Thứ Bảy tuần Bát Nhật Phục Sinh

Suy niệm Công Vụ Tông Đồ 4:13-21

 

Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phê-rô và ông Gio-an mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân.  (Công Vụ Tông Đồ 4:13)

 

          Khi phải rao giảng Tin Mừng, chúng ta phải khởi đầu từ đâu?  Như các Tông đồ đã biết, nền tảng của việc rao giảng Tin Mừng phải là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giê-su.  Theo Đức Giáo hoàng Biển-đức XVI nhận xét, các Tông đồ chỉ “là tiếng hô lên một tư tưởng, nhưng là những chứng nhân cho một người”.

          Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, chúng ta thấy ông Phê-rô và Gio-an chu toàn mệnh lệnh Chúa Giê-su dạy “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mác-cô 16:15).  Trong khi chưa đi “khắp tứ phương thiên hạ” được, thì họ đã bắt đầu sứ mệnh tại nơi họ đang ở, với những người chung quanh và làm cho những người nghe họ giảng được biết Chúa Giê-su.

          Thật thích thú vì ở thời điểm này trong cuộc đời, ông Phê-rô vẫn còn là một người lưới cá năng nổ chứ không phải là một thần học gia sâu sắc hay một người đã được đào tạo để nói trước công chúng.  Lại nữa, cuộc nói chuyện của ông với dân chúng đầy những trích dẫn Kinh Thánh và thật rõ ràng, lý luận theo đường lối của Chúa.  Rõ ràng ông Phê-rô không đứng ra nơi đó rồi nói ba hoa.  Nhưng đúng là ông đã học hỏi Kinh Thánh và sắp xếp những dữ kiện hiểu biết về Chúa Giê-su và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

          Đồng thời ông Phê-rô đã cầu nguyện và đầy lòng nhiệt thành.  Ông muốn làm nhiều hơn là chỉ đơn thuần trình bày cho người ta hiểu việc chữa lành dựa trên Kinh Thánh.  Ông muốn thấy người ta đón nhận Tin Mừng, do đó ông dựa vào Thánh Thần để xuyên thấu tâm hồn người nghe ông giảng.

          Sự quân bình của ông Phê-rô giữa việc lý giải đâu ra đó và lòng tín thác vào Thánh Thần có thể là mẫu mực cho phương thức rao giảng Tin Mừng.  Chúng ta có cùng những khí cụ giống như ông Phê-rô đã có, thậm chí còn hơn cả ông nữa.  Không những chúng ta có sách Kinh Thánh với những ghi chú và giải thích, chúng ta còn có sách Giáo lý và chứng từ của không biết bao nhiêu vị thánh.  Và dĩ nhiên chúng ta có cùng một Chúa Thánh Thần dẫn dắt và ban sức mạnh cho chúng ta.  Cũng như ông Phê-rô, càng gần Chúa Giê-su qua cầu nguyện bao nhiêu, việc lý giải của chúng ta càng hữu hiệu khi chúng ta chia sẻ Tin Mừng bấy nhiêu.

          Vậy bạn đừng sợ phải nói cho người khác biết lý do tại sao bạn hy vọng (1 Phê-rô 3:15).  Bạn hãy đọc, hãy nghiên cứu, hãy học hỏi Tin Mừng, để bạn có thể xây dựng một nền móng chắc chắn cho việc trình bày.  Và bạn cũng hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện.  Thực sự bạn có thể tạo ra những thay đổi nơi những người chung quanh bạn!

 

          “Lạy Chúa Thánh Thần, con xin Chúa vừa dạy dỗ vừa ban sức mạnh cho con, để con trở nên chứng nhân hữu ích cho Tin Mừng.  Xin Chúa ban cho con được sự mạnh dạn của các vị Tông đồ tiên khởi!”