GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XXVIII THƯƠNG NIÊN NĂM C

Từ rất lâu trong dòng lịch sử nhân loại, đã có những bệnh nhân phong cùi. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học, người ta đã và đang tìm ra những loại thuốc khá hữu hiệu để chữa trị bệnh cùi, hay ít nữa làm chậm lại sự phát triển của nó nơi cơ thể một bệnh nhân. Trước đây, người ta từng hy vọng sẽ diệt hết bệnh cùi trên thế giới trước năm 2000. Hy vọng đó chưa thành sự thật, nghĩa là ở đây ở đó trong nhiều quốc gia, hiện nay vẫn còn có những người mắc bệnh phong. Niềm hy vọng vừa nói một mặt đã giúp mọi người thêm lạc quan, vì chắc chắn một ngày kia nhân loại sẽ chiến thắng được bệnh cùi, và mặt khác giảm nhẹ được nhiều nỗi đau đớn do bệnh cùi gây ra.

          Thật vậy, bệnh cùi thường gây ra nhiều nỗi xót xa cho người mắc bệnh. Về mặt thể lý, từ khi xuất hiện những triệu chứng của bệnh cùi. Người cùi trở thành đối tượng đáng sợ trong chính gia đình mình. Thấy một người nhà mình mắc phải thứ bệnh hiểm nghèo và mình bất lực trong việc chữa trị, lại nghe biết về những tác hại của căn bệnh, chính các thân nhân của người bệnh đâm ra ớn sợ và không giám gần gũi. Người ta bắt đầu áp dụng những cách thức đề phòng sự lây truyền của thứ bệnh này, như bắt người bệnh dùng bát đũa riêng, không dùng đồ đạc chung, như giường chiếu chăn mềm quần áo. Người ta cũng tìm cách đưa người bệnh đi xa người khỏe, bắt đầu một cuộc sống cách ly cô đơn. Từ đó, một số trung tâm dành riêng cho người cùi được thiết lập đó đây. Tại những trung tâm đó các bệnh nhân phong cùi được tập trung lại để dễ được hưởng một sự săn sóc y tế chu đáo, vừa giúp căn bệnh của họ được khống chế hơn, vừa giảm bớt số lượng người mắc bệnh trong cộng đồng. Bên cạnh những đau đớn thể xác do vi trùng bệnh gây ra, như ngứa ngái lở loét, người bệnh còn phải chịu biết bao buồn phiên xót xa trong tâm lý.

Trong xã hội Do thái, một xã hội có niềm tin tôn giáo với những sinh hoạt liên quan, thân phận của người cùi còn đối diện với nhiều sự thiệt thòi và những hậu quả đáng buồn hơn nữa: họ bị cộng đồng nhìn với ánh mắt khinh thường, vì cho là mắc bệnh cùi như thế là do đã phạm thứ tội lỗi gì rất đáng trừng phạt. Họ bị coi là ô uế tức là bất xứng trước mặt Thiên Chúa không còn được hiện diện giữa cộng đồng trong các sinh hoạt tôn giáo, cũng như phải ra khỏi cộng đồng, sống cách ly với mọi người, để không lây truyền cơn bệnh và sự ô uế cho kẻ khác, khiến kẻ khác cũng không còn được phép tham dự khác buổi cầu nguyện chung hoặc các cuộc tế lễ của tôn giáo mình. Luật Do thái có những quy định gát gao đối với người cùi: họ phải sống xa xã hội, phải sống ngoài rừng ngoài núi, ăn mặc rách rưới và mỗi khi có ai sắp đến gần, họ phải la lên “cùi đây, cùi đây” để người khác không bước vào khu vực của họ, nhờ đó không bị ô uê như họ. Đối với bản thân họ cũng như theo cái nhìn của biết bao kẻ khác, họ là những người còn sống mà kể như đã chết. Hiện tại và tương lai của họ chỉ là màn đêm và bất hạnh, vì bị Thiên Chúa nguyền rủa, trừng phạt và bị mọi người né tránh, bỏ mặc.

Sống trong một tình cảnh đáng buồn như vậy, chắc chắn người cùi không ao ước gì hơn là được chữa khỏi cơn bệnh của mình và không khao khát gì hơn là tìm được phương thuốc chữa bệnh hoặc gặp được thầy thuốc đưa họ ra khỏi nỗi bất hạnh cùng cực. Do đó, ai trong chúng ta cũng đoán được niềm vui lớn lao của Na-a-man cũng như của 10 người mắc bệnh phong khi ước mơ của họ trở thành sự thật.

Na-a-man là tướng chỉ huy quân đội của vua nước A-ram. Ông mắc bệnh cùi và theo lời giới thiệu của cô đầy tớ người Israel, ông và đoàn tùy tùng lặn lội đi tìm gặp ngôn sứ Ê-li-sa bên Israel. Vị ngôn sứ này không ra tiếp đón Na-a-mam chỉ truyền cho ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Giođan. Ban đầu, thấy thái độ có vẻ khinh người của Ê-li-sa và cho rằng cách thức Ê-li-sa đề nghị với mình là quá đơn sơ, không hy vọng chữa được căn bệnh của mình, Na-a-man đã không thi hành lời truyền dạy của vị ngôn sứ. Lúc sau, do khuyên can của cô tớ gái, Na-a-man mới chịu dìm mình trong sông Giođan và được khỏi bệnh. Thời Đức Giêsu nhóm 10 người cùi ở miền biên giới giữa Ga-li-lê và Sa-ma-ri, đang xót xa tuyệt vọng vì cơn bệnh của mình đã gặp được Đức Giêsu. Họ đã kêu lớn tiếng, nài xin Ngài, và Ngài đã dủ lòng thương chữa lành họ.

Đây là hai phép lạ xảy ra trong lịch sử Israel và cho thấy quyền năng của Đức Giêsu cũng như sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa nơi ngôn sứ Ê-li-sa. Suy nghĩ về hai câu chuyện này, chúng ta nhận thấy một số sự kiện đặc biệt:

+ trước hết là lòng tin của Na-a-man và nhóm người cùi.

+ lòng biết ơn của người nhận được điều mình ước mong và cầu xin: về lòng biết ơn này, ta thấy nói Chúa Giêsu chữa lành cho cả nhóm 10 người cùi đến với Ngài, mà chỉ có một người trở lại để cám ơn Ngài. Điều này chứng tỏ lòng biết ơn thương là điều khá họa hiếm. Biết bao người được Thiên Chúa yêu thương hoặc được kẻ khác giúp đỡ, mà không nhớ đến để biết ơn Thiên Chúa và những ân nhân của mình. Trong đạo chúng ta, có kinh cám ơn. Mỗi lần đọc kinh ấy, ta hãy đọc một cach ý thức và đọc từng câu từng ý được ghi trong kinh ấy, để cám ơn Chúa.

+ đặc biệt, trong trường hợp của tướng Na-a-man và của người cùi thời Chúa Giêsu: ta thấy hai người không chỉ có lòng biết ơn suông, diễn tả qua những câu nói bay đi, nhưng lòng biết ơn của họ còn được thể hiện bằng hành động và tâm tình cụ thể. Bằng chứng là tướng Na-a-man sau khi thấy quà biếu của mình không được ngôn sứ Ê-li-sa đoái nhận, dù ông đã hết sức thật lòng và thiết tha nài nỉ, ông đã chứng thực lòng thành và niềm tin đơn sơ nhưng sâu sắc của ông qua việc xin một lượng đất của nước Israel, vừa sức hai con lừa chở được và từ nay, ông từ bỏ các thần linh trước đây ông tin nhận, để chỉ còn tôn thờ một mình Thiên Chúa của Ê-li-sa. Về phần người cùi thời Chúa Giêsu cũng vậy: anh ta diễn tả lòng biết ơn bằng cách mau mắn trở lại với Đức Giêsu, vừa khi nhận ra là mình đã được chữa khỏi, và thể hiện lòng biết ơn của mình bằng việc lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, nghĩa là tin nhận Ngài là Thiên Chúa mà từ nay mình sẽ kính tôn và biết ơn suốt đời.

          Dĩ nhiên khi nghe lại về hai phép lạ chữa lành bệnh cùi hôm nay, ta ngợi khen quyền năng lạ lùng của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu, nhưng ta cũng không quên bệnh cùi thể lý còn nhắc cho ta về bệnh cùi thiêng liêng do tội lỗi gây ra, khiến linh hồn ta trở nên ô uế, đáng ghê tởm và đáng bị xua đuổi trước mặt Thiên Chúa, một thứ bệnh còn nguy hiểm hơn bệnh cùi phần xác gấp bội. Nhờ công cứu độ của Đức Giêsu ta đã được chữa khỏi thứ bệnh này. Ta hãy sâu xa biết ơn Thiên Chúa và hãy thể hiện lòng biết ơn đó qua đời sống xa tránh tội lỗi, quảng đại hy sinh vì Chúa. Ta  hãy bắt chước thánh Phaolô, Vị Tông đồ miệt mài rao giảng Tin Mừng, hăng say hoạt động cho Nước Trời, đến nỗi bị giam cầm và trải qua biết bao khốn đốn. Trường hợp của thánh Tông đồ khác nào một người đang tự do đã tự nguyện chấp nhận xiềng xích vì Chúa, đang lành sạch đã tự nguyện trở nên như người cùi, để qua đau khổ mất mặt của mình, cộng tác với Chúa trong việc loan truyền đức tin và mở mang Hội Thánh.

Antôn Trần Thế Phiệt

(26/8/2016)

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ C