Thứ Bảy tuần 15 Thường niên

Suy niệm Xuất Hành 12:37-42

 

Cả một đám đông hỗn tạp cùng lên với họ.  (Xuất Hành 12:38)

 

          Vậy ai là những kẻ làm thành “đám đông hỗn tạp” cùng với dân Do-thái rời bỏ Ai-cập?  Có lẽ một số là những người dân ngoại đã kết hôn với người Do-thái.  Có lẽ một số khác là con cháu của những người đã kết hôn ấy.  Còn những người khác hình như là những ngoại kiều đã bị bắt buộc làm nô lệ giống như những người Do-thái và giờ đây nắm lấy cơ hội trốn thoát bằng cách trà trộn vào đoàn người của ông Mô-sê.  Có thể họ chia sẻ với người Ít-ra-en cùng một niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng giải phóng.  Cho dù là ai đi nữa, những người đã được tự do trong cuộc Xuất hành đều vượt trên mọi ràng buộc chặt chẽ của dân tộc Do-thái.

          Cũng như đám đông đã rời Ai-cập trong cuộc Xuất hành là “hỗn tạp”, Giáo Hội Ki-tô giáo hôm nay cũng vậy.  Không phải mọi Ki-tô hữu đều thờ phượng cách giống nhau hoặc có những điều tin như người Công giáo chúng ta đang có.  Nhưng dù chúng ta có bất cứ khác biệt nào thì Chúa vẫn kêu gọi chúng ta hãy đối xử với nhau với lòng kính trọng.  Như sắc lệnh của Công Đồng Vatican II về sự Hiệp nhất đã minh định, “Mọi người đã được công chính hóa nhờ đức tin khi lãnh nhận Rửa tội đều là thành viên của thân thể Chúa Ki-tô”.  Chúng ta hết thảy là anh chị em trong Đức Ki-tô!  Chúng ta hết thảy là một gia đình.  Chúng ta hết thảy đều bước ra khỏi Ai-cập và tiến về Đất Hứa.

          Vậy làm sao chúng ta có thể giúp nhau trong cuộc hành trình này?  Chúng ta phải làm gì để nuôi dưỡng sự hiệp nhất Ki-tô giáo?  Một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể làm, đó là hãy nhìn người ta dưới những truyền thống khác nhau bằng con mắt yêu thương và kính trọng.  Chúng ta có thể tránh đi những quá khích và thiên kiến đã thường làm cho các Ki-tô hữu từ những truyền thống khác nhau không đến được với nhau.  Thí dụ, chúng ta phải cẩn thận đừng chế giễu những truyền thống khác hoặc đi quá xa đến độ cho rằng những truyền thống này không phải là Ki-tô giáo.  Dĩ nhiên chúng ta đừng nhượng bộ trước những khác biệt thực sự và trầm trọng, nhưng chúng ta cũng đừng bao giờ để cho những khác biệt này làm chúng ta sợ hãi không dám tiến đến mục tiêu hiệp nhất.

          Chúng ta cũng có thể cùng nhau làm việc, phục vụ trong một bệnh viện phò sự sống của địa phương, giúp đỡ người nghèo và neo đơn hoặc lang thang không nhà.  Khi tìm cách quen biết nhau, chúng ta sẽ nhận thấy có nhiều điều liên kết chúng ta lại hơn là chia rẽ chúng ta với nhau.  Điều ấy có thể thúc giục chúng ta hãy cầu nguyện sâu xa hơn nữa để có được sự hiệp nhất đích thực giữa mọi tín hữu.

 

          “Lạy Cha, xin dạy hết thảy chúng con biết cùng nhau lớn lên trong sự hiệp nhất và yêu thương”.