Thứ Năm tuần II mùa Chay

Suy niệm Lu-ca 16:19-31

 

Có một ông nhà giàu kia… ngày ngày yến tiệc linh đình.  (Lu-ca 16:19)

 

          Bạn nghĩ ông này giàu có cỡ nào?  Chúng ta có thể giả thiết rằng số phận cùng khốn của ông ta chỉ là hậu quả do sự kiện ông ta quá giàu có.  Tuy vậy Chúa Giê-su không khi nào nhắc tới việc ông ta có được bao nhiêu, vì đó thực sự không phải là đề tài của dụ ngôn.  Vấn đề đích thực là khoảng cách biệt giữa người giàu với La-da-rô.  Nhà phú hộ này có dư thừa, trái lại La-da-rô ngay cả những nhu cầu căn bản cũng không có.  Chắc chắn nhà phú hộ thừa khả năng làm một điều gì đó để giúp đỡ La-da-rô, nhưng ông ta đã không làm.  Và đó chính là lý do tại sao ông ta phải “chịu cực hình dưới âm phủ” (Lu-ca 16:23).

          Nhiều người chúng ta sống trong những điều kiện đến ngay nhà phú hộ kia cũng phải ganh tị.  Chúng ta lớn lên trong xã hội ở đó người ta coi là bình thường khi có xe hơi, nhà lầu, máy truyền hình và đồ ăn uống dư thừa.  Tuy nhiên không xa chúng ta lắm, lại có những người cho là mình được may mắn vì mỗi ngày có được một bữa ăn và một căn gác xép hay tấm lều để ngủ.  Chúng ta phản ứng thế nào trước tình trạng chênh lệch đến chóng mặt ấy?

          Bài đọc hôm nay cho chúng ta cơ hội xét lại thái độ của chúng ta đối với sự giàu có và tiền bạc.  Theo giáo lý của Chúa Giê-su, Giáo Hội dạy chúng ta rằng tiền bạc không phải tuyệt đối thuộc về chúng ta để chúng ta muốn sử dụng thế nào tùy ý.  Mọi sở hữu của chúng ta nói cho cùng vẫn là từ Chúa mà đến và Người muốn chúng ta chia sẻ nó với các con cái Người, nhất là khi chúng ta có được nhiều hơn là chúng ta cần.  Rồi đôi khi nếu nhu cầu giúp đỡ thực sự lớn lao thì chúng ta cũng phải dùng chính những thiếu thốn của chúng ta mà chia sẻ nữa.  Cho những người cùng khốn không chỉ là vấn đề quảng đại hay bác ái.  Nhưng đó còn là vấn đề công bằng.  Đó là những gì chúng ta mắc nợ họ vì họ là anh chị em chúng ta.

          Câu truyện này bảo chúng ta rằng chúng ta có thể đem thiên đàng xuống gần trần gian hơn một chút, dù chỉ là cho một người thôi.  Khi chúng ta làm dịu đi đau khổ của người khác là chúng ta đang giúp cho Nước Chúa trở thành một thực tại ngay bây giờ và ở tại đây.  Chúng ta trở thành một dấu hiệu cho thấy mọi sự sẽ như thế nào ở trên thiên đàng, khi mọi giọt lệ sẽ được lau khô và mọi người sẽ được đối xử như nhau, là anh chị em thân yêu trong Chúa Ki-tô.

 

          “Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra La-da-rô ở ngay trước cửa nhà con, là những người đói khát, ngheo khổ, bệnh tật và cô đơn.  Xin cho con biết cho họ không chỉ bánh ăn vật chất, mà con là bánh sự hiện diện của Chúa nữa”.