HÃY MANG GIẦY VÀO

Pierre Charles, SJ - Phạm Minh Thiện dịch

(Calceao te caligas tuas)

 (Mets tes souliers)

Có những đôi giầy nho nhỏ dịp lễ Giáng Sinh mà ngày xưa người ta thường nhắc tới trong những bài tình ca rất dễ thương, và đôi khi, các chú bé con bây giờ còn đặt trong lò sưởi ; nhưng, lạy Chúa, những chiếc giầy, đối với con, thì quá tầm thường, và con không thấy cám dỗ để tìm cảm hứng cho lời cầu nguyện của con nơi các tiệm đóng giầy. Thật ra, con không muốn nói điều gì có thể làm mích lòng những ông thợ chữa vá giầy. Nghề của họ thì rất đáng kính trọng; và mỗi khi con đi ngang trước các cửa hiệu của họ, con nhìn họ với một lòng đầy thiện cảm,

Nhưng phải chăng có một cái gì bất kính, hay ít nhất là một điều bất nhã, mà tối hôm nay, cầm trong tay chiếc giầy lấm đất của con mà tìm nơi nó một bài học về sự cao cả kitô giáo và về sự thanh cao cho đời sống tâm linh! Nhung chiếc giầy của con, khi nào con không mang chúng, thì con xếp chúng dưới giường ngủ của con. Nhưng tại sao Chúa muốn con đi tìm nơi chúng, và cố gắng tìm nơi chúng những ý nghĩa cao cả và những lời khuyên khích để sống nhân đức? Người ta không hề nói đến giầy dép trong những lúc trò chuyện có tính tao nhã. Làm như thế là thiếu lịch sự ; thô tục là đàng khác; là thiếu giáo dục, như người ta thường nói. Và con thì không muốn lời cầu nguyện của con thiếu tế nhị, và con muốn có thái độ “đứng đắn” nữa, và nhất là khi cầu nguyện cùng Chúa.

Thế nhưng, tại sau chiếc giầy hèn hạ này lại thu hút con? Phải chăng là ơn thánh Chúa đã dẫn con đến với nó, như đến một người bạn già mà lâu nay, trong sự vô ý thức đầy kiêu hãnh của con, con đã xem thường nó, vì nó không thể nói cho con nghe nỗi lòng bí ẩn của nó? Lạy Chúa, vì hiện giờ không ai thấy chúng ta, và Chúa con đang ở gần nhau, con muốn thử một cảm nghiệm, và con sẽ suy niệm, cầu nguyện từ chiếc giầy của con.

Nó sẽ không kể cho con nghe những chuyện gì lạ lùng. Nó không có một mặc khải nào để chia sẻ với con và làm con sửng sốt. Nhưng khi nhìn đến nó, những chân lý rất đơn giản đối với con, giờ này, lại mang sắc thái của những hồi ức đã lãng quên từ lâu rồi. Ông Gioan Tẩy Giả, khi loan báo cho đám đông dân chúng về Chúa như là Ðấng Cứu Thế, đã nói đến đôi giầy Chúa đang mang, phải, về đôi giầy của Chúa, mà ông nghĩ ông không xứng đáng để cởi dây; và là chính Chúa Thánh Thần đã khởi hứng cho ông những lời có tính ngôn sứ này. Cởi dây giầy: thì điều này, lạy Chúa, con làm hằng ngày, mà không ngờ rằng trong cử chỉ khiêm hạ ấy, lại có những phản ánh về Tin Mừng, và nhắc nhở đến việc Chúa ngự đến.

Các chiếc giầy! nhưng khi ông Môsê đang chăn giữ đàn cừu cho ông bố vợ của mình ở đất Madian, và khi ông muốn đến gần bụi gai kỳ diệu đang bốc cháy mà không tàn, Kinh Thánh đã nói cho chúng con nghe rằng, chính Thiên Chúa đã truyền lệnh cho ông phải cởi giầy ra : solve calceamentum de pedibus tuis, vì đất ông đang đạp trên là đất thánh. Thiên Chúa đã quan tâm đến những đôi giầy; và sự khinh mạn của anh chàng thi sĩ dõm là con đã ngăn cản con lấy đôi giầy làm đề tài cho lời cầu nguyện của con!

Khi tông đồ Phêrô của Chúa đang bị xiềng hai chân (catenis duabus), trong nhà tù của Hêrôđê tại Giêrusalem, được một thiên thần đến thúc một cú vào cạnh sườn (percussis latere Petri) có lẽ ông Phêrô hơi ngạc nhiên nghe thiên sứ ra lệnh cho ông nhân danh Chúa, là hãy xỏ giầy của ông vào chân: calcea te caligas tuas. Và khi Chúa sai các môn đệ của Chúa đi mọi nẻo đường xứ Palestin, Chúa đã quy định hành trang của các ông và Chúa đã nói đến các đôi giầy.

Tại sao con lại để các chiếc giầy qua một bên trong những khi con cầu nguyện? Những đề tài trừu tượng mà con đã vật lộn với chúng để suy nghĩ, có được sự hùng hồn bình dị của một chiếc giầy đã từng rong rủi trên đường với con, đã hao mòn như con và vì con, và nó là món quà mà Sự Quan phòng của Chúa đã ban cho con chăng? Vì chiếc giầy là đến từ Chúa, nên nó cũng có thể hiến dâng lại cho Chúa. Lạy Chúa, con dâng nó lên Chúa, khi nghĩ đến hàng ngàn hàng vạn anh em con đã đi chân không trên mọi nẻo đường của trái đất chúng con đang sống, trên cát sỏi, trên núi đá, trong sình lầy hay trong ruộng lúa; khi con nghĩ đến hàng ngàn, hàng vạn người hành hương, xưa kia đã khấn hứa đi không mang giầy, đến tận những thánh địa xa xôi, trong tay chỉ có chiếc gậy, để xin được ơn tha thứ tội lỗi của họ. Giầy là đồ trần tục, là vật tầm thường? Nhưng con nghĩ trong sách Nghi thức Rô-ma, có một kinh riêng cho những chiếc giầy khi vị giám mục xỏ vào trước khi hành lễ. Một giáo sĩ quỳ hai gối, nâng cuốn sách mở ra, trong khi vị giám mục ngồi trên tòa ở cung thánh, và người ta trịnh trọng xỏ giầy vào chân ngài. Và ngày Thứ Sáu Thánh, khi thờ kính Thánh Giá, các vị chủ sự cởi giầy ra trước khi quỳ xuống để hôn những vết thương của Ðấng Cứu Thế. Và con còn nhớ bài thánh ca này của thời Trung cổ, trong ấy người ta nhắc đến Mẹ của Ngôi Lời nhập thể, như là chiếc thang mà chính Thiên Chúa đã dùng để bước xuống “sau khi đã mang giầy vào” vì con đường mà Người phải rong ruổi trên thế giới này có dấu hiệu là rất cam go và khó nhọc.

Haec est scala qua descendit

Calceata deitas...

Lạy Chúa, đời sống nội tâm của con đã tục hóa lúc nào mà con không hay. Thay vì đưa ý nghĩ về Chúa, kỷ niệm về Chúa, sự hiện diện của Chúa hòa vào tất cả những sự vật hiện diện chung quanh con, và nó làm nền tảng cho cuộc sống của con, thì con lại quen lờn mà xem chúng như những thực tại phàm tục. Con có cao vọng lướt thoáng trên chúng, quên chúng đi, để đi tìm tìm kiếm Chúa, ở một nơi xa xôi nào đó, trong những ý tưởng. Nhưng con đã đánh mất hết từng cơ hội một để gặp Chúa mà Sự Quan Phòng của Chúa đã ban cho con, suốt đọc đường đời của con và theo chuỗi thời giờ Chúa cho con sống. Nếu con có lòng khiêm hạ hơn, trung thực hơn, ít sống theo thói đời thường tình hơn, và ít cao ngạo hơn, thì lời kinh của con sẽ không chỉ là việc làm của lý trí và có tính triết học; lúc ấy lời kinh ấy chiếm lĩnh chính những quan năng của con cách hồn nhiên, bắt lấy được mọi khả năng xúc cảm của con, mọi sức quyến rũ của con, mọi điều làm con khoái trá mà hòa nhịp đời con theo cảnh sắc hài hòa của tạo thành của Chúa.

Ngày xưa, trong Giáo Hội của Chúa, nhiều nhân vật rất đạo đức đã bàn cãi rất nhiều về những chiếc giầy, và những Dòng tu rất đáng kính đã chia rẽ nhau vì những Dòng này muốn giữ tục lệ đi giầy, còn những Dòng khác thì muốn đi chân không. Quả là những tranh cãi lớn lao chung quanh một vật rất tầm thường. Tối nay, lạy Chúa, chiếc giầy của con chỉ khơi lên nơi con lòng biết ơn, và với tất cả tấm lòng của con, để nhớ đến Chúa, con muốn hôn nó cách nhẹ nhàng như là một di vật thánh

Trích maranatha-vietnam.net


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà