ANH  HÙNG

_______________________________________

Bài chia sẻ cho giới trẻ hạt Đức trọng

 

          Nhân dịp lễ kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, tôi muốn chia sẻ với các bạn một đề tài rất thích hợp với tuổi trẻ, một lớp người đang muốn vươn lên đến đỉnh cao của đời sống vật chất cũng như tinh thần, đó là ANH HÙNG  hay “Anh hùng và cái tát nảy lửa”.

 

          Tôi rất thích và khâm phục thánh Phaolô tông đồ dân ngoại.  Thánh Phaolô đã thực hành cái “Chí nam nhi” mà thi sĩ Nguyễn công Trứ đã ca tụng trong văn chương Việt nam , một câu thơ mà các bạn đã từng đọc khi con trên ghế nhà trường :

 

                                      Chí làm trai nam bắc đông tây,

                                      Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.

 

          Tôi coi thánh Phaolô là con người hùng, một con người hùng đúng nghĩa. Giới trẻ chúng ta cũng phải bắt chước mà trở nên con người hùng để xứng đáng mang danh hiệu là “Trang Anh Hùng”. Thánh nhân cũng phải là con người hùng.

 

          Thực ra, thánh Phaolô chỉ là người học đòi bắt chước Đức Giêsu, một trang anh hùng tuyệt vời trong sự hiền lành và khiêm nhường vì thánh nhân đã nói :”Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Giêsu” (1Cr 11,1 ) .  Hơn nữa,  thánh nhân đã trở nên thuần thục  theo gương mẫu Đức Giêsu vì như ngài nói :”Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà chính Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).  Chúng ta không trực tiếp nói về thánh Phaolô mà chỉ nói về Chúa Giêsu để rút ra bài học mà thánh nhân đã thực hiện và cũng là bài học cho chúng ta.

 

          Để làm nền cho bài chia sẻ, chúng ta cùng đọc một đoạn Tin mừng theo thánh Gioan :

 

Vị thượng tế tra hỏi Đức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người. Đức Giêsu trả lời :”Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi ? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì. Đức Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói :”Anh trả lời vị thượng tế như thế ư ?” Đức Giêsu đáp :”Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào ; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi”?(Ga 18,19-23).

 

          Chúng ta vừa nghe đoạn Tin mừng mà thánh Gioan thuật lại trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Chúng ta xem Đức Giêsu đã phản ứng  thế nào trước cái tát nảy lửa của tên thuộc hạ ? Ngài cũng đã thực hiện lời Người đã dạy trước đó :”Ai tát má phải hãy giơ má trái ra cho họ”(Mt 5,39 ; Lc 6,29).  Đức Giêsu đã dạy như vậy và cũng khuyên chúng ta làm như thế ! Hành động của Đức Giêsu là như thế, còn bạn, bạn nghĩ thế nào ?

          - Có thể bạn cho là hèn.

          - Có thể bạn cho là can đảm.

          - Còn tôi, tôi cho là anh hùng !

 

I. THẾ NÀO LÀ ANH HÙNG ?

 

          Chúng ta thử tìm câu định nghĩa xem anh hùng là gì ?

          *  Anh là vua loài hoa, hùng là vua loài thú. Anh hùng là người hào kiệt xuất chúng.

              ( Tự điển Đào duy Anh).

          *  Anh hùng là bậc tài giỏi xuất chúng.

              ( Tự điển Lê văn Đức và Lê ngọc Trụ)

          *  Anh hùng là bậc xuất chúng có chí khí hơn người.

              (Tự đển Thanh Nghị)

          *   Anh hùng là người thực hiện được điều mình có thể trong khi những kẻ khác không

               làm được điều đó.

               (Theo Romain Rolland)

          *  Theo một định nghĩa khác của Vương Thông mà tôi thích nhất :

                ANH là người tự biết mình,

                HÙNG là người tự thắng mình.

                Nếu theo định nghĩa của Vương Thông thì ta có thể trở thành anh hùng được không ?

 

          Cuốn phim The Superman (siêu nhân) rất nổi tiếng. Sau khi đóng thành công vai chính trong phim này, diễn viên điện ảnh Christopher Reeve đã được rất nhiều người phỏng vấn. Câu mà anh thường được hỏi nhất là “Theo anh nghĩ, thế nào là một vị anh hùng”? Anh đã trả lời rất nhanh : Anh hùng là người có sức mạnh, có mưu trí và có lòng can đảm. Nhờ những đức tính đó, người anh hùng luôn chiến thắng trong những cuộc đụng độ với các kẻ thù.

 

          Thế rồi, một biến cố đặc biệt xẩy đến với anh : tháng 5 năm 1995 anh bị te ngựa và từ đó về sau bị bại liệt từ cổ trở xuống. Từ đó trở đi, cuộc sống của anh rất khó khăn và khổ sở đến nỗi nhiều khi anh không muốn sống nữa.  Tuy nhiên anh cũng cố gắng sống. Và anh đã có một suy nghĩ khác hẳn về người anh hùng : anh hùng là người luôn tìm được sức mạnh để vượt qua tất cả những khó khăn chướng ngại trong đời thường.

                   (Lm Carolô, Sợi chỉ đỏ năm C, tập 1, tr 570-571)

 

II. AI LÀ ANH HÙNG ?

 

          1. Bình chọn các danh tướng.

         

          Tháng 2 năm 1994 hội Hoàng gia Anh mở một phiên họp mời 478 nhà khoa học về lịch sự quân sự lừøng danh thế giới qua các thời đại.  Họ lập một danh sách 98 thống soái của các nước trên thế giới ; và họ đã bầu ra được 10 vị tướng soái kiệt xuất trong lịch sự nhân loại.  Trong các vị thống soái đó có 2 vị là người Việt nam : Hưng Đạo Vương Trần quốc Tuấn và tướng Võ nguyên Giáp.

          * Thời cổ đại : 3 vị

                   - Hannibal (Hy lạp)

                   - César (La mã).

                   - Alexandre (Nam tư)

                   Cả 3 vị được 100% số phiếu.

          * Thời trung đại :

            Chỉ có Hưng Đạo Vương Trần quốc Tuấn được chọn với 100% số phiếu.

              Trong số phiếu này có ghi thêm Trần quốc Tuấn là người đã đánh thắng kẻ thù mạnh

               nhất thế giới là quân Nguyên Mông.

          * Thời cận đại : 4 vị

                   - Cromwell (Anh) 70% số phiếu.

                   - Pierre đại đế (Nga) 70% số phiếu.

                   - Napoléon (Pháp) 100% số phiếu.

                   - Cutujov (Nga) 72% số phiếu.

          * Thời hiện đại : 2 vị

                   - Jukov (Liên xô) : 100% số phiếu.

                   - Võ nguyên Giáp : 100% số phiếu.

                     (Kiến thức ngày nay, số 147, 8/94, tr 64)

 

          Ta gọi các vị tướng soái này là anh hùng. Đúng như vậy họ là những anh hùng, nhưng nếu theo tiêu chuẩn của Vương Thông thì chưa chắc đã là các vị anh hùng đúng nghĩa. Trường hợp của đại tướng Napoléon : ông chinh phục được cảÂu châu một cách dễ dàng, nhưng ông đã mắc một tính kiêu ngạo, không làm chủ được mình nên đã bị thua và bị đấy ra đảo Sainte Hélène rồi chết cô độc ở đó.

          Hồi tưởng lại cuộc sống của mình, Napoléon đã để lại cho chúng ta một kinh nghiệm qúi giá : “Thắng được cả Âu châu còn dễ hơn là thắng được chính mình”.

 

          2. Đức Giêsu có là anh hùng không ?

 

          Nếu theo định nghĩa của Vương Thông thì chúng ta phải công nhận rằng Đức Giêsu vừa có “anh” vừa có “hùng”. Ngài xứng đáng là một đại anh hùng.

          Đọc các sách Tin mừng chúng ta thấy Ngài

          . Không làm những việc kinh thiên động địa khiến mọi người phải thán phục.

          . Không đánh đông dẹp bắc để bắt mọi người dưới quyền thống trị của mình.

          . Không có tham vọng chính trị. Khi người ta tôn Ngài lên làm vua, Ngài đã tìm cách lánh đi. Ngài luôn xưng mình là tôi tớ để phục vụ mọi người (x. Mt 20,27-28).

 

          Vậy Ngài đã làm gì ?  Thưa, Ngài đã

          . Làm việc thiện : rao giảng Tin mừng, chữa lành bệnh, trừ qủi, cho kẻ chết sống lại...

          . Yêu thương tha thứ mọi người.

          . Chịu cho người ta công kích.

          . Chịu cho người ta ghen ghét.

          . Sau cùng, chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người.

         

          Tôi xin hỏi :

          . Thái độ hiền lành của Chuá,

          . Thái độ nhịn nhục,

          . Thái độ tha thứ,

          . Thái độ làm ơn,

          . Tự nguyện chết thay cho mọi người

            Tất cả những thái độ đó có đáng gọi là anh hùng không ? Thưa bạn !

            Được quá đi chứ !

          Theo tôi, ngay việc giơ má cho tên lính tát vào mặt mà không có phản ứng giận dữ gì, mà chỉ ôn tồn nói :”Nếu tôi nói sai thì cho tôi biết sai ở chỗ nào. Nếu tôi nói đúng, sao lại đánh tôi” (Ga 18,24) thì xứng đáng gọi là anh hùng rồi.

          Nếu phải trường hợp của các bạn thì sao ? Chắc chắn các bạn sẽ cho nó mấy cái tát nảy đom đóm mắt ra hay cho nó một cú đấm thôi sơn !

          Còn ở trên thập giá, họ thách thức Chúa :”Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống đây cho ta tin” (Mt 27,40). Nếu phải các bạn thì sẽ hành động ra sao ? Chắc các bạn cũng nhảy xuống và tặng cho nó một cái tát và bảo nó đừng có hỗn như thế nữa. Trong khi đó, Ngài chỉ âm thầm cầu nguyện xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm” (x. Lc 23,34).

 

          Ông Romain Rolland nói :”Sức mạnh của bạo lực, thế mà còn phải chịu qùi gối trước sự mềm dẻo anh hùng”.  Đúng thế, Chúa Giêsu có một sức mạnh phi thường trong cái vỏ mềm dẻo để có thể chịu đựng được như Lão Tử đã nói :

                            

                             Thắng nhân giả hữu lực, Tự thắng giả cường.

                             Thắng người là có sức, thắng mình là mạnh

 

          3. Một số gương anh hùng.

 

          a) Vua Đavít.

 

                   Ngày còn bé, Đavít chăn chiên cho cha, nếu gấu hay sư tử đến bắt chiên, ngài đuổi bắt cho được, xé hàm nó ra. Trẻ con nghe chuyện này đều thốt lên câu :”anh hùng thật”.

          Khi ngài lớn, với một cái ná bắn đá, ngài giết được Golíat, một người lực lưỡng hơn ngài nhiều. Thiếu niên 14 tuổi nghe chuyện này cũng phải trầm trồ khen :”Anh hùng thật”.

          Về sau một mình ngài đã thắng được quân Phi-li-tinh. Lại một lần nữa thiếu niên nghe chuyện này trố mắt, lè lưỡi khen :”Anh hùng thật”.

         

          Riêng tôi, tôi cho rằng những cái đó chưa đáng kể vì mới có “lực” chứ chưa có “cường”. mới thắng người chứ chưa thắng mình.  Còn một chuyện này đáng phục hơn :

 

          Một hôm quân của Đavít đóng quân đối diện với quân Phi-li-tinh giữa Giêrusalem và Be-lem, ánh nắng đại hạn làm khô các suối nước, ngài thở than :

          - Chớ gì tôi được uống lấy một hớp nước suối mát thành Be-lem.

          Ba người trong đám quân can đảm nhất của ngài nghe thấy. Họ mở một đường máu qua quân Phi-li-tinh, mỗi bước đi là một lần liều mạng sống. Họ múc được nước đưa về cho Đavít. Nhà vua tuy khát nước lắm, nhưng ngài cầm cốc nước giơ lên trời, nói :”Có phải đó là máu của những người liều mạng sống vì con. Con uống máu này sao được” (2V 23,14.17).

 

          Đó là một điểm tôi thích nhất. Đavít đã hy sinh cái gì ? Một hớp nước nhỏ. Ngài đã mất cái gì ? Một lúc sung sướng.  Ngài đã được lợi gì bởi cử chỉ cao thượng đó ?  Sự tôn trọng của đám lính dũng cảm, và nhất là ơn Chúa, vì ngài cầm cốc nước dâng cho Chúa rồi vẩy vào đám lính.   

                   (T. Toth, Chí khí người thanh niên, 1957, tr 111-112)

 

          b) Thánh Phêrô tông đồ.

 

          Ông là một người rất nhiệt thành, thề sống chết với Chúa. Ông đã thề sống chết với Chúa, nhất định không bỏ Ngài, dù có ai bỏ thì bỏ.  Trong vuờn Cây Dầu, để bảo vệ Chúa Giêsu, ông đã dám rút gươm chém đứt tai đứa đầy tớ thầy cả thượng phẩm. Anh hùng đấy chứ ? Đúng.  Nhưng tôi thấy ông còn anh hùng hơn khi nhận ra tội mình tội đã chối Chúa ba lần, ra ngoài ăn năn khóc lóc thảm thiết (x. Mt 27,49t). Hình ảnh một ông lão khóc thảm thiết vì lỗi lầm của mình, thật là dễ thương. Anh hùng đấy chứ ?

 

          c) Thánh Phaolô tông đồ.

 

          Thánh Phaolô là gương mẫu của sự dấn thân trong việc rao giảng Tin mừng cho dân ngoại.  Ngài đã lên đường truyền giáo bất chấp mọi nguy hiểm đang rình chờ.  Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô ngài đã cho biết về một số nguy hiểm đã phải trải qua : 5 lần bị đánh 39 trượng, 3 lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, 3 lần bị đắm tầu một ngày một đêm (2Cr 12,24-25). Ngài đúng là anh hùng.

 

          Nhưng ngài còn tỏ ra anh hùng hơn khi dám hạ mình xuống thú nhận những lỗi lầm quá khứ của mình. Ngài nói :”Tôi là người hèn mọn nhất trong số các tông đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu ; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (1Cr 15,9-10).

 

          d) Vua Lê thánh Tôn.

 

          Hôm ấy vua Lê thánh Tôn sắp ngự ngai để đình thần triều yết, thì một nữ tỳ bưng bát cháo lên. Vì vô ý hay vì quá khiếp sợ khép nép kính cẩn, bát cháo bị đổ nhào vào vua  khiến áo cửu long ngài đang mặc bị hoen ố.

          Người nữ tỳ run sợ vô cùng, nhưng vua Lê thánh Tôn quên cương vị của mình, quên luôn cả chiếc áo triều yết, vừa tươi cười vừa hỏi han người đầy tớ run sợ :

          - Tay con có bị phỏng không ?

                   (Nguyễn duy Tôn Cười, tr 78-79)

          Vua Lê thánh Tôn anh hùng đấy chứ ?

 

III. CHÚNG TA CÓ THỂ LÀ ANH HÙNG KHÔNG ?

 

          Câu hỏi chúng ta có thể trở thành anh hùng được không, cái đó tùy theo quan niệm như  câu định nghĩa ở trên. Nếu trở nên anh hùng như kiểu người đời thì chúng ta thấy khó vì “lực bất tòng tâm”, còn  anh hùng theo quan niệm tôn giáo thì chúng ta có thể và phải trở nên anh hùng vì muốn vào Nước Trời thì phải qua cửa hẹp và chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh, không phải sức mạnh vật chất mà bằng sức mạnh tinh thần.

 

          1. Theo quan niệm người đời.

 

          Người đời qúi trọng bậc anh hùng hào kiệt. Họ cho con người chỉ có giá trị ở chỗ đó :

                                      Ở đời muôn sự của chung,

                                      Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi

                   Người ta khuyên thanh niên :

                                      Làm trai quyết chí tang bồng,

                                      Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.

                   chứ đừng :

                                      Làm trai cho đáng nên trai,

                                      Ăn cơm với vợ lại nài vét niêu.

 

          Người ta khuyên thanh niên phải ganh đua với đời, phải có chí lập thân, phải có công danh sự nghiệp như Nguyễn công Trứ đã khuyên thanh niên :

 

                                      Phải có danh gì với núi sông,

                                      Đi không chẳng lẽ  lại về không.

                   chứ đừng :

                                      Làm trai rửa bát quét nhà,

                                      Vợ gọi thì dạ : bẩm bà tôi đây.

                   hay là :

                                      Làm trai cho đáng nên trai,

                                      Khom lưng uốn gối gánh ... hai hạt vừng.

 

          Người ta còn khuyên : làm trai thì phải phấn đấu không nản, lúc nào cũnt bình tĩnh vui tươi :                                    

                                      Vàng tâm xuống nước còn tươi,

                                      Anh hùng lâm nạn cứ cười cứ vui

          chứ đừng bao giờ làm anh hùng nửa vời :

                                      Anh hùng là anh hùng rơm,

                                      Ta cho bó lửa hết cơn anh hùng.

 

          Gần nửa thế kỷ trước Chúa Giáng sinh, một danh tướng nhà Đông Hán là Mã Viện đã nói một câu bất hủ :”Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm xó giường mà chết trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì”.

 

          Tại thành Spartes thuộc nước cổ Hy lạp, mỗi khi tiễn con ra trận, người mẹ thường đưa cho con  một cái mộc và bảo con rằng : cùng với nó hãy nằm trên nó. Cùng với nó, con đắc thắng trở về. Nằm trên nó, xác con được mọi người kính nể khiêng vác trên vai.

 

          Thi sĩ Nguyễn công Trứ đã dùng bài “Chí nam nhi” để khuyến khích thanh niên phải vượt mọi khó khăn để làm được một cái gì đó cho đời và dĩ nhiên là trở thành anh hùng xứng đáng với “Thông minh nhất nam tử, yếu vi thiên hạ kỳ” :

 

                                      Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ

                                      Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.

                                      Chí những toan xẻ núi lấp sông

                                      Làm nên đấng phi thường đâu đấy tỏ.

 

          2. Theo quan niệm của Chúa Giêsu.

 

          Chúa Giêsu cũng dạy ta phải trở thành anh hùng nếu muốn theo Ngài và muốn chiếm hữu được Nước Trời.  Chúng ta có thể trưng ra đây một vài câu của Ngài :

          - Hãy vào qua cửa hẹp (Mt 7,13-14).

          . Thiên đàng chỉ chiếm được bằng sức mạnh (Mt 11,12).

          . Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá hằng ngày mà theo Ta (Mt 116,24).

 

          Thực hành được những lời đó, chúng ta phải can đảm hy sinh rất nhiều. Có khi còn phải trả bằng giá rất đắt. Như thế chả phải là anh hùng sao ? Nhiều khi còn phải chịu tử đạo nữa.

 

IV. THỰC HÀNH TRONG CUỘC SỐNG.

 

          A. Ai là người anh hùng ?

 

          Nếu hiểu anh hùng theo nghĩa của Vương Thông thì ai cũng có thể trở thành anh hùng được. Trong cuộc sống, mỗi người có một hoàn cảnh riêng biệt, nếu biết lợi dụng hoàn cảnh đó thì ai cũng có thể trở thành anh hùng trước mặt Chúa được, tuy người đời không biết đến. Họ là những anh hùng không tên tuổi.

 

          1. Người đi tu.

 

          Không phải mọi người có thể dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì được mà dành cho những người có ơn kêu gọi đặc biệt muốn sống đời trọn lành. Họ phải sống độc thân, giữ ba lời khấn và giữ kỷ luật dòng. Đời sống của họ đòi phải từ bỏ mình rất nhiều (x. Mt 116,24).

 

          Thánh nữ Têr6esa Hài đồng Giêsu là một tấm gương rất đẹp. Ngài chỉ âm thầm làm những việc nhỏ mọn với một lòng mến to tát đối với Chúa. Ngài đã trở thành một vị đại thánh, quan thầy các xứ truyền giáo.  Ai bảo ngài không phải là anh hùng.

 

          2. Người lập gia đình.

 

          Lập gia đình cũng là một ơn gọi. Sống trong gia đình, người ta cũng gặp phải rất nhiều hy sinh, phải can đảm chấp nhận. Trong gia đình không thể tránh được cảnh “sớm nắng chiều mưa”, cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” bởi vì bá nhân bá tính nên người ta mới nói :

 

                                      Sống mỗi người một nết,

                                      Chết mỗi người một tật.

 

          Đứng trước những khó khăn trong đời sống gia đình, nhiều người thấy sợ không dám lập gia đình.  Có lẽ vì thế mà có một danh nhân đã phát biểu :”Tôi khâm phục mọi anh hùng, nhưng anh hùng mà tôi khâm phục nhất là người dám lập gia đình”. Nói như thế có vẻ cường điệu quá, nhưng xét theo một phương diện nào đó, câu nói trên cũng có phần đúng.  Bạn nghĩ sao ? Cái đó tùy bạn xét.    Mời bạn nghe một câu truyện vui :

 

                                      Truyện : Bị vợ đánh què.

          Trong một buổi hội thảo về đời sống gia đình cho thanh niên. Cha xứ nhấn mạnh đến yếu tố nhịn nhục theo nguyên tắc “nhịn mày tốt tao” .

          Đột nhiên cha xứ hỏi :

          - Có ai sợ vợ không ? Nếu ai sợ vợ thì thử đứng lên xem.

          Cả hội trường đồng loạt đứng dậy, chỉ có một thanh niên ngồi yên không nhúc nhich.

          Cha xứ đến gần khen :

          - Con là một người đặc biệt vì không biết sợ vợ. Cha hỏi con xem đã dùng phương pháp nào mà không sợ vợ ?

          Anh buồn rầu thưa :

          - Thưa, chả nói giấu gì cha, tuần vừa qua con bị vợ con đánh què giò.

 

          3. Người chưa lập gia đình.

 

          Người sống độc thân cũng đòi hỏi nhiều hy sinh , cố gắng làm chủ được con người của mình. Những cố gắng ấy làm cho con người thêm cứng rắn, can đảm, như thế chẳng phải là anh hùng sao ?  Chúng ta hãy nghe mấy lời phát biểu có giá trị :

 

          * “Ngườii anh hùng vĩ đại nhất là người làm chủ được những ước muốn của mình

                   (Bhartrihari)

          * “Thắng được vạn quân không bằng làm chủ được bản thân mình

                   (Napoléon).

          * “Một thanh niên trong sạch là một vị anh hùng”.

                   (Đức cha Tihamer Toth).

          *  Người đời coi việc tu thân cũng là việc anh hùng :

                   Làm trai quyết chí tu thân

                   Công danh chớ vội nợ nần chớ lo.

                   Khi nên, trời cũng giúp cho

                   Làm trai năm liệu bảy lo mới hào.

 

                                      Truyện : đồ đệ của Pythagore

          Đồ đệ của nhà hiền triết Pythagor có thói quen  ngồi chay trước bàn bầy la liệt những món ăn mỹ vị, họ ngồi như thế hằng giờ để rồi bước ra  khỏi bàn ăn khi chưa đụng đến món ăn nào.       

          Trẻ con thấy thế chắc phải kêu rằng :”Ngốc lắm”! Nhưng suy nghĩ cẩn thận và lâu dài, bạn sẽ thấy kính trọng cái anh hùng của họ.

          Đó là những người ngoại đạo, họ cũng biết cái cần thiết của sự xả kỷ, tự chủ và luyện ý chí.        

                             (Tihamer Toth, Chí khí người thanh niên, tr 111)

 

          B. Ai là kẻ hèn nhát ?

 

          1. Những người không dám làm theo tiếng lương tâm.

 

          * Vua Hêrôdê.

 

          Chúng ta đã biết câu chuyện này rồi. Ta phải công nhận rằng cái chết của Gioan Tẩy giả chứng tỏ ông là con người can đảm. Tất cả nhửng nhân vật trong trình thuật này đều làm cho tôi khó chịu : một cô gái nhảy vô tâm, một người đàn bà độc ác tới độ sát nhân, và Hêrôdê kẻ hèn nhát không có can đảm bảo hai người đàn bà đó : “Các ngươi điên”, cũng chẳng có can đảm nói với khách dự tiệc :”Tôi đã thề một cách ngu ngốc”

                             (André Sève, Sương mai, tr 57).

 

          * Quan Philatô.

 

          Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, ta thấy ông Philatô không phải là một người xấu, và không những thế ông ta còn muốn cứu Chúa Giêsu khỏi sự cáo gian của người Do thái. Nhưng ông ta phải một tội : ông ta hèn nhát ! Ông ta không dám cưong quyết theo ý tưởng mình, và nhất là ông ta không dám hy sinh vì những ý tưởng đó.  Lúc ấy, đáng lẽ phải giơ tay mà kêu lên :Tôi không xử phạt người vô tội này. Nhưng Philatô hèn nhát và không vững lòng.

 

                                      Truyện : Núi Philatô.

          Khi người ta đi tầu trên hồ “Bốn Tổng”, một ngọn núi cao, hình dáng quái lạ đập vào mắt mọi người. Có ai hỏi tên núi đó là gì thì có kẻ trả lời rằng :”Đó là núi Philatô”.

          Theo truyện truyền khẩu, sau khi Chúa Giêsu chết, Philatô không được yên nữa. Ban đêm hắn bỗng giật mình dậy, Chúa Cứu thế đẫm máu hiện ra trước mặt hắn và bảo hắn :”Philatô, tại sao ngươi để ta bị xử oan, vô tội “ ? Thế rồi không thể chịu nổi sự hiển hiện khủng khiếp, cái người có trái tim hèn nhát kia bèn trốn nhà đi. Hắn đi ra ngoại quốc, nhưng khắp nơi hắn đến, nơi nào Chúa Cứu Thế đẫm máu cũng đứng trước mặt hắn.

          Sau cùng, muốn trút hết mọi điều hối hận bứt  rứt, hắn nhảy xuống hồ Bốn Tổng. Nhưng cái hồ cũng không nhận hắn bình yên. Một ngọn núi bỗng nổi lên trên xác hắn, thành một cái mồ khủng khiếp.  Ngày nay là cái núi Philatô.

                             (T. Toth, Chúa Cứu thế với thanh niên, 1968, tr 317-318)

 

          2. Những người chỉ sống theo đam mê tự nhiên.

 

          *  Ngày nay có nhiều thanh niên  sống không có lý tưởng, họ sống cho qua ngày, họ sống mà không biết tại sao mình sống và sống dđể làm gì.  Họ thả mình cho dục vọng hoành hành , cả ngày chỉ quanh quẩn bên mấy quán cà phê, trong mấy quán bar, miệng phì phào đếu thuốc hay miệng nhâm nhi một ly rượu, mắt nhìn lơ đãng ngâm một câu thơ :

 

                                      Đời đáng sống hay không đáng sống,

                                      Nhấp chén quỳnh xin hỏi bạn tri âm !

                                                   (Tản Đà)

          Có nhiều thanh niên, bề ngoài xem ra có vẻ hào hoa phong nhã, ăn nói lịch thiệp, nhưng trong lòng trống rỗng. Trong lòng họ chất chứa đầy những tư tưởng xấu xa, đầy những mưu mô xảo trá nhằm làm hại người ta. Cuộc sống của họ đã trở nên một yếu tố làm ô nhiễm môi trường đạo đức xã hội dù họ cố ý hay vô tình. Họ đáng người ta gọi là hạng người :

 

                                      Xem tướng ngó rạng anh hào,

                                      Suy ra nết ở khác nào tiểu nhân.

                                                   (Ca dao)

 

          KẾT LUẬN

 

          Cuộc chiến của người Kitô hữu với ba thù : thế gian, ma qủi, xác thịt là một cuộc chiến trường kỳ, không khi nào chấm dứt, điều đó đòi hỏi phải kiên tâm chiến đấu để chiến thắng. Và chỉ những ai bền đồ đến cùng thì mới được rỗi, nghĩa là mới chiến thắng

          Nếu trong cuộc sống, đôi lần ta đã sa ngã, đã trở nên hèn nhát, chúng ta hãy vùng chỗi dậy. Không khi nào trở nên quá muộn khi chúng ta có có thiện chí vùng chỗi dậy.

.

                                      Truyện : Trung tá Péricard.

          Trong cuộc thế chiến thứ nhất, các lính Đức cầm lựu đạn xông vào hầm của trung tá Péricard , là người chỉ còn trước mặt mình mấy người sống, còn những kẻ khác bị thương hay chết. Trung tá kêu một tiếng thất vọng :”Đứng lên, những kẻ chết”. Tức thì như chạm vào đũa thần, các quân lính của trung tá và các quân ở các hầm lân cận đều bỏ hầm tiến lên và đuổi quân địch mạnh hơn

 

          Đôi lúc chúng ta đã hèn nhát thua trận, chúng ta hãy biết kêu lên :”Đứng lên những kẻ chết”. Như thế chúng ta lại lấy được sức mạnh để anh dũng chiến đấu     Muốn thể hiện được lý tưởng người Kitô hữu là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, điều đó đòi hỏi ta phải cố gắng không ngừng.  Những cố gắng  trường kỳ đó biến ta thành anh hùng, tuy là những anh hùng không tên tuổi.  Một mặt ta cố gắng, một mặt Chúa ban ơn, hai mặt giáp công trong cuộc chiến như thế, chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Mục Lục