thiện chí muốn đi theo Ngài hoặc muốn từ chối không cho ai theo Ngài, như Ngài chỉ muốn nói sự thật với họ, muốn họ đừng nông nổi hời hợt trong quyết định của mình, chủ quan không thấy trước hoặc không biết sẵn sàng đón nhận những khó khăn thử thách sẽ xảy đến, để nhờ thế họ không nản chí ngã lòng, không theo Ngài đến cùng được, giống như người xây tháp không chuẩn bị đủ kinh phí, phải ngưng việc xây dựng giữa chừng và bị thiên hạ chê cười, hoặc giống như một ông vua đi giao chiến với kẻ thù mà không đủ sức đương đầu.

Tất cả chúng ta đang là những người bước theo Đức Giêsu. Xin Chúa mọi lúc soi sáng cho ta nhận ra con đường và những khúc quanh co trắc trở mình phải vượt qua. Xin Ngài cũng nâng đỡ chúng ta bằng các ơn sức thiêng của Ngài, để chúng ta bền đỗ đến cùng trong bước đường theo Chúa, chứ không lùi bước hay bỏ cuộc giữa chừng.

Antôn Trần Thế Phiệt


GỢI Ý GIẢNG LỄ C