SỐNG CHUNG TRƯỚC KẾT HÔN

Lm. Anphonsô Nguyễn Công Vinh

Thưa cha, chúng con quen nhau đã 2 năm nay, chúng con đang chờ thời gian thuận tiện để làm phép cưới. Chúng con biết trước sau gì cũng thành vợ chồng, nên nhiều khi chúng con ăn ở với nhau. Chúng con nghĩ là được phép và không có tội, vì đây chỉ là cách thức để làm cho tình yêu thêm bền chắc để tiến tới hôn nhân thực sự. Giả như chúng con đã có hôn thú dân sự mà chưa có điều kiện làm phép cưới theo quy định của Giáo Luật, thì có được ăn ở hoặc sống chung với nhau không? Xin cha cho ý kiến.

 

***

 

Việc ăn ở, kết hợp thể xác giữa hai người nam nữ, là một trong những biểu lộ cao nhất của tình yêu con người. Dầu vậy, hành động ấy không chắc chắn làm khởi phát tình yêu cũng như không hoàn toàn có khả năng bảo vệ tình yêu. Theo tinh thần của Giáo hội Công giáo, thì hành vi kết hợp thể xác giữa người nam và người nữ chỉ thực sự có ý nghĩa của tình yêu, khi nó được thực hiện trong hôn nhân.

Tuyên Ngôn Personna humana (Nhân vị) ngày 29/12/1975 quả quyết:

“Nhiều người ngày nay đòi quyền giao hợp với nhau trước khi kết hôn, miễn là hai người quyết tâm lấy nhau và thật lòng yêu nhau. Họ coi tương giao tính dục là điều tự nhiên trong mối quan hệ của họ, nhất là khi việc cử hành hôn lễ bị cản trở vì hoàn cảnh bên ngoài, hoặc vì họ nghĩ rằng việc giao hợp là điều cần thiết để bảo toàn tình yêu của họ. Quan niệm như vậy là trái ngược với giáo lý, theo đó, mọi tương giao tính dục chỉ được phép thực hiện trong hôn nhân mà thôi” (số 7).

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông huấn Gia Đình (Familiaris Consortio) năm 1980 cũng đã khẳng định:

“Giáo hội không thể chấp nhận loại kết hợp nầy […]. Thật vậy, một đàng việc trao hiến thể xác trong tương giao tính dục là biểu tượng thực sự cho việc trao hiến trọn vẹn cả ngôi vị. Hơn nữa, trong nhiệm cục hiện hành, một sự trao hiến như thế không thể thực hiện được sự thật trọn vẹn mà lại không cần đến tình bác ái đã được Đức Ki-tô trao ban. Đàng khác, hôn nhân giữa hai người đã rửa tội là biểu tượng thực sự cho việc kết hợp giữa Đức Ki-tô và Giáo hội, một sự kết hợp không thể nào có tính cách tạm bợ hay để thử nghiệm, nhưng là trung tín đời đời”(số 80).

Sách Giáo lý Công giáo năm 1992 cũng dạy:

- “Hành vi tính dục chỉ được chấp nhận trong hôn nhân; ngoài hôn nhân luôn luôn đó là một tội trọng và không được lãnh nhận các bí tích” (số 2390).

- “Những người dấn thân trong quan hệ tính dục trước hôn nhân, dù họ có quyết tâm mạnh mẽ thế nào đi nữa, thì những giao hợp tính dục ấy vẫn không thể bảo đảm quan hệ giữa họ với nhau trong sự chân thật và thuỷ chung giữa một người nam và một người nữ, và nhất là không thể bảo đảm giữ cho quan hệ nầy khỏi những ý muốn hay thay đổi và bất thường. Về phương diện luân lý, việc giao hợp chỉ hợp pháp khi đã chính thức kết hôn. Tình yêu không chấp nhận thử nghiệm, nhưng đòi hỏi hiến thân cho nhau một cách trọn vẹn và dứt khoát” (số 2391).

Giáo luật 1983, điều 1108 xác định:

“Hôn phối chỉ thành sự khi được kết ước trước mặt vị chứng hôn, là Đấng Bản quyền địa phương hay cha sở, hoặc một tư tế hay một phó tế đã được một trong hai vị trên uỷ quyền, và trước mặt hai nhân chứng” (Bản dịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, Hà Nội 2007, NXB Tôn Giáo).

Tông Huấn về Gia Đình cũng nêu rõ:

“Ngày càng có nhiều trường hợp những người công giáo, vì những nguyên do ý thức hệ hay vì những lý do thực tiễn, muốn lập hôn phối dân sự bằng cách từ chối hoặc ít ra là dời việc cử hành hôn phối tôn giáo. Tất nhiên tình cảnh của họ không thể bị xem như tình cảnh của những người chỉ chung sống mà không có một ràng buộc nào, vì ở đây, ít ra cũng có một sự dấn thân nào đó vào một tình trạng sống nhất định và có lẽ cũng bền vững... Khi muốn việc liên kết của mình được nhìn nhận công khai của Nhà Nước, các đôi bạn này đã cho thấy rằng họ sẵn sàng đảm nhận những nghĩa vụ cũng như những quyền lợi của sự kết liên ấy. Dù vậy, tình trạng ấy vẫn không thể được chấp nhận từ phía Giáo hội” (số 82)

Như vậy, hai tín hữu công giáo chỉ có thể kết hợp thể xác với nhau, sau khi đã cử hành hôn phối theo quy định của Giáo luật. Việc làm hôn thú dân sự của hai người công giáo không có giá trị bí tích. Nhưng vì tôn trọng sự chi phối của luật lệ xã hội về phương diện trần thế của người công dân công giáo, nên Giáo luật đòi buộc phải có hôn thú dân sự trước khi cử hành hôn phối theo nghi thức của Giáo Hội (GL số 1071,1,2o). Điều nầy không có nghĩa là chấp nhận việc sống chung.

 

Sự chờ đợi bao giờ cũng là một thử thách đòi hỏi nhẫn nại và chịu đựng, nhất là chờ đợi trong tình yêu. Tuy nhiên thử thách nầy, nếu vượt qua đuợc, sẽ tăng cường ý chí và củng cố tính trưởng thành và sự bền vững của hôn nhân. Ngày bước vào thánh đường để cam kết sống chung với nhau sẽ có ý nghĩa và tươi đẹp biết bao khi các bạn còn trong trắng.

 

 

 

 


Mục Lục Góp Nhặt Hoa Rơi