Linh Mục, Người Phục Vụ Lời Chúa

 

Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

 

 

Thánh Phaolô đã nêu bật sự cần thiết phải rao giảng Tin Mừng và đã quả quyết điều đó dựa vào chính kinh nghiệm bản thân của mình. Người viết trong thư gửi tín hữu Rôma : “Làm sao kêu lên với Đấng mà người ta không tin ? Làm sao tin Đấng mà người ta không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có người rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi ?” (Rm 10,11-15). Chính vì xác tín như thế mà thánh Phaolô đã nhắc nhủ Timôthêô : “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Giêsu, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, cha tha thiết khuyên con hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy biện bác, hãy khiển trách, hãy khuyên nhủ với tất cả đại lượng và dụng tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,1-2).

 

Đối với linh mục, việc giảng dạy Lời Chúa là trách vụ đầu tiên cần phải chu toàn, vì nền tảng của đời sống cộng đồng và cuộc sống cá nhân Kitô hữu chính là đức tin ; đức tin phát xuất từ Lời Chúa và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của linh mục khi khẳng định : Dân Chúa được đoàn tụ là nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống, lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục.

 

Như thế linh mục là người mà Thiên Chúa ủy thác cho sứ mệnh phục vụ Lời của Người. Lời đó hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô và sống động trong Chúa Thánh Thần.

 

I. Lời hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô.

 

Theo truyền thống của Cựu Ước và Tân Ước, Lời Chúa không phải là đối tượng của những suy lý trừu tượng. Trong tiếng Do Thái, từ ngữ Dabar Yahweh, mà bản 70 và bản Tân Ước dịch là Logos. Từ này có hai ý nghĩa không tách biệt nhau : Lời nói (verbum) và hành động (gesta). Như thế, Dabar Yahweh vừa là lời nói vừa là hành động của Thiên Chúa. Tác giả thư Do Thái đã hiểu như thế khi mở đầu bức thư như sau : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các sứ ngôn” (Dt 1,1).

 

Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Tín lý về Mặc khải cũng đã giải thích như vậy : “Nhiệm vụ măc khải được thực hiện bằng các việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, theo ý nghĩa là các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố cả giáo huấn lẫn những thực tại được diễn tả bởi các lời ; còn các lời thì công bố các việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong đó” (Mk 2).

 

1. Thiên Chúa mặc khải khi Người nói.

 

1/ Lời Chúa trong Cựu Ước

 

a/ Lời Thiên Chúa chính là lề luật và quy tắc cho đời sống. Qua giao ước Sinai, Môsê đại diện Thiên Chúa ban cho dân một hiến chương tôn giáo và luân lý gồm tóm trong mười “Lời”, đó chính là Thập giới (Xh 20,1-17 ; Đnl 5,6-22). Dân phải tuân giữ luật vì đó là Lời Chúa. Các tác giả sách Khôn Ngoan và các tác giả Thánh vịnh còn nhìn thấy nơi Lời Chúa nguồn mạch khôn ngoan và hạnh phúc (Cn 18,13 ; Tv 119).

 

b/ Lời Chúa còn măc khải ý nghĩa sâu xa của các sự vật và các biến cố trong dòng lịch sử dân riêng của Người. Mặc khải căn bản nhất qua biến cố Xuất hành, đó là : “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20,2). Như thế qua mỗi kinh nghiệm lớn nhỏ của Israel, Lời Chúa bày tỏ cho họ biết những ý định thầm kín của Người (Gs 24,2-13).

 

c/ Lời Chúa còn là lời hứa và lời loan báo tương lai. Lời Chúa từ từ soi sáng cho Israel về các giai đoạn sắp tới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa (St 15,13-16 ; Xh 3,7-10). Lời Chúa mặc khải điều sẽ đến vào thời sau hết, khi Thiên Chúa hoàn tất ý định cứu độ của Người.

 

2/ Lời Thiên Chúa và Lời Đức Giêsu Kitô là một

 

a/ Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, rao giảng Nước Thiên Chúa bằng lời của Người. Thánh sử Mát-cô đã mô tả một cách tóm tắt như sau : “Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe” (Mc 4,33).

 

b/ Đức Giêsu rao giảng như một Đấng có thẩm quyền chứ không phải như các Kinh Sư của người Do Thái (Mc 1,22tt). Người còn quả quyết chắc chắn rằng : “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Ta nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24,35tt).

Thái độ đó của Đức Giêsu hé mở cho chúng ta thấy một mầu nhiệm mà thánh Gioan tông đồ đặc biệt quan tâm đến. Đó là Đức Giêsu “nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn” (Ga 3,34), chính vì thế những lời của Người là “thần khí và là sự sống” (Ga 6,63).

 

c/ Đức Giêsu “không tự mình nói ra” (Ga 14,10), nhưng như Người đã tuyên bố với người Do Thái “Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8,28). Người còn quả quyết mạnh mẽ hơn “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Chính vì thế Lời Thiên Chúa Cha và Lời Đức Giêsu là một. Hay như kiểu nói của tác giả thư gửi tín hữu Do Thái : “Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con ” (Dt 1,2).Người Con là Lời của Cha.

 

2. Thiên Chúa hành động khi Người nói.

 

1/ Theo truyền thống Cựu Ước

 

Lời Chúa không chỉ là một sứ điệp để lắng nghe, để hiểu và ghi nhớ. Lời Chúa trước hết là một thực tại sống động, một uy lực gây nên những hiệu quả mà Thiên Chúa nhắm đến (Gs 21,45 ; 23,14).

 

a/ Thiên Chúa thực hiện điều Người hứa.

 

Lịch sử dân Israel là sự thể hiện những gì Thiên Chúa đã hứa, bất chấp sự bất trung của dân Người: “Không phải vì anh em công chính hay vì lòng anh em ngay thẳng mà anh em sắp được vào chiếm hữu đất… Đức Chúa làm như vậy để giữ vững lời Người đã thề với cha ông anh em, là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp” (Đnl 9,5; 1V 2,4). Các biến cố xảy ra trong dòng dịch sử đều tuân theo mệnh lệnh của Người (Is 44,7tt).

 

b/ Lời Chúa sáng tạo, điều hành và bảo tồn vũ trụ.

 

Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ muôn loài dưới hình thức một Lời : “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời… Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,6-9; St 1). Kể từ đó Lời tiếp tục hoạt động trong vũ trụ, điều hành muôn tinh tú (Is 40,26) và toàn thể mọi hiện tượng trong thiên nhiên (Tv 107,25 ; G 37,5-13). Hơn tất cả mọi thứ thực phẩm trên trần gian, Lời Chúa, như manna bởi trời, bảo tồn sự sống cho những kẻ tin vào Người (Kn 16,26 ; Đnl 8,3).

 

c/ Lời Chúa dẫn đưa lịch sử cứu độ đến sự hoàn thành viên mãn.

 

Isaia đã tuyên xưng : “Cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (Is 40,8).  Chính thế, từ thế kỷ này sang thế kỷ nọ, dân Israel thành kính tiếp nhận Lời Chúa, bởi vì Lời Chúa qua từng giai đoạn lịch sử vạch rõ cho họ thấy tương lai của mình. Không một biến cố nào có thể lột tả hết được ý nghĩa của Lời Chúa, khi mà “thời cuối cùng” chưa xảy đến (Dn 9).

 

2/ Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa

 

Trong lời tựa của Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 1,1-18), chúng ta nhận thấy tác giả đã trình bày hoạt động của Đức Giêsu - Ngôi Lời theo một hình pa-ra-bôn rất độc đáo : Ngôi Lời phát xuất từ Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể làm người, Ngôi Lời thực hiện công trình cứu chuộc, Ngôi Lời trở về với Thiên Chúa, đúng như lời Đức Giêsu đã nói về chính mình: “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16,28).

 

a/ Ngôi Lời trong công cuộc sáng tạo.

 

Thánh Gioan tuyên xưng: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Lời tuyên xưng đó gợi chúng ta nhớ đến chương 1 của sách Sáng Thế. Chương này trình thuật việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ muôn loài, trong đó tác giả lặp đi lặp lại cũng một điệp khúc: “Thiên Chúa phán: Phải có… liền có…” (St 1,3.6.9.11.14.20.24.26). Điệp khúc đó dạy chúng ta hai điều sau đây: vạn vật đều phải nhờ Lời của Thiên Chúa để xuất hiện trong vũ trụ; Lời của Thiên Chúa là Lời hoàn toàn hữu hiệu, “phán” và “có” là một. Một số giáo phụ đã liên kết động từ “phán” này của sách Sáng Thế với danh xưng “Ngôi Lời” trong Tin Mừng Gioan, để rồi đi đến kết luận: Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ bằng chính Ngôi Lời của Người như trong lời tuyên xưng của thánh Gioan Tông đồ.

 

b/ Ngôi Lời trong công cuộc nhập thể

 

Đáy của hình pa-ra-bôn trong lời tựa của Tin Mừng Gioan, như chúng ta vừa nói ở trên, chính là câu: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Từ ngữ Hy lạp “sarx” (xác phàm, người phàm) trong Tin Mừng của thánh Gioan không mang ý nghĩa xấu xa như trong các thư của thánh Phaolô (con người sống theo xác phàm đối lập với con người sống theo Thần khí), mà chỉ muốn ám chỉ toàn diện con người, cả xác lẫn hồn, yếu đuối, mỏng giòn, hay hư nát. Lời vĩnh cửu và xác phàm quá tương phản và cách vượt với nhau như trong mô tả của ngôn ngữ Isaia: “Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi Thần khí Đức Chúa thổi qua. Phải, dân là cỏ: cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (Is 40,6-8). Thế nhưng giờ đây Lời vĩnh cữu và xác phàm lại được phối hợp trong một ngôi vị duy nhất. Điều này nói lên tình yêu vô biên của Ngôi Lời Thiên Chúa khi chiếu cố tột cùng đến thân phận yếu hèn của nhân loại, bằng cách đảm lấy chính thân phận đó. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã diễn tả một cách rất cảm động như sau: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,14-15).

 

c/ Ngôi Lời trong công trình cứu chuộc.

 

Thánh Gioan Tông đồ tuyên xưng tiếp: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người… Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ trở thành con Thiên Chúa” (Ga 1,9.12). Qua đó thánh Gioan cho thấy Ngôi Lời là quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Người không chỉ nói lời của Thiên Chúa, mà Ngừơi còn hành động do quyền năng của Thiên Chúa. Chỉ một lời, Đức Giêsu đã hoàn tất các phép lạ là những dấu chỉ minh chứng Nước Trời đang đến: “Xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8.16; Ga 4,50-53). Cũng chỉ một lời, Người ban những ân sủng thiêng liêng cho những tâm hồn đón nhận Người với lòng tin, chẳng hạn ơn tha tội: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” (Mt 9,2). Chỉ một lời, Người thông ban quyền năng của mình cho nhóm Mười Hai: “Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 26,26-28). Như vậy, trong Đức Giêsu và qua Đức Giêsu, Lời thực hiện chương trình cứu độ ở trần gian.

 

d/ Ngôi Lời trở về với Thiên Chúa.

 

Điểm xuất phát của hai nhánh pa-ra-bôn chính là câu Ga 1,1a: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Thì ngược lại, điểm kết thúc chính là câu Ga 1,1b: “Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa”. Ngôi Lời xuất phát từ Thiên Chúa và Ngôi Lời sẽ trở về với Thiên Chúa, bởi vì “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1c). Như lời Chúa phán qua miệng Isaia: “Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mệnh Ta giao phó” (Is 55,11), Ngôi Lời cũng trở về với Thiên Chúa sau khi hoàn tất mỹ mãn mọi ý định của Người, như lời tuyên xưng trong bài thánh ca gởi tín hữu Êphêsô: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người. Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lĩnh là Đức Kitô” (Ep 1,7-10).

 

*

 

Chung quanh Ngôi Lời nhập thể, một vở kịch đã được dàn dựng. Vở kịch này tồn tại từ khi Thiên Chúa nói với con người qua các sứ ngôn. Như vậy, khi các sứ ngôn công bố Lời Chúa là chính Ngôi Lời diễn giải qua miệng họ. Chính Ngôi Lời đã mặc lấy nhục thể ở thời sau hết để trực tiếp nói với con người, khi Chúa Cha sai Người đích thân đến trong thế gian. Kể từ đây, một sự hiện diện trực tiếp và hữu hình đã thay thế cho những hành động ẩn dấu chỉ mang tính cách chuẩn bị. Nhưng vấn đề then chốt mà Lời Chúa đặt ra cho con người chúng ta vẫn không thay đổi: kẻ nào tin vào Lời, nhận biết Ngôi Lời và đón nhận Người, sẽ nhờ Người mà bước vào đời sống thần linh của con cái Thiên Chúa (Ga 1,12); kẻ nào từ chối Lời, không nhìn nhận Ngôi Lời, kẻ ấy ở chỗ tối tăm của thế gian và do đó bị phán xét (Ga 3,17tt). Mỗi người trong chúng ta đều được đặt đối diện với Lời: cách công khai khi đối diện với Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, cách kín đáo khi tiếp xúc với Lời dưới những hình thức khác. Ngôi Lời nói với mỗi người và chờ đợi nơi mỗi người một lời đáp trả. Linh mục khi rao giảng là rao giảng Đức Kitô. Vì thế, linh mục phải trở nên Lời của Người.

 

II. Lời sống động trong Chúa Thánh Thần

 

Khi nói về tác động của Chúa Thánh Thần trong Kinh thánh, Công Đồng Vaticanô II dạy: “Đức Kitô là Đấng hoàn tất mặc khải và là chính sự mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa. Nhưng con người chỉ có thể tin nhận mặc khải của Đức Kitô khi có sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: người đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa. Người mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý. Và để người ta hiểu biết mặc khải sâu xa thêm mãi, cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng ban các ân huệ để kiện toàn đức tin” (Hiến chế Mạc khải, số 5).

Như vậy, Chúa Thánh Thần không những là tác giả của Kinh thánh, mà còn làm cho con người đón nhận Kinh thánh như là Lời Chúa hằng sống để nhờ đó họ sống trong Đức Kitô và trung thành với Đức Kitô.

 

1. Trong Chúa Thánh Thần, Kinh Thánh trở thành Lời sống động.

 

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Người là sự sống của Giáo hội, Người cũng làm cho Lời Chúa trở thành Lời sống động. Không có Chúa Thánh Thần, Lời của Đức Kitô sẽ không còn là Lời hằng sống, cũng như Giáo hội không thể sống và tồn tại nếu không có Chúa Thánh Thần.

Giáo chủ Ignatiô de Lattaquie đã phát biểu tại Hội nghị Đại kết các giáo hội tổ chức tại Upsal năm 1968 như sau:

 

“Nếu không có Chúa Thánh Thần:

Thì Thiên Chúa quả thực là xa xôi,

Đức Kitô chìm quên trong quá khứ,

Tin Mừng chỉ là văn tự chết khô,

Giáo hội có gì khác hơn một tổ chức trần thế,

Quyền bính chỉ còn là để cai trị,

Truyền giáo biến thành tuyên truyền,

Phụng tự khác chi đồng bóng,

Và cuộc sống Kitô hữu èo ọt trong luân lý chủ-nô.

Nhưng trong Thánh Thần:

Vũ trụ vươn cao, rên siết vì Nước trời sinh hạ,

Đức Kitô phục sinh cư ngụ cõi người ta,

Tin Mừng đổ tràn sức sống,

Giáo hội thể hiện mối hiệp thông của Ba Ngôi,

Giáo quyền là phục vụ giải phóng,

Truyền giáo là một lễ Hiện Xuống,

Phụng vụ sống lại quá khứ và mở cửa tương lai,

Sinh hoạt của con người trở nên thần thiêng cao cả”.

 

Đúng vậy, nếu không có Chúa Thánh Thần, thì Kinh Thánh chỉ là văn tự vô hồn. Kinh Thánh chỉ trở thành Lời của Chúa, Lời hằng sống, khi chúng ta đọc và lắng nghe trong Chúa Thánh Thần.

 

Ta có thể loại suy từ các bí tích để hiểu vai trò cần thiết của Chúa Thánh Thần trong việc đọc Lời Chúa. Khi cử hành bí tích, một yếu tố vật chất chỉ trở thành dấu chỉ khả giác sinh ơn cứu độ khi Giáo hội kêu cầu Chúa Thánh Thần (epiclesis) đến biểu lộ quyền năng thánh hóa trong chính yếu tố vật chất ấy, ví dụ: trong thánh lễ, Giáo hội kêu cầu nài xin Chúa Thánh Thần đến thánh hóa và thánh hiến bánh và rượu để trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Nếu không có Chúa Thánh Thần, vật chất vẫn chỉ là vật chất chứ không thể trở thành bí tích. Cũng vậy, Kinh Thánh cũng có hai phương diện: đó là Lời của Chúa và Lời ấy được diễn tả bằng ngôn ngữ của con người, vì thế, nếu không có ánh sáng và sự tác động của Chúa Thánh Thần, thì bản văn Thánh kinh vẫn chỉ là những chữ viết và lời nói của con người, chứ chưa biến thành Lời của Chúa và không tạo nên được sự biến đổi nơi tâm hồn người tín hữu.

Vì thế, cũng như ta kêu cầu Chúa Thánh Thần khi cử hành các bí tích, thì cũng cần phải kêu cầu Chúa Thánh Thần (epiclesis) mỗi khi đọc, rao giảng, hoặc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.

 

2. Chúa Thánh Thần làm cho Lời Đức Kitô trở thành hiện thực

 

Đức Kitô vẫn chỉ là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13,8). Ta có thể dựa vào lời ấy để nhận ra những chiều kích khác nhau của Lời Chúa. Những chiều kích nầy được thực hiện nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần.

 

1/ Thánh Thần làm cho ta gặp gỡ Chúa Giêsu và tin Lời Người.

 

Vai trò của Chúa Thánh Thần tuy âm thầm nhưng rất cần thiết cho việc gặp gỡ Chúa Giêsu và Chúa Cha. Trong biến cố Đức Kitô chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần không làm gì, cũng không nói gì, nhưng chỉ hiện diện ở đó để chứng kiến cảnh Chúa Con thực hiện ý muốn Chúa Cha và Chúa Cha tuyên bố hài lòng về Con. Chúa Thánh Thần là tình yêu, là môi sinh thần linh, để Cha và Con gặp gỡ và hiệp nhất với nhau. Cũng vậy, Chúa Thánh Thần cũng chính là môi sinh thần linh để ta gặp gỡ Đức Kitô và Lời của Người, một cách sống động, hiện tại, trực tiếp, cho dù xét về không gian và thời gian của con người, ta và Đức Kitô cách nhau rất xa.

 

Lời rao giảng của người tông đồ là lời của chính Đức Kitô (2 Cr 2,17; 13,3), và vì thế không thể tách rời Chúa Thánh Thần khỏi lời rao giảng. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, chính Người thúc đẩy các tông đồ lên tiếng: “Đầy Thánh Thần, họ bắt đầu nói” (Cv 2,4). Chúa Thánh Thần tác động trên cả người giảng lẫn người nghe Lời Chúa, và ngày hôm đó, đã có khoảng ba ngàn người tin vào Đức Kitô (Cv 2,1-14). Thánh Phaolô cũng nói: “Tôi nói, tôi giảng, mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan của người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 2,4).

 

Chúa Thánh Thần mở lòng trí chúng ta để chúng ta tin vào Lời Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu. “Không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1Cr 12,3). Ta nghe Lời của Đức Kitô bằng đôi tai của thân xác, nhưng có Chúa Thánh Thần là “Đấng Bảo Trợ đến, Người là Thần linh sự thật phát xuất từ Chúa Cha, người sẽ làm chứng về Đức Kitô” (Ga 15,26). Đó là một chứng tá nội tâm, từ trong thẳm sâu của cõi lòng, để ta gặp gỡ một ngôi vị sống động, gặp gỡ một tình yêu cứu độ. Lời Đức Kitô trở thành Lời hiện tại, như thể đang nói với một mình tôi, cho riêng mình tôi: Lời măc khải tình yêu, Lời thôi thúc hoán cải, Lời mời gọi lên đường. Chính Thánh Thần mở mắt chúng ta, để chúng ta thấy được khuôn mặt Đức Kitô xuyên qua những trang giấy. Thánh Thần là sự tự do: Người cất đi tấm màn che, giải phóng tầm mắt, và như thế chúng ta thấy mình diện đối diện với Chúa, được ngắm vinh quang tỏa chiếu trên khuôn mặt Người (2 Cr 3,17t).

 

2/ Lời Chúa được hiện tại hóa trong “ngày hôm nay”.

 

Đức Kitô là chính sự mặc khải trọn vẹn về Chúa Cha, ai thấy Người là thấy Chúa Cha. Nhưng chúng ta không thể hiểu Chúa Giêsu và những mặc khải của Người nếu không có ơn Chúa Thánh Thần: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13). Không phải là Đức Giêsu chưa mặc khải hết cho ta, nhưng với sức riêng, ta chưa thể hiểu hết được, chỉ có Chúa Thánh Thần mới giúp ta hiểu trọn vẹn về Đức Giêsu.

Phụng vụ là môi trường tốt nhất để Chúa Thánh Thần giúp ta ngày này qua ngày khác, dần dần đi tới chỗ nhận biết Đức Giêsu cách hoàn hảo hơn. Lời Chúa trong phụng vụ công bố các biến cố cứu độ, nhất là mầu nhiệm Đức Kitô, và chính Chúa Thánh Thần giúp ta hiểu ý nghĩa và sống các biến cố ấy một cách thực sự, trong hiện tại. “Lời Thánh Thần phán: Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa,…” (Dt 3,7). Dù ta sống ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử, Lời Chúa vẫn luôn luôn là một thực tại sống động đang được thể hiện. Chúng ta luôn sống trong ngày hôm nay của Thiên Chúa (x. Dt 3,13.15…). Tin mừng Luca kể: Đức Giêsu được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy, Người trở về Nazareth và giảng dạy trong hội đường. Sau khi đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).

 

Vai trò của người rao giảng là làm sao để cộng đoàn Dân Chúa nhận ra tính cách sống động và hiện tại của Lời Chúa. Tất cả các biến cố cứu độ như đang được kết tinh vào trong ngày hôm nay. Vì thế, diễn giải Lời Chúa trong Phụng vụ hoàn toàn khác với các loại giảng thuyết trong cuộc sống thường nhật. Đó không phải là một bài diễn thuyết với những lý lẽ cao siêu, văn từ thật kêu, phong cách hùng biện. Đó cũng không phải là một bài học về Kinh Thánh với những chú giải khô khan bác học dành cho chuyên viên; Và đó càng không phải là một giờ kể chuyện linh tinh hoặc nhắc bảo về những sinh hoạt của xứ đạo. Diễn giải Lời Chúa trong thánh lễ là làm sao để tín hữu cảm nhận được tính cách ngày hôm nay của Lời Chúa, tức là giúp họ nhận ra rằng những điều vừa được công bố, thì đã được thực hiện và đang diễn ra trong chính ngày hôm nay, trong chính bối cảnh cuộc sống cụ thể hằng ngày của Dân Chúa. Vào mỗi thời điểm khác nhau, với những thính giả khác nhau, và trong những hoàn cảnh khác nhau, Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta nhận ra những khía cạnh khác nhau của biến cố cứu độ để đi vào sự thật toàn vẹn của Lời Chúa. Và vì thế, sẽ không thể có bài giảng mẫu dọn sẵn cho mọi người, và cũng không thể có một bài giảng được dọn một lần cho tất cả. Điều này đòi buộc người rao giảng phải là người trước tiên chìm đắm trong suy niệm cá nhân sâu xa, và phải đặt mình trong bối cảnh của cộng đoàn để nhận ra những điều Chúa Thánh Thần thực sự muốn nói với cộng đoàn của mình trong bối cảnh của ngày hôm nay.

 

3. Chúa Thánh Thần quy chiếu Lời Chúa về biến cố Đức Giêsu Kitô.

 

Bảo rằng Chúa Thánh Thần đang nói với chúng ta hôm nay, không có nghĩa là Chúa Thánh Thần mặc khải điều gì mới lạ, vì Lời mặc khải của Thánh Thần cũng chính là lời mặc khải của Đức Giêsu: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Người sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). “Thánh Thần sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14).

 

Thật vậy, Chúa Thánh Thần luôn quy chiếu về biến cố Đức Giêsu Kitô. Đây là biến cố trung tâm, là đỉnh cao và là nguồn mạch của ơn cứu độ. Tách rời khỏi Đức Giêsu lịch sử, mọi lời nói sẽ trở thành rỗng tuếch và có nguy cơ đánh mất chân tính của Kitô giáo. Giáo hội vẫn mãi mãi là Giáo hội tông truyền, một Giáo hội đặt nền tảng trên Đức Giêsu Nazareth là Ngôi Lời Nhập thể. Người ta ca ngợi Công đồng Vaticanô II là mới mẻ, tiến bộ. Nhưng sở dĩ Vaticanô II mới là vì đã biết trở về nguồn, trở về với quá khứ cội nguồn của mình là Đức Giêsu và Tin Mừng, một Tin Mừng đã có từ 2000 năm nay. Lẽ dĩ nhiên, Giáo hội cần phải thích nghi với thời đại và đuổi kịp bước tiến của lịch sử. Giáo hội phải đáp ứng những khát vọng của con người hôm nay. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần luôn nhắc cho Giáo hội nhớ rằng mọi tiến bộ, mọi sáng kiến và thích nghi, đều phải quy chiếu về Đức Giêsu và để cho Tin Mừng của Người thanh lọc và xét xử. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nhiều lần lên tiếng cảnh giác một Châu Âu rất hiện đại đang có nguy cơ đánh mất căn tính Kitô giáo của mình. Tại nhiều nơi trên thế giới, Kitô giáo đang mất dần sự quy chiếu về Thiên Chúa qua Đức Giêsu và chỉ còn là một Kitô giáo chiều ngang của lòng nhân ái và phát triển trần thế.

 

Chính vì thế, như lời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong thư gởi các linh mục trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh 2005 (số 5): cần phải “phát triển một “linh đạo hồi tưởng”. Thời nay, khi mà những thay đổi nhanh chóng về văn hóa và xã hội đang làm yếu dần ý thức về truyền thống và đặc biệt đang đặt thế hệ trẻ trước nguy cơ đánh mất nguồn gốc của mình, thì trong cộng đoàn được giao phó cho mình, vị linh mục được mời gọi trở nên người của ý thức trung thực về Đức Kitô và về toàn bộ mầu nhiệm của Người: từ lúc được tiên báo trong Cựu Ước, đến khi hoàn thành trong Tân Ước, rồi ngày càng được thấu hiểu dưới tác động của Thánh Thần, như Đức Giêsu đã hứa rõ ràng: Người sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).

 

Mặc dầu Chúa Thánh Thần nhắc lại lời Đức Giêsu nhưng không bao giờ lặp lại những lời ấy theo cùng một cách. Mỗi lần lặp lại, Người đều gắn cho những lời ấy một âm hưởng bất ngờ, khiến chúng trở nên mới mẻ và mang tính cấp bách. Chúa Thánh Thần nhắc nhở Giáo hội về giáo huấn của Đức Kitô một cách tích cực và thực tiễn. Vì thế, người nào chỉ dựa vào khả năng riêng của mình để tìm hiểu, thì chỉ tìm ra những từ ngữ, nhưng sẽ không hiểu được sứ điệp của Đức Kitô: họ chỉ học đựơc sứ điệp ấy nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

 

4. Trong Thánh Thần, Lời Chúa mở đường tới tương lai.

 

Chúa Thánh Thần nói lại những điều cũ, nhưng đồng thời cũng “loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,15). Người dùng quá khứ để xây dựng tương lai. Người là sự tiến bộ sống động, luôn hướng về giai đoạn sắp tới. Thánh Thần là nguồn phát sinh những quyết định lớn lao thúc đẩy Giáo hội tiến triển trong sứ vụ của mình. Sách Công vụ Tông đồ nhấn mạnh sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Công đồng Giêrusalem (Cv 15,28) và nói rằng chính Thánh Thần quyết định để Phaolô qua Macêđônia loan báo Tin Mừng (Cv 16,6).

 

Chúa Thánh Thần luôn dùng Tin Mừng của Đức Kitô để thúc đẩy Giáo hội tiến bước trong lịch sử nhân loại. Lời Chúa chính là sức năng động nâng đỡ và hướng dẫn lịch sử. Trong thời Cựu Ước, niềm hy vọng Đấng Thiên Sai chính là cột trụ nâng đỡ dân Chúa qua những bước thăng trầm của lịch sử, và lời rao giảng của các ngôn sứ là sức mạnh thúc đẩy lịch sử Israel tiến lên. Cũng vậy, hôm nay Chúa Thánh Thần đang thúc đẩy Giáo hội tiến lên để làm cho Tin Mừng Đức Kitô thâm nhập vào thế giới. Chính Tin Mừng sẽ là trụ cột nâng đỡ tòa nhà nhân loại và thúc đẩy lịch sử tiến về trời mới đất mới. Văn minh tình thương mà Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô II kêu gọi nhân loại tiến tới, chính là văn minh của Tin Mừng. Tương lai của nhân loại được ươm mầm từ hai mươi thế kỷ qua. Men của Tin Mừng đã được ủ vào rá bột trần gian và gìn giữ cho thế giới khỏi băng hoại nhờ sức mạnh của Thánh Thần.

 

***

Lời Chúa đã được ban cho Giáo hội, nhưng để Lời ấy trở thành Lời ban sự sống, chúng ta luôn cần đến mặc khải của Chúa Thánh Thần, một mặc khải vừa liên tục vừa mạnh mẽ, vừa truyền thống, vừa tiến bộ. Cũng như ngày xưa trong sa mạc, ban ngày cột mây đi trước mở đường cho dân Israel, còn ban đêm thì trở thành đám mây sáng ngời dẫn lối, ngày nay cũng vậy, Chúa Thánh Thần ở ngay trong lòng Giáo hội và làm cho Tin Mừng của Đức Kitô rực sáng lên để dẫn dắt Giáo hội trong cuộc lữ hành tiến đến cánh chung. Công cuộc ấy, Chúa Thánh Thần thực hiện qua sứ vụ của linh mục. Do đó, chúng ta phải làm thế nào để có Chúa Thánh Thần trong suy nghĩ, trong dự định, trong lời rao giảng và trong họat động của chúng ta.

 

 


Mục Lục Góp Nhặt Hoa Rơi